Tham dự Hội thảo có đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Vụ Giáo dục mầm non, lãnh đạo Trường ĐHSP Hà Nội, hơn 150 đại biểu là các chuyên gia đến từ trung tâm Seameo CECCEP – Indonesia, Đại học Auckland – New Zealand, Bộ GD-ĐT, Viện KHGD Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức giáo dục có liên quan đến GDMN như VVOB, Save the children…, hơn 30 trường ĐH, CĐ đào tạo ngành GDMN, các trường mầm non, cơ quan quản lý GDMN của cả nước từ Lai Châu, Sơn La, Yên Bái đến Vinh, Huế, TP HCM, Cần Thơ…
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn- Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nhấn mạnh: Là một trong những cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, nhà trường ý thức rõ vấn đề học thuật phải được đưa lên hàng đầu, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào điều chỉnh và phát triển chương trình đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn- Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu chỉ đạo hội thảo TS. Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục NG&CBQLGD đã đánh giá cao Trường ĐHSPHN, Khoa GDMN đã tổ chức các rất tốt các hội nghị, hội thảo, tập huấn trong những năm vừa qua, hỗ trợ tích cực để Bộ GD&ĐT hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án 33.
TS. Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục NG&CBQLGD phát biểu tại hội thảo
Hội thảo gồm 4 chủ đề thảo luận:
- Định hướng đổi mới chương trình giáo dục mầm non của Việt Nam
- Xu hướng, mô hình đào tạo và phát triển chuyên môn cho giáo viên mầm non
- Phát triển năng lực trẻ em trong Giáo dục Mầm non ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới Giáo dục Mầm non
Các báo cáo tại phiên toàn thể của GS.TS Lê Anh Vinh (Viện KHGD Việt Nam), GS. Vina Adriany (Đại học Pendidikan, Indonesia; Giám đốc tổ chức Seameo CECCEP), PGS.TS Bùi Thị Lâm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), TS. Đỗ Thị Hương Nhu (Đại học RMIT Việt Nam), Ths. Nguyễn Hoàng Chiêu Anh (Nhà chuyên môn Phát triển chương trình Giáo dục cảm xúc, Ths.Nguyễn Thị Hải Diệu (Đại diện Wise Consulting Finland Oy tại Hà Nội) đã làm rõ bối cảnh giáo dục mầm non, những yêu cầu đối với đổi mới GDMN và những định hướng đổi mới chương trình GDMN, các kinh nghiệm về đào tạo, bồi dưỡng GVMN để đáp ứng những định hướng trong đổi mới Chương trình GDMN như phát triển năng lực cảm xúc- xã hội trẻ em, phát triển chương trình nhà trường…
Toàn cảnh đại biểu tham dự hội thảo
Bên cạnh đó, các phiên báo cáo nhóm, báo cáo poster của hội thảo đã thu hút gần 20 báo cáo của các nhóm nghiên cứu đến từ nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã phối hợp cùng trường Đại học Hải Phòng tổ chức chương trình giao lưu khoa học giữa các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên mầm non. Các báo cáo trong giao lưu khoa học đã làm rõ những vấn đề quan trọng trong đào tạo giáo viên mầm non: như đổi mới chương trình đào tạo GVMN trong bối cảnh đổi mới chương trình GDMN, thay đổi chương trình thực hành thực tập sư phạm và phát triển phẩm chất, năng lực cho sinh viên để thích ứng với môi trường nghề nghiệp và thị trường lao động với nhiều thay đổi. Các đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng cũng trao đổi và thảo luận rất sôi nổi về những thuận lợi và thách thức đang đặt ra đối với khối trường ĐH, CĐ trong đào tạo ngành GDMN như việc phân bổ và tích hợp các môn chuyên ngành, thay đổi trong chương trình thực hành thực tập sư phạm và hình thức kiểm tra đánh giá cho sinh viên ngành GDMN…
Các đại biểu tham dự giao lưu khoa học tại Trường ĐH Hải Phòng
Những báo cáo, bài viết, trao đổi thảo luận khoa học tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới chương trình đào tạo và các hoạt động phát triển chuyên môn GVMN đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non nói chung, chương trình GDMN nói riêng. Hội thảo và giao lưu khoa học cũng đã góp phần thiết lập và duy trì mạng lưới trao đổi chuyên môn, học thuật giữa các cơ sở nghiên cứu, đào tạo giáo viên mầm non trong và ngoài nước.
Tin bài và ảnh: Khoa GDMN