Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Giáo sư Vũ Như Canh (1920 - 2016)


03-10-2021

GIÁO SƯ VŨ NHƯ CANH

Giáo sư Vũ Như Canh quả là một con người độc đáo, hấp dẫn. Với chúng tôi, trước hết là chuyện Giáo sư đã ở lại với miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Bấy giờ, sau Hiệp định Giơnevơ (1954), hoà bình được lập lại ở miền Bắc. Nhưng đất nước vẫn bị chia hai. Do đó mà niềm vui giải phóng vẫn phải đi đôi với nỗi buồn cắt chia. Cuộc sống người dân Việt Nam lúc này không kém phần xáo động, thậm chí là đảo lộn. Nhiều người miền Nam tập kết ra Bắc. Nhiều người miền Bắc di cư vào Nam. Ở Hà Nội, cuộc sống của đại học cũng không nằm ngoài tình hình đó. Nhiều giảng viên, viên chức của Đại học Hà Nội cũ do tác động của hoàn cảnh, do chưa có điều kiện hiểu biết bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, đã bỏ Hà Nội để vào Sài Gòn hoặc các đô thị khác. Riêng Giáo sư Vũ Như Canh (dĩ nhiên cũng còn một số người khác nữa) thì đã ở lại. Hiện tượng đó đã được nhiều người quan tâm, bình luận. Không ít người đã nghĩ: Giáo sư Vũ Như Canh đáng ra phải là người đi Nam đầu dọc. Bởi người ta biết giáo sư vốn xuất thân trong một gia đình khá giả ở Hà Nội. Ông anh ruột của giáo sư lại từng là một thạc sĩ luật khoa (trong ngành luật, thạc sĩ cao hơn tiến sĩ, agrégé de droit cao hơn docteur de droit) nổi tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám, đã sống trong Nam, về sau tham gia chính quyền Sài Gòn, từng là quốc vụ khanh (tức bộ trưởng) và ngày miền Nam giải phóng (1975), chính ông anh này là vị Thủ tướng của phía bên kia. Một hoàn cảnh gia đình như thế, nếu giáo sư Vũ Như Canh có vào Nam thì cũng là điều dễ hiểu. Và ngay với bản thân, giáo sư là một người từng nổi tiếng học giỏi, đậu tú tài toán trường Bưởi (tức trường Chu Văn An hiện nay), lại đã du học Pháp, đậu thạc sĩ tại trường đại học Socbonne là trường tiêu biểu nhất cho nền đại học Pháp. Tiếp đó vào năm 1949, vừa ở tuổi 29, đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ vật lý quốc gia (docteur d' état) tại trường đại học Montpellier, để rồi hai năm sau (1951) khi về nước, thì được bổ nhiệm làm giáo sư thực thụ (professeur titulaire) tại Đại học Đông Dương ở Hà Nội. Một năm sau (1952), lại còn được cử làm Phó Hiệu trưởng nhà trường bên cạnh Hiệu trưởng là người Pháp. Một trí thức có địa vị cao sang như thế, lại chưa có điều kiện tiếp xúc, hiểu biết về đời sống cách mạng, nếu có bỏ Hà Nội vào Sài Gòn thì cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng thực tế, giáo sư Vũ Như Canh đã ở lại với miền Bắc xã hội chủ nghĩa để rồi vẫn là một vị giáo sư chính thức trên bục giảng Đại học Sư phạm Khoa học, kiêm giữ chức Phó Giám đốc nhà trường bên cạnh Giám đốc Lê Văn Thiêm. Tiếp theo, suốt mấy chục năm liền, là một giáo sư Vật lý nổi tiếng của khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho đến ngày nghỉ hưu, và sau ngày nghỉ hưu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Động cơ gì đã đưa Giáo sư Vũ Như Canh tới quyết định ở lại với miền Bắc để sống tiếp nhiều năm tháng rất có ý nghĩa với cuộc đời của mình như thế? Mọi lời giải thích quá đơn giản ở đây e là không phù hợp... Chỉ biết giáo sư đã ở lại với miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa trong gian nan vất vả một thời, vừa trong vinh quang của một vị giáo sư đầy tài năng mà cũng đầy cá tính. Ai có dịp theo dõi các phương tiện đi lại của giáo sư từ sau 1954 thì cũng có thể biết phần nào là cuộc sống vất vả mà giáo sư đã nếm trải. Buổi đầu, đi đâu, giáo sư cũng có một chiếc xe ô tô để tự lái. Nhưng chỉ vài năm sau, đã không thấy ô tô nữa chỉ thấy một chiếc vespa vào loại cũng còn khá oách. Nhưng một thời gian sau, vespa cũng lại biến nốt để nhường chỗ cho một chiếc xe đạp trẻ con Liên Xô - Các bạn trẻ hôm nay, cố mà hình dung được hình ảnh giáo sư vật lý nổi tiếng Vũ Như Canh, vốn có một thân hình to khoẻ, chắc nịch mà hàng ngày cứ ngồi trên cái xe đạp trẻ con Liên Xô đó trong việc vào ra từ nội thành đến Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại cây số 8 đường Hà Nội – Sơn Tây (nay là đường Xuân Thuỷ) này để lên lớp mà không hề chậm một phút, mà vẫn giảng bài như một nghệ sĩ - sư phạm tài ba, nói không thừa một chữ mà nói một lần là đủ mạch lạc, đủ thấu đáo, đủ chắc như đinh đóng cột. Học trò cứ chịu khó ghi chép đủ lời thầy là có thể in thành sách. Và trong khi đó thì giáo sư chưa bao giờ nói một lời kêu ca này nọ, thậm chí một chút nhăn trán cũng không thấy. Vậy Giáo sư Vũ Như Canh - con người ấy - là thế nào? Con người ấy đã có một bản lĩnh sống không dễ gì có. Sống là hồn nhiên, vô tư trước gian nan vất vả. Xem ra có vẻ như là một dẫn chứng cho hai mệnh đề của Nho giáo: “Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di” (Phú quý mà không thái quá, nghèo khó vẫn không đổi lòng).

Không biết giáo sư có để ý đến hai mệnh đề đó không. Sống là tự trọng với quyết định của mình là đã ở lại với miền Bắc xã hội chủ nghĩa thì phải sống cho ra sống với nó, bởi miền Bắc là Tổ quốc, là nhân dân, là quê hương, là nơi chôn rau cắt rốn, là mảnh đất sống từng có của mình, chứ có gì khác đâu. Và với giáo sư, sống cụ thể là dạy học, là đào tạo nhân tài cho đất nước. Vinh quang đã đến với giáo sư. Ấy là thuận lẽ trời, lẽ đời. Có điều với giáo sư, vinh quang không cần đo bằng chức tước, bằng ô tô, nhà lầu, mà bằng lòng kính trọng, sự bái phục của hàng ngàn sĩ tử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hết thế hệ này đến thế hệ khác trong đó có không ít người đã thành danh, thành những nhà khoa học vật lý nổi tiếng của đất nước như Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Cự, Giáo sư, Tiến sĩ Đàm Trung Đồn...

Sau ngày nghỉ hưu, Giáo sư Vũ Như Canh vào sống ở Sài Gòn. Và như thế, với giáo sư cũng như với bất cứ ai, chuyện Bắc Nam chia đôi đã là chuyện của dĩ vãng. Bởi Việt Nam là một. Với giáo sư Vũ Như Canh trước đây ở miền Bắc để đào tạo nhân tài cho đất nước, nay vào Nam để có khí hậu thuận tiện cho tuổi già. Thế là một điều vui.

Phạm Viết Trinh – N.Đ.C

(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội - Một nửa thế kỷ)

03-10-2021