Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Nhà giáo Nhân dân Hoàng Thiếu Sơn (1920 - 2005)


03-10-2021

NHÀ GIÁO NHÂN DÂN - NHÀ VĂN HOÁ HOÀNG THIẾU SƠN

Năm 1954 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Hà Nội trở lại là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau những năm tháng bị tạm chiếm. Qua những ngày hồ hởi được giải phóng, được đoàn tụ, Hà Nội bộn bề với bao công việc của một thành phố lớn - một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của miền Bắc bắt tay vào khôi phục kinh tế đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là sớm mở cửa các trường học công lập và tư thục, là nơi mà chỉ mấy tháng trước đã nuôi dưỡng phong trào đấu tranh cách mạng của thanh niên học sinh Thủ đô trong lòng Hà Nội bị tạm chiếm. Sự xuất hiện một đội ngũ các thầy giáo trẻ từ kháng chiến trở về tham gia giảng dạy và hầu hết trở thành các giáo sư, các nhà nghiên cứu đầu ngành như: Giáo sư Nguyễn Đức Chính, Trương Tửu, Nguyễn Trác, Hoàng Tuệ, Dương Trọng Bái, Lê Quang Long... và Nhà giáo Nhân dân Hoàng Thiếu Sơn cũng là một trong số đó. Họ là những nhà giáo cách mạng đầu tiên mà thanh niên - học sinh, sinh viên Hà Nội lần đầu được tiếp xúc để sau này mãi mãi ngưỡng mộ về đức độ, kính trọng về tài năng và lòng biết ơn sâu sắc.

          Nhà giáo Nhân dân Hoàng Thiếu Sơn được sinh thành tại nguyên quán - Thôn Trung Kính - xã Bảo Ninh - Thị xã Đồng Hới - một giải cồn cát "đại Trường sa" – kề bên sông Nhật Lệ, thị xã Đồng Hới. Ông là người hoạt động trong nhiều lĩnh vực khoa học xã hội mà lĩnh vực nào ông cũng thành đạt. Tuy nhiên, trong bình diện rộng và sâu đó, trước hết Nhà giáo Nhân dân Hoàng Thiếu Sơn là một người thầy, một nhà sư phạm, một nhà Địa lý có uy tín không chỉ là của Trường Đại học Sư phạm  Hà Nội.

          Nhà giáo Nhân dân Hoàng Thiếu Sơn đến với nghề dạy học là một sự lựa chọn có phần theo gương các nhà Nho thời trước cũng như nối tiếp bước đường của một số nhà cách mạng - là muốn thông qua nghề dạy học để được cống hiến nhiều nhất trong hoàn cảnh đất nước vừa giành được độc lập và đang chống lại sự tái xâm lược - Ông xuất thân trong một gia đình quan lại Triều Nguyễn, có truyền thống khoa bảng, được lớn lên học tập tại kinh đô Huế - Ông đậu tú tài thời Pháp thuộc. Theo học ngành luật tại Hà Nội sau đó là ngành Kiến trúc (1944). Việc học không thành giữa lúc toàn dân và các tầng lớp thanh niên hưởng ứng lời kêu gọi của cách mạng Ông đã tham gia hoạt động từ ngày ấy. Năm 1946, ông công tác tại Bộ Giáo dục với cương vị "Chánh đổng lý Văn phòng bộ", tham gia kháng chiến tại Việt Bắc. Không lâu sau ông xin được làm giáo viên dạy học tại các trường Trung học kháng chiến như Tân Trào (Tuyên Quang), Hùng Vương (Phú Thọ), Hàn Thuyên (Bắc Giang)... và là một cán bộ giảng dạy của Ban Khoa học xã hội khi ban này được thành lập tại Việt Bắc.

          Năm 1954, Hoà Bình - trở về Hà Nội ông là giảng viên Văn - Sử Địa của Trường Đại học Sư phạm Văn khoa. Năm 1956, do sự phát triển của Trường, bộ môn Địa lý được tách riêng để thành khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông trở thành người đầu tiên cùng với giáo sư Nguyễn Đức Chính, tiến sĩ Đào Bá Cương đặt nền móng của khoa Địa lý...

          Trong sự nghiệp đào tạo, ông quán triệt sâu sắc nguyên lý giáo dục cách mạng và các phương pháp giảng dạy bộ môn kết hợp chặt chẽ giữa thuyết giảng trên lớp với thực nghiệm trong phòng và thực địa. Bàn chân ông đã đặt lên nhiều nơi, từ núi rừng miền Bắc, đồng bằng sông Hồng, đến các vùng bắc trung bộ và sau này, khi Bắc Nam thống nhất là các địa bàn Tây Nguyên và Nam bộ. Ông đã đảm nhiệm việc giảng dạy với nhiều chuyên ngành thuộc khoa học Địa lý: Địa lý tự nhiên đại cương, Địa lý kinh tế, Phương pháp giảng dạy địa lý... và sau này là một số chuyên đề nâng cao như: Lịch sử địa lý, Dân số... Trong buổi đầu thành lập khoa, tài liệu giảng dạy còn rất thiếu thốn. Ông đã viết giáo trình Địa lý đại cương gồm 2 tập, 1000 trang và nhiều chuyên luận khác để phục vụ việc học tập của sinh viên. Riêng giáo trình "Địa lý đại cương" đã được Bộ Giáo dục chọn làm giáo trình chính thức ở bậc đại học từ năm 1964. Đến nay, về cơ bản, bộ giáo trình đó vẫn giữ nguyên giá trị. Ông là một nhà sư phạm đạt đến trình độ nghệ thuật. Ít có ai có sức cuốn hút học trò trong giờ giảng như ông. Sức cuốn hút dựa trên thế mạnh của sự uyên bác, vững chắc về tri thức khoa học thuộc các lĩnh vực tự nhiên, kinh tế, xã hội và con người đã đành, mà còn là ở một khả năng diễn đạt mạch lạc, chặt chẽ, không ồn ào mà nhẹ nhàng thấm thía bằng một vốn từ ngữ phong phú, trong sáng. Có một sự thật là, một thời, không ít sinh viên đã không phấn khởi gì lắm khi bước chân vào ngành địa lý. Nhưng cũng là sự thật, chỉ vào khoa Địa lý ít lâu và được nghe thầy Hoàng Thiếu Sơn giảng bài thì nhanh chóng, cái thứ mặc cảm ấu trĩ kia đã tiêu tan đâu hết, chỉ còn lại là niềm say mê với bộ môn, và sau ngày ra trường trở thành không ít những thầy cô giáo giỏi về môn học địa lý. Nhiều cán bộ giảng dạy trong khoa Địa lý hôm nay đã thành người có trình độ khoa học vững chắc, được sinh viên kính nể, cũng đã bắt đầu từ tác dụng của những giờ giảng hấp dẫn từ thuở ban đầu của thầy Sơn.

          Ở thầy Hoàng Thiếu Sơn có một trí nhớ thật là tuyệt vời. Trong chuyên môn, ông nhớ vanh vách không biết bao nhiêu là sự kiện, là hiện tượng địa lý điển hình của đất nước và thế giới. Chúng được phân bố ở đâu? Diễn ra lúc nào? Như thế nào? Trong lớp học, hầu như ông không cần dựa vào giáo án, cứ bằng trí nhớ mà tuôn ra bao nhiêu là tri thức thuộc đủ các loại sách vở, tác phẩm này khác. Ông không chỉ nhớ chuyện trong sách mà nhớ cả chuyện ngoài đời. Gặp lại học trò từ các thế hệ cách xa hàng mấy chục năm, ông vẫn nhớ hết từng tên. Kể cả lớp học trò đầu tiên thuộc trường trung học kháng chiến ở Việt Bắc cuối những năm 40 và đầu những năm 50, ông vẫn không quên. Chính trí nhớ kỳ lạ dựa trên cơ sở của tấm lòng đó, mà quang cảnh gặp gỡ giữa ông và học trò cũ trông mới thú vị làm sao, thắm thiết gắn bó làm sao!

          Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Điều đó rất xứng đáng với ông. Nhưng với ông, thiết tưởng còn phải thêm một danh hiệu khác nữa là một Nhà văn hoá - Bởi ngoài tư cách một nhà giáo địa lý kiệt xuất, ông còn là một nhà văn hoá thông thái trên nhiều lãnh vực khoa học khác ngoài ngành địa lý. Trước cách mạng tháng Tám, năm mới 16 tuổi, ông đã đậu tú tài, kế đó học đại học Luật, nhưng ngay khi còn theo học đại học, ông đã là chủ bút tờ báo Sport viết bằng tiếng Pháp. Sau này, ai có điều kiện nghe ông nói chuyện bóng đá thì sẽ bái phục ông về sự hiểu biết thể thao phong phú vô cùng. Rồi sau 1954, khi trường ĐHSP Văn học ra đời tại Hà Nội, trong buổi đầu, chính ông là trợ lý về bộ môn văn học Trung Quốc cho Giáo sư Đặng Thai Mai tại khoa Văn. Tiếp đó, ông lại còn là giảng viên lịch sử cổ đại của thế giới tại khoa Sử. Riêng với văn chương, ông đã là một dịch giả đầy uy tín. Ông dịch Những linh hồn chết của Gogol, dịch chung bộ tiểu thuyết đồ sộ "Chiến tranh và hoà bình" đại văn hào Lép Tônxtôi, dịch "Những tấm lòng cao cả" của Edômondo de Amicis... Và nói đến ông, không thể quên ông là một nhà diễn thuyết có tài. Ông đã có hàng ngàn buổi nói chuyện tại nhiều nơi ở Hà Nội, ở khắp các tỉnh phía Bắc trước đây và sau ngày miền Nam được giải phóng là ở không biết bao nhiêu địa điểm. Ông nói đủ loại vấn đề, giới thiệu đủ mọi tác phẩm. Cũng riêng về mặt văn chương, ông đã nói tới vô số tác phẩm thuộc đủ các tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam, văn học thế giới... Ông giới thiệu sách "Người tốt việc tốt" và được đương thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết thư khen ngợi... Cách nói chuyện của ông cũng thật là cuốn hút, cũng như lúc ông giảng bài. Mới vào cuộc thì xem ra có vẻ rù rì, lờ đờ, nhưng chỉ dăm phút sau đó trở đi, càng nói là càng hấp dẫn, càng cuốn hút người nghe, bởi cái dáng người nho nhã, bởi cái lời nói nhẹ nhàng không hùng biện, không đại ngôn, chỉ thủ thỉ mà cho ra bao điều kỳ thú.

          Nhà giáo Nhân dân, Nhà văn hoá Hoàng Thiếu Sơn quả là một nhân vật kỳ tài, không dễ có nhiều…

Lê Công Vân - N.Đ.C

(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội - Một nửa thế kỷ)

03-10-2021