Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Giáo sư Hoàng Ngọc Cang (1913 - 2003)


03-10-2021

THẦY HOÀNG NGỌC CANG CỦA KHOA HOÁ CHÚNG TÔI

Đầu tháng 5 năm 1976, tôi được phân công vào thỉnh giảng ở trường Đại học Sư phạm Sài Gòn sắp khai giảng sau một năm được giải phóng.

Thầy cho gọi tôi đến nhà và thân mật nói:

- Anh Chinh à! Chắc còn lâu tôi mới có thể gặp anh. Cuối tháng này, gia đình tôi sẽ từ biệt Hà Nội vào sinh sống ở Nha Trang.

Sau đó, thầy mở cặp lấy ra một cái bao kính bằng đuyara và một cái bút bi có 3 màu.

- Đây là kỷ niệm của tôi tặng anh. Hôm nọ tôi trông thấy cái bao kính của anh hỏng rồi. Còn cái bút bi 3 mầu này giúp anh ghi vào sổ công tác, mỗi màu một việc gì đó để dễ phân biệt các loại công việc.

Tôi chỉ kịp nói : “Em rất cám ơn Thầy ạ!”

Thầy nói tiếp:

- Và tôi còn muốn căn dặn anh điều này. Vào trong đó, anh cần thận trọng trong cách đối xử với các trí thức, nhất là nói năng.

- Cũng chỉ là một câu nói, có thể động viên người ta làm việc, cũng có thể làm người ta bị ức chế không muốn làm việc nữa.

Tôi xúc động quá!

Thầy đã về hưu hơn một năm rồi! Thầy còn lo cho tôi, còn săn sóc tôi. Thầy còn nhắc nhở tôi về hai nhược điểm lớn của tôi. Sổ công tác, tôi ghi chép lung tung nên hay quên việc và cả tính nói năng còn bộp chộp chưa thận trọng. Chính Thầy, có lần rất khó chịu về những lời nói của tôi.

Lời dặn của thầy, sự săn sóc của thầy làm tôi rất xúc động và ghi nhớ mãi. Tôi thường nghĩ: một thủ trưởng đã về hưu rồi, còn lo cho cán bộ cũ của mình sắp đi làm nhiệm vụ nơi khác như thầy Cang chắc rất hiếm.

Những năm 50 và những năm 60, Thầy Hoàng Ngọc Cang dạy Hoá đại cương và vô cơ ở trường Đại học Sư phạm và Tổng hợp. Tính cẩn thận và nghiêm túc của Thầy là điều rất cần thiết cho những người mới nhập môn ngành khoa học đòi hỏi sự chính xác rất cao như ngành Hoá học.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tinh Dung được bầu là Chiến sỹ thi đua nhiều năm của khoa Hoá thú nhận: Biết anh Cang làm việc rất tốt nhưng mình không thể nào theo được. Giáo án dạy học, hàng năm anh đều biên soạn lại, viết lại rất sạch đẹp. Đa số chúng ta dùng giáo án cũ rồi bổ sung điều này, giảm phần kia, độ vài ba năm mới soạn lại (trong khoa Hoá, có một số cán bộ gọi thầy Cang là anh).

Bộ sách Hoá đại cương và vô cơ, do thầy Cang biên soạn cùng anh Hoàng Nhâm dạy ở Đại học Tổng hợp) là tài liệu Hoá học được xuất bản khá sớm, rất cần thiết cho việc dạy và học ở các trường đại học về Hoá và các trường chuyên nghiệp kỹ thuật. Bộ sách này cũng là một tài liệu tham khảo rất quý cho các giáo viên Hoá ở các trường trung học.

Ngoài ra, Thầy còn dịch 5 tập sách hoá vô cơ cho bậc đại học và đã được xuất bản vào các năm 60 và 70. Sau khi hai trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp tách ra, Thầy được trao trọng trách làm Chủ nhiệm khoa Hoá.

Công tác lãnh đạo khoa có nhiều việc, nhất là trong những năm sơ tán, chăm sóc cho 500 đến 600 con người được an toàn, bảo đảm cuộc sống, có điều kiện để dạy, để học và nghiên cứu khoa học, đúng là một việc rất vất vả.

Là thủ trưởng, được đào tạo chính quy của một trường đại học ở Pháp, sẵn có tính cần cù hiếu học nên trình độ chuyên môn của Thầy khá vững vàng. Thầy lại là thầy dạy của hầu hết các cán bộ trong Khoa nhưng phong cách lãnh đạo của Thầy rất dân chủ. Thầy luôn luôn cho mọi người được trình bày hết ý kiến, Thầy lắng nghe kỹ lưỡng và sau này mới quyết định, ai có sáng kiến nào cũng được Thầy xem xét cẩn thận. Nhiều anh chị em trong Khoa đã phải xác nhận: trong đời công tác ở nơi này hay nơi khác, ít gặp được thủ trưởng biết phát huy hết tài năng, trí tuệ của tập thể như thầy Cang.

Cách làm việc luôn dựa vào các kế hoạch chi tiết đã vạch trước. Thầy có một cuốn sổ nho nhỏ ghi tóm tắt việc này phải nhắc ai, việc kia phải giải quyết cùng ai, còn việc khác cần trao cho ai. Xong một việc nào hoặc đã hội ý cùng ai, Thầy lấy bút bi đỏ chấm hoặc gạch vào sổ công tác lúc nào cũng ở trong túi áo ngực của thầy. Một hệ thống cán bộ các đoàn thể, các tổ trưởng bộ môn, các chuyên trách từng loại công việc đều được động viên để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ của Khoa.

Ai đã làm việc với Thầy, đã học Thầy, đều thấy rõ tính công bằng của Thầy, tất cả đều rõ ràng ưu hay khuyết, tốt hay xấu dù trong tập thể Khoa có nhiều sự chênh lệch về tuổi, về trình độ, người trong Đảng, người ngoài Đảng - Trong Khoa không có sự ghen tỵ bè phái, do đó khoa Hoá trong nhiều năm đoàn kết tốt nên luôn giữ vững được danh hiệu tiên tiến xuất sắc của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Cách làm việc tập thể rất nghiêm túc và sâu sát tỉ mỉ của Thầy đã trở thành truyền thống lãnh đạo khoa Hoá chúng tôi - Tất cả các đồng chí lãnh đạo của khoa kế tiếp Thầy sau đó đều cố gắng noi theo gương Thầy…

Thầy Cang không đon đả chào hỏi khéo léo, lời nói Thầy giản dị mộc mạc - Một số người cho là Thầy khô khan, ít tình cảm. Nhưng thực ra Thầy rất chân thành, quan tâm đến mọi người, lo lắng cho mọi người. Có những cặp vợ chồng cán bộ của Khoa sắp sinh con đầu lòng, Thầy đến tận nhà căn dặn cẩn thận, có người còn được Thầy tặng cho một vài cái tã, áo lọt lòng của út Thắng.

Lúc sắp về hưu, thầy được đi nghỉ mát ở Đức mấy tuần. Nghe tin Thầy về, chúng tôi chưa kịp đến thăm, Thầy đã đến từng nhà của những ai thường xuyên làm việc quanh Thầy chia cho mỗi người một món quà nho nhỏ, cái bút bi, cái túi, con dao, cái kéo nho nhỏ. Biết số tiền của người đi nghỉ mát dành dụm được là rất ít. Và ở nhà còn cô và ba em nhỏ, nên chúng tôi nhận quà của thầy mà lòng dạ đều rưng rưng thương Thầy.

Một nét văn hoá rất đẹp của Thầy là sau khi nhận được thư của bất cứ ai, Thầy cũng viết thư đáp lại ngay.

Những ngày làm việc bên Thầy, tôi thấy Thầy cũng có những khó khăn của gia đình trong lúc chiến tranh nhưng ít khi Thầy kêu ca, phàn nàn.

Trong lần đi thực tế ở các trường phổ thông ở Nam Hà, Thầy cùng thầy Huề và các tổ trưởng bộ môn phải đi xe đạp hàng trăm cây số, trong lúc máy bay địch vẫn ngày đêm đánh phá các nơi. Thầy không ngại gian khổ, nguy hiểm, cố gắng suy nghĩ, phân tích tình hình thực tế để cải tiến việc đào tạo của Khoa được chuẩn xác hơn.

Ai gặp Thầy vào khoảng thời gian Thầy trên 70 tuổi đều phải thèm muốn sức khoẻ và sự minh mẫn của Thầy. Thầy vẫn hàng ngày tập luyện đều đặn, ăn uống đúng mức và vẫn rất say mê nghiên cứu khoa học và viết sách…

Khi bắt đầu về hưu, Thầy đã lựa chọn một việc rất khó khăn: nghiên cứu về lịch sử Hoá học và viết sách về vấn đề này. Đây là một vấn đề rất rộng, đòi hỏi Thầy phải tham khảo rất nhiều sách báo của nhiều tác giả, của nhiều nhà Hoá học trên thế giới.

Cuốn Lịch sử hoá học đã được xuất bản - cuốn sách đã được các thầy giáo Hoá học ở các trường đại học và phổ thông rất mong đợi. Đây là món quà rất quý, Thầy đã tặng cho ngành Giáo dục và ngành Hoá học…

Tất cả những ai đã trưởng thành từ khoa Hoá, dù đã xa Thầy khá lâu nhưng vẫn cảm thấy như còn giữ gìn được hai điểm mạnh, học tập được của Nhà giáo Nhân dân Hoàng Ngọc Cang: Làm việc nghiêm túc và dân chủ để phát huy được hết sức mạnh của tập thể…

Đúng là “Gần đèn thì Rạng”

Dương Xuân Chinh

(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội - Một nửa thế kỷ)

03-10-2021