GIÁO SƯ NGUYỄN ĐỨC CHÍNH -NHÀ KHOA HỌC, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN, NHÀ CÁCH MẠNG LÃO THÀNH
1. Nguyễn Đức Chính với ngành khoa học Địa lý hiện đại ở nước ta
Trong một bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước đây gửi Giáo sư Nguyễn Đức Chính, Chủ nhiệm khoa Địa lý đầu tiên ở nước ta, có đoạn viết : “Nhân đây xin nhắc anh tầm quan trọng của môn Địa lý trong chương trình phổ thông và đại học. Càng làm về kinh tế, tôi càng thấy tầm quan trọng này. Có cơ hội, anh nói lại ý kiến của tôi với những anh em có trách nhiệm trong ngành Giáo dục Đại học và Phổ thông. Ngoài ra còn phải xem, nên nghiên cứu cao, sâu hơn. Thực vậy, chúng ta đang đứng trước nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách cần giải quyết và giải quyết cùng một lúc”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Giáo sư Nguyễn Đức Chính cùng một lứa tuổi, là bạn tù với nhau ở Côn Đảo trước những năm 1936.
Năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, cấp trên giao nhiệm vụ cho Giáo sư Nguyễn Đức Chính xây dựng ngành khoa học Địa lý ở nước ta. Nhận nhiệm vụ mới, Giáo sư Nguyễn Đức Chính rất lo lắng, vì bản thân giáo sư vốn tốt nghiệp ở trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương về khoa học tự nhiên, không được đào tạo một cách có hệ thống về địa lý, mà nay lại phải đứng ra đảm đương xây dựng bộ môn này với hai bàn tay trắng.
Công việc đầu tiên của Giáo sư Nguyễn Đức Chính là tập hợp một số nhà khoa học có khả năng nghiên cứu và giảng dạy về bộ môn địa lý như nhà giáo Hoàng Thiếu Sơn, tiến sĩ Đào Bá Cương, Giáo sư Trần Đình Gián, Giáo sư Lê Xuân Phương v.v...
Năm 1955, khoa học địa lý bắt đầu được giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và môn Địa lý được ghép với môn Sử để đào tạo các cử nhân Sử - Địa đầu tiên ở nước ta theo kiểu đào tạo ở các trường Đại học Pháp vào nửa đầu thế kỷ XX.
Vào những năm mới thành lập, cán bộ trong khoa còn rất mỏng, trình độ nghiên cứu và giảng dạy chưa cao, nên chất lượng đào tạo còn thiếu sót. Đã thế, chương trình và giáo trình về địa lý chưa có, việc đào tạo chỉ dựa vào một số tài liệu còn lại từ thời Pháp thuộc, nên người dạy rất lúng túng. Để khắc phục tình trạng ấu trĩ và non kém trên, Giáo sư Nguyễn Đức Chính đã đề nghị cấp trên cho phép mời hai giáo sư Liên Xô sang bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ giảng dạy địa lý của ta một số chuyên đề và bộ môn, đồng thời giúp ta xây dựng chương trình đào tạo của bộ môn địa lý ở Đại học.
Từ năm 1957 và liên tiếp những năm sau, các khoá đào tạo cử nhân địa lý lần lượt ra trường, cung cấp kịp thời các giáo viên địa lý cho các trường trung học khắp các tỉnh miền núi và đồng bằng. Đồng thời, số sinh viên giỏi, tốt nghiệp điểm cao, được giữ lại trường, được cử đi dạy ở các trường Đại học khác, được các cơ quan nghiên cứu như: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Tài chính, Uỷ ban khoa học nhà nước, ban Trị thuỷ sông Hồng v.v... tiếp nhận.
Năm 1961, Giáo sư Nguyễn Đức Chính cử hàng loạt nghiên cứu sinh, thực tập sinh, đi sang các nước bạn (chủ yếu là Liên Xô cũ) để nghiên cứu và học tập về khoa học địa lý. Nhờ có lực lượng này trở về nước, ngành khoa học địa lý nước ta tiến lên một bước mới. Ta đã mở được khoa Địa lý - địa chất ở trường Đại học Tổng hợp nhằm cung cấp cho nhu cầu đất nước những cán bộ nghiên cứu về địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế, khí hậu, khí tượng, hải dương ...
Cũng vào những năm của thập kỷ 60, Giáo sư Nguyễn Đức Chính đã dành thời gian đi tham quan, tìm hiểu ngành khoa học địa lý ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhằm học tập kinh nghiệm để xây dựng ngành khoa học địa lý ở Việt Nam.
Nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Giáo sư Nguyễn Đức Chính và sự quan tâm thường xuyên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà ngành địa lý Việt Nam, từ thời điểm xuất phát rất non yếu đã phấn đấu xây dựng thành công một ngành khoa học địa lý hiện đại cho đất nước.
Qua hơn 40 năm xây dựng, ngành địa lý nước ta đã có cơ sở đào tạo ở khắp nơi, ở các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm. Đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, đã có hàng trăm tiến sĩ có khả năng đảm đương những công trình khoa học của đất nước, như vấn đề môi trường, cảnh quan, phân vùng lãnh thổ v.v... Ngoài ra, ta còn cử nhiều cán bộ, giáo sư địa lý đi giảng dạy và nghiên cứu giúp một số nước bạn.
2. Nguyễn Đức Chính - Nhà giáo Nhân dân, nhà cách mạng lão thành
Giáo sư Nguyễn Đức Chính sinh năm 1908 trong một gia đình viên chức nhỏ. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, giáo sư được bổ nhiệm dạy học ở một số trường tại Hà Nội, và cũng thời kỳ này, giáo sư đã tham gia phong trào yêu nước, truyền bá tư tưởng cách mạng, gây lòng căm thù giặc Pháp cho học sinh. Ngoài việc dạy học, giáo sư thường tổ chức các đợt tham quan, cắm trại, nhằm giáo dục cho học sinh ý thức tập thể và lòng yêu nước. Tháng 10-1930, giáo sư bị giặc bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), và sau đó bị đưa đi Côn Đảo. Trên đường từ Hà Nội ra Hải Phòng để đi Côn Đảo, giáo sư đã cùng các bạn tù viết truyền đơn, tờ rơi, rải trên đường quốc lộ 5, tố cáo chính sách khủng bố trắng của giặc Pháp sau khởi nghĩa Yên Bái thất bại.
Từ năm 1931 - 1936, giáo sư bị giam cầm ở Côn Đảo cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu v.v... Giáo sư Nguyễn Đức Chính được tổ chức giao trách nhiệm mở lớp học văn hoá cho tù chính trị Côn Đảo mà thực chất là lớp học về chủ nghĩa Mác-Lênin, những bài giảng do chính giáo sư biên soạn. Năm 1960, trong dịp đi thăm triển lãm Vân Hồ, giáo sư đã xúc động gặp lại cuốn sách nhỏ “Chủ nghĩa Mác - Lênin” của mình biên soạn ở Côn Đảo và được trưng bày tại triển lãm. Giáo sư Nguyễn Đức Chính kể lại: “Mới đầu lớp chỉ có vài người và càng về sau càng đông, có lúc lên tới trên một trăm, lớp học đồng thời cũng là một kiểu câu lạc bộ để các học viên tập văn nghệ, diễn kịch và tập hợp mọi người tham gia đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân…..
Năm 1936, giáo sư được trả tự do về đất liền và lại tiếp tục tham gia vào phong trào Dân chủ Đông Dương, tham gia viết các báo, tuyên truyền trong giới học sinh, trí thức về cương lĩnh của Mặt trận Phản đế, đồng thời giáo sư tham gia viết báo Le Travail, báo Rassemblement, báo Le Peuple và báo Résistance.
Những năm kháng chiến toàn quốc, giáo sư công tác ở Nha Bình dân học vụ, rồi làm Phó giám đốc Sở Giáo dục Liên khu 3, Hiệu trưởng trường Sư phạm Bình dân học vụ đặt tại Thanh Hoá. Năm 1954, giáo sư giảng dạy ở trường Dự bị Đại học và tham gia dạy lớp Sư phạm Cao cấp (tiền thân của Đại học Sư phạm). Sau những ngày tiếp quản Hà Nội, giáo sư giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Văn khoa và sau đó làm Chủ nhiệm khoa Địa lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Hơn 60 năm gắn bó với nghề dạy học và dạy ở mọi nơi, mọi lúc, dạy ngoài xã hội, trong nhà tù, tham gia bình dân học vụ; dạy từ cấp I đến đại học, tham gia dạy khi đã về nghỉ hưu, Giáo sư đã được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Lê Trọng Túc
(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội - Một nửa thế kỷ)