Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

"Nhóm Lê Quý Đôn" hội tụ nhiều Giáo sư danh tiếng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội


01-10-2011

“Nhóm Lê Quý Đôn” – đầy đủ phải gọi là “Nhóm nghiên cứu văn học Lê Quý Đôn” – ra đời vào năm 1957 ở Hà Nội, đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học thế giới. Trong số những nhà giáo, nhà khoa học tham gia "Nhóm Lê Quý Đôn" có nhiều giáo sư danh tiếng của Trường ĐHSP Hà Nội như: Giáo sư Huỳnh Lý, Giáo sư Lê Trí Viễn, Giáo sư Vũ Đình Liên,Giáo sư Trương Chính.

- Dịch giả Thúy Toàn vừa ra mắt cuốn sách Những con ngựa thồ viết về những người dịch văn chương, trong đó phác thảo chân dung của 50 dịch giả mà ông “quen biết, có dịp giao tiếp gần gũi trong công việc, có nhiều ấn tượng ghi giữ trong tâm khảm”. Bee.net.vn trân trọng trích đăng một bài trong tập sách này.

“Nhóm Lê Qúy Đôn” là  những ai?

Lần đầu tiên tôi được biết đến cái tên “Nhóm Lê Quý Đôn” là vào những năm 1960-1961, khi mua được bộ sách Những người khốn khổ bốn tập bằng tiếng Việt ở cửa hàng sách “Hữu nghị” trên phố Gorki. Xa tổ quốc lâu ngày, có được báo tiếng Việt trong nước sang đối với chúng tôi đã là cả một niềm vui sướng to lớn.

Mỗi cuốn sách, mỗi tờ báo tiếng Việt bằng cách nào đó có được, anh chị em trong nhóm lưu học sinh chúng tôi đều truyền tay nhau đọc ngấu đọc nghiến. Bộ sách Những người khốn khổ càng hấp dẫn bởi đó là tác phẩm nằm trong chương trình văn học nước ngoài chúng tôi được học ở trường. Bộ sách đồ sộ của tác giả cổ điển Pháp Victor Hugo lại do một nhóm mang tên “Nhóm Lê Quý Đôn” dịch, được Nhà xuất bản Văn hóa thuộc Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam xuất bản, càng để lại một ấn tượng mạnh. Riêng đối với tôi, cái tên gọi “Nhóm Lê Quý Đôn” lập tức tự nó đã có ý gợi lên một niềm kính trọng, thiêng liêng, tự nhiên cứ thế in đậm vào tâm trí.

 

Dịch giả Thúy Toàn
Dịch giả Thúy Toàn


Tuy vậy, sau này về nước công tác, bẵng đi mãi vài năm sau tôi mới lại có dịp trở lại để ý đến cái tên gọi “Nhóm Lê Quý Đôn”. Ấy là khi nhà xuất bản Văn học cho tái bản lần thứ hai vào năm 1967 bộ sách Những người khốn khổ. Sách ra lần này không đề “Nhóm Lê Quý Đôn” dịch, mà đề rõ: Người dịch: Huỳnh Lý, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Đỗ Đức Hiểu. Người xem lại toàn bộ bản dịch: Huỳnh Lý. Vậy hóa ra bốn nhà văn – nhà giáo mà lâu nay bạn đọc biết tiếng và hâm mộ này chính là “Nhóm Lê Quý Đôn”.

Nhưng “Nhóm Lê Quý Đôn” thực chất là như thế nào? “Nhóm” được thành lập từ bao giờ? Ngoài các tên tuổi được biết như trên, còn có ai nữa tham gia “nhóm”? “Nhóm Lê Quý Đôn” còn có những hoạt động gì khác? Tồn tại trong bao lâu? Tại sao ở bộ tiểu thuyết Những người khổn khổ, “Nhóm Lê Quý Đôn” chỉ xuất hiện vẻn vẹn có hai lần: lần sách ra đời đầu tiên ở Nhà xuất bản Văn hóa, năm 1958-1959 và lần được tái bản thứ nhất, năm 1960-1961; còn về sau, từ lần tái bản thứ hai, năm 1967-1968, cho đến lần tái bản gần đây nhất, năm 1987-1988, không một lần nào nhắc đến “Nhóm Lê Quý Đôn” nữa, mà đều kể rõ tên bốn thành viên “nhóm” mà thôi.

Nhiều câu hỏi làm tôi băn khoăn như vậy mãi gần đây mới có dịp tìm hiểu kỹ. Lần ấy, gặp nhau tại một cuộc họp, tôi đặt vấn đề xin gặp giáo sư Đỗ Đức Hiểu, một trong bốn dịch giả có tên ở bộ sách Những người khổn khổ để tìm hiểu về “Nhóm Lê Quý Đôn”. Giáo sư Đỗ hồ hởi mời tôi “đến chơi bất cứ buổi nào” nhưng lại giới thiệu: “Còn về “Nhóm Lê Quý Đôn” trước hết anh phải đến hỏi anh Trương Chính đã”. Và đến nhà giáo sư Trương Chính, tôi được tiếp chuyện cả một buổi, cộng với bữa sau đó đến thăm giáo sư Đỗ Đức Hiểu, cũng được tiếp chuyện cả tiếng đồng hồ, tôi vỡ ra được nhiều điều.

Ra đời một cách tự nhiên

…“Nhóm Lê Quý Đôn” – đầy đủ phải gọi là “Nhóm nghiên cứu văn học Lê Quý Đôn” – ra đời vào năm 1957 ở Hà Nội. Ra đời một cách tự nhiên, chẳng có điều lệ, tuyên ngôn, cương lĩnh gì, cũng chẳng có ngày tháng rõ ràng, chẳng hề chính thức “trình làng”.

Bấy giờ, sau hòa bình 1954, Bộ Giáo dục có Ban Tu thư chịu trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa văn học cho cấp ba gồm một số người từng giảng dạy bộ môn này ở cấp ba từ các nơi triệu tập về: Vũ Đình Liên từ khu Ba lên, Đỗ Đức Hiểu từ liên khu Việt Bắc, Trương Chính từ khu học xá Trung ương bên Trung Quốc về, Huỳnh Lý và Lê Trí Viễn từ liên khu Năm ra tập kết, còn hai cụ Lê Thước và Hoàng Ngọc Phách trên Bộ cử xuống.

Trong khi biên soạn sách giáo khoa, mọi người trong nhóm bàn bạc và đi đến nhất trí với nhau phải xây dựng một công trình khái quát lịch sử văn học nước nhà. Công việc này nằm ngoài nhiệm vụ được giao của nhóm. Nhưng các thành viên trong nhóm đều thấy “rất cần có một quyển lịch sử văn học Việt Nam vì: thứ nhất, để giới thiệu với quảng đại nhân dân nền văn chương lâu đời và phong phú của dân tộc, cái kho tàng văn học ấy là tinh hoa của dân tộc ta, mỗi người dân Việt Nam cần hiểu biết và yêu quý; thứ hai, để giới thiệu nền văn học dân tộc Việt Nam với nhân dân thế giới, cung cấp cho các bạn nước ngoài muốn tìm hiểu nền văn học Việt Nam một tài liệu tương đối đầy đủ và có hệ thống”1.

Vì là công việc ngoài nhiệm vụ trực tiếp của nhóm, nên sau khi bàn bạc thống nhất, mọi người phân công nhau mỗi người mỗi phần và cứ thế bắt tay vào làm. “Tuy có sự phân công viết, nhưng ý kiến thì ý kiến chung, vì bất cứ vấn đề gì cũng phải thảo luận với nhau trước và viết xong phải đưa cho nhau duyệt lại”2. Cặm cụi làm chỉ trong vòng một năm là công trình hoàn thành, “mặc dù công việc nghiên cứu và điều kiện có chỗ thiếu sót”. Những thiếu sót ấy đã được bổ khuyết “bằng sự làm việc tập thể và tranh thủ ý kiến của một số bạn đã từng có công nghiên cứu văn học Việt Nam”3.

Chính vì thế mà khi công trình được hoàn thành thì mọi người cũng đã nhất trí với nhau đứng tên chung trong một nhóm gọi là “Nhóm nghiên cứu văn học Lê Quý Đôn”, nói gọn là “Nhóm Lê Quý Đôn”. Sở dĩ lấy tên nhà văn bác học Lê Quý Đôn đặt cho nhóm, theo giáo sư Trương Chính sau này trong bài Những đóng góp của Lê Quý Đôn cho một cuốn lịch sử văn học Việt Nam từ thế kỷ XI dến thế kỷ XVII đã giải thích: Chính Lê Quý Đôn, chứ không phải ai khác, là người đầu tiên có ý thức về lịch sử văn học Việt Nam.

Ông viết: “Thời Lê Quý Đôn chưa có khái niệm gì về một cuốn lịch sử văn học Việt Nam, bản thân ông cũng vậy. Nhưng rải rác trong các sách ông để lại, ngày nay chúng ta thu thập được khá nhiều tư liệu quý báu giúp việc biên soạn một cuốn sách loại ấy. Nhìn kỹ thì thấy có mặt ông gợi ý hoặc mới đặt phương hướng, có mặt ông đã đóng góp đầy đủ hơn bất cứ người nào trước ông”4.

Lại phải nói thêm: Việc hình thành “Nhóm Lê Quý Đôn” này có một phần đóng góp khá lớn của nhà thơ Vũ Đình Liên. Ông Vũ Đình Liên là một người khởi xướng và hết lòng tổ chức thực hiện ý đồ chung. Bấy giờ, sau hòa bình 1954, ở Hà Nội còn có một số nhà xuất bản, nhà in tư nhân. Trong khi đó loại nhà xuất bản nhà nước như Nhà xuất bản Văn hóa của Viện Văn học mãi cuối năm 1957 mới thành lập. Bên cạnh Nhà xuất bản “Minh Đức”, có Nhà xuất bản “Xây dựng”, thuộc loại các nhà xuất bản có uy tín. Nhà xuất bản “Xây dựng” của ông Đào Văn Ngọc chủ trương ra các công trình nghiên cứu văn học, triết học, sử học của các cây bút có tên tuổi như Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Chu Thiên, Trần Văn Giàu.

Vũ Đình Liên có quen biết ông Đào Văn Ngọc và lại thân với người giúp việc của ông Ngọc là ông Trần Văn Tấn. Qua ông Tấn, Vũ Đình Liên đã thương lượng được với ông Đào Văn Ngọc nhận xuất bản công trình Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, ba tập, có tới cả nghìn trang của “Nhóm Lê Quý Đôn”. Vậy là Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam ra đời, và đó là công trình đầu tiên chính thức ra mắt của “Nhóm nghiên cứu văn học Lê Quý Đôn”.

Sau này, trong lời Tự giới thiệu ở bộ Tuyển tập Trương Chính, Trương Chính đã xác nhận: ông “cùng với các cụ Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Liên, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn, Đỗ Đức Hiểu thành lập “Nhóm Lê Quý Đôn”, soạn bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam ba tập, xuất bản 1957”5.

Như vậy “Nhóm Lê Quý Đôn” gồm cả thẩy bảy người, toàn bộ thành viên nhóm biên soạn sách giáo khoa văn học cấp ba của Ban Tu thư bấy giờ.

Dịch các tác phẩm có nội dung yêu nước

Tiếp theo Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, “Nhóm Lê Quý Đôn” còn đứng tên ở bản dịch Những người khốn khổ ra ở nhà xuất bản Văn hóa, năm 1958-1959 như đã nói ở đầu bài này. Ngoài ra, cụ Lê Thước, Vũ Đình Liên còn mời thêm một số bậc túc nho như các cụ Phan Võ, Hà Văn Đại, Trịnh Đình Rư, Phan Khắc Khoan, Nguyễn Sĩ Lâm, Trần Lê Hữu… bắt đầu việc đi sâu vào khai thác di sản của ông cha ta để lại.

Mở đầu là các công trình Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Thơ văn Bùi Huy Bích, Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền, đặc biệt là bộ tuyển Hoàng Việt thi văn tuyển ba tập. Ở đây, nhân thể, phải ghi nhận công đi đầu khai phá của “Nhóm Lê Quý Đôn” trong việc khai thác di sản Hán Nôm của ông cha, hơn thế nữa, các thành viên của “nhóm” làm việc này bằng nỗ lực cá nhân, chứ không phải như sau này theo kế hoạch nhà nước, được nhà nước bao cấp… Về mảng văn học nước ngoài, cụ thể là văn học Pháp, những người trong “nhóm” còn chủ trương dịch tiếp: cũng của Victor Hugo các tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris, Thơ Hugo, Kịch Hugo, rồi các tác phẩm của Molière, Balzac…

Nói tóm lại, bên cạnh việc nghiên cứu văn học, “Nhóm Lê Quý Đôn” đã có một chủ trương lớn về dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học gồm hai phần: phần văn học Hán Nôm của ông cha và phần văn học nước ngoài, trước mắt là văn học cổ điển Pháp.

Tiêu chuẩn lựa chọn tác phẩm để dịch và giới thiệu với bạn đọc là các tác phẩm mang nội dung yêu nước, có tinh thần nhân đạo cao, có nhiều giá trị nghệ thuật. Để thực hiện chủ trương này, tùy khả năng hiểu biết về ngoại ngữ của từng người mà phân ra đi sâu vào Hán Nôm, bạch thoại hay tiếng Pháp… Về công việc khai thác di sản của ông cha, cần nhớ lại là lúc này quan niệm đối với mảng tác phẩm viết bằng chữ Hán vẫn còn chưa được thống nhất. Nhưng “Nhóm Lê Quý Đôn” lại đã có ngay một thái độ đúng đắn:

“Trước hết… chúng tôi quan niệm rằng văn thơ của người Việt Nam sáng tác từ xưa cho đến đầu thế kỷ thứ hai mươi, khi việc học chữ Hán và dùng chữ Hán còn phổ biến rộng rãi trong nhân dân, khi chữ Hán vẫn là chữ chính thức của dân tộc ta, là một bộ phận khăng khít của văn học Việt Nam… Chúng tôi quan niệm dứt khoát như vậy là vì những văn thơ chữ Hán do người Việt Nam viết cho người Việt Nam đọc, và nói về thực tế sinh hoạt tinh thần cũng như vật chất của nhân dân Việt Nam từ xưa đến nay không thể tách rời khỏi đời sống tinh thần và lịch sử của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, văn thơ chữ Hán của người Việt Nam trong những hoàn cảnh trên đây không thể gạt ra ngoài nền văn học Việt Nam được”6.

Bắt tay vào việc dịch văn thơ chữ Hán của ông cha, “Nhóm Lê Quý Đôn” đã có một giải pháp rõ ràng: “Trước đây đã có nhiều người dịch những tác phẩm văn thơ chữ Hán của ta, nhưng công việc làm không thực tập thể, thiếu hệ thống, không được phổ biến rộng rãi và không được khuyến khích cho nên kết quả không được là mấy. Chúng tôi nay tiếp tục công việc ấy trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn”.

Nhưng bắt đầu dịch cái gì trong cả kho tàng văn thơ chứ Hán phong phú ấy của ta? Chúng ta dựa vào các nhà tiền bối đã làm công việc sưu tầm chọn lọc những bài văn thơ hay còn được truyền lại qua các thời đại…

… Chúng tôi đã chọn lọc lại một lần nữa và chỉ trích dịch những bài văn thơ tả những cảnh đẹp của đất nước, nhắc lại những chiến công oanh liệt của dân tộc hay diễn đạt những tư tưởng, những tâm sự nhân đạo và tiến bộ, lòng yêu nước, yêu dân, yêu con người… Trích dịch thơ nhiều hơn văn. Trong cách dịch, chúng tôi chú trọng dịch sát nghĩa của nguyên văn chữ Hán nhưng cũng thêm vào một số những bài dịch bằng thơ của chúng tôi hay của những người đã dịch trước. Về thơ thất ngôn thì chúng tôi giữ đúng niêm luật của thể thơ, còn thơ 6 chữ, 5 chữ thì không câu nệ lắm để tránh cái tệ “lời làm hại ý”7.

Cùng lúc này, một nhóm văn học khác, “Nhóm Chu Văn An”, cũng nhen nhúm. Nhóm chủ yếu gồm hai thầy dạy học ở trường Chu Văn An là Nguyễn Đăng Châu và Nguyễn Trác chủ trương. Hai ông cũng bắt đầu cho ra mắt các công trình: Ca dao cổ và mới, Tự tình khúc và Trần tình văn của Cao Bá Nhạ.

Những dịch giả tên tuổi của Việt Nam

Những tưởng như thế “Nhóm Lê Quý Đôn” sẽ đóng góp phần mình vào “Trăm hoa đua nở”, thì lại gặp vào giai đoạn “Nhân văn giai phẩm”. Vừa lúc đó, nhiệm vụ của nhóm biên soạn sách giáo khoa ở Ban Tu thư cũng đã hoàn thành, các thành viên “nhóm” mỗi người đi nhận một nhiệm vụ khác nhau.

 

 


Hai cụ Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách trở lên Bộ, sau đó cụ Hoàng Ngọc Phách về Viện Văn học; bốn ông Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn, Vũ Đình Liên, Trương Chính về Đại học Sư phạm (Huỳnh Lý được phân công dạy văn học đương đại, Lê Trí Viễn – trung đại, Trương Chính – văn học Trung Quốc, còn Vũ Đình Liên – Chủ nhiệm khoa Pháp văn), riêng ông Đỗ Đức Hiểu về khoa KHXH trường ĐH Tổng hợp, theo ý kiến GS. Đặng Thai Mai, ông được phân công dạy văn học phương Tây.

Vậy là “Nhóm Lê Quý Đôn” tự nó lặng lẽ không tồn tại nữa, cũng lặng lẽ như lúc ra đời. Từ đây, các thành viên của “Nhóm” mỗi người tự đứng tên các công trình nghiên cứu, biên soạn, sáng tác, dịch thuật của mình. Riêng về mặt dịch thuật, các cụ Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách tiếp tục đóng góp nhiều bản dịch chuẩn xác trong các công trình khai thác di sản văn học của ông cha ta, các thành viên khác ngoài những đóng góp lớn trong ngành giáo dục (các ông đều được phong Giáo sư và danh hiệu Nhà giáo nhân dân), ngoài những đóng góp lớn vào tiến trình phát triển văn học cách mạng Việt Nam nói chung, đều trở thành những tên tuổi trong làng dịch văn học:

Trương Chính  dịch hàng loạt tác phẩm giá trị như Gào thét, Bàng hoàng, Chuyện cũ viết lại và tạp văn của Lỗ Tấn, Nửa đêm của Mao Thuẫn, Tường Lạc đà của Lão Xá, Ông giáo Chi của Diệp Thánh Đào (số tác phẩm văn học thời Ngũ Tứ Trung Quốc) và cộng tác với những người khác dịch nhiều tác phẩm nữa của nhiều nước; Vũ Đình Liên dịch Bông huệ trong thung của H.de Balzac, Những bông hoa Ác của Baudelaire (bản dịch được tặng thưởng của Hội Nhà văn năm 1996). Huỳnh Lý, sau khi chủ trì bản dịch Những người khốn khổ đã cống hiến cho bạn đọc hàng hoạt các bản dịch mẫu mực khác: Ơgiêni Grăngđê của Balzac, Người hà tiện, Anh tư sản quý tộc của Molière, Tu viện thành Pacmơ của Stendhal; Đỗ Đức Hiểu là dịch giả của kịch Molière, V. Hugo, tác phẩm của Marion de Lore…

Ra đời không rầm rộ, tồn tại cũng chẳng được bao lâu, trong lúc trứng nước lại gặp phải những sóng gió chung trong đời sống văn nghệ thời kỳ “Nhân văn giai phẩm”, không phải không có người này kẻ kia cũng đã lên tiếng định một hai phê phán, nhưng do ngay từ đầu xuất phát từ tấm lòng tốt đẹp, có ngay chủ trương đúng đắn, lập trường vững vàng, quan điểm học thuật khoa học, nhất là thực tế các công trình của “nhóm” làm ra đều có giá trị thuyết phục, nên “Nhóm Lê Quý Đôn” vẫn để lại trong tâm trí bạn đọc một ấn tượng không phai mờ và riêng đối với tôi, và có lẽ không chỉ riêng đối với tôi, tôi không khỏi tiếc là không tiếp tục được đọc các bản dịch khác có được cái tên người dịch: “Nhóm Lê Quý Đôn”.

Thúy Toàn (Trích "Những con ngựa thồ", NXB Tri thức, 2011).

Chú thích:
1, 2, 3. Trích Lời tựa và Lời nói sau in trong bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, NXB Xây dựng, 1957.
4. Tuyển tập Trương Chính, hai tập, NXB Văn học, 1997, T.I, tr.282.
5. Như trên tr.6.
6, 7. Hoàng Việt thi văn tuyển, T.I, NXB Văn hóa, 1987, tr.3-5.

Ghi chú:

Tên bài đã được thay đổi.

Tên bài gốc:

“Nhóm Lê Qúy Đôn": những dịch giả xuất sắc

Theo: bee.net.vn

01-10-2011