Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

GS.TSKH.NGND Phương Lựu - Bùi Văn Ba - một nhà khoa học bền chí, một nhà giáo tâm huyết, một con người đáng nể trọng


15-09-2011

Bùi Văn Ba - Phương Lựu là một nhà khoa học bền chí, một nhà giáo tâm huyết, một con người có nhân cách đáng nể trọng. Ông gắn bó với một thế hệ làm nên gương mặt tinh thần của giới trí thức Việt Nam ở cả một thời đại. Ông góp phần “khơi dòng” lý thuyết và sau ông có nhiều thế hệ đã trưởng thành đang làm ló dạng diện mạo tinh thần của thời đại mới.

GS.TSKH.NGND Phương Lựu - Bùi Văn Ba

MỘT NHÀ KHOA HỌC BỀN CHÍ, MỘT NHÀ GIÁO TÂM HUYẾT.
                                MỘT CON NGƯỜI ĐÁNG NỂ TRỌNG

                                                        La Khắc Hoà

 
1. Giáo sư Bùi Văn Ba hơn tôi 10 tuổi, tôi gọi “anh”, xưng “em” thân mật, nhưng ông thuộc thế hệ sư biểu của tôi. Phải nói ngay như thế vì tôi nhận thấy có sự khác nhau sâu sắc trong bức chân dung tinh thần của đội ngũ trí thức thuộc thế hệ ông với thế hệ chỉ thua ông chừng dăm tuổi. Gần 40 năm trước, tôi đã được nghe người ta đánh giá khá cao về Bùi Văn Ba. Hồi ấy tôi còn rất trẻ, mới được giữ làm cán bộ Trường Vinh đang đóng ở Thanh Hoá, ngày hai bữa cắp bát đến bếp tập thể, chiến tranh mà cứ tới bữa ăn là vui như hội. Bữa ăn hôm ấy không biết nguồn cơn thế nào mà mấy ông thầy tôi lại luận bàn về các vị dạy văn học Trung Quốc. Tôi còn nhớ thầy tôi là Ngô Xuân Anh nói với thầy tôi là Nguyễn Khắc Phi, rằng trong số các ông dạy văn học Trung Quốc từng du học ở Trung Hoa, Bùi Văn Ba thuộc vào loại giỏi. Rồi sau đó tôi được biết, Bùi Văn Ba lấy bút danh là Phương Lựu. Một chiều đông năm 1981, tôi lạc vào Nhà sách ngoại văn ở Lêningrat. Nhìn lên dãy giá bày bán sách tiếng Việt, thấy ngay cái tên Phương Lựu, và tôi đã mua cuốn Học tập tư tưởng văn nghệ V.I. Lênin ở đấy. Cho đến lúc ấy, tôi vẫn chưa được gặp Bùi Văn Ba và cũng không ngờ chỉ hai năm sau tôi trở thành tổ viên trong tổ bộ môn của ông.  
Tôi về Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1983. Ông Đỗ Hữu Châu kéo tôi về Khoa và giao tôi cho ông Bùi Văn Ba. Tôi đến nhà ông ở khu Thành Công vào một buổi chiều, đi cùng với ông Lê Cận lúc bấy giờ đang công tác ở Viện Khoa học Giáo dục. Vẫn tưởng như chuyện chỉ mới xảy ra ngày hôm qua, thế mà ông Lê Cận và ông Đỗ Hữu Châu đã thành người thiên cổ!. Tôi trình ông xem giấy tờ để ông hiểu đôi chút về nhân thân của tôi. Ông chỉ liếc qua, chẳng vặn vẹo gì. Sau mấy câu thăm hỏi, thấy ông giở sổ ghi ghi chép chép và bàn soạn công việc với tôi. Ông bảo tôi chuẩn bị báo cáo trước tổ nội dung cái luận án tôi bảo vệ ở Liên Xô. Tôi nghĩ, thế là ông ấy đã nhận mình. Lại nghĩ: ông này thoáng. Cuốn sổ ghi chép của ông chi chít những chữ là chữ, chữ nào cũng viết ngoáy, viết tắt, mà bé tí tị tì ti như con kiến gió, chẳng ra hàng lối gì. Nhìn vào trang giấy thấy chữ nọ sít sìn sịt với chữ kia rối tít lòi tói, tôi lại bụng bảo dạ, “Người làm răng cái săng làm vậy”, ông này “rắn”, chứ chẳng “thoáng” đâu!. Về sau, cùng làm việc với nhau lâu ngày, tôi hiểu, Bùi Văn Ba là người sống có nguyên tắc. Ông hành xử “thoáng” hay “rắn” đều xuất phát từ nguyên tắc sống bất di bất dịch của mình. Ông là nhà giáo, nhà khoa học và cũng là con người của cuộc sống thường nhật. Ở những bình diện khác nhau ấy, nguyên tắc sống của ông có những biểu hiện khác nhau, nhưng cũng rất thống nhất.
 
2. Tôi xếp ông Bùi Văn Ba vào hàng “quân tử” bình dân. Là “quân tử” vì đã mấy chục năm nay thấy ông hoàn toàn lánh xa nơi bếp núc. Tôi nghĩ, ông được như thế là nhờ có bà nội tướng đảm đang. Tôi nhớ, những năm 80 của thế kỷ trước, chị Phương Thi là cán bộ Công đoàn Khoa Văn. Vào những ngày tháng cực kỳ khó khăn ấy, chị Thi tìm đủ mọi cách giúp cán bộ trong khoa cải thiện đời sống. Mỗi lần đến căn hộ trên tầng bốn của ông ở Thành Công, tôi thường thấy chị Thi ngồi sau cái máy khâu may hàng gia công. Bước ra ban công phía nhà vệ sinh, tôi thấy những chú gà “thịt”, gà đẻ trứng chen chúc trên một cái chuồng chia thành nhiều ô, đóng rất khéo. Thời ấy nó thế. Có điều là những quả trứng kia với khoản thu nhập còm cõi nhờ may hàng gia công của chị Thi chắc chắn đã góp phần làm giảm bớt khó khăn của cuộc sống áo cơm để ông Bùi Văn Ba yên tâm ngồi trên cái ghế của người quân tử.
Ông Bùi Văn Ba giữ được cung cách của bậc quân tử có lẽ còn vì ông là người rất đỗi giản dị trong sinh hoạt thường nhật. Đây là đức tính làm nên bản chất “bình dân” trong con người quân tử của ông. Chị Phương Thi nói với tôi, ông ăn uống rất dễ tính. Ông ngồi chỗ nào là thấy khói toả mù mịt.Ông nghiện thuốc lá, hút liên tục, hết điếu nọ đến điếu kia, nhưng chẳng mấy khi thấy ông dùng các loại thuốc đắt tiền. Trang phục của ông cũng chẳng có kiểu cách hay “gu”, “mốt” gì. Ông thường dùng một cái cặp rất cũ, bên trong lúc nào cũng thấy đầy ắp sổ sách giấy tờ. Tôi nhớ nhất là đôi dép cao su của ông. Không hiểu ông tậu được ở đâu, nhưng tôi biết chắc, đó là loại dép có nguồn cội từ khu Bốn, được sản xuất nhiều ở đất Thanh - Nghệ ăn chắc mặc bền. Loại dép này cho dù cứ mang liền liền ở chân thì dẫu đến mấy kiếp cũng chưa hỏng. Mãi tới vài năm gần đây mới thấy ông thôi, không dùng đôi dép ấy nữa.
Ăn mặc thì tuyềnh toàng thế, nhưng Bùi Văn Ba lại rất chu đáo, chu đáo tới mức thành người kỹ tính. Khi ông làm Trưởng Bộ môn, hàng chục năm liền, tôi thấy lịch xuất hành hôm mồng 1 Tết Nguyên Đán của ông chẳng có gì thay đổi. Năm nào ông cũng lần lượt đến nhà từng tổ viên để chúc Tết theo thứ tự từ lớn đến bé, già trước, trẻ sau. Hễ có ai ốm đau, tôi thường thấy ông là người đầu tiên tới động viên thăm hỏi. Mỗi lần Tổ Bộ môn có hội họp vui vẻ, ông không quên mời gọi những người không còn làm việc ở Khoa, như GS Nguyễn Văn Hạnh, PGS Thành Thế Thái Bình, hay chị Kim Phong ở Nhà xuất bản Giáo dục. Nhờ những lần ông mời gọi như thế, tôi mới biết PGS Nguyễn Văn Hoàn cũng từng là tổ viên Tổ Lý luận văn học. Ông đặc biệt quan tâm tới đời sống tinh thần, nhất là khía cạnh con người chính trị của từng tổ viên trong Tổ Bộ môn. Ông phát động phong trào “đảng viên hoá” toàn Tổ. Tôi vào Đảng nhờ sự giới thiệu của ông. Tôi biết ơn và nhìn thấy ở ông bức chân dung tinh thần của cả một thế hệ. Tôi gọi đó là thế hệ trí thức mang bản chất bình dân và rất“thành tâm đại chúng hoá”. Thế hệ này lớn lên thời kháng chiến chống Pháp, trưởng thành ở miền Bắc sau ngày hoà bình lập lại. Họ thường trọng tinh thần mà bỉ thể chất, xem bản chất cần lao và vị thế chính trị là những nhân tố quan trọng nhất làm nên danh giá một con người. Nhân sinh quan của cả một thế hệ hình như đã thấm sâu vào cách hành xử của GS Bùi Văn Ba. Giờ thì tôi hiểu, ông Bùi Văn Ba rất “thoáng” khi nhận tôi về Tổ, vì ông nhìn thấy ở tôi một người lao động ngay thẳng, lương thiện. Nhưng suốt mấy chục năm qua lúc nào tôi cũng tất bật vì bị ông thúc dục làm việc rất “rắn”.
 
3. Bản thân GS Bùi Văn Ba là tấm gương lao động mẫu mực. Gần nửa thế kỷ dạy học, ông góp phần đào tạo hàng nghìn cử nhân. Ông tham gia đào tạo Cao học và Nghiên cứu sinh ngay từ những khoá đầu tiên. Học trò của ông có mặt ở mọi miền đất nước, nhiều người đỗ đạt cao, không ít người đang nắm giữ những cương vị xã hội quan trọng. Nhưng tôi tin, trong đám môn đệ ấy ít có ai theo kịp được ông về tấm gương kiên trì tự học suốt cả một đời người. Năm 1987 ông vệ luận án Phó Tiến Sỹ bằng con đường tự học. Rồi đến 1991, cũng bằng con đường tự học, ông là người đầu tiên ở Việt Nam đã bảo vệ thành công luận án thuộc chuyên ngành Ngữ Văn ở trong nước để nhận học vị cao nhất : học vị Tiến sỹ khoa học. Ông giỏi tiếng Trung Quốc. Nhưng ông tự học thêm tiếng Pháp, tiếng Nga để có thể trực tiếp thâm nhập vào các khu vực văn hoá lớn nhất của nhân loại.
Không ngừng tự học, tự nâng cao trình độ để có thể dạy học ở nhiều hệ đào tạo là nguyên tắc bất di bất dịch trong hoạt động giáo dục của GS Bùi Văn Ba. Có lẽ vì suốt đời phải tự học, nên ông rất cảm thông với bao thế hệ học trò. Khi đất nước còn khó khăn, tài liệu tham khảo thiếu thốn, GS Bùi Văn Ba luôn quan tâm việc biên soạn giáo trình : giáo trình cho sinh viên đại học và cả một hệ thống chuyên đề phục vụ việc đào tạo Cao học. Bộ giáo trình Lý luận văn học 3 tập, do ông chủ biên, in ở Nhà xuất bản ở Giáo dục từ năm 1986 đến 1988 đánh dấu thời kỳ “đổi mới”, về sau tái bản nhiều lần, có ảnh hưởng lớn trong các khối các trường sư phạm và đến nay vẫn được dư luận đánh giá cao, xem đó là bộ giáo trình tốt hơn cả trong phạm vi cả nước.
Lấy tự học làm căn bản, tự học để thành đạt cũng là đặc điểm nổi bật trên bức chân dung tinh thần của cả một thế hệ trí thức lớn lên trong kháng chiến chống Pháp và trưởng thành ở miền Bắc sau ngày hoà bình lập lại. Có rất nhiều tên tuổi đã trở nên quen thuộc với chúng ta, như Hoàng Như Mai, Nguyễn Đình Chú, Phan Trọng Luận, Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Hữu Châu, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San, Đặng Thanh Lê, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Nguyễn Lộc, Lê Bá Hán... Trong thế hệ ấy không thể thiếu tên tuổi của Giáo sư Bùi Văn Ba và ông có quyền tự hào vì là người thành đạt bằng con đường tự học.
 
4. Sự nghiệp trồng người bao giờ cũng là nội dung cơ bản trong hoạt động sư phạm của một nhà giáo. Nhưng dạy học ở bậc đại học không phải là giảng giải những bài học có sẵn mà là dẫn dắt học trò khám phá một lĩnh vực khoa học nào đó. Cho nên, muốn trở thành một nhà giáo mẫu mực, người dạy học ở đại học phải phấn đấu để trở thành một nhà khoa học. Cuộc đời và sự nghiệp của Nhà giáo Nhân dân Bùi Văn Ba đã toát lên tinh thần ấy.
Ở phần trên, tôi thường nhắc tới cái tên Bùi Văn Ba. Đó là tên khai sinh, tên cha truyền, mẹ đặt. Hình như để đền ơn phụ mẫu, trả nghĩa cho đời và cũng là để tự khẳng định bản thân, Bùi Văn Ba, bằng hoạt động nghiên cứu khoa học, đã tự vun đắp cho mình một cái tên khác. Không chỉ riêng tôi, mà từ lâu, cái tên Phương Lựu đã trở thành qúa quen thuộc với nhiều thế hệ sinh viên, học viên Cao học, nghiên cứu sinh, với những người giảng dạy và nghiên cứu văn học. Nói tới Phương Lựu, người ta nghĩ ngay tới một nhà khoa học viết nhiều, viết khoẻ. Ở Việt Nam, số học giả viết khoẻ, viết nhiều như Phương Lựu có thể tính đếm trên đầu ngón tay. Mở rộng sự tính đếm, tôi còn thấy, nhiều ông học giả rất có tên tuổi ở nước ngoài cũng chỉ để lại một khối lượng ấn phẩm khiêm tốn, chẳng thấm tháp gì so với số lượng giấy mực mà bản thân Phương Lựu và các nhà xuất bản đã sử dụng để ghi lại và quảng bá tư tưởng khoa học của ông. Phương Lựu là tác giả của mấy trăm bài báo. Ông từng làm chủ biên và tham gia biên soạn trên dưới 30 cuốn sách, trong đó có nhiều bộ giáo trình thuộc đủ loại. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì đến nay ông đã cho xuất bản 18 chuyên luận đủ cỡ dài ngắn khác nhau. Năm 2005, Phương Lựu Tuyển tập ra mắt bạn đọc. Tuyển tập có 3 quyển, tổng cộng 1747 trang, in trên cỡ giấy lớn 16x24cm, chọn lựa chủ yếu là các chuyên luận quan trọng nhất của tác giả. Người Trung Hoa có thói quen đếm số chữ để ghi nhận công lao của một nhà hoạt động văn hóa. Bắt chước người Trung Hoa, tôi thử đếm và làm tròn số thì thấy, chỉ riêng trong Phương Lựu Tuyển tập, nhà nghiên cứu này đã viết bảy mươi vạn chữ (chính xác: 674.784 tiếng).
Bảy mươi vạn chữ, không thể viết trong một năm, hai năm, thậm chí năm năm hay mười năm. Đó là kết quả lao động liên tục, bền bỉ, không biết mệt mỏi trải dài hơn 40 năm của một nhà giáo mà hình như lúc nào cũng ham mê đọc sách và xem viết lách là sinh thú lớn nhất ở đời. Chả thế mà năm 1960, mới 24 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Bắc Kinh, về công tác ở Khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội chưa được bao lâu, Phương Lựu đã công bố một bài viết mang cái tươi rói của buổi đầu đời. Tôi muốn nhắc tới bài báo in trên tạp chí Nghiên cứu Văn học với nhan đề: Đọc “Mưa to gió lớn” của Chu Lập Ba. Một năm sau, năm 1961, Phương Lựu tham gia biên soạn giáo trình Văn học Trung Quốc. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, người đọc còn biết tới bút danh Phương Lựu qua hàng loạt bài nghiên cứu về Lỗ Tấn và Quách Mạt Nhược.. Từ những năm 70, cứ trung bình hai năm, người ta thấy Phương Lựu lại viết xong một chuyên luận khoa học. Có năm, ví như năm 1997, Phương Lựu in tới 3 đầu sách. Nhìn bảng liệt kê dưới đây, ta nhận ra ngay một cường độ và hiệu quả lao động mà không phải ai cũng đạt được:
- 1977: Lỗ Tấn, nhà lý luận văn học (Nxb Đại học và THCN)
- 1979: Học tập tư tưởng văn nghệ V.I. Lênin (Nxb Văn học)
- 1983: Tìm hiểu một nguyên lý văn chương (Nxb Khoa học xã hội)
- 1985: Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam (Nxb Giáo dục)
- 1989: Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc (Nxb Giáo dục)
- 1994: Trên đà đổi mới văn hoá nghệ thuật (Quảng Ngãi)
- 1995: Tìm hiểu lý luận văn học phương Ttây hiện đại (Nxb Văn học)
- 1996: Văn hoá văn học Trung Quốc cùng một số liên hệ ở Việt Nam
( Nxb Hà Nội)
- 1997: Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam (Nxb Giáo dục)
- 1997: Khơi dòng lý thuyết ( Nxb Hội nhà văn)
- 1997: Tiếp nhận văn học (Nxb Giáo dục)
- 1998: Nhìn lại nửa thế kỷ lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Nxb Giáo dục)
- 1999: Mười trường phái lý luận phê bình văn học đư\ơng đại phương Tây (Nxb Giáo dục)
- 2000: Tiếp tục khơi dòng (Nxb Văn học)
- 2001: Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX (Nxb Văn học)
- 2002: Từ văn học so sánh đến thi học so sánh (Nxb Văn học)
- 2004: Lý luận phê bình văn học (Nxb Đà Nẵng)
- 2005 Phương pháp luận nghiên cứu văn học (Nxb ĐHSP)
        Viết mấy trăm bài báo, hai ba chục cuốn sách, ngần ấy công trình chẳng lẽ chưa đủ để nói lên một cái gì ư? Trong triết học, người ta chẳng thường nói tới quy luật “lượng chuyển thành chất” đó sao?. Nhưng quả là tôi không có ý định lấy số lượng công trình để đánh giá tầm cỡ của một nhà khoa học. Chỗ dựa đáng tin cậy để đánh giá tầm cỡ của một học giả chỉ có thể là tầm bao quát và năng lực khám phá, là bề rộng và chiều sâu của của các công trình nghiên cứu, là cách kiến giải các vấn đề khoa học mà học giả ấy đề xuất. Cũng cần phải nói ngay, trong nghiên cứu khoa học, để có được tư tưởng và những cách kiến giải riêng, ngoài tài năng, người ta phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi và công sức. Chắc chắn, GS Phương Lựu không phải là trường hợp ngoại lệ. Khảo sát theo trình tự thời gian, tôi thấy cuộc đời khoa học của GS Phương Lựu có thể tạm chia thành 3 giai đoạn nói lên sự trưởng thành không ngừng của ông.
Giai đoạn thứ nhất trải dài hai mươi năm, từ những năm 60 cho đến hết những năm 70 của thế kỷ trước. Có thể gọi đây là giai đoạn “Học tập”. Để trở thành một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, để có thể đứng vững vàng trên bục giảng ở bậc đại học, hình như ai cũng phải trải qua vài chục năm khổ luyện như vậy. Thành tựu nổi bật của GS Phương Lựu ở giai đoạn này là 2 chuyên luận: Lỗ Tấn, nhà lý luận văn học (1977) và Học tập tư tưởng văn nghệ V.I.Lênin (1979). Rõ ràng, không phải do tôi nghĩ ra, mà chính Phương Lựu, khi bàn về di sản văn nghệ của Lênin, đã dùng hai chữ “Học tập…”. Tôi chỉ lẩy ra hai chữ ấy từ nhan đề cuốn sách để nói về giai đoạn đầu tiên trên con đường nghiên cứu khoa học của ông. Mà làm như thế là có cơ sở, vì “tinh thần “học tập” đã toát lên từ cuốn sách viết về Lỗ Tấn của Phương Lựu. Cuốn sách có 10 chương. Sáu chương đầu bàn về chuyện học tập tư tưởng cách mạng và tư thế chiến sỹ của một văn hào thuộc hàng lỗi lạc nhất của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Bài học tư tưởng cách mạng, tư thế chiến sỹ của người cầm bút được rút ra từ những “bước đường tư tưởng văn nghệ” của Lỗ Tấn. Lỗ Tấn đi từ “tư tưởng văn nghệ lãng mạn tích cực”, qua “tư tưởng văn nghệ hiện thực cách mạng”, để cuối cùng đến với “tư tưởng văn nghệ Mác – Lênin” (chương I). Được vũ trang bằng tư tưởng Mác – Lênin, Lỗ Tấn đấu tranh không khoan nhượng trên hai mặt trận: mặt trận “chống quan điểm văn nghệ tư sản” và mặt trận “phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa giáo điều” (chương II). Lỗ Tấn là tấm gương “tu dưỡng tư tưởng”, “đi sâu vào cuộc sống” và “trau dồi văn hoá, kỹ thuật viết văn” (chương III). Lỗ Tấn kiên trì nguyên tắc “đại chúng hoá văn nghệ” (chương IV), ông vừa “kế thừa di sản dân tộc”, vừa “tiếp thu văn học nước ngoài”. Bài học rút ra ở 4 chương cuối cuốn sách là các ý kiến của Lỗ Tấn về “điển hình” (chương VII), về “thể loại” (chương VIII), về “ngôn ngữ” (chương IX) và “phê bình văn học” (chương X).
Đã học tập Lỗ Tấn thì tất yếu phải hướng tới Lênin. Lô gíc của vấn đề là thế. Bốn bài học quan trọng nhất mà Phương Lựu rút ra trực tiếp từ tư tưởng văn nghệ của Lênin là “nguyên lý tính đảng”, là “phản ánh luận”,“vấn đề kế thừa và sáng tạo trong văn học” và những ý kiến của Lênin về đặc trưng văn nghệ. Trong cuốn viết về Lỗ Tấn, Phương Lựu chủ yếu rút ra những bài học đối với văn nghệ sỹ nói riêng, với người cầm bút nói chung. Trong Học tập tư tưởng văn nghệ V.I. Lênin, Phương Lựu rút ra những bài học có ý nghĩa nguyên lý để từ đó xây dựng nền văn nghệ mới. Đó là nền văn nghệ được vũ trang bằng lập trường của giai cấp vô sản, bằng quan điểm mỹ học Mác xít và sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ta hiểu vì sao, cuốn sách của Phương Lựu được bắt đầu bằng bài học về “sự phát triển của Lênin đối với tư tưởng văn nghệ của Mác – Ăngghen” và kết thúc bằng chương “Sự vận dụng sáng tạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với tư tưởng văn nghệ của V.I. Lênin”.
Giai đoạn thứ hai trong sự nghiệp khoa học của GS Phương Lựu có thể gói gọn vào những năm 80. Đó là giai đoạn sau chiến tranh, đất nước trải qua những ngày tháng cực kỳ khó khăn gian khổ dẫn tới công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng tại diễn đàn của Đại hội VI. Những khó khăn trong sinh hoạt thường nhật hình như không ảnh hưởng tới việc nghiên cứu khoa học của GS Phương Lựu. Cho nên ông mới có thể bảo vệ luận án để lấy học vị Phó Tiến sỹ và trong vòng mấy năm, ông cho in tới 3 cuốn sách: Tìm hiểu một nguyên lý văn chương (1983), Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam (1985), và Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc (1989). Cuốn Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam về sau được phát triển trong luận án Tiến sỹ Khoa học để đến năm 1997 thì xuất bản thành chuyên luận với nhan đề: Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam.
Giai đoạn thứ hai trong sự nghiệp khoa học của Phương Lựu vừa tiếp nối một cách tự nhiên giai đoạn trước, vừa đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của một nhà nghiên cứu. Điểm nhấn của giai đoạn trước là “học tập”. Mặt mạnh của giai đoạn này là tiếng nói bàn bạc, thảo luận, nhiều khi nhà khoa học không ngại đối thoại thẳng thắn. Tôi gọi đây là giai đoạn phát biểu chính kiến của học giả Phương Lựu. Nhà khoa học đã trưởng thành thẳng thắn phát biểu chính kiến về hàng loạt vấn đề lý luận mang tính thời sự mà có tầm vóc lớn lao, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoạch định nguyên tắc xây dựng nền văn hoá xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Vào những năm 80, vấn đề luôn luôn nằm ở vị trí trung tâm trong tư duy khoa học của Phương Lựu là vấn đề “dân tộc - hiện đại”. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng ta dương cao ngọn cờ “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ, Đảng lại dương cao ngọn cờ “dân tộc và hiện đại”. Là nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, Phương Lựu suy ngẫm về vấn đề “dân tộc - hiện đại” của lý luận phê bình văn học. Viết Lời tác giả cho Phương Lựu tuyển tập, ông chân thành tự bạch: “Phương châm học thuật bao trùm suốt đời tôi (…) là ra sức góp phần xây dựng một nền lý luận phê bình văn học dân tộc - hiện đại, trong nghiên cứu cũng như trong giảng dạy, từ những giáo trình cơ sở đến những chuyên đề chuyên ngành” (1) Tìm hiểu một nguyên lý văn chương là công trình có giá trị đầu tiên được Phương Lựu viết ra để thực hiện phương châm học thuật của mình. “Nguyên lý văn chương” mà Phương Lựu thảo luận trong chuyên luận này là tính dân tộc của văn học nghệ thuật. Luận điểm quan trọng thể hiện đầy đủ nhất chính kiến của một nhà khoa học được Phương Lựu phát biểu ở đây, theo tôi, là luận điểm nói về sự cần thiết phân biệt về mặt lý thuyết hai bình diện: bình diện “thuộc tính” và bình diện “phẩm chất” của tính dân tộc trong văn học. Tính dân tộc là thuộc tính của văn học. Nhưng chỉ khi nào nghệ sỹ thể hiện được những phẩm chất ưu tú của dân tộc, thì tác phẩm của anh ta mới có giá trị, có sức sống lâu bền.
Cuốn Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam thể hiện mạch suy ngẫm liên tục của Phương Lựu về vấn đề “dân tộc - hiện đại”. Phương Lựu khái quát “quan niệm văn chương yêu nước, đánh giặc”, xem đó như là điểm son trong truyền thống tư duy lý thuyết của dân tộc. Ông phân tích, chứng minh đầy thuyết phục quá trình vận động của quan niệm “văn dĩ tải đạo” trải qua những thời đại thịnh suy của chế độ phong kiến. Có thể xem chuyên luận Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc là dấu gạch nối nối liền giai đoạn thứ hai với giai đoạn thứ ba trong sự nghiệp khoa học của Phương Lựu.
Giai đoạn thứ ba, liền một mạch từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước cho đến nay, theo tôi, là thời kỳ thăng hoa trong hoạt động khoa học của Phương Lựu. Câu nói “gừng càng già càng cay” có lẽ là câu nói ứng nghiệm với hiệu quả lao động khoa học của GS Phương Lựu. Trong vòng 15 năm, ông viết trên 10 cuốn sách bàn luận nhiều vấn đề cốt tử của lý luận phê bình văn học trước nhu cầu đổi mới của thời đại. Trước kia, ông thâu tóm vào những công trình nghiên cứu của mình toàn bộ tinh hoa lý luận văn nghệ phương Đông. Nay, tư duy lý thuyết của ông hướng sang phương Tây, và khi đã đủ tư liệu, ông hướng tới sự so sánh thi học giữa phương Tây và phương Đông.
Nhìn lại cuộc đời khoa học của Phương Lựu tôi mạo muội có mấy lời bình như thế này: Phương Lựu đúng là nhà nghiên cứu chuyên sâu. Ông có đối tượng nghiên cứu và những mối quan tâm khoa học rất riêng. Gần nửa thế kỷ ông chỉ cày sâu cuốc bẫm trên cái lãnh thổ mà ông đã khai phá, rào dậu cẩn thận. Trong lúc trò chuyện thân tình, lúc sinh hoạt khoa học và cả trên nhiều trang viết, Phương Lựu không dấu niềm kiêu hãnh về sự thuỷ chung của mình với lý luận văn học. Rõ ràng, mối quan tâm hàng đầu của ông là những vấn đề lý luận văn học ở bình diện khái quát trừu tượng và tư tưởng văn nghệ của những nhà lập thuyết. Như đã nói, Phương Lựu tuyển tập chia thành 3 tập, mỗi tập có một tiêu đề riêng. Tập “Một”: Lý luận văn học cổ điển phương Đông. Tập “Hai”: Lý luận văn học hiện đại phương Tây. Tập “Ba”: Lý luận văn học Mác – Lênin. Chưa cần đọc các bài báo, các giáo trình viết cho đại học, chỉ cần lướt qua tiêu đề 3 tập của bộ “Tuyển”, ta đã nhận ra khả năng của tác giả trong việc bao trùm cả một bể kiến thức mênh mông đông - tây, kim - cổ. Thế là “uyên” và “bác”, “sâu” và “rộng” không hề xung đột với nhau trong tư duy khoa học của Phương Lựu. Chính những công trình nghiên cứu chuyên sâu của ông đã nói với ta, rằng bể học quả là vô cùng, chẳng biết đâu là bờ bến.
Ngay ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chân dung tinh thần của Phương Lựu cũng mang những đặc điểm của cả một thế hệ trí thức. Trên kia, tôi dừng lại khá lâu ở giai đoạn “Học tập” của Phương Lựu vì đối với ông, “học tập” không phải là “tập làm”, hay “học việc”, mà là tạo nền, đắp móng để từ đó kiến tạo cả một lâu đài. Có thể thấy, những bài học rút ra từ hai cuốn sách viết về Lỗ Tấn và Lênin có vị trí vô cùng quan trọng đối với việc hình thành thế giới quan khoa học của Phương Lựu. Mọi công trình khoa học sau này của ông đều lấp lánh ánh sáng của những bài học ấy. Mỗi lần đọc sách của Phương Lựu, trong suy ngẫm của tôi thường thấp thoáng một sự ví von thế này. Với Phương Lựu, mỹ học Mác – Lênin và đường lối văn nghệ đầy sáng tạo của Đảng ta bao giờ cũng là mỏ neo định vị giữ con tàu giữa biển khơi văn hoá còn nhiều bão táp phong ba. Đường lối văn nghệ đầy sáng tạo của Đảng và mỹ học Mác – Lênin còn là loại “kháng thể”, là thứ “vắc-xin” cực mạnh giúp ông chống lại mọi thứ “nọc độc” giữa một thế giới tư tưởng vẫn chưa hết sự đối lập bên địch - bên ta. Với Phương Lựu, diễn đạt theo cách của Đồng chí Trường Chinh, khi mà mọi thứ “chủ nghĩa” thi nhau mọc lên như “nấm sau mưa”, thì mỹ học Mác – Lênin, đường lối văn nghệ của Đảng còn là “lăng kính” để “gạn khơi” (chữ của Phương Lựu.- L.K.H), soi ngắm, không lẫn lộn dòng “đục” với dòng “trong”.
Sự trung thành với đường lối văn nghệ của Đảng và tư tưởng mỹ học Mác – Lênin khiến Phương Lựu trở nên gần gũi với thế hệ sư biểu của ông như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh. Đặt bên cạnh các tên tuổi như Nam Mộc, Hà Xuân Trường, Lê Đình Kỵ, Vũ Khiêu, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Phong Lê…, sự nghiệp khoa học của Phương Lựu vẫn có vị trí, có chỗ đứng rất riêng. Khác với nhiều tên tuổi cùng thời, Phương Lựu đánh giá cao phần tinh hoa trong di sản lý luận văn nghệ phương Đông, trong đó có di sản văn nghệ của Việt Nam. Ông có công giới thiệu một cách hệ thống các trường phái mỹ học và lý luận văn học phương Tây. Nhưng ngay ở đây vẫn có một điểm mấu chốt ta dễ dàng nhận ra khi nghiên cứu sự nghiệp khoa học của Phương Lựu. Phương Lựu không bao giờ kêu gọi đào bấng cái cây lý luận phương Tây đem về trồng trên mảnh đất Việt Nam. Với Phương Lựu, cái cây phù hợp với phong thuỷ, thung thổ Việt Nam vẫn là mỹ học Mác – Lênin. Nghĩa là ông không chủ trương xây dựng một nền lý luận văn học hiện đại theo con đường Tây Âu hoá. Ông khẳng định, con đường duy nhất để xây dựng nền lý luận phê bình văn học dân tộc - hiện đại chỉ có thể là con đường nhào nặn lại tinh hoa lý luận phương Đông và hạt nhân hợp lý của mỹ học phương Tây, “gạn khơi” và cải tạo chúng, biến chúng thành nhân tố cấu thành hợp lý của mỹ học Mác – Lênin, mang lại cho mỹ học Mác - Lênin sức sống tràn trề, làm cho nó ngày càng trở nên giàu có hơn, phong phú hơn. Tự chia bộ Tuyển … thành 3 tập, tập 1 nói về “cổ điển phương Đông”, tập 2 nói về “hiện đại phương Tây”, tập cuối kết tụ Lý luận văn học Mác – Lênin, Phương Lựu hé lộ để người đọc dễ nhận ra tinh thần cốt lõi trong tư tưởng học thuật của ông. Tinh thần cốt lõi ấy hoàn toàn phù hợp với chủ trương định hướng xã hội chủ nghĩa và đường lối văn nghệ sáng suốt của Đảng ta. Đó cũng chính là nền tảng khiến tư tưởng học thuật của Phương Lựu tuy không đồng nhất, nhưng cũng không đối lập với tư tưởng học thuật của nhiều tên tuổi cùng thời.
 
 
*   *
*
Bùi Văn Ba - Phương Lựu là một nhà khoa học bền chí, một nhà giáo tâm huyết, một con người có nhân cách đáng nể trọng. Ông gắn bó với một thế hệ làm nên gương mặt tinh thần của giới trí thức Việt Nam ở cả một thời đại. Ông góp phần “khơi dòng” lý thuyết và sau ông có nhiều thế hệ đã trưởng thành đang làm ló dạng diện mạo tinh thần của thời đại mới. Nhân ông tròn bảy mươi xuân, tôi thầm cầu chúc cho ông sức khoẻ, giữ mãi bầu nhiệt huyết sung mãn có từ thời trai trẻ để nâng đỡ, dìu dắt và cảm thông với các thế hệ huynh đệ và môn đệ của ông đang noi gương ông mà tiếp bước.
                                                                                            Theo: nguvan.hnue.edu.vn/

 

15-09-2011