Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Nhớ ngày Bác thăm trường ĐH Sư phạm Hà Nội


17-08-2021

Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - một ngôi trường nhà tranh vách đất nằm mãi ngoài Km số 8 đường Hà Nội đi Sơn Tây? Phải chăng, Bác đã đánh giá đặc biệt ngôi trường được ví là “máy cái” trong ngành Giáo dục, trong sự nghiệp “trồng người”?

Mỗi khi có dịp ngang qua hồ Thiền Quang, Hà Nội, tôi lại rẽ vào thăm ông Đỗ Đình Đắc, cán bộ hưu trí Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội… Đã mấy năm vì tuổi cao sức yếu, không có điều kiện về thăm lại trường nhưng nghe tôi nhắc đến lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (11/10/1951 - 11/10/2011), ông bồi hồi nhớ lại sự kiện ngày 21/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ngài Môđibô Câyta, Tổng thống nước Cộng hòa Ghinê Mali đến thăm Trường Đại học Sư phạm.

Ông Đỗ Đình Đắc bồi hồi nhớ lại: Hôm ấy trời mưa, Bác Hồ đã nói chuyện với các thầy cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của trường. Anh xem lại những tấm ảnh trong Phòng Truyền thống của trường sẽ thấy Bác Hồ với thầy Phạm Huy Thông đi trước, tôi đi sau, cho nên tôi được trực tiếp quan sát tất cả phong thái hay lời nói của Bác. Tôi thấy có nhiều điều đáng suy nghĩ lắm về tác phong cần, kiệm, liêm, chính của Người.

Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - một ngôi trường nhà tranh vách đất nằm mãi ngoài Km số 8 đường Hà Nội đi Sơn Tây - mà không chọn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - ngôi trường được xây dựng từ thời Pháp, cơ sở khang trang nằm ngay trung tâm Thủ đô trên phố Lê Thánh Tông? Phải chăng, Bác đã đánh giá đặc biệt ngôi trường được ví là “máy cái” trong ngành Giáo dục, trong sự nghiệp “trồng người”?

Với những thành tích nổi bật về mọi mặt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1961. Năm 1962, tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được công nhận là một trong những đơn vị thi đua tiên tiến xuất sắc nhất của cả nước và được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali Môđibô Câyta đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ngày 21/10/1964).

Sau bài phát biểu bằng tiếng Pháp do thầy Hiệu trưởng Phạm Huy Thông tự viết, được mọi người tấm tắc khen ngợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bài nói chuyện của mình:

“- Vì bận nhiều việc, Bác ít đến thăm nhà trường. Bác tự phê bình trước các cô giáo, thầy giáo, các cháu học sinh, các đồng chí cán bộ, công nhân viên. Các cô, các chú phải cảm ơn Tổng thống Câyta, bà Tổng thống và các vị cùng đi, bởi vì hôm nay có Tổng thống và các vị cùng đi đến đây thì Bác không thể không đến được. Nhân dịp này, Bác có lời cảm ơn các đồng chí chuyên gia Trung Quốc, các đồng chí Liên Xô, các đồng chí Tân Tây Lan (Niu Dilân) đến giúp đỡ các cô giáo, thầy giáo và giúp các cháu học tập.

Bây giờ Bác nói mấy ưu điểm của trường:

- Một là tất cả mọi người, các cô giáo, thầy giáo, các cán bộ, công nhân viên cũng như các cháu học sinh đều có tinh thần khắc phục khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Đó là một điều tốt.

Bác nói đến đây thì tất cả mọi người đều đồng thời vỗ tay. Khi tiếng vỗ tay vừa dứt, Bác cười và hỏi: “Đến khi Bác nói đến khuyết điểm có vỗ tay thế không?”. Rồi Người nở nụ cười hiền từ, nói tiếp:

- Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là cái gì? Là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu mà không có đầy đủ đạo đức cách mạng thì có tài gì cũng vô dụng.

Đạo đức cách mạng là gì?

Bác nói tóm tắt, vì hôm nay có khách, Bác không nói dài: Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân.

- Một ưu điểm nữa là phong trào thi đua “hai tốt" ở đây làm khá. Bác nói rằng khá, chứ chưa phải là trăm phần trăm tốt đâu nhé!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ nói hai ví dụ trong số mấy trăm giáo viên trẻ xung phong đi miền núi, để đưa hiểu biết văn hóa lên cho đồng bào miền rẻo cao mà Bác theo dõi: Một cô giáo lên thì không có trường và không có học trò. Xóm này cách xóm kia rất xa, đi lại khó khăn. Cô giáo ấy đã cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với đồng bào, từng bước từng bước tuyên truyền cho bố mẹ và tuyên truyền cho các cháu đi học, dần dần đã xây dựng nên nhà trường. Lại có một thầy giáo lên vùng rẻo cao. Trong bản có một cháu nó muốn học, nhưng cháu bị bại chân không đi được. Hàng ngày, thầy giáo tới nhà cõng cháu đó đến trường học. Hồ Chủ tịch đánh giá đó là hai người anh hùng. Trong năm học 1964-1965, miền Bắc có hàng vạn học sinh tốt nghiệp lớp 7, lớp 10 đi tham gia sản xuất ở các công trường, ở miền núi. Vì vậy, trước đông đảo cán bộ, công nhân viên và sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Người khẳng định:

- Những điểm Bác vừa nói trên đây đều là công lao của nhà trường, đều là công lao của các thầy giáo. Vì vậy Bác có thể nói: Bản thân Bác đối với nhà trường, đối với nền giáo dục thì chưa phải là trăm phần trăm mãn nguyện đâu, nhưng mà càng ngày Bác càng bằng lòng hơn: năm nay bằng lòng hơn năm ngoái và sang năm.

Tiếp đó, Bác dẫn ra sáu điểm căn dặn nhà trường về đoàn kết, khuyên các cháu học sinh không học “gạo”, thầy trò yêu nghề, thương yêu nhau. Người dạy: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là những người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không được đăng báo, không được thưởng huân chương này khác, nhưng những người thầy giáo là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu mà bây giờ không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai mà có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa”.

Người mong:

Tất cả thầy trò, cán bộ, công nhân phải phấn khởi thi đua phát triển ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của tất  cả nước Việt Nam chúng ta...

Ngước nhìn lên tấm lịch treo tường do Trường Đại học Sư phạm gửi biếu hàng năm mỗi khi Tết đến Xuân về, ông Đỗ Đình Đắc tâm sự: Bây giờ, cứ mỗi lần nằm nhớ lại những kỷ niệm về Trường Đại học Sư phạm, tôi thấy mình có mấy cái duyên nợ với thầy Phạm Huy Thông. Đã nói tới thầy Phạm Huy Thông thì lại phải nói đến ông Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Nói đến ông Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, tôi lại càng nhớ Cụ Hồ

Theo: cand.com.vn

17-08-2021