Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC NHẬT BẢN VÀ ĐỀ XUẤT VẬN DỤNG CHO GIÁO DỤC TIỂU HỌC Ở VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN GIÁO DỤC


28-11-2021

Việt Nam và Nhật Bản là 2 nước có quan hệ chiến lược toàn diện và gần gũi về các giá trị văn hóa. Học sinh phổ thông Việt Nam đã đạt được thành tích học tập về kiến thức ở thứ hạng cao trong các sao sánh quốc tế nhưng còn nhiều hạn chế về các năng lực chung, các kĩ năng của thế kỉ 21.Trong khi đó, giáo dục Nhật Bản, nhất là giáo dục tiếu học, là một điển hình thành công về giáo dục toàn diện, hướng đến một xã hội học tập, thích ứng với sự thay đổi, được nhiều nước quan tâm nghiên cứu vận dụng. Nghiên cứu vận dụng mô hình giáo dục tiểu học Nhật Bản sẽ cung cấp thêm kinh nghiệm tốt cho quá trình thực hiện và phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành năm 2018) của Việt Nam.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được giao chủ trì đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Nghiên cứu mô hình giáo dục tiểu học Nhật Bản và đề xuất vận dụng cho giáo dục tiểu học ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” (mã số ĐTĐL.XH-03/17), thực hiện trong thời gian 12/2018 – 6/2021. Đề tài được thực hiện bởi nhóm giảng viên và cán bộ nghiên cứu của Trường ĐHSP Hà Nội và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, do TS. Nguyễn Vinh Hiển, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&DDT làm chủ nhiệm. Đề tài đã tiến hành so sánh giáo dục tiểu học Nhật Bản và giáo dục tiểu học Việt Nam, chỉ ra những định hướng vận dụng các kinh nghiệm tốt của giáo dục tiểu học Nhật Bản, định hướng đổi mới các thành tố của mô hình giáo dục và nhà trường tiểu học Việt Nam, kiến nghị một số chính sách khả thi cho giáo dục tiểu học Việt Nam trong quá trình thực hiện và phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới; đồng thời biên soạn và thử nghiệm thành công tài liệu hỗ trợ cán bộ quản lí và giáo viên trường tiểu học. Trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng hệ thống khuyến nghị về chính sách đối với giáo dục tiểu học Việt Nam và được được Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) tiếp nhận sử dụng trong công tác quản lí chỉ đạo xây dựng chính sách trong thời gian tới.

Đề tài được nghiệm thu với kết quả xếp loại xuất sắc vì đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ nghiên cứu và có các sản phẩm khoa học, đào tạo có chất lượng tốt. Việc thực hiện đề tài nghiên cứu mô hình giáo dục tiểu học Nhật Bản có ý nghĩa lớn với giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục tiểu học Việt Nam nói riêng. Đồng thời, đề tài cũng góp phần thể hiện sự đóng góp của Trường ĐHSP Hà Nội trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành trên cương vị là trường hàng đầu trong hệ thống các trường sư phạm.

Bài và ảnh: Phòng KHCN

Hình ảnh các Hội thảo khoa học của đề tài:

 

28-11-2021