Việt Nam là quốc gia xếp thứ sáu phải chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH và thứ 21 chịu ảnh hưởng của ÔNKK. BĐKH cùng với ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang tác động lên mọi khía cạnh, lĩnh vực của cuộc sống và sự sinh tồn như tài nguyên, an ninh môi trường, an ninh quốc gia, đời sống kinh tế, xã hội (trong đó có lĩnh vực giáo dục), vấn đề sức khỏe, chất lượng cuộc sống.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động nghiêm trọng bởi những thay đổi của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH và ô nhiễm không khí. Trong đó, trẻ em khuyết tật vốn là một trong số các nhóm trẻ yếu thế nhất bởi sự rối loạn trong chức năng cơ thể, dẫn tới sự hạn chế trong hoạt động và tham gia. Trong khi giáo dục trẻ khuyết tật hướng tới tăng cường sự hoạt động và tham gia cho các em, thì BĐKH và ô nhiễm không khí lại trở thành yếu tố khách quan cản trở việc tạo lập môi trường này. Không những thế, các hiện tượng thời tiết cực đoan và ô nhiễm không khí cũng tác động không nhỏ tới sức khỏe và trạng thái tâm lí nhất là khi các trẻ khuyết tật có vấn đề về giác quan, các em càng dễ bị tác động tới cảm xúc, hành vi.
Tuy vậy, đến nay, những chương trình hành động, những báo cáo và kết quả nghiên cứu tập trung vào yếu tố tác động của BĐKH và ÔNKK tới trẻ em khuyết tật và giáo dục trẻ em khuyết tật cùng các sáng kiến để trẻ em khuyết tật và gia đình trẻ ứng phó với tác động của BĐKH và ÔNKK còn nhiều hạn chế.
Trong bối cảnh đó, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Khoa Giáo dục Đặc biệt, Hội thảo khoa học quốc tế: “Thực trạng và sáng kiến giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu – ô nhiễm không khí tới trẻ em khuyết tật và giáo dục”, đã được Khoa Giáo dục Đặc biệt – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – UNICEF Việt Nam – ĐH Wakayama (Nhật Bản) đồng tổ chức vào ngày 17/9/2021 nhằm (i) bàn về các vấn đề lý luận và thực tiễn các tác động của BĐKK và ÔNMT đối với trẻ khuyết tật và giáo dục, (ii) Phân tích các tác động của BĐKH, ÔNKK với trẻ khuyết tật và giáo dục cho trẻ khuyết tật tại các vùng miền khác nhau; và (iii) Một số các sáng kiến và khuyến nghị một số giải pháp nhằm thực hiện là một hoạt động hướng đến phát triển chuyên môn để các nhà khoa học, nhà chuyên môn cùng giới thiệu, chia sẻ, và bàn thảo về các thông tin từ thực tiễn về ảnh hưởng của BĐKH với người khuyết tật ở các vùng miền khác nhau và đề xuất các định hướng các phương thức hỗ trợ, đào tạo nhân lực chuyên môn, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu đảm bảo người khuyết tật chuẩn bị được năng lực thích trong điều kiện BĐKH, dịch bệnh, trẻ em khuyết tật cần được đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục và chất lượng cuộc sống trong giai đoạn hiện nay.
Nội dung chính của Hội thảo bao gồm:
- Ảnh hưởng của BĐKH với trẻ khuyết tật: thực trạng, thách thức
- Các chính sách và dịch vụ hỗ trợ trẻ khuyết tật do ảnh hưởng của BĐKH và dịch bệnh hướng đến giáo dục hòa nhập.
- Thích ứng với BĐKH và trạng thái hoạt động xã hội do ảnh hưởng của BĐKH và ÔNKK (nâng cáo năng lực, đào tạo, mô hình, hoạt động, dịch vụ và sự phối hợp, các sáng kiến, công nghệ thông tin trong giáo dục…).
Hội thảo đã nhận được sự đóng góp bài viết tích cực từ các chuyên gia quốc tế và trong nước của các lĩnh vực về giáo dục, giáo dục đặc biệt, y tế… và đã lựa chọn được 50 bài viết đăng tải trong tạp chí Khoa học, trường ĐHSPHN và xuất bản 01 Kỷ yếu của Hội thảo với sự đóng góp của các bài phát biểu của lãnh đạo Bộ GD và ĐT, lãnh đạo nhà trường và hơn 20 poster trình bày.
Hội thảo bao gồm 1 phiên toàn thể và 4 phiên báo cáo nhóm với 16 báo cáo được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến phần mềm zoom với sự tham gia của TS. Tạ Ngọc Trí, Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ GD&ĐT và các thành viên; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các trường đại học trong nước và quốc tế của Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc; các Viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật và các cơ quan báo chí trong cả nước. Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo của Trường ĐHSPHN, các khoa chuyên ngành, lãnh đạo các phòng Ban chức năng và các nhà khoa học thuộc trường ĐHSPHN.
Hội thảo không chỉ thảo luận về những thực trạng tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí tới trẻ khuyết tật và giáo dục cho trẻ khuyết tật, mà còn đưa ra được những khuyến nghị về biện pháp cải thiện và một số sáng kiến trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giáo dục kĩ năng ứng phó và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu – ô nhiễm không khí cho trẻ khuyết tật nhằm hướng đến một nền giáo dục hòa nhập có chất lượng và bền vững.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:
Khoa Giáo dục Đặc biệt–Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ra đời với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Khoa được thành lập theo Quyết định số 3760/QĐ-BGDĐT-TCCB ngày 19/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với phương châm hành động của nhà trường là “Chuẩn mực, sáng tạo, tiên phong” cùng với 3 giá trị cốt lõi của Khoa là Nhân văn- Chuyên nghiệp - Cống hiến, Khoa Giáo dục Đặc biệt với 20 năm thành lập và phát triển ngày càng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, đảm bảo sự công bằng trong xã hội và phát triển bền vững của quốc gia. |
(Tin bài và ảnh: Khoa Giáo dục Đặc biệt)