Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

HOẠT ĐỘNG QUỐC TẾ THÁNG 9/2005


06-10-2005

ĐÀO TẠO TIẾNG VIỆT VÀ VĂN HOÁ VIỆT NAM
1. HỌC SINH TRUNG QUỐC
Để tăng cường mối quan hệ hữu hảo; nhằm phát triển sự giao lưu và hợp tác trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục; dựa theo nguyên tắc bình đẳng, đôi bên cùng có lợi; Học viện Kỹ thuật Ngành nghề Nam Ninh, Quảng Tây - Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Việt Nam đã thống nhất chương trình về việc đào tạo và nâng cao trình độ tiếng Việt cho học sinh Trung Quốc.
Ngày 6/9/2005 ĐHSP Hà Nội đã tổ chức đón tiếp 39 lưu học sinh Trung Quốc đến học tập tại trường. PGS.TS. Vũ Quốc Chung, Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo các đơn vị: Phòng HCTH, QHQT, BV, KTX, Khoa Ngữ văn đã tiếp và trao đổi với các LHS. Ông Ngô Tân Hỷ - Giáo viên phụ trách LHS Trung Quốc cùng tham dự.
1. Thời gian học
Thời gian học của mỗi khoá là một năm học, chia thành hai học kì, mỗi học kì 19 tuần, mỗi tuần học 5 ngày, mỗi tuần 20 tiết. Tổng số tiết là 760 tiết học, giữa hai học kì (tức dịp Tết Nguyên Đán và nghỉ đông), lưu học sinh Trung Quốc không về nước, ĐHSP Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khoá văn hoá cho lưu học sinh.
2. Mục tiêu khoá học
  1. Đạt trình độ giao tiếp tiếng Việt thông thường,
  2. Có kỹ năng đọc hiểu các tài liệu bằng tiếng Việt (báo chí),
  3. Có kỹ năng soạn thảo các văn bản, thư từ bằng tiếng Việt,
  4. Có khả năng biên dịch và phiên dịch theo chủ đề được chuẩn bị trước.
3. Công việc tiến hành:
    1. ĐHSP Hà Nội đã làm các thủ tục để lưu học sinh được lưu trú và học tập hợp pháp tại Việt Nam.
    2. Tổ chức đón lưu học sinh tại cửa khẩu Hữu Nghị.
    3. Tổ chức dạy học và quản lý học sinh, giáo dục các em tuân thủ pháp luật Nhà nước Việt Nam, Nội quy nhà trường, Nội quy ký túc xá, chịu trách nhiệm về an ninh cho lưu học sinh Trung Quốc trong thời gian ở Việt Nam.
    4. Sau khi học xong các môn học theo chương trình của nhà trường quy định, lưu học sinh phải tham gia thi cử; nếu đạt yêu cầu, ĐHSP Hà Nội sẽ cấp chứng chỉ của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
4. Nội dung khoá học
Các môn học: tiếng Việt cơ sở, tiếng Việt nâng cao, trong đó bao gồm các giáo trình nghe, nói, đọc, viết, ngữ pháp tiếng Việt, văn hóa, kinh tế Việt Nam, vi tính tối thiểu (biết cách sử dụng phông chữ tiếng Việt).
              
2. LƯU HỌC SINH HÀN QUỐC
 
            Năm học 2005-2006 số LHS Hàn Quốc học theo Chương trình “Cử nhân kép” trong khuôn khổ Hợp tác giữa ĐHSP Hà Nội và ĐH Ngoại ngữ Pu-san là 9, nâng tổng số LHS của Chương trình này lên 15 người.
            Cùng với số LHS này, Khoa Ngữ văn còn đón thêm các LHS đăng ký học tự túc, trong đó có 1 LHS Thạc sỹ, 1 LHS Tiến sỹ.
 
            3. LƯU HỌC SINH LÀO
 
            Từ năm học này, trường ĐHSP Hà Nội hàng năm sẽ cấp 2 suất học bổng Sau đại học cho Đại học Quốc gia Lào. Kinh phí của Học bổng tương đương suất đào tạo của Nhà nước Việt Nam dành cho LHS Lào. Các LHS sẽ được đào tạo tại Khoa Vật lý trường ĐHSP Hà Nội và Viện Vật lý-Điện tử thuộc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Hiện nay, 2 LHS khoá đầu tiên đang học Tiếng Việt tại Khoa Ngữ văn.
 
 
KHÁCH CỦA TRƯỜNG: CA SỸ HUYỀN THOẠI PETER YARROW
Peter Yarrow sinh ngày 31/5/1938 tại New York. Peter Yarrow là thành viên chính của nhóm nhạc đồng quê huyền thoại Peter, Paul & Mary - một trong những nhóm nhạc được cho là đặc biệt nhất của thập niên 1960 mà tên tuổi gắn liền với phong trào phản chiến thập niên này. Bộ ba này đã giành được 5 giải Grammy với 5 album lọt vào Top 10 album hay nhất và 13 hit lọt vào Top 40 bài hát hay nhất của Mỹ.
Peter Yarrow là một nghệ sĩ tài năng và là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Ngoài ra ông còn được người ta biết đến với vai trò là người bạn rất thân của John Kerry và đã sát cánh bên cạnh ông này khi tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2004. Sự nghiệp của Peter gắn liền với nhóm Peter, Paul & Mary đến nay đã được 40 năm. Với năng khiếu nghệ thuật độc đáo, Peter đã sáng tác nhiều bài hát rất hay và cảm động cho nhóm như Puff, The magic dragon, Day is doneLight one candle.
Các nhạc phẩm của Yarrow luôn thể hiện nhiệt huyết khao khát hướng tới những thay đổi xã hội. Trong rất nhiều giải thưởng mà ông được trao tặng, Yarrow hết sức tự hào với giải thưởng Allard K. Lowenstein ông nhận được năm 1982 vì những cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh vì tự do, hòa bình và quyền con người. 
Giữ đúng lời hứa với khán giả Việt Nam, nghệ sĩ Peter Yarrow đã trở lại với 3 buổi biểu diễn tại Hà Nội, Huế và TP HCM mang theo những thông điệp hòa bình bằng âm nhạc đến với người dân VN. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của ca sĩ Quang Dũng. Peter Yarrow đến VN lần này cùng với con trai của mình. Chương trình biểu diễn sẽ diễn Giao lưu hòa bình nhằm quyên góp ủng hộ các nạn nhân chất độc độc màu da cam diễn ra tại 3 điểm: Nhà hát Lớn Hà Nội (18/9), Nhà hát Hưng Đạo - Huế (22/9) và Nhà hát lớn TP HCM (25/9). 
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vinh dự được nghệ sỹ, ca sỹ dòng nhạc đồng quê Peter Yarrow đến thăm và giao lưu chiều ngày 19/9/2005. Gần 100 cán bộ và sinh viên của trường nồng nhiệt đón tiếp và xúc động chia sẻ tình cảm thân thương của mình đối với một nghệ sỹ tài ba. Trong chương trình giao lưu, nghệ sỹ đã hào hứng trình bày tác phẩm tâm đắc của mình: “Don’t laugh at me”. Tên của tác phẩm cũng là chủ đề cho một dự án giáo dục lớn: Giáo dục vì Hoà bình. Đó cũng là một thông điệp gửi đến tất cả mọi người trên trái đất: Hãy ngăn chặn mọi mầm hoạ chiến tranh ngay từ sân trường!
 
Giáo dục nói chung và Giáo dục âm nhạc nói riêng sẽ là công cụ tích cực và hữu hiệu để rèn luyện nhân cách con người, nếu ta biết vận dụng nó. Dù là giáo viên Văn học hay Toán học, là giáo viên Kỹ thuật hay Lịch sử...; nếu quan tâm đến một cuộc sống tốt hơn cho thế hệ mai sau, bạn hãy dành ít phút và bằng lời ca để khơi dậy trong tâm hồn học sinh của bạn tình yêu thương đồng loại niềm tin đối với con người.
 
Phòng QHQT
  

06-10-2005