Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Tiếng chuông trên xứ Mặt trời


24-09-2007
Trong khuôn khổ Thoả thuận hợp tác đào tạo giữa Đại học Sư Phạm Hà Nội và Đại học Sư Phạm Aichi, Nhật Bản được ký kết ngày 9-10 năm 2003, dưới sự tài trợ của Tổ chức JASSO Nhật Bản (Japan Student Services Organization);

 

Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội đã tổ chức một đoàn đại biểu gồm 3 giảng viên và 12 sinh viên có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học, do TS. Nguyễn Thị Tĩnh - Phó Hiệu trưởng dẫn đầu đã đến Trường Đại học Sư phạm Ai Chi, Nhật Bản tham dự hội thảo và  giao lưu sinh viên quốc tế: “Đào tạo giáo viên và giáo dục khoa học Việt Nam - Nhật Bản 2007”.
 
Hội thảo được tổ chức từ ngày 02 -12/09/2007. Đây là lần đầu tiên Trường ĐHSPHN có đoàn sinh viên hùng hậu đi ra nước ngoài tham dự một hội thảo khoa học với quy mô quốc tế. Hội thảo này là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của giảng viên, sinh viên hai trường trong lĩnh vực đào tạo giáo viên phổ thông cho các ngành khoa học tự nhiên. Để chuẩn bị tham gia Hội thảo, Phòng QHQT phối hợp với Văn phòng Đoàn thanh niên CSHCM trường tổ chức tuyển chọn các đại biểu trong số các sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư có kết quả học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học xuất sắc.
 
Tại hội thảo, đoàn đại biểu của ĐHSPHN đã được nghe các giáo sư đầu ngành của Nhật Bản thuyết trình về các chuyên đề về đào tạo giáo viên tại Nhật Bản. Các báo cáo đặc biệt ấn tượng là “Những cải tổ trong đào tạo giáo viên tại Nhật Bản”; “Giáo dục đại học của Nhật Bản”; “Hỗ trợ và trao đổi sinh viên quốc tế tại ĐHSP Aichi”. Về kinh nghiệm đào tạo giáo viên phổ thông cho các ngành khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh được các giáo sư Nhật Bản và Việt Nam trình bày qua các bài giảng: “Giáo dục Toán học ở Nhật Bản”, “Giáo dục Công nghệ và Kỹ thuật ở Nhật Bản”, “Giáo dục Khoa học ở Nhật Bản”, “Giáo dục Khoa học ở Việt Nam”, “Đào tạo Giáo viên Tiểu học ở Việt Nam”. Ngoài ra, các chủ đề hấp dẫn khác cũng được trình bày tại Hội thảo như: “Thực tiễn và khó khăn trong việc dạy và học các môn khoa học tại Nhật Bản”, “Hợp tác quốc tế trong khu vực châu Á”. Ngoài các buổi làm việc tại hội trường, sinh viên Việt Nam được đến các trường phổ thông tham quan các mô hình dạy học, các phương pháp lên lớp đang được ứng dụng rộng rãi và đã thu được hiệu quả cao trong hệ thống giáo dục tại Nhật Bản.
 
Các phương tiện thông tin đại chúng ở Aichi thường xuyên theo dõi và đưa tin về Hội thảo. Các tờ báo địa phương luôn dành cho các hoạt động của đoàn Việt Nam những lời khen ngợi và động viên kịp thời. Hình ảnh các sinh viên Việt Nam năng động, thông minh, thích ứng nhanh với môi trường đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
         
Trong thời gian giao lưu tại Nhật Bản, các sinh viên Việt Nam được phía bạn bố trí về ở tại các gia đình địa phương nhằm giới thiệu cụ thể hơn về văn hóa, phong tục tập quán của người dân Nhật Bản. Đây cũng là khoảng thời gian đáng ghi nhớ trong ký ức mỗi sinh viên Việt Nam về người dân Nhật Bản thân thiện, gần gũi và mến khách.
         
Trong buổi tiệc chia tay tối 11/9/2007, Giáo sư Kenichi Tahara Hiệu trưởng trường ĐHSP Aichi nhấn mạnh: “Hội thảo lần này chỉ là bước khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác giao lưu giữa hai trường ĐHSPHN và ĐHSP Aichi. Hy vọng trong tương lai cán bộ và sinh viên hai trường có nhiều cơ hội để phát triển quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học vì tương lai tốt đẹp của hai dân tộc chúng ta”.
 
Hội thảo và Giao lưu sinh viên quốc tế tại Nhật Bản đã khép lại nhưng tác động của nó còn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa hai trường phát triển hơn nữa. Kết quả này thực sự là tiếng chuông ngân vang trong quan hệ hợp tác quốc tế của Trường ĐHSP Hà Nội trên xứ Mặt trời mọc.
 
Đỗ Thị Kim Cương
 
(Phòng QHQT)
24-09-2007