Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Hội thảo Việt-Hàn 2007


14-11-2007
Hội thảo Việt-Hàn 2007 được tổ chức tại Bu-san, Hàn Quốc từ ngày 24 - 27 tháng 10 năm 2007. Đây là Hội thảo lần thứ tư do Hội những người yêu Việt Nam (VESAMO) và Viện Nghiên cứu những vấn đề khu vực và quốc tế của ĐHQG Pusan, Hàn Quốc cùng phối hợp tổ chức.

VESAMO là một tổ chức NGO được thành lập vào năm 2002 bởi các nhà doanh nghiệp, các học giả và nhiều người khác ở Hàn Quốc, những ai quan tâm việc thúc đẩy quan hệ văn hóa, lịch sử đặc biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Mục đích quan trọng của VESAMO là phát triển quan hệ và giao lưu giữa hai dân tộc.

Chủ đề của Hội thảo Việt-Hàn 2007 là "Phát triển hơn nữa Hợp tác và Trao đổi Việt Nam - Hàn Quốc về Kinh tế, Du lịch và Giáo dục".

Đoàn đại biểu của trường ĐHSP Hà Nội gồm có:

  1. GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng
  2. Th.S Đinh Quang Thú, Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế
  3. PGS.TS. Đỗ Thị Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Khoa Địa lý
  4. GS. Đặng Thanh Lê, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học.

Sau đây là toàn văn Tham luận của GS. Nguyễn Viết Thịnh trình bày tại Hội thảo.

Triển vọng và Giao lưu giáo dục Việt Nam – Hàn Quốc
 
GS. Nguyễn Viết Thịnh
Hiệu trưởng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX Hàn Quốc vẫn là một trong những quốc gia nghèo. Vậy mà chỉ sau 40 năm, Hàn Quốc đã vươn lên và hiện đang là cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 10 trên thế giới, là quốc gia hàng đầu về Internet tốc độ cao, đứng thứ hai thế giới về công nghiệp đóng tàu và sản xuất bán dẫn, đứng thứ năm thế giới về sản xuất ô-tô và thứ sáu thế giới về sản xuất thép. Từ một nước nông nghiệp điển hình, đến nay, Hàn Quốc đã có tốc độ phát triển với mức tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 5 –6% và trở thành một nước công nghiệp phát triển năng động. Hàn Quốc đã làm nên “một kỳ tích sông Hàn” đáng để cho nhiều quốc gia khâm phục.

Điều gì đã làm nên câu chuyện thần kỳ của Hàn Quốc? Phải chăng đó là ý chí và khả năng sáng tạo của nhân dân Hàn Quốc. Điều này được thể hiện ở những kế hoạch phát triển đầy tham vọng và sáng tạo của chính phủ, ở sự lao động quên mình của người dân. Hàn Quốc có nguồn nhân lực với học vấn và trình độ kỹ thuật cao, thể hiện ở tỷ lệ đăng ký vào đại học đứng hàng thứ ba trên thế giới. Ngoài ra, còn có đội ngũ công nhân lành nghề, cần cù, siêng năng, làm việc có kỷ luật, ý chí và tinh thần dân tộc mạnh mẽ.

Người Hàn Quốc có truyền thống coi trọng giáo dục, coi đây là một phương tiện để hoàn thiện con người và phục vụ cho sự tiến bộ xã hội. Các trường học hiện đại đã được mở cửa vào những năm 1880. Khi nhà nước Đại Hàn Dân Quốc thành lập năm 1948, Chính phủ bắt đầu xây dựng hệ thống giáo dục hiện đại và năm 1953 thực hiện chương trình giáo dục tiểu học bắt buộc 6 năm. Ngày nay, Hàn Quốc tự hào là một trong những nước có tỷ lệ dân số biết chữ cao nhất thế giới, và một thực tế được thừa nhận là trình độ học vấn cao của người Hàn Quốc là yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh mà đất nước này đạt được trong những thập kỷ qua.

Là hai nước cùng nằm ở khu vực Đông Á, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa. Trong thời gian qua, mối quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển tốt đẹp. Mặc dù chỉ mới thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, nhưng hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hợp tác kinh tế, chính trị, văn hóa. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp 9 lần và quy mô đầu tư tăng 50 lần. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam tính đến tháng 7/2007 đạt trên 10,33 tỉ USD, chiếm vị trí số một trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Không có bất cứ khó khăn nào cản trở xu hướng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam. Vì vậy, Hàn Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục giữ vị trí là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai gần.

Gần đây, trung bình hàng năm có đến 300 nghìn người Hàn Quốc sang Việt Nam - con số lớn nhất đứng sau nước láng giếng Trung Quốc. Ngược lại, hàng năm cũng có hàng nghìn người Việt Nam đến Hàn Quốc để tìm kiếm việc làm và có hàng nghìn phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc. Phim truyền hình Hàn Quốc được phát sóng rộng rãi trên các kênh truyền hình Việt Nam, ở tất cả các rạp chiếu phim tại Việt Nam đều có ít nhất một bộ phim Hàn Quốc đang được trình chiếu. Điều này giải thích tại sao mối quan hệ giữa hai nước có thể được thắt chặt trong một thời gian ngắn như vậy.

Có thể nói không quá đáng rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa; bởi vì một khuynh hướng chung hiện nay là các quốc gia trên thế giới đang (hoặc sẽ) qui tụ với nhau thành nhiều nhóm dựa trên văn hóa, mà không dựa trên ý thức hệ. Đây là một sự chuyển biến về nhận dạng từ ý thức hệ sang văn hóa. Văn hoá có sức mạnh gắn kết con người. Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, đặc biệt là đức tính cần cù và khiêm tốn. Người ra cho rằng sở dĩ Việt Nam và Hàn Quốc có thể tăng cường và thắt chặt quan hệ với nhau chính là do những điểm tương đồng trong suy nghĩ và tình cảm giữa nhân dân hai nước. Điều này giúp cho nhân dân hai nước dễ dàng tiếp nhận và hiểu biết nhau hơn. Những người Việt Nam đến thăm Hàn Quốc đều cho rằng họ không gặp phải bất kỳ khó khăn lớn nào so với các quốc gia khác.

Những người Hàn Quốc thật sự đồng cảm với người Việt Nam thành thực, lịch sự và cũng rất coi trọng lễ giáo. Chính vì những điểm tương đồng này mà người Hàn Quốc có một ảnh hưởng đặc biệt đối với người Việt Nam, đồng thời người Việt Nam coi Hàn Quốc là một kiểu mẫu phát triển. Ví dụ, Hàn Quốc được mệnh danh là cường quốc về công nghệ thông tin, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố 10 lĩnh vực chiến lược mà nước này sẽ tập trung thực hiện, nhằm tạo bước ngoặt và sự ổn định trong nền kinh tế. Đó là: Mạng kết nối đến các nhà, phần mềm kỹ thuật số, rô bốt thông minh, công nghệ xe hơi, chất bán dẫn thế hệ mới, truyền hình và phát thanh kỹ thuật số, điện thoại di động thế hệ mới, pin thế hệ mới và công nghệ dược phẩm sinh học. Chính phủ Hàn Quốc đã chi 1.000 tỷ Won (tương đương 847 triệu USD) từ ngân sách quốc gia cho các chương trình nghiên cứu và phát triển về các lĩnh vực này. Đây cũng là bài học cho phát triển kinh tế công nghệ ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực giáo dục có thể kết quả hợp tác còn chưa thật ấn tượng và chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi nước. Hai bên sẽ cố gắng đẩy mạnh hợp tác về lĩnh vực này. Trong ba năm tới, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tăng cường trao đổi các đoàn giáo viên, học sinh và cấp học bổng cho sinh viên. Theo Hiệp định Hợp tác Giáo dục và Đào tạo vừa được ký bởi Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc Kim Âng Xích tại Seoul. Hai bên cũng cam kết trao đổi nội dung sách giáo khoa, hợp tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động giữa các trường cao đẳng, kỹ thuật và dạy nghề. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, hiện nay mới có 457 lưu học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, 37 lưu học sinh Hàn Quốc đang học tập tại Việt Nam theo con đường nhà nước. Sinh viên Việt Nam được đánh giá cao về thành tích học tập và nghiên cứu. Trong khi đó, khoa tiếng Việt của các trường Đại học Hàn Quốc (đã có 4 trường) thu hút khá đông sinh viên theo học do nhiều cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, phần lớn là có việc làm tại các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Người Việt Nam cũng có truyền thống hiếu học. Tỷ lệ người biết chữ ở Việt Nam cũng được xếp ở vị trí cao trên thế giới (93%). Thực hiện phương châm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" và "vì lợi ích trăm năm trồng người", Việt Nam xây dựng một nền giáo dục có tính toàn diện: từ thể chất, đến tinh thần, đạo đức, và tri thức; giáo dục toàn dân: xã hội hóa giáo dục; và một nền giáo dục suốt đời, một xã hội học tập. Toàn thể cộng đồng cùng hưởng ứng phong trào xóa bỏ tiêu cực trong giáo dục, tôn vinh giá trị thực học. Chúng tôi quyết tâm phát huy truyền thống cần cù, thông minh, hiếu học của dân tộc; biến đó thành một lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức. Trở lại lịch sử, ngay từ thế kỷ thứ 18 nhà bác học Lê Quý Đôn đã có một nhận xét hết sức đúng đắn "Phi nông bất ổn, phi thương bất hoạt, phi công bất phú, phi trí bất hưng". Như vậy, tri thức sẽ đóng vai trò quyết định đến sự hưng thịnh và hùng mạnh của quốc gia.

Việt Nam hoàn toàn nhận thức rõ trách nhiệm phát triển một nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Đó vừa là động lực vừa là phương pháp để phát triển kinh tế đất nước. Nói cách khác, phát triển kinh tế phải song song với phát triển xã hội, phải chắt lọc, sắp xếp, gắn kết và giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam vào các hoạt động kinh tế kinh doanh. Cùng với xu hướng trỗi dậy của các giá trị văn hóa Á Đông, được minh chứng bằng con đường và thành tựu phát triển của Hàn Quốc, Việt Nam hoàn toàn có khả năng và cần thiết phải tạo ra các sản phẩm, thương hiệu có giá trị cao, mang trong mình giá trị văn hóa Việt Nam. Chính những thành tựu kinh tế sẽ là nguồn lực, làm điều kiện để giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa của đất nước.

Kết quả của 15 năm hợp tác Việt Hàn đã thể hiện tiềm năng to lớn và quyết tâm của chính phủ và nhân dân hai nước cùng hướng tới tương lai, xây dựng thành công mối quan hệ “đối tác toàn diện trong thế kỷ 21" vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, phù hợp với xu thế hợp tác vì sự phát triển của khu vực và cộng đồng quốc tế. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ quan hệ ở quy mô quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa; những thành tựu bước đầu trong hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học và viện nghiên cứu Việt Nam - Hàn Quốc cũng cần được khích lệ.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những cơ sở đại học của Việt Nam có quan hệ hợp tác rất sớm với Hàn Quốc. Từ những mối quan hệ ban đầu với các trường đại học như Đại học Ngoại ngữ Hankuk, Đại học Quốc gia Pu-san, Đại học Yongsan, Quỹ học bổng KFAS; đến nay trường đã có các chương trình hợp tác với hơn 10 trường đại học nổi tiếng của Hàn Quốc. Các chương trình hợp tác được tiến hành theo các hình thức như sau: (1) Trao đổi học giả nghiên cứu; (2) Trao đổi giảng viên và sinh viên; (3) Liên kết đào tạo; (4) Phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, tổ chức các hoạt động văn hóa...

Hàng năm Trung tâm Việt Nam học, Khoa Ngữ văn, Khoa Việt Nam học, Khoa Lịch sử của trường ĐHSP Hà Nội đã đón hàng chục lượt lưu học sinh Hàn Quốc đến học tập và nghiên cứu. Nhiều lưu học sinh Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp đã trở thành các học giả, cán bộ Đại sứ quán, chuyên gia của các công ty Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam. Các chương trình đào tạo nối tiếp, chương trình liên kết đào tạo đã được tiến hành giữa trường ĐHSP Hà Nội và các trường đại học của Hàn Quốc từ năm 2002. Thực hiện Thoả thuận hợp tác đào tạo với ĐH Ngoại ngữ Pu-san, đến nay đã có 4 khoá với 36 sinh viên học tập tại trường. ĐHSP Hà Nội cũng đã cử 2 khoá với 7 sinh viên đến học tập tại Pu-san. Trường ĐHSP Hà Nội đã thành lập Trung tâm Giáo dục và Đào tạo quốc tế nhằm tăng cường và mở rộng hơn nữa hoạt động liên kết đào tạo. Trung tâm sẽ đẩy mạnh việc hợp tác đào tạo và tư vấn du học, tạo điều kiện tốt nhất cho việc giao lưu quốc tế.

Tổng kết lại, chúng ta đang hội đủ những điều kiện để phát triển quan hệ hợp tác trong giáo dục và đào tạo. Giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục ở trình độ cao sẽ là con đường có khả năng đóng góp vào quan hệ hợp tác phát triển theo chiều sâu và bền vững. Hợp tác và trao đổi trong nghiên cứu khoa học cũng tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác đào tạo, gắn kết nhà trường đại học với doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất. Lĩnh vực này cũng sẽ đóng góp vào hành trình phát triển và có ý nghĩa chiến lược trong lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc.

Trường ĐHSP Hà Nội - một trong các trường đaị học hàng đầu và trọng điểm của Việt Nam sẵn sàng làm hết sức mình để góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt-Hàn. Nhân dịp này cho phép tôi thay mặt lãnh đạo Trường ĐHSP Hà Nội, các đồng nghiệp Việt Nam có mặt tại xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với VESAMO, ĐHQG Pu-san đã tạo mọi điều kiện cho chúng tôi tham dự Hội thảo và thăm đất nước Hàn Quốc tươi đẹp.

Cuối cùng xin được dẫn lại lời phát biểu trước đây của GS. Lee Sang Min, Hội trưởng hội Vesamo: “Chẳng những hai nước chúng ta có chung những kinh nghiệm lịch sử bi thương, mà trên phương diện văn hoá, dân tộc cũng mang nhiều điểm tương đồng. Vì thế, chúng tôi yêu mến Việt Nam và mong rằng tình yêu này sẽ được kết nối bằng tình yêu tổ quốc Hàn Quốc của chúng tôi”. Vesamo (Hội những người Hàn Quốc yêu mến Việt Nam) cái tên giản dị mà cảm động đã góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy mối quan hệ Hàn Việt ngày càng phát triển. Từ đáy lòng, xin chúc Vesamo ngày càng lớn mạnh phấn đấu vì mục tiêu nhân văn cao cả của mình.

Chúc các vị đại biểu dồi dào sức khoẻ, chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
 
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của quý vị!
14-11-2007