Viện Giáo dục Quốc gia Singapore (National Istitute of Education, Singapore - NIE) là một viện nghiên cứu thuộc Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University - NTU). NIE được xếp hạng tốp 20 trong hệ thống các viện giáo dục trên thế giới và tốp 5 ở khu vực châu Á (theo QS). Tiếp đoàn về phía NIE có TS. Alexius Chia Ti Yong, Phó Trưởng khoa Thực hành và Đối tác, trường Đào tạo Giáo viên và PGS.TS. Hairon Salleh, Phó Trưởng khoa Đào tạo sau đại học, trường Đào tạo sau đại học và bồi dưỡng giáo viên cùng các giáo sư của Viện. Viện Giáo dục quốc gia Singapore (NIE) được trao quyền và trách nhiệm tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ lãnh đạo giáo dục của Singapore và là nơi nghiên cứu, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ quá trình hoạch định chính sách giáo dục quốc gia. Sau bài trình bày giới thiệu về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Khoa Sinh học của PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn, đoàn đã được nghe hai bài trình bày của TS. Alexius Chia Ti Yong về Chương trình chuẩn bị cho giáo viên ban đầu và của PGS.TS. Tan Aik Ling về Giáo dục khoa học và nghiên cứu trong sinh học, khoa học sự sống và khoa học giáo dục. Qua phần trình bày của các chuyên gia NIE và phần trao đổi có thể thấy NIE và Bộ Giáo dục Singapore cùng các trường học trong cả nước đã hợp tác chặt chẽ để thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn về đào tạo các thế hệ giáo viên có tư duy sáng tạo theo tiêu chuẩn toàn cầu. Từ những thập niên cuối thế kỉ XX, chính phủ Singapore đã triển khai chương trình “Nhà trường tư duy, quốc gia học tập” (Thinking Schools, Learning Nation), tiếp theo là chương trình “Dạy ít, học nhiều” (Teach less, learn more). Các chương trình đều hướng đến mục tiêu khích lệ học sinh tích cực học tập những vấn đề gắn liền với thực tiễn, phục vụ nhu cầu cá nhân, xã hội, phụng sự quốc gia đồng thời đáp ứng xu hướng phát triển của thế giới. Hệ thống giáo dục Singapore đặt mục tiêu cao nhất cho việc phát huy tiềm năng người học, lấy đó làm cơ sở để phát triển nền kinh tế tri thức. Chương trình đào tạo đại học và sau đại học ở NIE đều được triển khai theo Mô hình Giáo dục giáo viên cho thế kỷ XXI (Teacher Education for the 21st Century) với những khung giá trị, kiến thức, kỹ năng cần thiết cho giáo viên tương lai. Theo đó hướng tới đào tạo đội ngũ giáo viên có khả năng liên tục sáng tạo kiến thức chứ không chỉ hấp thu kiến thức; đề xuất phương pháp học tập hiệu quả chứ không chỉ truyền đạt những điều đã học; kiến tạo môi trường học tập cho học sinh chứ không chỉ thực thi yêu cầu từ người khác; kiến tạo nên các thế hệ học sinh phát triển cá tính riêng biệt chứ không chỉ là thành viên đơn thuần trong lớp; và giáo viên là những người dẫn đầu sự thay đổi trong giáo dục chứ không chỉ chạy theo sự đổi mới. Trả lời trăn trở về kinh nghiệm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên ở phổ thông, PGS.TS. Tan Aik Ling chia sẻ cần có sự hợp tác giữa các chuyên gia về khoa học cơ bản và khoa học giáo dục. Các thầy về khoa học cơ bản sẽ hệ thống hóa các mạch kiến thức khoa học đảm bảo tính chính xác, cập nhật và phù hợp với năng lực tư duy nhận thức ở từng cấp học. Còn những người như chúng tôi, các nhà khoa học giáo dục sẽ hỗ trợ để tổ chức các hoạt động giáo dục với các phương pháp dạy học phù hợp để học sinh có thể lĩnh hội được tri thức và phát triển được những năng lực mà nhà giáo dục hướng tới. Trước khi rời NIE, đoàn đã được đưa đi thăm một số cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu của viện như thư viện, giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành, phòng học số, phòng học STEM, căng tin, … tất cả được đan xen trong một không gian xanh của đa dạng các loài cây.
Tiếp tục chuyến công tác tại Singapore, đoàn cán bộ khoa Sinh học đã tới thăm Bộ môn Khoa học Sinh học (Department of Biological Sciences - DBS) thuộc Khoa Khoa học (Faculty of Science), Trường Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore - NUS). Đây là trường đại học được xếp hạng thứ 8 trên thế giới và thứ nhất ở châu Á (theo QS). Tiếp đoàn về phía NUS có GS.TS. Yu Hao, Trưởng Bộ môn và hai Phó Trưởng Bộ môn là PGS.TS. Roman Carrasco và PGS.TS. Low Boon Chuan cùng các giáo sư, giảng viên trong bộ môn. Giáo sư Yu Hao đã có bài trình bày giới thiệu tổng quan về NUS và về khoa, bộ môn. Theo đó, với hơn 100 cán bộ, bộ môn hiện đang tham gia đào tạo bậc cử nhân về Khoa học sự sống và bậc sau đại học về Công nghệ sinh học, Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững, Khoa học pháp y. Các hướng nghiên cứu chính của bộ môn hiện nay là Khoa học lý sinh; Sinh học tế bào, sinh học phân tử, sinh học phát triển; Sinh thái học, tiến hóa và đa dạng sinh học. Để phục vụ cho công tác đào tạo và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, bộ môn được trang bị một hệ thống các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại. Đoàn đã đến thăm Trung tâm nghiên cứu Protein và Proteomics; Phòng thí nghiệm giải trình tự DNA, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian… Đặc biệt đoàn đã được đến thăm Phòng thí nghiệm Kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh (Cryoelectron Microscopy – cryo-EM). Với cryo-EM, các nhà nghiên cứu có thể quan sát protein ở tất cả các hình dạng, cấu trúc và dạng biến đổi phức tạp của chúng và có thể xem xét nhiều dạng protein trong một mẫu. Cryo-EM loại bỏ sự cần thiết của các bước tinh thể hóa, giải quyết các mối lo ngại về độ tinh khiết và tính không đồng nhất, đồng thời cấu trúc protein 3D được tạo ra cho phép các nhà khoa học nghiên cứu chức năng protein bên trong tế bào, điều này rất quan trọng để hiểu cách chúng hoạt động, vai trò của chúng đối với bệnh học và cách chúng đáp ứng với các liệu pháp. Cryo-EM đã trở thành phương pháp được các nhà khoa học trên khắp thế giới lựa chọn, tạo ra những bước đột phá trong nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm, bệnh thoái hóa thần kinh và ung thư trong số những bệnh khác. Ba tác giả chế tạo ra loại kính hiển vi này đã được nhận Giải Nobel về Hóa học năm 2017. Hiện nay, kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh có giá khoảng 5,8 triệu USD. Trao đổi về cơ hội hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, GS. Yu Hao và PGS. Nguyễn Lân Hùng Sơn bước đầu thống nhất hai bên sẽ tăng cường các hoạt động trao đổi học thuật thông qua các hội thảo, hội nghị tổ chức hàng năm, tăng cường hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế, cùng nhau hợp tác xây dựng các đề tài nghiên cứu hợp tác quốc tế, trong đó sử dụng các thiết bị hiện đại của NUS trong phân tích chuyên sâu, trao đổi kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi tham gia các kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO).
Trong thời gian thăm các trường đại học, đoàn đã được đưa đi thăm một số danh thắng của Singapore. Với một đất nước nhỏ chỉ có 728 km2, nhưng dù đến đâu hay đi trên bất kỳ con đường nào bạn cũng thấy được một màu xanh dịu mát của cây cối, trong đó rất phổ biến là cây Muồng tím (Samanea saman) mà người dân Singapore thường gọi là cây mưa (rain tree) nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ với tán cây rất rộng. Với mục tiêu hướng tới là thành phố Xanh nhất thế giới (The World’s Greenest City), Singapore đã thu hút du khách từ khắp thế giới tới đất nước này và tất cả đều ấn tượng ngay từ khi đặt chân tới sân bay quốc tế Changi nổi bật với Thác nước trong nhà Rain Vortex lớn nhất thế giới cao gần 40m bao quanh bởi một rừng cây nhiệt đới. Chuyến đi trao đổi, học tập tới Singapore của đoàn cán bộ khoa Sinh học đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế với các trường bạn cả trong đào tạo và nghiên cứu. Cảm ơn Phòng Hành chính - Đối ngoại của trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã kết nối để khoa Sinh học có cơ hội phát triển thêm nhiều hợp tác quốc tế./.
Một số hình ảnh hoạt động của đoàn cán bộ khoa Sinh học tại Singapore
Ảnh 1. Đoàn tới thăm Viện Giáo dục Quốc gia Singapore (NIE/NTU)
Ảnh 2. Đoàn trao đổi thảo luận các vấn đề cùng quan tâm với NIE
Ảnh 3 a, b. Các giáo sư chia sẻ kinh nghiệm đào tạo tại NIE
Ảnh 4. Đoàn tặng quà lưu niệm của trường Đại học Sư phạm Hà Nội tới NIE/NTU
Ảnh 5. Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng với các giáo sư của NIE/NTU
Ảnh 6. Đoàn gặp gỡ trao đổi với Bộ môn Khoa học Sinh học (DBS) thuộc khoa Khoa học, Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS)
Ảnh 7. Đoàn thăm quan Phòng thí nghiệm giải trình tự DNA
Hình 8. Đoàn thăm quan Phòng kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh Cryo-EM
Ảnh 9. Đoàn tặng quà lưu niệm của trường Đại học Sư phạm Hà Nội tới DBS/NUS
Ảnh 10. Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng các giáo sư của DBS/NUS
Ảnh 11. Đoàn chụp ảnh lưu niệm với thác nước Rain Vortex tại sân bay quốc tế Changi, Singapore
Nguồn bài và ảnh: Khoa Sinh học