Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế truyền thống giữa Khoa Giáo dục Đặc biệt – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Wakayama (Nhật Bản), thực hiện theo Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai trường, thực hiện kế hoạch đào tạo Sau đại học chuyên ngành Giáo dục đặc biệt năm 2021, Khoa Giáo dục Đặc biệt – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phối hợp cùng Đại học Wakayama – Nhật Bản đồng tổ chức chương trình Seminar quốc tế trực tuyến (International Online Seminar) với chủ đề “Giáo dục Đặc biệt tại Nhật Bản và Việt Nam: Những vấn đề hiện đại” vào ngày 16/9/2021.
Seminar là cơ hội cho các học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên của hai nước được chia sẻ, trao đổi các thông tin, kết quả nghiên cứu về giáo dục đặc biệt, từ đó góp phần nâng cao chất lượng các nghiên cứu và đề xuất các định hướng nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt trong bối cảnh mới của sự biến động và nhiều thách thức mới.
Chủ tịch đoàn điều khiển chương trình seminar gồm có: GS.TS. EDA Yusuke – Đại học Wakayama, GS.TS. NAKANO Kosuke – Đại học Ehime, Nhật Bản, PGS.TS. Phan Thanh Long – Trưởng khoa GDĐB, TS. Đỗ Thị Thảo- Phó Trưởng Khoa GDĐB – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sự tham gia chuyên môn của GS. TS. KADO Yoko – Đại học Kansai, GS. TS. Bác sĩ SANADA Satoshi – Đại học Hiroshima Bunka Gakuen, TS. Nguyễn Thi Cẩm Hường, TS Bùi Thế Hợp và TS Trần Thị Bích Ngọc Khoa GDĐB – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Buổi seminar trực tuyến đã thu hút sự tham gia của 102 người (20 giảng viên và hơn 82 học viên sau đại học, nghiên cứu viên và sinh viên) thuộc 4 trường đại học của Nhật Bản và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tổng số 7 báo cáo đã được trình bày và trao đổi trong buổi seminar. Các báo cáo viên đã tự tin trình bày bằng ngôn ngữ tiếng Anh với các chủ đề hết sức đáng quan tâm như tổ chức can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trong giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, giáo dục giáo dục đặc biệt cho trẻ em dân tộc thiếu số, ứng dụng ICT trong giáo dục trẻ khuyết tật nặng và đa tật, chức năng của các trung tâm hỗ trợ giáo dục đặc biệt, giáo dục giới tính, hỗ trợ tâm lí cho trẻ em khuyết tật, các chương trình giáo dục dành cho trẻ em khuyết tật (chương trình can thiệp sớm Denver, chương trình hoạt động tự lập).
Sau mỗi báo cáo, phần thảo luận đã diễn ra sôi nổi và cởi mở giữa các báo cáo viên, các bạn học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên giữa hai nước. Các thầy cô giáo, các chuyên gia về giáo dục đặc biệt của hai nước cũng đã chia sẻ những ý kiến rất sâu sắc.
Qua buổi seminar, chủ tịch đoàn đã kết luận những vấn đề, xu hướng tới đây mà giáo dục đặc biệt cần quan tâm gồm:
- Cần chú ý thêm tới các đối tượng của giáo dục đặc biệt: rối loạn phát triển, khuyết tật nặng, đa tật và trẻ dân tộc thiểu số.
- Chú trọng tới các chương trình can thiệp, chương trình giáo dục đặc biệt có tính chất chuẩn hóa.
- Nội dung can thiệp không chỉ tiếp cận tới nhu cầu phát triển trong các lĩnh vực mà cần mở rộng cách tiếp cận tới quyền con người như quyền về giới tính.
- Đặc biệt, trong thời kì đại dịch Covid-19 ngày nay, giáo dục đặc biệt của cả hai nước đang phải thay đổi linh hoạt. Để không một trẻ em khuyết tật nào bị bỏ lại phía sau, hình thức dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp phải có sự thay đổi, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ sở phúc lợi, y tế cũng cần phải thay đổi. Đây được cho là một vấn đề rất lớn hiện nay và cần được quan tâm hơn nữa.
Seminar cũng cho thấy cần có sự phối hợp nghiên cứu giữa các trường đại học ở cả hai quốc gia để có những so sánh, đối chiếu và cùng học hỏi, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau nhằm đạt được những mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt.
Seminar đã nhấn mạnh đến mối quan hệ gắn bó giữa Đại học Wakayama với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội gần 10 năm qua, đồng thời nhấn mạnh đến sự kế thừa và phát triển mối quan hệ bền chặt giữa hai trường. Chương trình seminar cũng là một hoạt động ý nghĩa hướng tới kỉ niệm 20 năm thành lập Khoa Giáo dục đặc biệt, kỉ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Một số hình ảnh tại chương trình:
(Tin bài và ảnh: Khoa Giáo dục Đặc biệt)