Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Nâng cao chất lượng đào tạo chương trình sau đại học giáo dục đặc biệt (Chương trình hợp tác giữa Khoa Giáo dục Đặc biệt - Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội và Đại học Wakayama - Nhật Bản)


21-12-2021

Năm 2021, thỏa thuận hợp tác quốc tế giữa Đại học Wakayama – Nhật Bản và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tiếp tục được kéo dài sang chặng đường 5 năm tiếp theo, sau rất nhiều hoạt động hợp tác trong nghiên cứu và giảng dạy có hiệu quả.

Trong những năm qua, việc duy trì thực hiện các chuyên đề thỉnh giảng hàng năm của các giáo sư đầu ngành của Nhật Bản về Giáo dục Đặc biệt cho học viên các lớp cao học chuyên ngành Giáo dục Đặc biệt là điểm nhấn vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của chương trình.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra vô cùng phức tạp, năm học 2021-2022, theo kế hoạch đào tạo lớp cao học K30, Khoa Giáo dục Đặc biệt – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì được các chuyên đề này dưới sự phối hợp với Đại học Wakayama – Nhật Bản từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021.

Chuyên đề thứ nhất tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 9 năm 2021 với chủ đề “Giao tiếp bổ trợ và thay thế trong giáo dục đặc biệt” do Giáo sư EDA Yusuke trình bày. Chuyên đề đã giới thiệu các vấn đề cơ bản về nhu cầu giao tiếp của trẻ khuyết tật, các kênh giao tiếp, vấn đề chuyển đổi kênh giao tiếp cho trẻ bằng cách ứng dụng các thiết bị bổ trợ và thay thế từ high-tech tới low-tech. Các hình ảnh sinh động về Graphic-symbol, nguồn học liệu do Giáo sư chia sẻ, đặc biệt là hoạt động thực hành trải nghiệm dành cho học viên đã giúp học viên học tập tích cực, sôi nổi, hiệu quả, tạo ấn tượng sâu sắc với các học viên.

Tháng 11 năm 2021, một vấn đề mới và hết sức quan trọng trong chăm sóc tâm lý cho trẻ em khuyết tật đã tiếp tục được truyền tải tới các học viên K30 thông qua chuyên đề “Nhận diện và giảm thiểu stress trong can thiệp giáo dục trẻ rối loạn phát triển” do GS. TAKEDA Tetsuro thực hiện. Chuyên đề này đã giúp người học nhận diện sự căng thẳng, các khuyết tật thứ phát của trẻ rối loạn phát triển và cung cấp cho người học các phương pháp ngăn ngừa, giáo dục hiệu quả thông qua cách tiếp cận đề nghị, thương lượng với trẻ. Nhờ có chuyên đề này mà các học viên cao học Khoa Giáo dục Đặc biệt được tiếp cận với một vấn đề rất mới, đang được quan tâm chú ý rất nhiều tại Nhật Bản.

Thông qua những thông tin hết sức thực tế, thông qua các hoạt động trao đổi, chia sẻ đa dạng mà hiệu quả trên lớp học trực tuyến của các chuyên đề, các học viên vững tin tiếp cận và vận dụng những điều được học vào quá trình hỗ trợ, can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt và hòa nhập tại Việt Nam.

Tuy được tổ chức trong bối cảnh hết sức đặc biệt của đại dịch Covid-19 và qua hình thức trực tuyến, nhưng các chuyên đề vẫn diễn ra xuyên suốt và thu hút rất nhiều sự quan tâm hào hứng của các học viên Việt Nam. Chuyên đề kết thúc để lại nhiều kỉ niệm đẹp và sự tri ân trong lòng của học viên đối với những giáo sư Nhật Bản. Ngoài ra, tổ chức thành công các chuyên đề càng nhấn mạnh sự quan trọng của việc học hỏi, chia sẻ, hỗ trợ và đặc biệt là sự hợp tác trong đào tạo bậc cao học nhằm giúp học viên đạt được các năng lực và phẩm chất trong giáo dục và hỗ trợ trẻ khuyết tật. Điều này là yếu tố tiên quyết trong việc giúp trẻ khuyết tật đạt được những mục tiêu cao nhất trong giáo dục, đó là được tiếp cận một nền giáo dục chất lượng, công bằng và bền vững cho tất cả.

Đồng thời, các chuyên đề đào tạo hợp tác cũng khẳng định tinh thần hợp tác, học tập và chia sẻ giữa Khoa Giáo dục Đặc biệt – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Wakayama (Nhật Bản). Với những nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa hai bên qua nhiều năm, đây chính là điểm nhấn của chương trình đào tạo cao học chuyên ngành Giáo dục đặc biệt của Khoa Giáo dục Đặc biệt – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Bài giảng của GS. TAKEDA Tetsuro về áp lực stress của trẻ rối loạn phát triển

Bài giảng của GS. EDA Yusuke về AAC trong GDĐB

Học viên K30 tham dự chuyên đề cao học

Bài và ảnh: Khoa Giáo dục Đặc biệt

21-12-2021