Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

TỌA ĐÀM KHOA HỌC: GIẢI NOBEL 2022 VÀ CUỘC TÌM KIẾM NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI: CHÚNG TA ĐẾN TỪ ĐÂU?


01-11-2022

Tối ngày 26/10/2022, tại Hội trường nhà K, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức thành công buổi Tọa đàm “Giải Nobel 2022 và cuộc tìm kiếm nguồn gốc loài người: CHÚNG TA ĐẾN TỪ ĐÂU?” với sự trình bày của GS.TS. Nông Văn Hải, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

   

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Phòng Khoa học Công nghệ, các cán bộ, giảng viên, học viên sau đại học và hơn 150 sinh viên đến từ các Khoa Sinh học, Lịch sử, Vật lí, Công nghệ thông tin và các đơn vị khác trong, ngoài trường.

Giải thưởng Nobel Y sinh năm 2022 được trao cho nhà nghiên cứu Di truyền học người Thuỵ điển GS Svante Pääbo (Giám đốc Viện Nhân chủng học tiến hoá, Viện Max Planck ở Leipzig, CHLB Đức) vì những khám phá quan trọng về sự tiến hóa của loài người thông qua phân tích DNA  của người cổ đại đã tuyệt chủng.

Diễn giả của buổi tọa đàm là GS.TS Nông Văn Hải đã tham gia giải mã thành công toàn bộ hẹ gene ty thể của người Việt Nam và là tác giả của công trình đầu tiên về hệ gene người Việt được công bố quốc tế.

Trong buổi tọa đàm, GS Nông Văn Hải đã chia sẻ về các quan điểm liên quan đến nguồn gốc loài người qua những nghiên cứu mang tính đột phá về phương pháp và kỹ thuật phân tích của nhà khoa học Svante Pääbo về hệ gene người cổ đại đã tuyệt chủng (người Neanderthal và người Denisovan). Nghiên cứu của GS Pääbo đã nâng tầm quan trọng của lĩnh vực khoa học Paleogenomics (tạm dịch là Cổ di truyền Sinh vật học) – các nghiên cứu tái tạo và phân tích hệ gene của các loài giống người đã tuyệt chủng từ đó cho chúng ta hiểu biết mới về lịch sử tiến hoá loài người hiện nay. Khám phá này do vậy đã mở ra những hướng nghiên cứu triển vọng ứng dụng trong lĩnh vực Y sinh cũng như hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến con người.

Bên cạnh đó, diễn giả giới thiệu về các công bố gần đây nhất của các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam về hệ gene người tiền sử Đông Nam Á cũng như Việt Nam. Các nghiên cứu này đã chỉ ra những con đường di cư, ngôn ngữ, nơi ở, … của người tiền sử Đông Nam Á.  Từ đó, giải trình tự hệ gene người trên thế giới cho thấy, các dân tộc thời xưa đã có những giao lưu, giao thoa với nhau không chỉ về văn hóa mà cả hệ gene để tạo nên sự đa dạng dân tộc ở người hiện đại, đặc biệt là ở các nước Đông Nam Á.

GS.TS. Nông Văn Hải chia sẻ tại buổi tọa đàm

 

Buổi tọa đàm đã diễn ra sôi nổi với các trao đổi, thảo luận xoay quanh các vấn đề về ý nghĩa, mức độ tin cậy, giá trị của việc nghiên cứu hệ gene trong việc tìm ra nguồn gốc loài người. Các nghiên cứu Cổ di truyền Sinh vật học nhằm tái tạo và phân tích hệ gene của các loài giống người đã tuyệt chủng góp phần quan trọng trong nghiên cứu lịch sử tiến hoá của loài người, thể hiện tính liên ngành giữa Y sinh học, nhân học, sử học, khảo cổ học và văn hóa học.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Dương Minh Lam - Trưởng phòng KH&CN đã nhấn mạnh, nội dung của buổi tọa đàm gợi mở những hướng nghiên cứu mới hơn mang tính liên ngành đối với thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn – Trưởng khoa Sinh học hy vọng sự thành công của buổi tọa đàm hứa hẹn sẽ có nhiều bài giảng khoa học mang tính liên ngành được phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy đam mê tìm hiểu, nghiên cứu khoa học và tinh thần không ngừng sáng tạo của cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường.

Ảnh: Giảng viên và sinh viên tham gia buổi tọa đàm

Bài và ảnh: Phòng KHCN, Khoa Sinh học, Đội truyền thông Đoàn TN

01-11-2022