Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

BỒI DƯỠNG MÔ ĐUN 5 TRỰC TIẾP QUA LỚP HỌC ẢO ĐÃ MANG LẠI CHO GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG CỐT CÁN NHIỀU KIẾN THỨC VÀ KĨ NĂNG VỀ TƯ VẤN, HỖ TRỢ HỌC SINH TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC VÀ DẠY HỌC


29-11-2021

Trong tháng 11/2021, Trường ĐHSP Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng mô đun 5 cho giáo viên phổ thông cốt cán các cấp Tiểu học, THCS và THPT của 10 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) theo phương thức trực tiếp qua lớp học ảo.

Hoạt động bồi dưỡng mô đun 5 đã được triển khai thành công và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Trong các ngày diễn ra bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo trên hệ thống LMS, đã có 97 phòng học ảo được tổ chức dưới sự trợ giúp của gần 100 giảng viên sư phạm chủ chốt và khoảng 4700 giáo viên phổ thông cốt cán tham gia tập huấn.

Theo quan sát của Ban tổ chức cũng như thu nhận phản hồi từ phía giảng viên và giáo viên, nhìn chung hầu hết giáo viên học tập và trao đổi chuyên môn với tinh thần trách nhiệm và tích cực. Các lớp học ảo được tổ chức theo đúng quy trình và diễn ra trong không khí gần gũi, tràn đầy cảm xúc.

Đánh giá kết quả đạt được sau hoạt động bồi dưỡng mô đun 5 đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía giáo viên phổ thông cốt cán. Các Thầy/Cô cho biết, tư vấn và  hỗ trợ học sinh không phải là nhiệm vụ mới của giáo viên mà là những việc các Thầy/Cô giáo viên phổ thông đã và đang thực hiện trong công tác giảng dạy hiện nay của bản thân, song nhìn chung Thầy/Cô chỉ làm theo kinh nghiệm và suy nghĩ cá nhân. Sau khi được bồi dưỡng mô đun 5, Thầy/Cô đã hiểu thêm hơn về đặc điểm tâm sinh lý, các hoàn cảnh đặc biệt và những khó khăn của học sinh trong cuộc sống học đường. Bên cạnh đó, nhiều tình huống thực tiễn về tư vấn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học đã được chính giáo viên phổ thông cốt cán chia sẻ và phân tích. Từ đó giảng viên sư phạm và giáo viên phổ thông cốt cán cùng trao đổi và có thể đưa ra những hướng giải quyết phù hợp, khoa học và nhân văn nhất cũng như xây dựng những kế hoạch tư vấn tâm lý, kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghiệp cho giáo viên sao cho thiết thực và triển khai hiệu quả trong thực tiễn.

Ngoài ra giáo viên phổ thông cốt cán cho rằng giảng viên sư phạm chủ chốt được lựa chọn tập huấn có chuyên môn về tâm lý học, giáo dục học; có sự am hiểu về nội dung mô đun bồi dưỡng cũng như thực tiễn giáo dục phổ thông. Trong suốt quá trình tập huấn trực tuyến và trực tiếp qua lớp học ảo, các giảng viên trong cùng một lớp có sự phân chia nhiệm vụ và phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt.

Đánh giá về khâu tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cả giảng viên sư phạm và giáo viên  phổ thông cốt cán cho rằng Ban tổ chức lớp tập huấn ngày càng chuyên nghiệp và đáp ứng tối đa nhu cầu của cả giảng viên và giáo viên. Bản thân giảng viên, giáo viên nếu gặp vấn đề gì trong lớp tập huấn được nhóm hỗ trợ kỹ thuật Trường ĐHSPHN cũng như bộ phận kỹ thuật của Viettel hỗ trợ kịp thời. Vấn đề đảm bảo chất lượng, giám sát, đánh giá hoạt động bồi dưỡng được chú trọng và thực hiện nghiêm túc, khách quan; Ban tổ chức lớp tập huấn đã luôn luôn lắng nghe phản hồi của cả giảng viên và giáo viên để có điều chỉnh kịp thời thông qua các thông tin thu nhận được từ các cuộc phỏng vấn.

Với sự nỗ lực từ nhiều phía để phát huy điểm mạnh đồng thời khắc phục những hạn chế của phương thức bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo, nội dung mô đun 5 đã được truyền tải một cách hiệu quả và Ban tổ chức đã thu nhận được nhiều phản hồi tích cực cũng như ấn tượng tốt đẹp từ phía giáo viên phổ thông cốt cán.

Dưới đây là một số hình ảnh về sản phẩm làm việc nhóm và cảm nhận của giáo viên phổ thông cốt cán tham gia bồi dưỡng mô đun 5.

Ban truyền thông ETEP - HNUE

 

29-11-2021