Với mục tiêu tạo ra diễn đàn học thuật và thực tiễn cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu chia sẻ những vấn đề đặt ra trong giảng dạy và nghiên cứu Chính trị học, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và vị thế của ngành Chính trị trong nhà trường. Từ đó, đề xuất những giải pháp gắn nghiên cứu với đào tạo ngành chính trị học trong các trường đại học khối ngành khoa học xã hội nhân văn, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Phó Hiệu trưởng – trực tiếp chỉ đạo công tác Khoa học Công nghệ - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thay mặt lãnh đạo Nhà trường đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Tại Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ, giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên khoa LLCT-GDCD, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Hội thảo đã nhận được sự đóng góp bài viết tích cực từ các tác giả, 58 bài viết được chọn lựa và đăng tải trong cuốn Kỷ yếu của Hội thảo do Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm xuất bản.
Dưới sự chủ trì của: PGS.TS Lưu Văn Quảng – Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Phạm Quốc Thành – Trưởng khoa Khoa học Chính trị - Đại học Quốc gia Hà Nội và PGS.TS Phạm Việt Thắng – Trưởng khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội thảo diễn ra hai phiên với 8 báo cáo được trình bày của các nhà khoa học: 1.“Nghiên cứu chính trị trong mối liên hệ với kinh tế ở Việt Nam” - GS.TS Nguyễn Hùng Hậu (Viện Triết học – Học viện CTQG Hồ Chí Minh). 2.“Một số tiếp cận mới về đổi mới hệ thống chính trị Việt nam trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII” - GS. TSKH Phan Xuân Sơn (Viện Chính trị học – Học viện CTQG Hồ Chí Minh). 3.“Quan điểm về con người chính trị trong tác phẩm “Quân Vương” của N.Machiavelli - PGS.TS Nguyễn Thị Thường (Khoa LLCT – GDCD, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). 4. “Tư tưởng của Alvin Tofler về tương lai nhân loại và giải pháp chính trị trong “cú sốc tương lai” - PGS.TS Nguyễn Thị Toan (Khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2). 5. “Tăng cường quán triệt nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong nghiên cứu – giảng dạy Chính trị học hiện nay” - TS Phan Duy Quang (Viện Quan hệ quốc tế - Học viện CTQG Hồ Chí Minh). 6. “Một số điểm cần lưu ý trong nghiên cứu, giảng dạy vấn đê nhà nước ở Việt Nam” - PGS. TS Lê Công Sự (Khoa Khoa học chính trị, Trường Đại học Hà Nội). 7. “Những cơ hội và thách thức trong giảng dạy chính trị học ở Việt Nam hiện nay” – PGS.TS Nguyễn Thu Nghĩa (Viện Triết học, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam). 8. “Hoạt động trải nghiệm trong môn Chính trị học đại cương ở bậc đại học thông qua dạy học dự án”- TS Trần Thị Thu Huyền (Khoa LLCT – GDCD, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
Tại Hội thảo, nhiều vấn đề mang tính thời sự và sự phản biện sắc sảo, sôi nổi của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các em sinh viên. Sự thành công của Hội thảo góp phần khẳng định vị thế của ngành Chính trị trong nhà trường và nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế toàn diện hiện nay.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Đại biểu tham dự Hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Văn Trào – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS.TS. Phạm Việt Thắng (bên phải) – Trưởng Khoa LLCT-GDCD - Trường ĐHSP Hà Nội cùng Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo
Một số tham luận trình bày tại Hội thảo
Tin bài và ảnh: Khoa LLCT-GDCD
Một số trang tin về sự kiện từ các báo khác:
https://giaoducthoidai.vn/de-xuat-giai-phap-giang-day-chinh-tri-hoc-tai-viet-nam-post616603.html
https://vietnamnet.vn/truyen-cam-hung-cho-sinh-vien-vui-ve-voi-chinh-tri-hoc-2084698.html