Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn học thuật để các nhà khoa học công bố những kết quả mới về nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và sản xuất, kết nối những hướng nghiên cứu mang tính liên ngành trong các lĩnh vực Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học và Sinh học).
Hội thảo đã vinh dự nhận được sự quan tâm và tham dự của nhiều nhà khoa học tại các Viện nghiên cứu và Trường Đại học hàng đầu của Việt Nam như GS.TS Vũ Đình Lãm - Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ (Học viện KH&CN), GS.TS Nguyễn Văn Tuyến - Chủ tịch Hội đồng Học viện KH&CN, GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu – Phó Tổng biên tập Tạp chí Hóa học, GS.TS Bùi Chương (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), PGS.TS Đinh Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, GS.TS Nguyễn Ngọc Hà (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)….
Các báo cáo gửi tham gia Hội thảo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực vật liệu ứng dụng như: màng phủ, sensor, ứng dụng trong bảo quản sản phẩm nông nghiệp, môi trường, y sinh,… Bên cạnh đó, một số công trình nghiên cứu về các hợp chất thiên nhiên, tổng hợp phức, hóa lý thuyết… Các công trình được thực hiện bởi các tác giả/nhóm tác giả đến từ hơn 30 viện nghiên cứu và các trường đại học lớn trên cả nước như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện HLKH&CN Việt Nam), Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học công nghệ – ĐHQGHN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN), Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Tây Nguyên, Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TPHCM… Một số tác giả nước ngoài đến từ Pháp, Belarus, Ba Lan… Những bản thảo chất lượng, đủ quy cách được đưa lên Hệ thống của Tạp chí Hóa học và tiến hành các bước phản biện theo đúng quy trình quốc tế, từ đó lựa chọn để công bố trong số đặc biệt của Hội thảo.
Tại Hội thảo, một số báo cáo tiêu biểu đã được trình bày:
1. Nghiên cứu quá trình hấp phụ và phân hủy DDT trên cơ sở xúc tác TiO2/MCM-41 bằng phương pháp hóa học lượng tử
GS.TS Nguyễn Ngọc Hà và cộng sự (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
|
2. Một số kết quả nghiên cứu và ứng dụng cao su kỹ thuật của Trung tâm công nghệ Polyme compozit và Giấy
GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, GS.TS Bùi Chương và cộng sự (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội)
|
3. Microfluidics intergrated sensor toward a detector of heavy metal ion in water
PGS.TS Mai Anh Tuấn và cộng sự (Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, Bộ KH&CN)
|
4. Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư loài bùm bụp Mallotus apelta
PGS.TS Nguyễn Xuân Nhiệm và cộng sự (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
|
5. Polyhydroxyalkanoate: Productions and Applications
PGS.TS Đoàn Văn Thược (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
|
6. Photothermal natural-inspired materials for highly efficient solar steam generation
PGS.TS Đỗ Danh Bích (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
TS. Phạm Tiến Thành (Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQG Hà Nội)
|
7. Nghiên cứu chế tạo và đặc trưng tính chất của tổ hợp carrageenan/collagen (từ vảy cá) mang dược chất alllopurinol
ThS Vũ Quốc Mạnh, Trường Đại học Thành Đô
|
Dưới sự chủ trì và điều phối của Đoàn chủ tịch gồm: GS.TS Vũ Đình Lãm (Học viện KH&CN Việt Nam), GS.TS Nguyễn Văn Tuyến (Viện HLKH&CN Việt Nam), GS.TS Nguyễn Ngọc Hà (Trường ĐHSPHN), Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều trao đổi thảo luận sôi nổi.
Các kết quả nghiên cứu được trình bày và công bố tại hội thảo mở ra các cơ hội hợp tác thực hiện các nghiên cứu liên ngành Hóa – Lý – Sinh giữa các Viện nghiên cứu và trường đại học trên cả nước. Đây cũng là sự kiện học thuật thể hiện nỗ lực của Trường ĐHSPHN trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo các chuyên gia xuất sắc của đất nước và khu vực, tạo ra môi trường làm việc khơi dậy được giá trị sáng tạo của các nhà nghiên cứu, học viên sau đại học và sinh viên.
Một số hình ảnh của Hội thảo:
Bài: Phòng KHCN
Ảnh: CLB Truyền thông – Đoàn thanh niên Trường