Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

Không cứ phải chi nhiều tiền hay học nhiều hơn là giáo dục thành công


29-08-2021

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề xuất 4 giải pháp cho năm học mới, trên cơ sở rút ra bài học của các nước phát triển là không phải cứ chi nhiều tiền hay học nhiều thì thành công.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thiện Thanh
 
Là một trong những đại biểu được mời đến dự và phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học, bàn phương hướng nhiệm vụ cho năm học mới ở điểm cầu Chính phủ, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đã đề xuất 4 giải pháp giải quyết bài toán chất lượng đội ngũ nhà giáo. Theo GS Minh, chất lượng giáo dục phải được giải đồng thời với bài toán chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Trước khi đưa ra giải pháp cụ thể, GS Minh nêu quan điểm, không phải chi nhiều tiền hơn thì thành công hơn trong giáo dục, dẫu ai cũng biết rằng, không có nguồn lực tài chính thì khó làm, vấn đề là cách thức sử dụng nguồn tài chính đó một cách hiệu quả; cũng không phải là học nhiều hơn thì thành công hơn.
GS Minh nêu dẫn chứng: “Ở vế 1, thực ra đó là nhận định của ngài Michael Barber, cố vấn thủ tướng Anh Tony Blair, khi nói về việc cấp ngân sách cho giáo dục Anh, về sự gia tăng chi tiêu đối với giáo dục của Mỹ và Úc, đặc biệt Mỹ tăng gấp đôi ngân sách kể từ năm 1980, nhưng giáo dục chẳng có chuyển biến nhiều. Singapore chi ít hơn cho mỗi đầu học sinh so với hầu hết các nước giàu khác nhưng giáo dục của họ thì đáng học hỏi.
Học sinh Phần Lan bắt đầu đi học muộn hơn (7 tuổi bắt đầu học lớp 1) và thời gian học trên lớp ít hơn so với các nước giàu khác, nhưng là một trong những nước luôn dẫn đầu trong phát triển giáo dục. Cả Phần Lan, Canada, Nhật, Singapore và Hàn Quốc, những nước luôn dân đầu trong phát triển giáo dục đều có điểm chung là thu nhập của giáo viên thuộc hạng cao trong xã hội”.
Sau đây là 4 đề xuất của GS Minh gửi lên Bộ GD-ĐT:

Phải có những nhà giáo giỏi nhất, tâm huyết nhất

Theo GS Minh, điều này không mới, và ai cũng biết, nhưng chúng ta vẫn lúng túng. Giáo viên là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của giáo dục. Phần Lan là một minh chứng; Singapore duy trì quản lý tập trung hệ thống đào tạo giáo viên; Đài Loan cũng có cách tương tự, họ chọn trong số 30% học sinh xuất sắc để xét đào tạo sư phạm trên cơ sở nhu cầu của ngành giáo dục; sau khi tốt nghiệp sẽ phân bổ đến các trường.
Trước đây chúng ta có chính sách miễn học phí, gần đây chúng ta có Nghị định 116; Bộ GD-ĐT cũng đã có những dự báo khá cơ bản về nhu cầu và có những hướng dẫn thực hiện Nghị định 116. Hiện nay, một trong các việc quan trọng cần phải làm được, đó là sự phối hợp của UBND các tỉnh. Các UBND tỉnh cần công khai nhu cầu tuyển dụng, thiếu thông tin này người học sẽ băn khoăn.
Nghị định 116 thể hiện một chính sách kịp thời và tiến bộ, nhưng đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ phải là vị trí việc làm và chế độ chính sách, môi trường, cách thức làm việc để họ phát huy hết năng lực của nhà giáo. Điều kiện đủ phải bắt đầu từ các UBND các tỉnh, từ Bộ Nội vụ.

Đừng “khuôn mẫu hóa”

Đề xuất thứ 2 của GS Minh là phải có cơ chế chính sách và môi trường tốt để nhà giáo phát huy hết năng lực, tâm huyết với thiên chức cao quý của họ.
“Trước hết, tôi muốn nói đến cách thức quản lý trường học. Trong thực tế, không ít cơ sở giáo dục đã hành chính hóa trong điều hành công tác giáo dục, công tác dạy và học. Nội dung chương trình phải chuẩn, người dạy phải đáp ứng những yêu cầu đó, nhưng mỗi người có một cách dạy khác nhau phù hợp với các đối tượng khác nhau; có không ít nơi “khuôn mẫu hóa” khiến tâm lý tuân thủ đặt cao hơn sự sáng tạo. Chúng ta nhớ rằng, những gì diễn ra trong trường học hôm nay chính là hiện thân của xã hội trong tương lai. Muốn học sinh sau này sáng tạo thì người thầy phải sáng tạo trước”, GS Minh chia sẻ.
Điểm thứ 2 trong giải pháp này, GS Minh nhấn mạnh việc lựa chọn đầu tư trong bối cảnh đất nước còn nghèo, đó là đầu tư cho giáo dục, trong đó có nhà giáo, vì muốn phát triển phải đầu tư để có nguồn nhân lực tốt. Lao động nào cũng đáng quý, khi nó là chân chính. Nhưng nếu cứ đánh đồng lao động của một nhà hoạch định chính sách, một nhà nghiên cứu, một nhà giáo theo cách tính cơ học thì nên tư duy lại. Đây là cơ sở căn cốt nhất để đưa ra chính sách tiền lương, chế độ cho họ.
Nghị quyết 29 cũng nêu: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.” Nếu chỉ đạo này được hiện thực hóa thì chắc chắn sự nghiệp giáo dục sẽ có những bước chuyển quan trọng. “Chính phủ đã dành nhiều nguồn để kiên cố hóa trường học, dành cho trang thiết bị, nhưng nếu mạnh dạn đầu tư cho thầy cô để những người giỏi vào nghề, tâm huyết và yên tâm công tác thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ khác hẳn”, GS Minh nhận định

Bình đẳng trong tiếp cận giáo dục

Theo GS Minh, trong 5 năm qua, một bằng chứng rất rõ là từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, mặt bằng chung của các tỉnh miền núi, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên vẫn cho chúng ta những trăn trở. Ngoài việc Nhà nước ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, đến lúc cần đầu tư nhân lực.
“Trong năm qua, tôi đã đến một số tỉnh miền núi phía Bắc, họ thiếu nguồn giáo viên tin học, ngoại ngữ trầm trọng. Trước đây, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc phân công công tác giáo viên và đã có nhiều tác động tích cực về phát triển giáo dục miền núi, vùng khó khăn. Nghiên cứu để có chính sách cho vấn đề này là rất cần thiết nhằm từng bước phát triển giáo dục các vùng này và chỉ có thế mới có thể tạo ra sự tiếp cận bình đẳng trong giáo dục”, GS Minh đề đạt.

Đừng để “chúng ta đông nhưng không mạnh”

Theo GS Minh, tính đến tháng 7.2017, cả nước có 13 cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên về sư phạm và 61 cơ sở giáo dục đại học đa ngành có đào tạo sư phạm và một số cơ sở khác. Tình hình này là do những yếu tố có tính lịch sử, nên cũng đừng cực đoan phê phán, vì có thời điểm chúng ta thiếu giáo viên trầm trọng; có thời điểm tập trung xóa mù, tập trung phổ cập, nhưng đến lúc chúng ta cần sắp xếp lại.
GS Minh phân tích:
“Chúng ta đông nhưng không mạnh. Nói một cách thẳng thắn, chúng ta thiếu một số cơ sở có tính đầu tàu, thiếu cơ sở đại học sư phạm có tầm nghiên cứu tư vấn. Chính vậy, mỗi lần cải cách, đổi mới là gặp phải sự lúng túng. Với số lượng nêu trên, khó mà có đầu tư trọng điểm, như nhà nghèo đông con.
Trên cơ sở đó, có mấy lưu ý khi thực hiện quy hoạch: quy hoạch nhằm mục đích ổn định, phát triển và tạo ra đột phá; quy hoạch phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước; quy hoạch cần xem xét đến yếu tố địa lý, kinh tế xã hội của từng vùng, miền trong mối tương quan với các cơ sở trọng điểm; giải quyết vấn đề quy hoạch cần phải tính đến các đặc điểm bối cảnh hiện nay”.
29-08-2021