Tiếng Việt
English
Search
“CHUẨN MỰC - SÁNG TẠO - TIÊN PHONG”

KẾT QUẢ TRIỂN KHAI BỒI DƯỠNG MÔ ĐUN 9 ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI, PHÙ HỢP VỚI BỐI CẢNH THỰC TIỄN VÀ NHU CẦU CỦA GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG


21-12-2021

Trong 8 ngày từ 13-20/12/2021, Trường ĐHSP Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng mô đun 9 về “Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh” cho giáo viên phổ thông cốt cán các cấp Tiểu học, THCS và THPT của 10 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) theo phương thức trực tiếp qua lớp học ảo.

Vấn đề đảm bảo chất lượng, giám sát, đánh giá hoạt động bồi dưỡng trong Chương trình ETEP luôn  được chú trọng và thực hiện nghiêm túc, khách quan; Ban Quản lý Chương trình ETEP Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường ĐHSP Hà Nội đã luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía giảng viên sư phạm chủ chốt và giáo viên phổ thông để có điều chỉnh kịp thời thông qua các thông tin thu nhận được từ các cuộc phỏng vấn cũng như phiếu khảo sát ý kiến.

Qua phỏng vấn các nhóm giáo viên tham gia khóa bồi dưỡng, mục tiêu và nội dung mô đun 9 được cho rằng thiết thực đối với công tác giảng dạy trong nhà trường phổ thông, phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đặc biệt hữu ích trong giai đoạn dịch bệnh, khi việc dạy và học chủ yếu thông qua hình thức online. Thầy Nguyễn Thành Giáp, giáo viên trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Hưng Yên chia sẻ: “Chưa bao giờ tham gia đợt tập huấn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông nào mà mô đun bồi dưỡng có hiệu quả, sát sườn như đợt tập huấn các mô đun lần này”. Cô Lâm Kiều Ninh, giáo viên trường THCS Đống Đa cho rằng: “Bản thân tiếp thu được nhiều kiến thức khi tham gia tập huấn mô đun 9. Chỉ trong hai ngày học trực tiếp, các giảng viên sư phạm đã cung cấp một kho dữ liệu gồm tất cả phần mềm có thể học tập, sử dụng và chia sẻ với đồng nghiệp”. Các giảng viên sư phạm chủ chốt của Nhà trường tham gia hỗ trợ giáo viên cũng được đánh giá cao về năng lực chuyên môn, năng lực công nghệ thông tin cũng như sự am hiểu thực tiễn giáo dục phổ thông; phương pháp sư phạm tốt; nhiệt tình và trách nhiệm đối với học viên; ngôn ngữ và tác phong sư phạm chuẩn mực… Bên cạnh đó, vấn đề hỗ trợ của giảng viên, nhóm hỗ trợ kỹ thuật Trường ĐHSP Hà Nội cũng như bộ phận kỹ thuật của Viettel trước và trong hai ngày diễn ra lớp học ảo cũng được đánh giá kịp thời và đáp ứng các yêu cầu của giáo viên phổ thông cốt cán cũng như của giảng viên. Vấn đề đảm bảo chất lượng, giám sát, đánh giá hoạt động bồi dưỡng được chú trọng và thực hiện nghiêm túc, khách quan. Ban quản lý Chương trình ETEP Trường ĐHSP Hà Nội đã bám sát và phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Chương trình ETEP Trung ương từ khâu chuẩn bị cho đến suốt quá trình diễn ra các lớp bồi dưỡng trực tiếp trên lớp học ảo, đảm bảo quá trình bồi dưỡng được diễn ra suôn sẻ và đạt hiệu quả cao.

Cùng với đó, đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt của Trường ĐHSP Hà Nội tham gia bồi dưỡng cũng đánh giá cao mục tiêu và nội dung mô đun 9. TS. Đỗ Phương Thảo, Khoa Việt Nam học nhận định: “Mục tiêu mô đun 9 được xác định rõ ràng, cần thiết trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Các Thầy/Cô giáo viên phổ thông có nhu cầu được tập huấn về công nghệ thông tin trong dạy học và giáo dục”. Cũng theo TS. Đỗ Phương Thảo, khi khảo sát giáo viên phổ thông ở lớp mà Cô phụ trách, các giáo viên cho rằng nội dung mô đun này là rất thiết thực, thậm chí cần thiết bồi dưỡng trước các mô đun khác vì đó là kỹ năng để có thể tiếp thu các nội dung khác hiệu quả hơn. Cũng chung nhận định, TS. Trần Thị Thu Huyền, Khoa LLCT-GDCD cho rằng: “Đối với nội dung mô đun 9, giáo viên càng được tiếp cận sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu vì mô đun này hỗ trợ rất tốt cho việc dạy học online trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài”.

Bên cạnh đó, khi tham gia hoạt động bồi dưỡng trong khuôn khổ Chương trình ETEP, không chỉ học viên/giáo viên phổ thông cốt cán được hưởng lợi mà chính các báo cáo viên/giảng viên sư phạm chủ chốt cũng lĩnh hội được nhiều điều bổ ích. Các giảng viên sư phạm chủ chốt đã thấy rõ được hiệu quả nâng cao năng lực nghề nghiệp thông qua cộng đồng học tập giữa các giảng viên ở nhà trường sư phạm được hình thành và phát triển khi tham gia quá trình bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán trong Chương trình ETEP. TS. Đỗ Thị Quỳnh Mai, Khoa Hoá học đã nhận định: Chương trình ETEP là chương trình bổ ích đối với giảng viên sư phạm, giúp giảng viên sư phạm kết nối với giáo viên ở các trường phổ thông và thực tiễn giáo dục phổ thông; tạo cơ hội cho sự giao lưu, học hỏi chuyên môn lẫn nhau giữa Thầy/Cô chuyên môn phương pháp và Thầy/Cô chuyên môn cơ bản. Đồng thời, cũng thông qua hoạt động tập huấn, đội ngũ giảng viên sư phạm được tiếp cận thực tiễn giáo dục phổ thông thông qua các giáo viên. Từ khi tham gia mô đun 1 đến mô đun 9, nhóm cộng đồng giảng viên sư phạm đã xây dựng những nhóm zalo và có những trao đổi, chia sẻ, tương tác thường xuyên về bài giảng và kinh nghiệm khi triển khai bồi dưỡng”.

Với sự nỗ lực từ nhiều phía: học viên/giáo viên phổ thông cốt cán, báo cáo viên/giảng viên sư phạm chủ chốt, bộ phận hỗ trợ kỹ thuật, bộ phận giám sát - đánh giá dưới sự chỉ đạo của Ban quản lý Chương trình đã làm nên một đợt bồi dưỡng mô đun 9 thành công, khép lại hoạt động bồi dưỡng của Chương trình ETEP đạt được mục tiêu đề ra với nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Dưới đây là một số hình ảnh của giảng viên sư phạm chủ chốt và giáo viên phổ thông cốt cán tham gia phỏng vấn trực tuyến với Ban tổ chức - Ban Quản lý Chương trình ETEP:

21-12-2021