PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NGHIÊM ĐÌNH VỲ
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
(1992 - 1997)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ sinh ngày 7/12/1947, tại thôn Nghiêm Xá, xã Hàm Sơn - nay là thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, trong một gia đình nông dân. Năm 1966, học tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sinh viên Nghiêm Đình Vỳ vừa học, vừa tích cực tham gia làm lớp trưởng, rồi bí thư chi đoàn và được kết nạp vào Đảng năm 1969 khi là sinh viên năm thứ ba. Năm 1970, tân Cử nhân Nghiêm Đình Vỳ được giữ lại làm cán bộ giảng dạy khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm đầu Thầy được biệt phái đi dạy phổ thông để rèn luyện phương pháp và nghiên cứu lịch sử địa phương. Ngay khi là cán bộ trẻ tại khoa Lịch sử, Thầy đã sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào được giao phó, từ làm trợ lý lao động cho đến trợ lý văn thể... Năm 1976, Thầy đi nghiên cứu sinh tại Viện Các nước Á - Phi, trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Matxcova mang tên Lômônôxốp (Liên Xô). Tháng 12/1980, Thầy bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ và tháng 1/1981 trở về nước tiếp tục giảng dạy tại khoa Lịch sử. Năm 1982, Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cử Thầy đi học Lý luận chính trị cao cấp tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), nhưng vẫn đảm nhiệm việc giảng dạy tại khoa Lịch sử của Trường. Tháng 9/1984 Thầy được giao nhiệm vụ làm Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử và tháng 1/1988 là Chủ nhiệm khoa Lịch sử.
Năm 1991, Thầy được phong học hàm Phó Giáo sư, chuyên ngành Lịch sử. Tháng 4/1992, Thầy được Bộ trưởng Bộ Giáo dục bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Gần 6 năm (từ tháng 4/1992 đến tháng 11/1997), trên cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thầy đã cùng với Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên, lãnh đạo các khoa và toàn thể cán bộ, công nhân viên trong trường xây dựng được khối đoàn kết, kế thừa những truyền thống tốt đẹp của Nhà trường, của các bậc lãnh đạo tiền nhiệm và sự nỗ lực của tập thể nhà trường, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tiếp tục phát triển. Từ đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất… đều có những những tiến bộ. Mô hình của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng được Thầy và các đồng chí lãnh đạo cùng thời và sau đó hết sức tâm huyết củng cố và phát triển. Thầy cũng là người đặt nền móng đầu tiên cho sự ra đời của một số đơn vị mới của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau này như: khoa Giáo dục Thể chất, khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường phổ thông thực hành Nguyễn Tất Thành... Thầy cũng đã từng kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Đào tạo từ xa của Trường, góp phần đào tạo giáo viên theo một hình thức mới, thực hiện mục tiêu giáo dục cho mọi người, học tập suốt đời cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Một dấu ấn để lại trong thời kì này là vấn đề nhà ở của cán bộ trong trường được cải thiện một cách căn bản.
Tháng 12/1993, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập trên cơ sở tổ chức lại ba trường đại học: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Thầy được giao làm Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng vẫn kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Phó Giám đốc phụ trách công tác đào tạo. Bên cạnh đó, Thầy còn làm Tổng biên tập Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổng biên tập Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tuy giữ nhiều trọng trách lãnh đạo, quản lý nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ vẫn bám sát công tác chuyên môn. Thầy đã từng tham dự và báo cáo tại một số hội thảo khoa học ở nước ngoài: Giảng dạy Lịch sử của Việt Nam (tại Trường Đại học Chulalongkorn - Thái Lan), Đào tạo từ xa của Việt Nam (tại tiểu bang Ohio – Hoa Kỳ), sách giáo khoa Lịch sử phổ thông Việt Nam tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ luôn cố gắng dành thời gian cho công tác giảng dạy. Thầy vẫn lên lớp dạy chuyên đề về Lịch sử Thế giới cho học viên Cao học của khoa Lịch sử ,Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy đã hướng dẫn thành công 5 nghiên cứu sinh, nhiều luận văn cao học.
Thầy tham gia viết một số giáo trình đại học, cao đẳng về lịch sử, và sách tham khảo, trong đó làm chủ biên cuốn “Lịch sử Thế giới trung đại”, “Lịch sử Thế giới cổ trung đại”; là đồng tác giả cuốn “Lịch sử thế giới từ cổ đại đến năm 1918”, NXB ĐHQGHN, 1998;...; là tác giả hai cuốn sách chuyên khảo: Hồ Chí Minh và giáo dục - Toàn thư, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2008; “Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ ngày nay”, NXB ĐHSP Hà Nội, 2009. Làm đồng chủ biên cuốn “Giáo dục thế giới đi vào thế kỉ XXI” NXB Chính trị Quốc gia,2002, một số cuốn sách chuyên khảo tham gia với tư cách là đồng tác giả như cuốn: “Đất nước Lào: Lịch sử và văn hóa”, NXB Chính trị Quốc gia, 1996; “Phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài”, NXB Chính trị Quốc gia, 2002; “Cải cách giáo dục: một số vấn đề chung và thực tiễn ở Việt Nam”, NXB Chính trị Quốc gia, 2016. Tính đến nay, Thầy đã có hơn 100 bài báo về lịch sử, giáo dục, chính trị đăng trên các tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Lịch sử Đảng, Nghiên cứu giáo dục, Tuyên giáo...Thầy cũng có nhiều đóng góp cho giáo dục phổ thông, là một trong các tác giả của “Lịch sử lớp 10” từ những năm 1990, là chủ biên của sách giáo khoa “Lịch sử lớp 7” vào năm 2002. Mấy năm gần đây, Thầy cũng cùng với một số thầy khoa Lịch sử biên soạn chương trình môn Lịch sử mới -2018, đồng thời tham gia làm Tổng chủ biên phần Lịch sử của bộ sách Lịch sử - Địa lí cấp Trung học cơ sở của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trong hoạt động chuyên môn về lịch sử, Thầy còn đảm nhiệm làm Chủ tịch Hội Giáo dục Lịch sử (trực thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), tập hợp đội ngũ nhà giáo dạy môn Lịch sử phổ thông của cả nước với mong muốm cho học sinh yêu thích môn lịch sử.
Thầy có khoảng thời gian hơn 12 năm chuyên làm công tác Đảng. Đó là cuối 2000, Thầy được điều chuyển lên làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Khoa giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2002, Thầy được bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban, có thời gian được phân công làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương, Bí thư Đảng ủy cơ quan Ban Khoa giáo Trung ương, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Sau Đại hội X của Đảng, khi hợp nhất Ban Văn hóa - Tư tưởng và Ban Khoa giáo thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Thầy tiếp tục giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo và khi hết tuổi quản lí lại được Ban Tuyên giáo Trung ương chuyển sang làm việc theo chế độ Chuyên gia cao cấp.
Năm 2013, dù được nghỉ hưu, nhưng Thầy vẫn tham gia hoạt động chuyên môn với khoa Lịch sử. Trong mấy năm gần đây, Thầy đã đã làm đầu mối để khoa Lịch sử hợp tác với khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, Trung Quốc. Đáng chú ý là xây dựng được mối quan hệ hợp tác với Viện nghiên cứu và giảng dạy lịch sử của Hàn Quốc. Thầy cùng với một số cán bộ khoa Lịch sử cộng tác với các sử học Hàn Quốc đang biên soạn cuốn giáo trình “Lịch sử Cộng đồng Việt Nam-Hàn Quốc”, dự kiến sẽ xuất bản vào cuối năm 2021.
Năm 2016, Thầy được Trung ương Hội Khoa học Phát triển nguồn Nhân lực và Nhân tài Việt Nam ra quyết định làm Viện trưởng Viện Phát triển Giáo đục và Văn hóa Việt Nam. Hiện tại Viện đang hoạt động tích cực, trong đó đã đấu thầu được một đề tài cấp nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lí về “ Nghiên cứu giải pháp triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam”. Thầy đã huy động một số cán bộ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng tham gia.
Một công việc gắn với nghề nghiệp khi nghi hưu là hoạt động trong Hội Cựu giáo chức của Trường. Tại Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Thầy được cử làm Phó Chủ tịch Hội, đồng thời trực tiếp làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thay Thầy Phạm Quý Tư. Có thể coi đây là một hoạt động nối dài của Thầy với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hàng năm Hội đã cùng với Ban Giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn Trường tổ chức mừng Xuân, chúc Thọ các cán bộ nghỉ hưu ở độ tuổi 80,90. Thầy cùng với các thầy cô trong Ban chấp hành Hội, Chi hội trưởng các đơn vị thường xuyên thăm hỏi sức khỏe, giao lưu với các lão thành với mong muốn các cụ sống khỏe sống vui.
Hình ảnh Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ, người Thầy mẫu mực, một nhà quản lý, một nhà giáo tâm huyết với nghề nghiệp, một người cha một mình nuôi các con trưởng thành, một cán bộ cao cấp do Trung ương quản lý nhưng gương mẫu, sống giản dị, chân thành luôn khắc sâu trong tâm trí, tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp, của nhiều thế hệ sinh viên suốt mấy chục năm với lòng biết ơn, niềm tôn kính. Đó chính là hạnh phúc thiêng liêng, to lớn mà dễ mấy người có được !
Nguyễn Mai Hương