Ngày 12/1/2022, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy bản Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet

Tại tọa đàm, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trưởng đoàn công tác đã khẳng định vai trò đi đầu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong công tác giáo dục. Đồng chí Đặng Xuân Phương cũng đánh giá cao báo cáo công tác tăng cường việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đồng thời, đồng chí cũng đặt ra các vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay liên quan đến công tác học sinh, sinh viên trong quá trình học tập và tìm kiếm thông tin thông qua mạng xã hội. Một số vấn đề đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã đặt ra: việc học tập trực tuyến trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, giảng viên qua các trang cá nhân và các tổ đội nhóm trên mạng xã hội; những nguyên tắc, tiêu chí chuẩn mực cho người học của Nhà trường khi hoạt động trong không gian số, không gian mạng; và việc đề xuất kiến nghị để có thể chế chính sách pháp luật phù hợp với các hoạt động của Nhà trường, nhằm mục tiêu phục vụ tốt hơn nữa cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, học sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS. TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Nhà trường đã giới thiệu chung về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với hơn 70 năm xây dựng và phát triển; đánh giá tác động của môi trường thông tin, truyền thông và các dịch vụ giải trí trên mạng Internet đến học sinh, sinh viên và giáo viên, giảng viên trong Nhà trường trước và trong đại dịch COVID-19; thực trạng tổ chức thực hiện công tác học sinh, sinh viên trước tác động của môi trường truyền thông; thực trạng việc đáp ứng vai trò, tiêu chuẩn và thực hiện quyền, nhiệm vụ của giáo viên, giảng viên trong Nhà trường. Trong đó, GS. Hiệu trưởng nhấn mạnh việc hình thành cho sinh viên chuẩn mực, giá trị, cách thức ứng xử, coi đó là bộ lọc cơ bản cho những tác động của mạng xã hội, truyền thông trên Internet. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là nơi để triển khai những đổi mới trong giáo dục.

Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các đại diện các phòng ban, đơn vị chức năng liên quan đã tiến hành trao đổi với các thành viên của tổ công tác, làm rõ một số nội dung trọng tâm của Nhà trường liên quan đến chủ đề tọa đàm: phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong Nhà trường; bồi đắp giá trị thông qua việc dạy và học; đối diện và giải thích cho sinh viên về thời sự giáo dục; đa dạng hóa các hoạt động; định chuẩn và tập huấn cho người dạy và người học; định vị Nhà trường trong hệ thống khu vực; xây dựng trường đại học thông minh và hệ sinh thái giáo dục; đồng hành khoa học cơ bản và khoa học giáo dục.

Đề xuất của Nhà trường: thực hiện việc xây dựng trường ĐHSP trọng điểm; tăng cường việc làm – thu nhập – tôn trọng xã hội đối với sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm.

Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Đặng Xuân Phương đại diện đoàn công tác tiếp nhận các thông tin trao đổi từ phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đoàn công tác cũng mong muốn rằng: thầy cô Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tiếp tục phát huy phẩm chất bản lĩnh, trang bị kiến thức, tăng cường phẩm chất cho sinh viên Nhà trường, đây cũng là trọng trách của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng của hệ thống các trường sư phạm.   

Một số hình ảnh của buổi tọa đàm:

                                                          Bài: Phòng Hành chính Đối ngoại

                                                          Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân