Trong 8 ngày vừa qua, từ 17-24/9/2021, Trường ĐHSP Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng mô đun 4 cho giáo viên phổ thông cốt cán các cấp Tiểu học, THCS và THPT của 10 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) theo phương thức trực tiếp qua lớp học ảo.

Theo kết quả sơ bộ đã có 109 phòng học ảo được tổ chức dưới sự trợ giúp của gần 130 giảng viên sư phạm chủ chốt và khoảng 4700 giáo viên phổ thông cốt cán tham gia tập huấn.

Trong hai ngày bồi dưỡng, Ban tổ chức đã bố trí sắp xếp phòng học ảo cho các môn học. Mỗi phòng học ảo có hai giảng viên sư phạm chủ chốt tập huấn trực tiếp cho giáo viên, ngoài ra còn có cán bộ hỗ trợ kỹ thuật và cán bộ giám sát nhắc nhở kịp thời đảm bảo sự thông suốt trong các ngày diễn ra tập huấn. Theo dõi và giám sát các lớp học ảo còn có sự tham gia của Ban Quản lý ETEP Trung ương và chuyên viên các Sở GD&ĐT.

Đánh giá về các kết quả đạt được sau quá trình giám sát đợt 1, Ban Quản lý ETEP Trung ương nhận định: Trường ĐHSP Hà Nội đã thực hiện tốt các khâu từ chuẩn bị công tác bồi dưỡng, tổ chức bồi dưỡng và thực hiện giám sát đánh giá các khâu của quá trình bồi dưỡng. Đánh giá về kinh nghiệm tốt có thể phổ biến qua đợt tập huấn này, Ban Quản lý ETEP Trung ương khẳng định: sự chuẩn bị kĩ càng của Ban tổ chức lớp tập huấn, sự am hiểu về nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nội dung mô đun 4 của giảng viên sư phạm chủ chốt, sự tham gia nhiệt tình của cả giảng viên và giáo viên phổ thông cốt cán, sự hỗ trợ và giám sát chặt chẽ,... đã tạo nên thành công của các lớp tập huấn bồi dưỡng.

Theo quan sát của Ban tổ chức cũng như thu nhận phản hồi từ phía giảng viên và giáo viên, nhìn chung hầu hết giáo viên học tập và trao đổi chuyên môn với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm. Các lớp học ảo diễn ra theo kế hoạch và kịch bản về nội dung đã xây dựng. Trong quá trình tập huấn, các giảng viên sư phạm đã hệ thống kiến thức, tổ chức thực hành, chia sẻ ý kiến cá nhân, thảo luận nhóm… về các nội dung: Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; Xây dựng kế hoạch dạy học môn học, Xây dựng kế hoạch bài dạy; Xây dựng kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp, trong đó chú trọng vào xây dựng kế hoạch dạy học môn học và kế hoạch bài dạy.

Đánh giá kết quả đạt được của các lớp bồi dưỡng, giáo viên phổ thông cốt cán cho rằng mục tiêu và nội dung mô đun 4 rất thiết thực và hữu ích đối với công tác giảng dạy trong nhà trường phổ thông, phù hợp với bối cảnh đổi mới giáo dục và bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Các giảng viên sư phạm chủ chốt của Nhà trường tham gia hỗ trợ giáo viên cũng được đánh giá cao về sự am hiểu chuyên môn, nội dung mô đun bồi dưỡng cũng như thực tiễn giáo dục phổ thông; ngôn ngữ và tác phong sư phạm chuẩn mực. Vấn đề hỗ trợ của giảng viên, nhóm hỗ trợ kỹ thuật Trường ĐHSPHN cũng như bộ phận kỹ thuật của Viettel trước và trong hai ngày diễn ra lớp học ảo cũng được đánh giá tốt. Vấn đề đảm bảo chất lượng, giám sát, đánh giá hoạt động bồi dưỡng được chú trọng và thực hiện nghiêm túc, khách quan. Ban quản lý Chương trình ETEP Trường ĐHSP Hà Nội đã bám sát và phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Chương trình ETEP Trung ương từ khâu chuẩn bị cho đến suốt quá trình bồi dưỡng trực tiếp trên lớp học ảo, đảm bảo cho các lớp bồi dưỡng được diễn ra suôn sẻ và đạt hiệu quả cao.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 thì hình thức tập huấn trực tiếp qua lớp học ảo là lựa chọn ưu việt nhất, đây là lần đầu tiên hoạt động bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán được triển khai theo hình thức này. Khoá bồi dưỡng tuy đã khai thác được những điểm mạnh của công nghệ thông tin, song cũng khó tránh khỏi một số trục trặc về mặt kỹ thuật như: sự cố về kỹ thuật của hệ thống LMS, đường truyền internet tại một số nơi chưa đảm bảo (lượng người truy cập quá đông, thời tiết không ủng hộ, mất điện,...) nên có lúc người tham gia bị thoát ra ngoài hoặc không nhìn thấy hình ảnh, không nghe thấy âm thanh. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kịp thời từ phía đội ngũ kỹ thuật của Nhà trường và Viettel, cùng với ý thức học tập tốt, giáo viên phổ thông cốt cán đã cố gắng khắc phục những sự cố trên để tham gia lớp tập huấn đầy đủ nhất.

Với sự nỗ lực từ nhiều phía, khoá tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán về “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” đã thành công và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Qua đợt bồi dưỡng này, Ban tổ chức rút ra nhiều kinh nghiệm, qua đó sẽ khắc phục những vấn đề còn hạn chế và phát huy những việc làm hay có thể phổ biến cho các đợt bồi dưỡng tiếp theo.

Kết thúc hai ngày bồi dưỡng trực tiếp trên lớp học ảo, đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán sẽ tiếp tục nghiên cứu và tự học để hoàn thành nội dung học tập mô đun 4. Tiếp theo, dưới sự phân công của Sở GD&ĐT, giáo viên phổ thông cốt cán sẽ sẵn sàng hỗ trợ giáo viên đại trà tại địa phương học tập mô đun 4 trên hệ thống LMS. Ngoài ra giáo viên phổ thông cốt cán còn tham gia tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên trong trường, cụm trường theo hình thức sinh hoạt chuyên môn về mô đun này và áp dụng những nội dung kiến thức đã được tập huấn vào ngay trong hoạt động dạy học của chính bản thân mình ở nhà trường phổ thông.

Dưới đây là một số hình ảnh về sản phẩm thực hành, thảo luận và cảm nhận của giáo viên phổ thông cốt cán tham gia bồi dưỡng.

Ban truyền thông ETEP - HNUE