Ngày 17/9/2021, Trường ĐHSP Hà Nội tiến hành bồi dưỡng cho 1229 giáo viên phổ thông cốt cán cấp Tiểu học của 4 tỉnh/TP: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng và Quảng Ninh mô đun 4 về “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” trong khuôn khổ chương trình ETEP. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên lớp tập huấn được diễn ra theo hình thức bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo trên hệ thống LMS.
Đợt bồi dưỡng này do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức được diễn ra trong 2 ngày (17-18/9/2021) với sự tham gia của 62 giảng viên sư phạm chủ chốt của Nhà trường. Tiếp nối hoạt động này, trong 2 ngày tiếp theo, Trường ĐHSPHN sẽ tiếp tục triển khai đợt bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán cấp Tiểu học của 6 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương. Từ ngày 21-24/9/2021, nhà trường sẽ triển khai các đợt bồi dưỡng cho hơn 2000 giáo viên phổ thông cốt cán cấp Trung học của 10 tỉnh/Thành phố được Bộ GD&ĐT phân công nhiệm vụ.
Hoạt động bồi dưỡng mô đun 4 được triển khai theo phương thức bồi dưỡng 7-2-7. Theo đó, trước khi tham gia 2 ngày bồi dưỡng trực tiếp trên lớp học ảo, giáo viên phổ thông cốt cán đã tự học và nghiên cứu tài liệu trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) trong thời gian 7 ngày. Sau hai ngày bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo, giáo viên phổ thông cốt cán sẽ tiếp tục tự học và hoàn thành nhiệm vụ trên hệ thống LMS trong thời gian 7 ngày tiếp theo.
Trong các ngày 17-18/9/2021, giáo viên phổ thông cốt cán của 4 tỉnh/TP: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ trực tiếp được bồi dưỡng qua lớp học ảo trên hệ thống LMS của Viettel. Giảng viên sư phạm chủ chốt của Trường ĐHSP Hà Nội sẽ trực tiếp tương tác, hỗ trợ với học viên ngay trên lớp học ảo này trong việc truyền tải nội dung của mô đun 4, thảo luận, giải đáp các thắc mắc trong quá trình tập huấn.
Để hỗ trợ cho giảng viên sư phạm chủ chốt, Trường ĐHSP Hà Nội đã bố trí đội ngũ kỹ thuật giàu kinh nghiệm bám sát chương trình bồi dưỡng nhằm đảm bảo chất lượng khóa bồi dưỡng. Ngoài ra, Nhà trường phối kết hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Viettel cũng như đội ngũ kỹ thuật của Viettel tại các tỉnh hỗ trợ cho giáo viên phổ thông cốt cán trong suốt thời gian diễn ra bồi dưỡng. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng của quy trình bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo, Nhà trường đã bố trí đội ngũ giám sát kết hợp với sự giám sát của chuyên viên các Sở GD&ĐT nhằm thực hiện các hoạt động đánh giá, qua đó có các điều chỉnh kịp thời sau mỗi buổi tập huấn.
Kết thúc đợt bồi dưỡng này, giáo viên phổ thông cốt cán sẽ hỗ trợ giáo viên đại trà tại địa phương tự học mô đun 4 trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến LMS và áp dụng ngay trong các hoạt động giảng dạy, giáo dục ở nhà trường phổ thông.
Dưới đây là một số hình ảnh của ngày đầu tiên bồi dưỡng trực tiếp trên lớp học ảo:
Ban truyền thông ETEP - HNUE