Đại dịch COVID-19 đã gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề sức khỏe cộng đồng, gây ra sự căng thẳng, hoang mang khi có những mất mát rất lớn về tính mạng con người.

Nhiều người mất việc và không có nguồn thu nhập trong điều kiện nhiều tỉnh, thành phố, khu vực thực hiện việc giãn cách xã hội kéo dài. Covid 19 đã mang đến cuộc khủng hoảng chưa từng có, trong đó có khủng hoảng về thể chất, tinh thần và tâm lý đối với nhiều người, đặc biệt là những bệnh nhân, người nhà của họ, và đội ngũ nhân viên y tế . Hội chứng hậu COVID- 19 với một loạt các triệu chứng kéo dài hàng tuần, thậm chí đến hàng tháng đã và đang là một thách thức đối với toàn xã hội trong bối cảnh bệnh dịch còn đang lây lan như hiện nay. Bên cạnh đó, đội ngũ những người tham gia hỗ trợ là nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội, chuyên viên tư vấn tâm lý ở nước ta trong quá trình hỗ trợ người bệnh mắc COVID-19 và gia đình của người bệnh còn gặp  quá nhiều khó khăn do công việc chăm sóc sức khỏe người bệnh bị quá tải, chưa được trang bị hệ thống kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật sử dụng các công cụ liên quan đến hỗ trợ, sơ cứu, chăm sóc tâm lý xã hội cho người bệnh mắc Covid-19 và gia đình.

Nhằm mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật sử dụng công cụ hỗ trợ tâm lý xã hội cho nhân viên y tế, chuyên viên tâm lý, nhân viên công tác xã hội và các lực lượng liên quan đến việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID- 19 và gia đình, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, với đầu mối là Khoa Công tác xã hội, đã phối hợp cùng Hội Y học Chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam, và một số nhà khoa học tại Đại học Y Harvard, Đại học John Carroll, các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần của Hoa Kỳ tổ chức khóa tập huấn Hỗ trợ tâm lý xã hội cho bệnh nhân mắc COVID-19 và gia đình từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 9 dưới hình thức trực tuyến.

Tham dự và phát biểu trong phiên khai mạc sáng nay có sự hiện diện của GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng cùng đại diện các phòng Khoa học Công nghệ, Hành chính-Đối ngoại, Quý thầy cô trong Ban Chủ nhiệm, cán bộ, giảng viên khoa Công tác xã hội, các chuyên gia, học viên lớp học trong và ngoài nước. Thay mặt Lãnh đạo Nhà trường, GS.TS. Nguyễn Văn Minh đã gửi lời cảm ơn tới Hội Y học chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước đã kết nối, phối hợp và hỗ trợ Nhà trường tổ chức khoá tập huấn.

Một số nội dung của khoá tập huấn gồm: Sơ cứu sức khỏe tâm thần và chăm sóc tâm lý; Chăm sóc tâm lý xã hội cho bệnh nhân mắc COVID-19; Tác động tâm lý xã hội của COVID-19 đối với bệnh nhân COVID-19; Chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời; Trao đổi về tình trạng nghiêm trọng của bệnh; Đau buồn, mất mát và chỗ dựa tinh thần; Phát triển chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trong các cơ sở khẩn cấp. Các chuyên gia tham gia chia sẻ và giảng dạy tại khoá tập huấn là những học giả, bác sĩ tâm lý nổi tiếng như GS. Nathan Gehler (Đại học John Carroll, Hoa Kỳ), PGS. Bác sĩ Eric Krakauer, Lauren Sommer DeMarco, TS. Sarah E. Byrne-Martelli (Đại học Y Harvard), TS.Martina S. Moore (Chủ tịch, CEO, Moore Counseling & Mediation Services, Inc, Hoa Kỳ), Ths. NCS. Trương Nguyễn Xuân Quỳnh (Đại học Boston, Đại học Chulalongkorn, Điều phối viên của COVID Taskforce), Ths. Bác sĩ Lê Đại Dương (Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh)…

Với các nội dung thiết thực, khoá tập huấn đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm và đăng ký của hàng trăm cán bộ tâm lý, công tác xã hội, nhân viên y tế cùng các cá nhân quan tâm khác trên mọi miền Tổ quốc cho thấy nhu cầu cấp thiết của xã hội đối với các vấn đề tâm lý “hậu Covid-19”. Khoá tập huấn được tổ chức hoàn toàn miễn phí với mục đích phục vụ cộng đồng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, góp phần lan toả những giá trị nhân văn cùng xã hội chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Đây là quà tặng dành cho những người đang tham gia chăm sóc người mắc COVID hoặc đang hỗ trợ gia đình họ tại cộng đồng, GS.TS. Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

- Thông tin tham gia Hội thảo trực tuyến phần mềm Zoom webinar ID: 89788113880. Pass: 0107.

Tin bài và ảnh: Phòng KHCN và Khoa CTXH Trường ĐHSP Hà Nội

* Một số thông tin thêm về buổi tập huấn: