Chúng ta biết rằng, bản chất của đại học là sáng tạo và muốn sáng tạo ắt phải nghiên cứu. Trong xã hội hiện đại, hầu hết những phát minh đều bắt nguồn từ các đại học. Hơn nữa, nghiên cứu khoa học là con đường tốt nhất để đào tạo nhân lực trình độ cao. Vì vậy, muốn có những sản phẩm khoa học tốt, muốn có nguồn nhân lực tốt thì phải gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, và đầu tư nguồn lực cho các đại học là một tất yếu.

GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Những kết quả nghiên cứu trong những giai đoạn vừa qua là đáng mừng, đã có những đóng góp nhất định vào nguồn trị thức nhân loại và của đất nước; góp phần đào tạo nguồn nhân lực và có những sản phẩm phục vụ cuộc sống. Nhưng đến lúc, chúng ta cần tĩnh tâm và mạnh dạn nhìn lại trong đó tỉ trọng hướng đến sản phẩm để phục vụ cho đất nước được bao nhiêu. Tôi nhấn mạnh hướng đến vì rằng, từ kết quả nghiên cứu đến sản phẩm là một quá trình và có điều kiện; không ngây thơ để đòi hỏi một nhà khoa học khi có kết quả nghiên cứu là xắn tay để chế tạo ra sản phẩm ngay được, mà nó cần “bà đỡ” là các doanh nghiệp khoa học công nghệ, là các đơn vị nghiên cứu triển khai, chuyển giao hỗ trợ.

Mặc dù không thể phủ định rằng, không có các nghiên cứu cơ bản thì không thể phát triển bền vững. Tuy vậy, phát triển khoa học công nghệ phải đồng hành cùng chiến lược phát triển của đất nước. Sở thích là tôn trọng, nhưng lợi ích của quốc gia, dân tộc là chuyện đại sự. Thiếu sự nhất quán này sẽ tạo nên phân kỳ trong nghiên cứu.

Kết quả công bố cũng là một trong các tiêu chí quan trọng khi xếp hạng đại học. Chính nhờ đó, một số đại học của chúng ta đã có thứ hạng tăng lên trong các hệ thống xếp hạng quốc tế. Điều này rất đáng trân trọng. Nhưng đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận, để loại trừ các “ekip công bố” vì mục đích không chân chính? Vì sự đánh bóng tên tuổi của cá nhân hay của một đơn vị nào đó? Chỉ tồn tại đơn thuần trên sự ca ngợi của người khác rất khó thọ được lâu. Trào lưu này, nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ là một sự hủy hoại nghiêm trọng đối với giới khoa học chân chính nói riêng và hệ thống đại học nói chung. Có thể thấy rất rõ, có cơ sở không có ngành đào tạo, không có nhóm nghiên cứu, không có phòng thí nghiệm mà công bố về lĩnh vực đó đều đều khi có sự “chi viện” của các “đầu nậu” bên ngoài. Đằng sau đó là sự tiêu phí nguồn lực không nhỏ để đổi lấy hư danh. Trào lưu này cần được ngăn chặn.

Rất nhiều nhà khoa học, nhà giáo chân chính đang nỗ lực ngày đêm để tạo dựng một nền học thuật trung thực và tiến bộ. Trong khi đó, một bộ phận đang làm méo mó sự chính đáng này. Đáng buồn hơn, đâu đó còn làm ngơ và cổ súy, tung hô cho trào lưu này.

Hơn 10 năm trở lại đây, việc ra đời của Quỹ NAFOSTED đã tạo nên một luồng gió mới cho giới nghiên cứu. Họ như được giải phóng rất nhiều về thủ tục, có cơ hội bình đẳng và tính minh bạch rất rõ trong việc xét duyệt. Tác động của Quỹ này là các nhà khoa học có điều kiện tốt hơn cho nghiên cứu và hệ quả là số công bố trên các tạp chí quốc tế tăng lên rõ rệt. Càng về sau, số nhà khoa học đủ điều kiện đăng ký đề tài tăng lên; các nhóm bắt đầu tách ra. Hướng đi nên chăng cần điều chỉnh. Lẽ ra, các nhóm cùng hướng nghiên cứu chung, tập hợp để tạo thành sức mạnh, hướng đến tính trường phái, giải quyết các vấn đề tổng thể, thay vì xé nhỏ để có nhiều đề tài, và hệ quả là các công bố trở nên nhỏ lẻ, giảm tính phổ quát.

Một trào lưu chạy theo công bố quốc tế một cách thuần túy đang diễn ra. Không ít đề tài cứ “định hướng ứng dụng” và định hướng rất lâu, hết đề tài này đến đề tài khác vẫn tiếp tục định hướng. Kết quả là, một số bài báo mang tính “hiệu ứng” để nghiệm thu, chưa đi đến tận cùng của vấn đề. Chấm hết. Tiếc rằng, đó không phải là nghiên cứu cơ bản thuần túy mà mang mác “định hướng ứng dụng”!

Không ai cấm nghiên cứu để thỏa mãn đam mê, nhưng không có nghiên cứu nào không hướng đến phục vụ phát triển của đất nước nói riêng và nhân loại nói chung. Đơn cử, công nghiệp hóa đất nước không có nghĩa là chúng ta buông nông nghiệp mà sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp. Trong đó chú trọng chất lượng sản phẩm, an toàn sản phẩm… Bài toán sau thu hoạch là một vấn đề lớn, chúng ta chưa giải quyết thấu đáo. Những yêu cầu mang tính thời đại cũng như các nhiệm vụ cấp bách, liên quan đến sinh mạng đồng bào, như dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, toàn Đảng, toàn dân, đội ngũ y bác sỹ, lực lượng vũ trang đang gồng mình và sẵn sàng hi sinh, giá như có các nghiên cứu đủ mạnh và kịp thời thì giảm thiểu biết bao hi sinh, mất mất.

Chúng ta có không ít Phòng thí nghiệm trọng điểm, ngân sách chi không ít so với điều kiện tài chính của đất nước, nhưng kết quả đến đâu, nên có một tổng kết, đánh giá nghiêm túc.

Từ nghiên cứu cơ bản đến triển khai trong thực tế có khoảng cách về thời gian và qua các bước trung gian cần thiết. Nên chăng, cần có các nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu cải tiến. Ở đó, thay vì bài báo, sản phẩm phải là các thiết bị, dụng cụ, qui trình… có thể đưa vào thực tiễn được. Chúng ta đã có những nhà khoa học như vậy, khi đất nước cần là họ có thể dốc sức nghiên cứu để đưa ra giải pháp. GS Trần Đại Nghĩa với súng chống tăng Bazooca, súng không giật (SKZ); GS Vũ Đình Cự với đề tài “Phá hủy thủy lôi và bom từ trường” năm 1972; mặc dù ông cũng là nhà nghiên cứu cả về lý thuyết; Giáo sư Lương Định Của với những giống cây trồng, giống lúa… Phải chăng nghiên cứu của chúng ta đã đi quá xa so với thực tiễn đất nước hay vì lý do nào đó mà xa rời thực tiễn đất nước? Đã đến lúc cần dành sự ưu tiên cho đổi mới, sáng tạo để phục vụ đất nước. Muốn có nghiên cứu đỉnh cao phải có tiềm lực, trong đó có nhân lực và sức mạnh tài chính. Chưa chú tâm để có sức mạnh tài chính mà chỉ tập trung cho những nghiên cứu đỉnh cao thì khó thành công và bền vững được.

Tóm lại, đã đến lúc cần có một cách nhìn nhận khách quan, biện chứng đúng tinh thần khoa học. Bản chất của khoa học là chân chính. Đừng để sự phi khoa học chi phối làm vẩn đục môi trường uy nghiêm đó. Ưu tiên cho nghiên cứu đổi mới sáng tạo, hướng đến sản phẩm phục vụ phát triển đất nước, đặt cơ sở cho các nghiên cứu bậc cao; có những chính sách cho nghiên cứu hướng đến sản phẩm, không đơn giản là đếm bài báo. Có chính sách đối với nhà khoa học có nhiều đóng góp cả về vật chất và tôn vinh. Xếp hạng đại học là quan trọng, nhưng sứ mạng, trọng trách của đại học đối với đất nước phải đặt lên trên hết, thay vì chỉ nghe ca ngợi và tự ca ngợi. Bản chất của đại học là sáng tạo, muốn sáng tạo phải nghiên cứu. Chọn lựa nhiệm vụ và giao cho các đại học để nghiên cứu là xu thế chung của mọi đất nước hiện nay.

GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội