Thực hiện Công văn số 999/ĐHSPHN-ETEP ngày 21/36/2021, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức đợt giám sát đảm bảo chất lượng công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông thực hiện các mô đun bồi dưỡng và xây dựng báo cáo TEMIS tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình trong ngày 24/6/2021.

Tham dự cuộc họp, về phía BQL Chương trình ETEP - Bộ Giáo dục và Đào tạo có TS. Lê Thị Kim Anh - Trưởng Bộ phận Giám sát đánh giá cùng với thành viên của Đoàn; Về phía Trường ĐHSP Hà Nội, có sự hiện diện của PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền - Phó Hiệu trưởng Nhà trường và các thành viên của Đoàn giám sát; Về phía Sở GD&ĐT Ninh Bình, có đại diện của Tỉnh Uỷ viên, Giám đốc Sở cùng với lãnh đạo, chuyên viên các phòng ban liên quan của Sở GD&ĐT Ninh Bình.

Phát biểu tại cuộc họp, TS. Lê Thị Kim Anh đại diện BQL Chương trình ETEP cho rằng: Bồi dưỡng giáo viên là nhiệm vụ thường xuyên của ngành giáo dục. Bắt đầu từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã xây dựng một mô hình bồi dưỡng mới theo hướng thường xuyên, liên tục, tại chỗ. Mô hình mới này được triển khai thông qua hệ thống công nghệ thông tin và với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm. Trong giai đoạn hiện nay, nội dung bồi dưỡng tập trung vào phát triển được năng lực của đội ngũ giáo viên để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên bình diện cả nước, mô hình bồi dưỡng này đã phát huy được hiệu quả, với các kết quả đạt được bước đầu là rất tích cực, có trên nửa triệu giáo viên trên cả nước đã hoàn thành mô đun 1 và mô đun 2 đại trà; có gần 500 nghìn giáo viên đang học mô đun 3, trong đó có hơn 300 nghìn người đã hoàn thành.

Trường ĐHSP Hà Nội là một trong tám trường đại học sư phạm được lựa chọn để xây dựng tài liệu bồi dưỡng và được phân công bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên của 10 Sở GD&ĐT, trong đó có tỉnh Ninh Bình. Theo Kế hoạch, trong năm 2021, các giáo viên cốt cán sẽ được tiếp tục bồi dưỡng tiếp mô đun 4, 5 và 9. Tài liệu của các mô đun này đã sẵn sàng và sẽ được đưa lên mạng cho giáo viên học tập. Song song với bồi dưỡng là quản lý việc phát triển bồi dưỡng giáo viên (TEMIS) để hỗ trợ giáo viên phát triển nghề nghiệp. Trong năm 2020,đã có 50 Sở GD&ĐT hoàn thành việc xây dựng và công bố báo cáo TEMIS trên cả nước. Ban quản lý Chương trình ETEP, Bộ GD-ĐT đánh giá rất cao những nỗ lực của Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình trong việc chỉ đạo, thực hiện và đôn đốc giáo viên phổ thông cốt cán, đại trà tham gia vào quá trình bồi dưỡng cũng như tổ chức xây dựng báo cáo TEMIS. Mục đích của chuyến làm việc này của Đoàn là được lắng nghe Kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc bồi dưỡng giáo viên đại trà theo mô hình thường xuyên - liên tục - tại chỗ cũng như việc xây dựng báo cáo TEMIS.

Thay mặt cho Đoàn công tác Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Chương trình ETEP có điểm đặc biệt là chương trình giải ngân theo các kết quả đầu ra, dựa trên các chỉ số mà Chính phủ đã cam kết với Ngân hàng Thế giới. Để thực hiện được mô hình bồi dưỡng giáo viên thường xuyên, liên tục và tại chỗ, bên cạnh đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt thì hệ thống LMS và TEMIS có ý nghĩa quan trọng. Trong quá trình triển khai một mô hình bồi dưỡng mới với những công cụ mới, chắc chắn Trường và Sở GD&ĐT Ninh Bình sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Chính vì vậy, Nhà trường mong muốn được lắng nghe những chia sẻ từ Sở GD&ĐT về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên và xây dựng báo cáo TEMIS để hai đơn vị cùng phối hợp, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được Bộ giao.

Thay mặt cho Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình, ông Phan Thành Công - Tỉnh Uỷ viên, Giám đốc Sở GD&ĐT đã cảm ơn sự quan tâm sát sao của Bộ GD&ĐT và Trường ĐHSP Hà Nội đối với công tác bồi dưỡng giáo viên tại tỉnh Ninh Bình. Địa phương nhận thức rất rõ được yêu cầu, trách nhiệm, vai trò và ý nghĩa của Chương trình ETEP, làm nền tảng trong việc đổi mới giáo dục phổ thông 2018. Qua thời gian triển khai thực hiện, xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, chủ quan, Ninh Bình dù đạt được những kết quả bước đầu song cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Theo đó, đợt giám sát này sẽ giúp Sở GD&ĐT Ninh Bình được trình bày, được chia sẻ và tìm được giảp pháp khắc phục những khó khăn.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã được lắng nghe 3 báo cáo, trong đó: đại diện của Sở GD&ĐT Ninh Bình đã tóm tắt 2 báo cáo về: Công tác bồi dưỡng giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà; báo cáo về Quản lý thông tin về đào tạo và bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông (TEMIS); đại diện Trường ĐHSP Hà Nội trình bày báo cáo về kết quả giám sát công tác bồi dưỡng giáo viên và xây dựng báo cáo TEMIS của tỉnh Ninh Bình.

Thông qua buổi làm việc, đại diện của BQL Chương trình ETEP và Trường ĐHSP Hà Nội cùng đưa ra một số giải đáp cho một số kiến nghị của Sở về công tác bồi dưỡng giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà cũng như tiến độ xây dựng báo cáo về Quản lý thông tin về đào tạo và bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông (TEMIS) của tỉnh. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục phối hợp với Nhà trường để triển khai hiệu quả hơn nữa công tác phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên của địa phương, đáp ứng tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một số hình ảnh của buổi làm việc:

Ban Truyền thông ETEP