GD&TĐ - Theo PGS.TS Lê Huy Hoàng, Chủ biên chương trình môn Công nghệ, Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐHSP Hà Nội, thời gian tới, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên dạy Công nghệ là một trong số ít giáo viên bộ môn các trường phổ thông đang có nhu cầu tuyển dụng cao.

Năm 2018 là năm đầu tiên Trường ĐHSP Hà Nội được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh đào tạo giáo viên ngành Sư phạm công nghệ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên cho môn Công nghệ trong chương trình mới với 90 chỉ tiêu, các tổ hợp xét tuyển là A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh) và C01 (Toán, Lý, Văn).

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Công nghệ là môn học bắt buộc ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Công nghệ là môn học dành cho các học sinh có xu hướng lựa chọn ngành học thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.

Theo học ngành Sư phạm công nghệ, ngay sau học kì đầu tiên của năm thứ nhất, sinh viên được quyền đăng ký học ngành thứ 2 (Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Tin học, Sư phạm tiếng Anh…) theo Quy chế đào tạo kép của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Với chương trình đào tạo được thiết kế dựa trên tiếp cận CDIO, phản ánh sát đổi mới giáo dục phổ thông, sinh viên theo học ngành Sư phạm công nghệ sẽ có đầy đủ năng lực, phẩm chất với cơ hội việc làm rộng mở bao gồm: Giáo viên phổ thông (dạy môn Công nghệ); Giảng viên dạy nghề (chuyên ngành Điện – Điện tử, Cơ khí – Động lực ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp); hoặc làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.

Hải Bình

(Nguồn: giaoducthoidai.vn)