Ngày 07/5/2013, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nơi mà cách đây 60 năm Giáo sư Trần Đức Thảo nghiên cứu và giảng dạy Triết học, Lịch sử tư tưởng, Tâm lý học, Ngữ văn học,... diễn ra Hội thảo khoa học Quốc tế "Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo". Tới dự có các đại biểu Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học trong nước, nhà khoa học, các thầy cô giáo, cán bộ nghiên cứu các ngành khoa học xã hội, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hội thảo nhận được sự giúp đỡ tài trợ của Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia (Nafosted)

 

Hội thảo khoa học Quốc tế "Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo"

Hội thảo được tổ chức theo Kế hoạch hoạt động khoa học của Trường ĐHSP Hà Nội năm 2013, được sự ủng hộ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự giúp đỡ tài trợ của Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia (Nafosted). Khoa Triết học được Nhà trường giao nhiệm vụ phụ trách công tác tổ chức và chuyên môn.

Tới dự Hội thảo, đại biểu quốc tế, có Giáo sư Trần Văn Đoàn - Đại học Quốc gia Đài Loan, Ủy viên Liên đoàn các Hội triết học thế giới, Cố vấn giáo dục của Bộ Giáo dục Đài Loan. Nhiều học giả quốc tế đã gửi báo cáo tham gia Hội thảo (GS. Jocelyn Benoist - Giám đốc Trung tâm lưu trữ Husserl, Đại học Paris 1 - Cộng hòa Pháp; GS.Michel Espagne - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia, Đại học Sư phạm Paris (Ecole Normale Supérieure) - Cộng hòa Pháp; GS. Jérôme Melançon - Đại học Alberta, Augustana Campus, Canada và GS.Trịnh Văn Thảo - Đại học Tổng hợp Aix- Marseilles - Cộng hòa Pháp) đã thư chúc mừng tới Hội thảo và bày tỏ mong muốn được hợp tác với các học giả Việt Nam trong nghiên cứu triết học Trần Đức Thảo.

Đại biểu trong nước, có PGS.TS Ngô Đình Xây, Vụ trưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Hội cựu Giáo chức Việt Nam; GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng CSVN, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS Hoàng Chí Bảo - Ủy viên thư ký, thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang; PGS.TS Trần Văn Phòng - Viện trưởng Viện Triết học – Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thúy Vân - Trưởng khoa Triết học, Trường Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQGHN;… các Trưởng, Phó Khoa Triết học, Giáo dục Chính trị của các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Học viện Báo chí Tuyên truyền, Đại học Văn hóa, Đại học Hồng Đức, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQGHN… GS.TS Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, GS.TS.NGND Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn - nguyên Viện trưởng Viện Triết học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; GS.TS Nguyễn Văn Huyên, nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh GS.TS Nguyễn Tài Thư, nguyên Phó Viện trưởng Viện Triết học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; GS.TS.NGND Nguyễn Khắc Phi - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, Ông Nguyễn Văn Giao - Vụ trưởng, Thư kí Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người thường xuyên giữ mối liên hệ giữa Thủ tướng và Giáo sư Trần Đức Thảo,...  cùng nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư, các nhà khoa học trong nước.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo

Đại diện lãnh đạo quê hương Giáo sư Trần Đức Thảo, có Ông Trần Quang Huy - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Thị xã Từ Sơn - Tỉnh Bắc Ninh; Ông Nguyễn Tuấn Khang - Bí thư Đảng ủy Phường Châu Khê - Thị xã Từ Sơn - Tỉnh Bắc Ninh.

Đại diện gia đình và dòng họ, có Ông Trần Đức Tụy - Tộc trưởng tộc Trần quê hương Giáo sư Trần Đức Thảo;

Đặc biệt, có sự tham dự của Đoàn đại biểu cựu sinh viên khóa I - Đại học Sư phạm Văn khoa niên khóa 1954-1957 và có lẵng hoa chúc mừng Hội thảo.

Đến dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo của các cơ quan trung ương và Hà Nội, các trường đại học, Viện nghiên cứu, các nhà khoa học quan tâm đến Hội thảo, các phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Trung tâm truyền hình internet - Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo, Báo Giáo dục và Thời đại, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Xưa & Nay, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Báo Thế giới mới - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Thể thao Văn hóa, Báo điện tử Vietnamnet,…

        Về phía Nhà trường, PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, Trưởng ban chỉ đạo tổ chức Hội thảo; PGS.TS Đặng Xuân Thư - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Trần Văn Ba - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Đỗ Việt Hùng - Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban tổ chức Hội thảo, ThS Lê Xuân Quang - Bí thư Đoàn Thanh niên Trường, lãnh đạo các khoa, phòng, ban, các đơn vị trong toàn trường, cán bộ giảng viên, sinh viên Khoa Triết học, Ngữ văn, Lịch sử, Tâm lý Giáo dục,… các thành viên của Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo tổ chức Hội thảo nêu rõ: “Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ra trong bối cảnh đất nước bị đô hộ bởi thực dân Pháp. Bằng ý chí tự cường và tinh thần quả cảm, ông đã vượt lên khỏi những mặc cảm của người dân mất nước, tu trí học tập và quyết tâm đạt tới đỉnh cao văn hóa để qua đó thể hiện trí tuệ và bản lĩnh dân tộc. Với trách nhiệm của một công dân yêu nước, Trần Đức Thảo sẵn sàng từ bỏ con đường vinh hoa để trở về chung sức cùng nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến thần thánh, trường kỳ, góp phần làm nên kỳ tích của ngày hôm nay 59 năm về trước - ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954 - Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Giáo sư Trần Đức Thảo là một trong những người tích cực xây dựng nền giáo dục đại học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với nền tảng tri thức tiếp thu được từ tinh hoa của tư tưởng triết học nhân loại, tiếp cận sâu sắc những giá trị của chủ nghĩa duy vật biện chứng, ông đã có nhiều đề xuất trong việc nghiên cứu và giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn.

Giáo sư Trần Đức Thảo là một trong những người sáng lập Đại học Sư phạm Văn khoa - tiền thân trực tiếp của Trường ĐHSP Hà Nội. Những đóng góp của Giáo sư trong nghiên cứu và giảng dạy các môn Triết học, Sử học, Tâm lý học, Ngôn ngữ học,... đã được khẳng định ở những công trình khoa học mà tầm vóc của nó được xem là tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam và có ảnh hướng tới tư tưởng triết học phương Tây hiện đại, đặc biệt là ở Pháp. Cho tới nay, nghiên cứu tư tưởng của triết gia Trần Đức Thảo vẫn đang là mối quan tâm của giới khoa học Việt Nam và thế giới”.

PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc 

 Theo PGS. TS Nguyễn Văn Minh, Hội thảo lần này được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là hoạt động thiết thực kỷ niệm 95 năm sinh và 20 năm ngày mất của Giáo sư Trần Đức Thảo, được sự ủng hộ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hội thảo nhằm mục đích:

          - Nghiên cứu, đánh giá những cống hiến của Giáo sư Trần Đức Thảo đối với đất nước, với khoa học Việt Nam và thế giới, đồng thời chỉ ra những giá trị của tư tưởng Trần Đức Thảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay.

          - Hội thảo còn thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tạo môi trường để các nhà khoa học trong nước, các giảng viên, học viên và nghiên cứu sinh khoa học xã hội - nhân văn tiếp xúc và giao lưu học thuật với các nhà nghiên cứu triết học nước ngoài.

PGS.TS. Đỗ Việt Hùng - Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban tổ chức Hội thảo báo cáo đề dẫn, nêu khái quát về hướng thành tựu khoa học của Giáo sư Trần Đức Thảo:

“ Về cơ bản, quá trình nghiên cứu và giảng dạy Triết học của Giáo sư Trần Đức Thảo tập trung vào 4 vấn đề then chốt:

Thứ nhất: Kết hợp giữa Chủ nghĩa Marx và Phương pháp Hiện tượng học Husserl nhằm đi tìm căn nguyên khởi phát sự vận động xã hội thông qua việc triển khai ý hướng tính về tính vật chất;

Thứ hai: Thông qua những phân tích Hiện tượng học, ông giải quyết triệt để vấn đề bản chất ngôn ngữ và sự nảy sinh ý thức thuần túy thông qua hoạt động lao động của xã hội loài người;

Thứ ba: Từ việc đi tìm bản chất ý thức, chủ thể tính hướng đến chống lại sự phân tầng cấu trúc xã hội của nhóm cấu trúc luận Marxist Pháp do Luis Pierre Althusser đứng đầu trong việc phủ nhận tính nhân bản thuần túy ở con người có từ thời Homo Sapiens;

Thư tư: Thông qua các tác phẩm cuối đời đăng trên tạp chí Tư tưởng Pháp, Giáo sư Trần Đức Thảo đã đặt nền móng về lí luận trong lĩnh vực nghiên cứu nhân học thuần túy ở Việt Nam”.

PGS.TS. Đỗ Việt Hùng - Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban tổ chức Hội thảo báo cáo đề dẫn

Nêu lên tính cấp thiết của việc tổ chức Hội thảo, PGS.TS Đỗ Việt Hùng nhấn mạnh: “Với những đóng góp to lớn về tư tưởng trên nhiều lĩnh vực như Triết học, Nhân học, Lịch Sử, Ngữ văn học, Tâm lí học ..., Giáo sư Trần Đức Thảo là một trong những nhà khoa học lớn nhất của Việt Nam thế kỉ XX. Vì thế, việc thảo luận, trao đổi về sự nghiệp và cuộc đời cũng như những tư tưởng của Giáo sư Trần Đức Thảo là việc làm cần thiết và có ý nghĩa cho sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo”.

                PGS.TS Đỗ Việt Hùng cũng cho biết: “Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của các nhà khoa học, các thầy cô giáo và nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước. Chúng tôi đã nhận được 76 báo cáo khoa học của các học giả, trong đó có 8 báo cáo của các học giả nước ngoài và 68 báo cáo của các học giả trong nước. Số lượng báo cáo và sự tham gia của các đại biểu là biểu hiện sự quan tâm đến Hội thảo và cũng là sự quan tâm đối với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội".

 Chủ tịch Đoàn (phiên 1 và phiên 2), từ phải sang trái:  PGS. TS. Đỗ Việt Hùng - Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban tổ chức Hội thảo; PGS.TS. Trần Đăng Sinh - Trưởng khoa Triết học - Trường ĐHSP Hà Nội; GS TS. Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương; GS.TS. Trần Văn Đoàn - Đại học Quốc gia Đài Loan, Ủy viên Liên đoàn các Hội Triết học thế giới; PGS.TS. Đào Tuấn Thành - Trưởng khoa Lịch sử - Trường ĐHSP Hà Nội.

Các báo cáo mà Ban tổ chức nhận được rất đa dạng về nội dung khoa học. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng của Giáo sư Trần Đức Thảo rất rộng, bao quát nhiều chuyên ngành, nhiều khía cạnh của một chuyên ngành và là những đề tài hết sức thú vị cho cuộc Hội thảo hôm nay. Sơ bộ, Ban tổ chức đã tổng hợp được thành ba chủ đề lớn trong những báo cáo của quý vị: (1) Con người và  sự nghiệp của Giáo sư Trần Đức Thảo; (2) Tư tưởng Triết học của Giáo sư Trần Đức Thảo; (3) Các lĩnh vực khoa học khác trong tư tưởng của Giáo sư Trần Đức Thảo.”

Tiếp sau báo cáo đề dẫn, các đại biểu dự Hội thảo dành những phút giây ý nghĩa để tưởng nhớ tới Giáo sư Trần Đức Thảo thông qua việc xem phóng sự về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Triết gia Trần Đức Thảo.

Chủ tịch Đoàn điều hành Hội thảo (trong 4 phiên làm việc) gồm có: PGS. TS. Đỗ Việt Hùng - Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban tổ chức Hội thảo; PGS.TS. Trần Đăng Sinh - Trưởng khoa Triết học; GS TS. Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương; GS.TS.Trần Văn Đoàn - Đại học Quốc gia Đài Loan; GS. Nguyễn Đình Chú - Khoa Ngữ văn; PGS.TS. Đào Tuấn Thành - Trưởng khoa Lịch sử; PGS.TS. Đỗ Hải Phong - Trưởng khoa Ngữ văn; TS. Nguyễn Đức Sơn - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục.

 Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở đầu báo cáo tham luận: Triết gia Trần Đức Thảo - niềm tự hào lớn của chúng ta (Philosopher Tran Duc Thao - our great pride). Giáp sư Nguyễn Đình Chú là học trò của Giáo sư Trần Đức Thảo khi học khóa I Đại học Sư phạm Văn Khoa niên khóa 1954 -1957.

Giáo sư Trần Văn Đoàn - Đại học Quốc gia Đài Loan, Ủy viên Liên đoàn các Hội triết học thế giới, phát biểu tham luận tại Hội thảo với đề tài Trần Đức Thảo và Hiện tượng học (Tran Duc Thao and Phenomenology). Bài phát biểu rất được các học giả quan tâm bởi tính học thuật và các thông tin mới về triết học và cuộc đời của Giáo sư, triết gia Trần Đức Thảo.

Giáo sư Trần Văn Đoàn nêu lên những vấn đề phương pháp luận trong nghiên cứu triết học Trần Đức Thảo thông qua các tác phẩm của triết gia Trần Đức Thảo xuất bản ở phương Tây.

Giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày báo cáo: Trần Đức Thảo - một nhân cách, một nhà triết học tư duy không mệt mỏi (Tran Duc Thao: a great personality, a philosopher thought tierless).

 Giáo sư Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham luận báo cáo chủ đề: Nhớ Thầy Trần Đức Thảo - một triết gia thông thái, một nhân cách cao đẹp (Remember Professor Tran Duc Thao - A erudite philosopher, a great personality). Giáo sư Hà Minh Đức cũng là học trò của Giáo sư Trần Đức Thảo khi học khóa I Đại học Sư phạm Văn Khoa niên khóa 1954 -1957.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Ủy viên thư ký, thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu nêu lên những bài học cơ bản về nhận thức tư tưởng của Triết gia Trần Đức Thảo và khẳng định nhân cách mẫu mực của một nhà khoa học chân chính, yêu nước, có vai trò nổi bật trong giới triết học thế giới mà người Việt Nam, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ Việt Nam hiện nay cần hướng tới.

 

 Ông Nguyễn Tuấn Khang, Bí thư Đảng ủy phường Châu Khê, Thị xã Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh báo cáo tham luận: Giáo sư Trần Đức Thảo sống mãi với quê hương đất nước (Professor Tran Duc Thao will live forever with his homeland), thay mặt những người con quê hương Giáo sư Trần Đức Thảo cảm ơn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các nhà khoa học đã tổ chức trọng thể Hội thảo về nhà trí thức yêu nước Trần Đức Thảo.

 

 Trong phần thảo luận rất sôi nổi,, Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Hội cựu Giáo chức Việt Nam trao đổi về những thành tựu khoa học của Giáo sư Trần Đức Thảo và những kỷ niệm sâu sắc về triết gia Trần Đức Thảo khi ông trên cương vị Bộ trưởng.

 

Tiến sĩ Vũ Văn Thành, nguyên Giảng viên cao cấp Ngôn ngữ học, nguyên Trưởng phòng Quan hệ quốc tế - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu ý kiến.

 

Các đại biểu trong giờ nghỉ giải lao (từ trái sang phải: GS.TS Lê Hữu Nghĩa (Hội đồng lý uận Trung ương), PGS. Nguyễn Chương Thâu (Viện Sử học), GS.TS Nguyễn Tài Thư (Viện Triết học), TS Nguyễn Bá Cường (Khoa Triết học) và ThS Ngô Hương Giang (Viện Triết học).

 

PGS.TS Đỗ Hải Phong, Trưởng khoa Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày tham luận: Ba lớp ý thức trong nghị luận văn chương của Giáo sư Trần Đức Thảo(Three layers of consciousness in literary discourses of professor Tran Duc Thao).


PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội trình bày tham luận: Quan niệm của Trần Đức Thảo về đối tượng của triết học (Tran Duc Thao’s conception of philosophical object).

 

 Tiến sĩ Nguyễn Thị Toan, Giảng viên chính Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội báo cáo tham luận: Tư tưởng triết học Trần Đức Thảo - dấu gạch nối giữa hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng (Tran Duc Thao’s philosophical thought: a hyphen between phenomenology and dialectical materialism).

Hội thảo diễn ra hết sức sôi nổi với những trao đổi thẳng thắn, trực diện và chia sẻ thông tin về những vấn đề thuộc về tư tưởng triết học Trần Đức Thảo như: vị thế của triết gia ở những năm 50 của thế kỷ XX ở Pháp, những bài phê phán của phái cấu trúc luận Pháp, sự tranh luận giữa Trần Đức Thảo và J.P.Sartre, ảnh hưởng của triết học Trần Đức Thảo trong triết học phương Tây hiện nay.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Giáo sư Trần Văn Đoàn - Đại học Quốc gia Đài Loan thảo luận trong phiên Hội thảo buổi chiều.

 

ThS Ngô Hương Giang, Viện Triết học - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày báo cáo: Hiện tượng học về hiện tượng học của Trần Đức Thảo (Phenomenology of Tran Duc Thao’s phenomenology). Nhà khoa học trẻ sinh năm 1985, thành thạo tiếng Anh và Tiếng Pháp chuyên ngành Triết học và văn học hiện đại cho biết: Bài viết này tác giả đứng trên lý luận về hiện tượng học để xem xét hiện tượng học của Trần Đức Thảo, tìm ra đặc điểm sáng tạo trong sự kết hợp chủ nghĩa duy vật biện chứng và phương pháp hiện tượng học. 

 

PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, người có nhiều năm nghiên cứu về triết học Trần Đức Thảo khẳng định: GS. Trần Đức Thảo là người đầu tiên xây dựng bộ môn Lịch sử tư tưởng, Lịch sử Triết học ở Việt Nam. Điều này được phân tích chi tiết trong báo cáo tham luận: Từ Lịch sử triết học phương Tây của Bertrand Russell tới Lịch sử tư tưởng trước Marx của Trần Đức Thảo (From B. Russell’s the history of Western philosophy to Tran Duc Thao’s the History of thought before Marx).

 

PGS.TS Trần Mạnh Tiến, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày báo cáo tham luận: Triết học Trần Đức Thảo và vấn đề nghiên cứu văn học dân gian hiện nay (Tran Duc Thao’s philosophy and the problem of current folk - literary reseach).

  

TS Bùi Thị Tỉnh, Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày tham luận: Trần Đức Thảo với chủ nghĩa duy vật biện chứng (Tran Duc Thao  with dialectical materalism).  Tác giả đã chỉ ra sự chuyển biến tư tưởng của Trần Đức Thảo từ hiện tượng học sang chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản.

 

 

 PGS.TS Nguyễn Văn Cư phát biểu tại Hội thảo, khẳng định tầm vóc và nhân cách của Giáo sư Trần Đức Thảo, đồng thời nêu lên ý nghĩa của việc nghiên cứu triết học Trần Đức Thảo ở Việt Nam hiện nay.

          Hội thảo cũng đã theo dõi các nhà khoa học khác trình bày như PGS.TS Lê Nguyên Cẩn, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với đề tài: Diễn giải của Trần Đức Thảo về phức cảm Oedipe (Tran Duc Thao’s discourse of Oedipus complex); TS Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với đề tài: Những điểm giao của tư tưởng triết học và tâm lý học (The philosophical and psychological cross - points) và báo cáo của PGS.TS Phạm Văn Chín: Tư tưởng triết học Trần Đức Thảo và vấn đề giảng dạy triết học hiện nay (Tran Duc Thao’s philosophical thought and the problem of current philosophical teaching).

           Vì thời gian dành cho thảo luận nhiều vấn đề quan trọng khác nên Hội thảo đã không được theo dõi bản tham luận của TS Nguyễn Thị Thường, Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Vấn đề con người và bản chất con người qua cách tiếp cận và lý giải của Trần Đức Thảo (Human problems and human nature through the approach and explaination of Tran Duc Thao).

 

PGS.TS Lê Văn Đoán, Phó Trưởng khoa Triết học - Trường ĐHSP Hà Nội, Trưởng ban Thư ký báo cáo tổng hợp về nội dung Hội thảo.

          Như vậy, với 4 phiên làm việc trong cả ngày 07/5/2013, 17 báo cáo của các tác giả đã được trình bày và thảo luận tại Hội thảo. Ban tổ chức nhận thấy: Hội thảo đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo dục hoạt động trên các lĩnh vực chuyên môn: Triết học, Tâm lý Giáo dục học, Ngôn ngữ học, Văn học, Sử học, Nhân học,... Các báo cáo được biên tập công phu, có tính chọn lọc cao, tiêu biểu về từng lĩnh vực khoa học mà Giáo sư Trần Đức Thảo có những cống hiến không chỉ đối với nền khoa học Việt Nam mà còn đối với lịch sử tư tưởng, khoa học phương Tây ở thế kỷ XX.

Hội thảo đã thu được những kết quả hết sức quan trọng. Thông qua các báo cáo gửi Hội thảo, các bản tham luận, trao đổi, tranh luận trực tiếp tại Hội trường và những đề xuất - kiến nghị của các đại biểu tham gia Hội thảo, Ban tổ chức Hội thảo nêu khái quát những nội dung cơ bản sau đây có thể coi là kết luận của Hội thảo:

Thứ nhất, khẳng định Giáo sư Trần Đức Thảo là người Việt Nam yêu nước, nhà trí thức chân chính có tinh thần dân tộc sâu sắc, nhà triết học lỗi lạc của Việt Nam và có ảnh hưởng rõ rệt đối với nền triết học Pháp và phương Tây thế kỷ XX, là nhà văn hóa, nhà giáo dục mẫu mực về tình yêu khoa học và nhân cách sư phạm. Với những đóng góp to lớn về tư tưởng trên nhiều lĩnh vực như Triết học, Nhân học, Lịch sử, Ngữ văn học, Tâm lí học..., Giáo sư Trần Đức Thảo là một trong những nhà khoa học xã hội lớn nhất của Việt Nam thế kỉ XX. Giáo sư Trần Đức Thảo là tấm gương cho các nhà khoa học Việt Nam hiện nay về sự hội tụ và tích hợp đa văn hóa - giữa truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam và khả năng suy xét sắc sảo của tư duy phân tích phương Tây.

Thứ hai, nghiên cứu về Trần Đức Thảo cần thiết phải được coi trọng và đẩy mạnh trong các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Điều đó sẽ làm phong phú thêm đời sống văn hóa - tinh thần của dân tộc, đồng thời có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách trong việc nâng cao trình độ tư duy lý luận trong bối cảnh hội nhập quốc tế - toàn cầu hóa hiện nay. Từ di sản triết học Trần Đức Thảo và những cống hiến lý luận khoa học liên ngành của ông, cần phải nhận thức rõ ràng hơn nữa về vai trò của triết học đối với đời sống xã hội và đối với sự phát triển của các khoa học cụ thể. Vì thế, cần đưa trở lại môn Triết học là môn học chính thức đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng năng lực tư duy lý luận cho lớp lớp chủ nhân của đất nước, đảm bảo sự tiến bộ về trình độ khoa học với các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Nội dung của môn Triết học phải thực sự đảm bảo tính khoa học.

Thứ ba, cần có sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa của các cơ quan trung ương và địa phương trong việc giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm, tổ chức khoa học, văn hóa trong nước để khai thác di sản tư tưởng Trần Đức Thảo. Đồng thời có sự đầu tư tài chính thích đáng cho việc hệ thống hóa, dịch thuật, xuất bản Toàn tập Trần Đức Thảo và tuyển tập các công trình nghiên cứu về Trần Đức Thảo nhằm lưu giữ, bảo tồn di sản tư tưởng của triết gia, xã hội hóa các thành quả khoa học đem lại hiệu quả thiết thực trong việc phát triển khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta hiện nay.

Thứ tư, tăng cường phát huy những giá trị trong tư tưởng Trần Đức Thảo thông qua việc đưa vào nội dung chương trình đào tạo trình độ đại học và trên đại học các chuyên ngành khoa học xã hội - nhân văn như Triết học, Sử học, Tâm lý học, Ngôn ngữ học, Văn học, Nhân học, Dân tộc học,… Với mỗi chuyên ngành cụ thể, lựa chọn nội dung cụ thể, tiêu biểu cho thành tựu khoa học của Trần Đức Thảo để nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Tác phẩm “Lịch sử tư tưởng trước Marx” cần được coi là giáo trình chính thức giảng dạy cho sinh viên đại học các ngành Triết học, Chính trị học. Các tác phẩm: “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng”, “Triết lý đã đi đến đâu”, “Những nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức”, “Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người”, “Sự hình thành con người”,… cần được coi là các tác phẩm kinh điển nghiên cứu, giảng dạy và học tập đối với các ngành: Triết học, Chính trị học, Nhân học, Tâm lý học, Ngôn ngữ học, Dân tộc học,… Tư tưởng triết học Trần Đức Thảo cần phải được đưa vào nội dung các môn học Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam,... 

Thứ năm, Giáo sư Trần Đức Thảo xứng đáng được đặt tên cho các trường học, đường phố, công viên ở các tỉnh thành trong cả nước. Trước hết đề nghị đặt tên đường phố, trường học ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Bắc Ninh - Tỉnh Bắc Ninh. Theo di nguyện của Giáo sư, mong muốn của gia đình và tộc Trần thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh và của các thế hệ học trò Giáo sư Trần Đức Thảo, đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Thị xã Từ Sơn, Phương Châu Khê xem xét quy hoạch thực hiện việc đưa phần mộ Giáo sư từ khu A nghĩa trang Văn Điển - Hà Nội về quê hương Song Tháp - Châu Khê, xây cất phần mộ và nhà lưu niệm - xem đây là điểm văn hóa giáo dục truyền thống yêu khoa học và tinh thần dân tộc cho các thế hệ trẻ.

Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp vào hồi 17h00 ngày 7/5/2013.

Ban tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ ngoại giao, Bộ Khoa học - Công nghệ và môi trường, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, đại diện gia đình - họ tộc Trần, lãnh đạo Tỉnh Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, Phường Châu Khê, các thế hệ cựu sinh viên Đại học Sư phạm Văn Khoa - Đại học Sư phạm Hà Nội, lãnh đạo Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các phòng, ban, khoa, đơn vị thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cán bộ giảng viên và sinh viên các khoa: Triết học, Giáo dục Chính trị, Ngữ văn, Lịch sử, Tâm lý Giáo dục, Sư phạm Tiếng Pháp,...

Trong quá trình tổ chức Hội thảo, do điều kiện khách quan và chủ quan, có thể trong công tác đón tiếp, phục vụ chưa thực sự chu đáo, đáp ứng hết các yêu cầu của quý đại biểu, Ban tổ chức thành thực mong quý đại biểu thông cảm và chia sẻ. Chúng tôi sẽ khắc phục các khiếm khuyết trong những lần tổ chức Hội thảo sau này.


TM. Ban tổ chức Hội thảo

Nguyễn Bá Cường - Thường trực Ban tổ chức Hội thảo.

Ảnh: Lê Văn Long, Nguyễn Bá Cường