(Dân trí) -Biết rằng sinh lão bệnh tử là quy luật không tránh được của đời người nhưng hàng ngàn người là đồng nghiệp, bạn hữu các thế hệ học trò và cả người dân chưa một lần gặp mặt thầy… đều không thể cầm lòng trong lễ tang Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn.

 
Dù lễ tang GS, NGND Lê Trí Viễn diễn ra vào sáng đầu tuần 6/2/2012 nhưng rất đông đồng nghiệp cùng các thế hệ học trò khắp cả nước có mặt tại tư gia ở đường A4, P.12, Tân Bình, TPHCM tiễn đưa thầy về nơi an nghỉ. Không ít người chưa từng một ngày là học trò của thầy cũng đến dự lễ tang với lòng kính cẩn.
 
Lễ tang GS, NGND Lê Trí Viễn.

Bài điếu văn ngắn gọn và giản dị trong lễ động quan làm nhiều người không thể kìm được nước mắt trước tấm gương vế ý chí học tập, tự học kiên cường. Hơn 70 năm gắn bó với sự nghiệp dạy học, thầy Lê Trí Viễn luôn cố gắng gắn kết giữa công tác dạy học và nghiên cứu với nhiều công trình có giá trị. Trong đó phải kể đến hai chuyên luận mang tính khái quát cao bao là Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam (1996), Quy luật phát triển của lịch sử văn học Việt Nam (1998) và bộ Lê Trí Viễn toàn tập (2006) với bảy cuốn.

Sau lễ động quan kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, các đồng nghiệp, học trò của GS, NGND Lê Trí Viễn tiếp tục tiễn đưa linh cữu thầy về nơi an nghỉ ở nghĩa trang thành phố tại quận Thủ Đức.

GS, NGND Lê Trí Viễn mất vào sáng ngày 3/2/2012. Trong những ngày qua, có hơn 400 đoàn là các cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức… đến kính viếng GS.
 
Các thế hệ học trò đến tiễn đưa thầy về nơi an nghỉ.
 
GS Lê Trí Viễn được xem là nhà giáo gắn bó lâu năm nhất với nghề dạy học trong lịch sử giáo dục của dân tộc. 73 năm dạy học, hàng chục thế hệ học sinh đã được thầy truyền đạt kiến thức, dìu dắt, nâng đỡ. Hiện nhiều người là GS, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân…

GS, NGND Lê Trí Viễn sinh năm 1918 tại Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông dạy tiểu học từ năm 1939 tại Điện Bàn, dạy trung học tại chiến khu Liên khu IV và V. Từ năm 1958, ông dạy đại học tại ĐH Sư phạm Hà Nội, là chủ nhiệm khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội (từ năm 1963 - 1978). Năm 1987, ông chuyển vào giảng dạy tại ĐH Sư phạm TPHCM. Ông được Nhà nước phong chức danh Giáo sư vào năm 1980 và danh hiệu Nhà giáo nhân dân vào năm 1990.

Năm 1992, ông sáng lập Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến. Ngôi trường này là nơi ông gắn bó công tác cho đến cuối đời.

 

Nhiều học trò không kìm được nước mắt.
 
 
Thế hệ học trò trẻ kính cẩn trước người thầy tài năng, đức độ.
 
Hoài Nam