|
|
GS.TSKH Lê Văn Thiêm (1918-1991) |
Chào đời ngày 29/3/1918 nhằm ngày 17/2 năm Mậu Ngọ tại làng Lạc Thiện, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, Lê Văn Thiêm là con út trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Lê Văn Thiêm có 12 anh chị ruột, anh cả là Lê Văn Kỷ - tiến sĩ khoa thi cuối cùng của nền giáo dục phong kiến Việt Nam vào năm Kỷ Mùi 1919, niên hiệu Khải Định thứ tư.
Năm 1930, song thân đều khuất bóng, Lê Văn Thiêm vào Bình Định tựa nhờ anh cả đang hành nghề thuốc và học ở trường Collège de Quy Nhơn (1). Năm 1937, thi cao đẳng tiểu học (2), Lê Văn Thiêm đỗ đầu. 3 tháng sau, Lê Văn Thiêm thi đỗ tú tài phần 1 (3), rồi thi đỗ tú tài toàn phần vào năm sau. Năm 1938, ra Hà Nội, Lê Văn Thiêm theo học lớp PCB (Physique, Chimie, Biologie: Lý, Hóa, Sinh), năm sau thi đỗ thứ nhì nên được nhận học bổng du học Pháp.
Năm 1939, Lê Văn Thiêm trở thành sinh viên Khoa Toán tại École Normale Supérieure de Paris (Đại học Sư phạm Paris). Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, khiến Lê Văn Thiêm bị gián đoạn đèn sách. Đến năm 1943, ông mới tiếp tục việc học và năm sau nhận bằng thạc sĩ toán. Được học bổng của Quỹ Alexander von Humboldt, Lê Văn Thiêm sang Đức làm luận án tiến sĩ toán tại Đại học Göttingen do nhà toán học Hans Wittich hướng dẫn. Luận án Về việc xác định kiểu của một diện Riemann mở đơn liên được Lê Văn Thiêm bảo vệ thành công ngày 4/4/1945. Ngày 8/4/1945, Lê Văn Thiêm trở thành người Việt Nam đầu tiên cầm trong tay bằng tiến sĩ toán.
Mở rộng nội dung luận án tiến sĩ, Lê Văn Thiêm viết bài Một số kết quả về vấn đề kiểu của các mặt Riemann bằng tiếng Đức và đăng trên tạp chí chuyên đề quốc tế Commentarii Mathematici Helvertici năm 1947. Sự kiện này khiến Lê Văn Thiêm trở thành “người khai sinh toán học Việt Nam đương đại” theo nhận định của giáo sư tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Hà Huy Khoái (4).
Năm 1948, Lê Văn Thiêm đại diện Việt Nam qua Ba Lan tham dự Hội nghị hòa bình thế giới. Cùng năm đó, tại Pháp, nhờ sự hướng dẫn của chuyên gia hàng đầu về hàm giải tích là giáo sư Georges Valiron, Lê Văn Thiêm bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học quốc gia (5) về toán với đề tài Về bài toán ngược phân phối giá trị các hàm phân hình.
|
GS. Lê Văn Thiêm cùng vợ và con gái |
Năm 1949, Lê Văn Thiêm quyết định thôi giảng dạy tại Đại học Zurich (Thụy Sĩ), trở về Việt Nam tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc. Máy bay đưa ông rời Paris đến Bangkok, thủ đô Thái Lan. Từ đó, theo đuờng bộ xuyên qua Campuchia, ông vào rừng U Minh, công tác tại Sở Giáo dục Nam Bộ từ ngày 19/12/1949. Năm 1951, Chính phủ điều động Lê Văn Thiêm ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới. Tại đấy, ông gặp những trí thức từ Pháp hồi hương như mình: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, v.v.
Ngày 11/10/1951, theo Nghị định 276 của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Khoa học được thành lập. Đó chính là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện nay (6). GS.TSKH Lê Văn Thiêm trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường này, nhiệm kỳ 1951-1954.
|
Tượng bán thân GS. Lê Văn Thiêm tại Viện Toán học Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN |
Cũng nhiệm kỳ 1951-1954, GS.TSKH Lê Văn Thiêm đồng thời làm hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học cơ bản. Giai đoạn 1957-1970, ông được cử giữ chức vụ phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (7), kiêm chủ nhiệm Khoa Toán trường này.
Giai đoạn 1956-1980, Lê Văn Thiêm còn làm đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Viện Liên hợp nghiên cứu nguyên tử Dubna (8), Liên Xô.
GS. Lê Văn Thiêm bộc bạch: “Ngành toán phải đi tiên phong trong việc ứng dụng và cải cách triệt để trong sản xuất công nghiệp, nghĩa là phải thật sự bắt đầu trong cuộc cách mạng công nghệ để tăng năng suất lao động và sản phẩm cho xã hội”. Nghiên cứu công trình về ứng dụng hàm biến phức trong lý thuyết nổ, vận dụng phương pháp Lavrentiev, ông đã cùng các học trò tham gia giải quyết tốt một số vấn đề thực tiễn ở Việt Nam: tính toán nổ mìn buồng mỏ đá núi Voi lấy đá phục vụ xây dựng khu gang thép Thái Nguyên (1964); phối hợp với Cục Kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng lập bảng tính toán nổ mìn làm đường (1966); phối hợp với Viện Thiết kế của Bộ Giao thông vận tải tính toán nổ mìn định hướng để tiến hành nạo vét kênh nhà Lê từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (1966-1967).
Năm 1966, Lê Văn Thiêm làm chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam. Năm 1970, ông là viện phó, rồi năm 1975 làm viện trưởng Viện Toán học. Ông còn là tổng biên tập đầu tiên của hai tạp chí toán học Việt Nam là Acta Mathematica Vietnamica và Toán học, nay mang tên Vietnam Journal of Mathematics. Ông cũng là một trong những người sáng lập các lớp chuyên toán và tạp chí Toán học và tuổi trẻ.
Mong muốn đóng góp thiết thực cho cộng đồng, GS. Lê Văn Thiêm tiếp tục nghiên cứu những vấn đề ứng dụng thỏa đáng trong hoàn cảnh Việt Nam như tính toán nước thấm và chế độ dòng chảy cho các đập thủy điện Hòa Bình và thủy điện Vĩnh Sơn ở tỉnh Bình Định, tính toán chất lượng nước cho công trình thủy điện Trị An ở tỉnh Đồng Nai, v.v. Ông cùng các cộng tác viên Ngô Văn Lược, Hoàng Đình Dung, Lê Văn Thành... phối hợp giải quyết mỹ mãn những vấn đề ấy. Từ đó, ông đề xuất một phương pháp độc đáo sử dụng nguyên lý thác triển đối xứng của hàm giải tích để tìm nghiệm tường minh cho bài toán thấm trong môi trường không đồng chất.
Năm 1980, GS.TSKH Lê Văn Thiêm vào công tác tại Phân viện Khoa học Việt Nam tại TP.HCM. Ngày 3/7/1991 nhằm ngày 22 tháng 5 năm Tân Mùi, ông trút hơi thở cuối cùng. GS. Hoàng Tụy - nhà toán học nổi tiếng nhờ phát kiến lĩnh vực tối ưu hóa toàn cục (global optimization) trong toán ứng dụng - phát biểu: “Giá như GS. Lê Văn Thiêm cứ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu ở Pháp hay ở Mỹ thì chắc chắn, với tài năng xuất sắc của mình, ông đã có thể có nhiều cống hiến to lớn hơn cho toán học và tên tuổi quốc tế của ông lẫy lừng hơn. Song ông đã lựa chọn trở về quê nhà, cùng chia sẻ khó khăn gian khổ với đồng bào, và thật sự, tất cả những gì ông đã cống hiến cho Tổ quốc và cộng đồng toán học Việt Nam chỉ có thể khiến chúng tôi vô cùng biết ơn ông và tự hào về ông”.
Năm 2006, pho tượng bán thân GS.TSKH Lê Văn Thiêm được trang trọng dựng ngay tại Viện Toán học Việt Nam ở Hà Nội. Hiện nay, hàng năm, Hội Toán học Việt Nam đều trao giải thưởng Lê Văn Thiêm cho 1 hoặc 2 giáo viên dạy toán bậc trung học phổ thông và 2-4 học sinh giỏi toán bậc học này.
Năm nay, 2011, kỷ niệm 60 năm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập và phát triển, bao thế hệ giảng viên và sinh viên trưởng thành từ mái trường này lại thành tâm đề cao tên tuổi cùng sự nghiệp nghiên cứu lẫn giảng dạy xuất sắc của vị hiệu trưởng đầu tiên: GS.TSKH Lê Văn Thiêm.
----------
(1) Nay là Trường Trung học phổ thông Quốc Học ở Quy Nhơn.
(2) Tương đương tốt nghiệp trung học cơ sở ngày nay.
(3) Còn gọi tú tài bán phần, tương đương lớp 11 ngày nay.
(4) Tham luận On the contemporary mathematics in Vietnam của Hà Huy Khoái tham dự Hội nghị quốc tế về lịch sử toán học được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, năm 2008. Trần Lưu đã dịch sang tiếng Việt, in trong kỷ yếu Trại hè toán học 2009 (Huế, 2009).
(5) Docteur d’Etat.
(6) Tên trường trải qua thời gian 1951-1956 là Đại học Sư phạm Khoa học, 1956-1966 là Đại học Sư phạm Hà Nội, 1966-1993 là Đại học Sư phạm Hà Nội I, 1993 đến nay là Đại học Sư phạm Hà Nội.
(7) Tên trường trải qua thời gian 1946-1956 là Đại học Khoa học cơ bản, 1956-1993 là Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1993 đến nay tách thành Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
(8) Dubna, tiếng Nga ghi Дубна, là thành phố hiện thuộc Liên bang Nga, cách thủ đô Matxcơva 125km.
(9) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/286/vien-toan-o-tuoi-40---.html.
PHANXIPĂNG
Theo: thegioimoi.vn