Nhân dịp trường Đại học Sư phạm Hà Nội kỷ niệm 60 năm thành lập, Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn - sinh viên khóa I Dự bị Đại học và Sư phạm Cao cấp(tốt nghiệp năm 1953) đã gửi tới Trường bài viết về GIÁO SƯ TRƯƠNG TỬU - Cây đại thụ của ngành Văn học Việt Nam. Bài viết kể về một số kỷ niệm và tấm gương của Giáo sư Trương Tửu trên phương diện một Nhà giáo.

  

Giáo sư Trương Tửu

Sau ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (19 - 12 - 1946) trường Trung học phổ thông Nguyễn Công Trứ (Vinh) tản cư về xã Tân Hợp, ở bên dòng sông Lam, thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cách Tân Hợp không xa là xã Nam Kim, một địa phương nổi tiếng về hội hát phường vải. Thầy giáo dạy Văn là người Nghệ nên rất coi trọng các tiết học về Truyện Kiều. Thầy khuyến khích học sinh tìm sách đọc thêm. Trong hoàn cảnh đó tôi may mắn tìm được cuốn Nguyễn Du và Truyện Kiều do nhà Hàn Thuyên in cuối năm 1942 và đã chăm chú đọc và ghi chép. Trong những năm kháng chiến chống pháp cuốn sách đó và cả bản ghi chép, được tôi mang theo từ Nghệ An lên Việt Bắc, trèo đèo lội suối, vượt qua Hòa Bình, Phú Thọ, lên Tuyên Quang, Thái Nguyên, rồi sau chiến thắng Điện Biên Phủ về Hà Nội; đến nay tôi vẫn còn giữ được các tài liệu đó như một kỷ niệm quý của tuổi học trò. Và Nguyễn Bách Khoa đã là người thầy qua đọc sách đầu tiên của tôi. Tôi không ngờ là sau đó lại được trực tiếp học với tác giả cuốn sách ở lớp Trung học chuyên khoa của trường Thiếu sinh quân Liên khu IV (1949 - 1950) và ở trường Dự bị Đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV (1952 - 1953).

Sau tốt nghiệp tôi lại công tác trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu văn học nên vẫn có điều kiện liên hệ mật thiết với thầy.   

Nhân dịp trường Đại học Sư phạm Hà Nội kỷ niệm 60 năm thành lập tôi muối gợi lại một số kỷ niệm và tấm gương của thầy trên phương diện một Nhà giáo.    
Thời trẻ: Khổ công tự học 

Thầy kể: Tôi sinh năm Quý Sửu, ngày 18 tháng 11 năm 1913 dương lịch, tại thôn Phú Viên, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cha tôi, sớm mồ côi bố, từ nhỏ đã phải sang Hà Nội kiếm sống, nương tựa người này người khác, làm đủ các nghề lặt vặt, cuối cùng thành một đầu bếp giỏi của một khách sạn Tây. Mẹ tôi bán gà vịt ở chợ Đồng Xuân, vất vả tất bật tối ngày. Nhà nghèo lại đông con, tôi là thứ ba trong bảy anh chị em. Hồi nhỏ có lúc tôi đã nghĩ: số mình thật bất hạnh, nhưng rồi nghĩ lại, thấy cũng không hẳn thế. Cái hoàn cảnh đó buộc mình phải cố gắng vươn lên và tôi đã làm được.
Năm 1927, mới 14 tuổi, tôi học lớp Nhì trường Tiểu học Hàng Than, một buổi sáng đến trường thấy một đám đông học sinh, không hiểu từ đâu kéo đến, rủ các bạn trường tôi đi biểu tình, đấu tranh đòi thả Phạm Tất Đắc, tác giả Chiêu hồn nước. Anh là học trò trường Bưởi, hơn tôi vài tuổi, tôi không quen nhưng Chiêu hồn nước thì tôi đã đọc, xúc động lắm, đến nay tôi vẫn nhớ thuộc lòng:
Cũng nhà cửa, cũng giang san,  
Thế mà nước mất nhà tan hỡi trời !   
Nghĩ lắm lúc đang cười bỗng khóc,   
Muốn ra tay ngang dọc dọc ngang !   
Giữa trời thét một tiếng vang,  
Thân này tan với giang san cũng là !   
Thế rồi trống trường vang lên, một bên là các thầy dục xếp hàng vào lớp, một bên là đám học sinh kia, hò reo, cổ vũ ... Không hiểu sao lớp tôi có 17 đứa, kể cả tôi, bỏ học đi theo đoàn biểu tình, đến phố Sinh Từ thì bị phu - lít chặn lại. Sợ, bỏ chạy tán loạn. Kết cục cả 17 đứa đều bị đuổi học, rồi không có trường nào nhận, cho vào học nữa nhưng hồi này có chế độ thí sinh tự do, không học trường nào cũng có thể nộp đơn xin thi. Chúng tôi mấy đứa thân nhau, lập một nhóm tự học. Chương trình lớp Nhất một năm chúng tôi chỉ học hai tháng. Đi thi qua được kỳ thi viết, vào vấn đáp, gặp hai “cô đầm” hỏi thi, hai cô thấy tôi bé tí, tủm tỉm cười. Lúc này có ông Trương Minh Sang ở Sài Gòn ra Hà Nội mở được một trường tư thục ở sau nhà thương Phủ Doãn, đặt tên là trường Trương Minh Sang. Ông tuyên bố không cần học đến 4 năm, chỉ 2 năm là đủ sức đi thi “đíplôm”. Điều này thật hợp ý tôi. Thế là tôi xin vào học. 
Lên trung học bắt đầu tiếp cận Văn học Pháp và các tri thức văn hóa thế giới, tôi thấy vốn liếng tiếng Pháp của mình chưa đủ, liền theo học một lớp của cụ Nguyễn Văn Tố, nhưng không có tiền học phí nên chỉ đứng ngoài cửa sổ, nghe và ghi chép. Lại phải làm một thẻ đọc Thư viện Quốc gia để được vào đọc sách và sử dụng các từ điển lớn. 
Sau bạn bè bàn với nhau, phải học đường nào nhanh nhanh một chút để sớm tự lập, thế là rủ nhau xuống Hải Phòng thi vào trường Kỹ nghệ thực hành (1929). Năm đó nhà trường tuyên bố bỏ phần lý thuyết, chú trọng thực hành. Tôi học nghề thợ tiện, suốt ngày chỉ mài với dũa. Vì hơi khá tiếng Pháp nên các bạn cử tôi lên gặp Giám đốc đưa bản thỉnh nguyện. Thế rồi nghề ngỗng ở đâu chưa thấy tôi lại bị đuổi học lần thứ hai ! 
Trên đường trở về quê ở Gia Lâm, đi qua một hiệu sách cũ, thấy có bày cuốn sách của Paul Giello (?) nói về phương pháp tự học, tôi liền mua về đọc và “ngộ” ra một điểm quan trọng: tự học chăm chỉ chưa đủ mà phải có phương pháp, một phương pháp đúng và thích hợp với mình. 
Những năm đầu thập niên 30 là thời gian tự học căng thẳng của tôi, vừa tự học cho trọn chương trình trung học, vừa mạnh dạn thử thách ngòi bút của mình trên lĩnh vực phê bình. 
Năm 1929, báo Phụ nữ tân văn vừa ra đời ở Sài Gòn nhưng bán rộng rãi ở Hà Nội, nêu lên cuộc trưng cầu ý kiến “Cô Kiều nên khen hay chê” kéo dài suốt cả năm. Một vài vị có tiếng tăm như Trần Trọng Kim, Hoàng Ngọc Phách cũng phát biểu ý kiến. Đa số trả lời “kiều đáng chê !”. Tôi thấy ngứa ngáy, liền viết một bài về “Truyện Kiều” nhưng với đề tài khác: Triết lý Truyện Kiều, được Đông tây tuần báo của Hoàng Tích Chu đăng lên trang nhất số 31, tháng 11 - 1931(1). Điều quan trọng nhất là việc này đã đem lại cho tôi lòng tự tin. 
Sau đó tôi đăng tiếp một loạt bài trên báo Loa (Hà Nội, 1935) phê bình Nửa chừng xuân của Khái Hưng, Đoạn tuyệt của Nhất Linh và so sánh với Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Tôi không nói tới bước tiến của các tác phẩm này về ngôn ngữ văn chương mà chỉ nhấn mạnh là các tác giả quan tâm đến vấn đề giải phóng cá nhân nhưng lại mơ hồ về hướng giải quyết. Tự lực văn đoàn bất bình về hành động phạm thượng của một anh “vô danh tiểu tốt”, không thèm tranh luận với tôi mà chỉ cho một thành viên trẻ tuổi nhất miệt thị thái độ viết của tôi là hục hặc, ganh tị, trí khôn hạ cấp ! (2). Về phần tôi, nhận thức sâu sắc rằng viết phê bình là một cách tự học hiệu quả nhất, nó buộc mình phải theo dõi thời sự báo chí và rèn luyện tư duy tranh luận sáng tạo.
  Làm Giáo sư Trung học chuyên khoa trường Thiếu sinh quân Liên khu VI (1949 - 1950)
Thời kháng chiến chống Pháp thầy Trương Tửu và nhiều văn nghệ sĩ tản cư về Quần Tín, Thanh Hóa. Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Quân khu IV, người thành lập Trường Thiếu sinh quân, đã mời thầy Trương Tửu dạy bộ môn Văn học Việt Nam cho lớp Trung học chuyên khoa của trường. Có thể nói thầy là người có biệt tài về khoa Sư phạm, giọng nói của thầy đúng là “Tiếng vàng sang sảng”, phong cách lập luận hùng biện bẩm sinh đã cuốn hút học sinh. Có hôm thầy đang giảng bài thì có báo động máy bay, thầy trò chạy ra vườn, mỗi người đứng trong một hố cá nhân và học trò đề nghị Thầy giảng tiếp. Cho đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn còn giữ ấn tượng đẹp về những bài giảng văn của Thầy: Thu điếu của Yên Đỗ, Phá đường của Tố Hữu, Nhớ Tây Tiến của Quang Dũng, Đèo Cả của Hữu Loan ... 
Trong thời gian thầy giảng dạy ở trường Thiếu sinh quân Liên khu IV đã xảy ra một việc tế nhị. Về Nguyễn Du và Truyện Kiều thầy chưa có thời gian nghiên cứu để điều chỉnh lại hệ thống nhận định cũ và vẫn trình bày các luận điểm của hai cuốn Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942) và Văn chương Truyện Kiều (1944), ký bút danh Nguyễn Bách Khoa. Để cung cấp cho học sinh một cách hiểu khác Ban giám đốc trường Thiếu sinh quân Liên khu IV đã mời Thiếu tướng Nguyễn Sơn đến trường nói chuyện ngoại khóa về Truyện Kiều. Cuộc nói chuyện được tổ chức tại đình làng Sim, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa và theo thói quen của người nói đã diễn ra suốt một ngày. Nguyễn Sơn đã điểm lại một số ý kiến bình phẩm về Truyện Kiều từ Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng cho đến Đào Duy Anh, Hoài Thanh và đặc biệt đã dành nhiều thời gian phê phán Nguyễn Bách Khoa. 
Có lần tôi hỏi Thầy: Hồi này trong học sinh Thiếu sinh quân vẫn lan truyền câu chuyện sau đây: “Một hôm Thiếu tướng Nguyễn Sơn đến nhà trọ của Thầy để tranh cãi về Truyện Kiều, Thầy đã nói: Nếu ông đến để tranh cãi với tôi thì hãy để cái lon Thiếu tướng ở ngoài cửa rồi hãy vào. Điều đó có thực không? ”. Thầy cười trả lời: “Đời nào tôi lại ăn nói lỗ mạng như vậy, nhưng tranh cãi thì có. Cái ông Nguyễn Sơn này cũng “ngộ” lắm: một mặt cũng độc đáo, quan liêu ra phết, nhưng mặt khác lại chan hòa, thân ái bỗ bã với mọi người. Sau cuộc nói chuyện đó, có lần ông đang phóng chiếc xe đạp “xì-téc-linh”, thấy tôi đang đi bộ bên đường, liền xuống dắt xe, đi bộ với tôi hàng cây số, nói chuyện vui vẻ, như không có chuyện gì xảy ra. Năm 1956, tôi tham gia Đoàn giáo sư Đại học Việt Nam sang tham quan Trung Quốc, do ông Trần Văn Giàu làm Trưởng đoàn, một hôm đang ăn cơm tối ở nhà Đại sứ Hoàng Văn Hoan thì thấy Nguyễn Sơn lù lù đi vào. Ông ấy đang nằm bệnh viện ở đây, nghe tin có phái đoàn Việt Nam sang nên trốn ra. Ngồi nói chuyện chân tình, uống rượu vui vẻ lắm. Nguyễn Sơn là con người như thế đấy !
Làm Giáo sư trường Dự bị Đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV (1952 - 1954)
Năm 1952 trường Dự bị Đại học khai giảng tại Liên khu IV, Bộ giáo dục gửi công văn mời Thầy dạy môn Văn học sử Việt Nam. Thầy băn khoăn: mình từ bé đến nay tự học là chủ yếu, chưa từng qua một trường Đại học nào, nay trong hoàn cảnh kháng chiến, tư liệu thiếu thốn, lấy gì mà dạy ! Thầy nói với ông Đặng Thai Mai: “Anh có kiếm cho tôi được tài liệu gì không”. Ông Mai cười bảo: “Bản thân ông là một cái tủ sách rồi !”Thầy đành phải nhận và bắt đầu soạn giáo trình: “40 năm Văn học sử Việt Nam, 1905 - 1945”. Thầy thú thật: cũng có cái may là trước đây làm phê bình văn học, phê bình thì phải đọc kỹ tác phẩm nên nó ngấm sâu vào ký ức mình, bây giờ ngồi nhớ lại để hình dung ra lịch sử Việt Nam. Tóm lại, dạy Lịch sử Văn học Việt Nam, thầy đã phải tự mình phát hiện, dựng lại con đường phát triển của Văn học Việt Nam. 
Trường Dự bị Đại học lúc đầu thành lập, dự kiến chỉ học một năm, sau Bộ Giáo dục chủ trương mở tiếp cho những sinh viên đã tốt nghiệp một lớp bổ sung học trong ba tháng, có cái tên mới nghe đã toát cả mồ hôi “Lớp Sư phạm cao cấp cấp tốc đặc biệt” nhằm đào tạo một số giáo viên văn học dạy được chương trình cấp ba phổ thông. Thầy là Giáo sư chủ lực thực hiện kế hoạch đào tạo này. Trước hết, thầy đã nghiên cứu kỹ chương trình môn Văn lớp 8, lớp 9 rồi căn cứ vào đó để định chương trình và nội dung giảng dạy: 
Bài I: Lý luận cơ bản của việc loạn Chương trình lớp 8, lớp 9 
Bài II: Lý thuyết và phương pháp giảng văn
Bài III: Các thời kỳ phát triển của Văn học Việt Nam
Năm 1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hòa Bình được lập lại. Thầy trở về thủ đô giảng dạy tại Khoa Văn của hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm tại cơ sở phố Lê Thánh Tông, Hà Nội. Đây là thời gian thầy được chính thức phong hàm Giáo sư Đại học trong lần phong đợt I cùng với các đồng nghiệp Đặng Thai Mai, Trần Văn Giầu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo. 
Năm 1958, sau phong trào Nhân văn - Giai phẩm, một chặng đường mới, chặng đường 30 năm cuối cùng trong cuộc đời nhiều thăng trầm của Thầy, lại nẩy sinh một biểu hiện mới về khả năng tự học và nghị lực kiên cường của Thầy: Giáo sư Trương Tửu về Văn học Việt Nam trở thành lương y Hoàng Canh chuyên về châm cứu.
Người ta thường nói cái quan định luận, nhưng cuộc đời của Thầy vẫn còn đợi Lịch sửThời gian tiếp tục làm sáng tỏ thêm./. 
(1)     Nguyễn Văn Hoàn, Bài báo đầu tiên về Truyện Kiều của Trương Tửu, Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, số 156, tháng 1-2008. 
(2)     Thạch Lam, Báo Phong Hóa, ngày 18 - 10 - 1935.
Hà Nội, tháng 9/2011
GS. Nguyễn Văn Hoàn