GS.NGUYỄN HỮU TẢO là người đặt viên gạch đầu tiên và là một trong những người có công sáng lập ra nền giáo dục mác xít ở Việt Nam, đặt nền móng cho sự ra đời của khoa Tâm lý Giáo dục học của trường ĐHSP Hà Nội.

GS.NGUYỄN HỮU TẢO (1900-1966)

 
Giáo sư Nguyễn Hữu Tảo đã vĩnh biệt chúng ta 35 năm nay, nhưng trong ký ức giáo giới Việt Nam, các bạn bè và học trò của thầy, hình ảnh Thầy vẫn sống như một lương sư phúc hậu, tài năng đức độ. Ở Thầy tảo chiếu ánh sang của một bậc lão sư tài đức vẹn toàn, học không biết chán, dạy người không mệt mỏi, nhân đức, mẫu mực, khiêm tốn, khoan dung.
Thầy là người đặt viên gạch đầu tiên và là một trong những người có công sáng lập ra nền giáo dục mác xít ở Việt Nam, đặt nền móng cho sự ra đời của khoa Tâm lý Giáo dục học của trường ĐHSP Hà Nội.
Thầy Nguyễn Hữu Tảo sinh năm 1900 trong một gia đình nhà nho nghèo ở Trung Tự, Hà Nội. Cụ thân sinh của thầy là cụ Nguyễn Hữu Của đỗ cử nhân không làm việc với thực dân Pháp, đã tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị bắt đầy ra Côn Đảo. Năm 17 tuổi, Thầy học trường Bưởi (Hà Nội) và đến năm 21 tuổi thầy thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1924, Thầy tốt nghiệp CĐSP về dạy trường Thành Chung Nam Định (nay là trường Trung học Lê Hồng Phong), rồi trường Thành Chung Hải Phòng ( trường ở phố Bonnal, nay là trường Trung học Ngô Quyền).
Cách mạng tháng Tám thành công, Thầy được cử là Tổng Giám đốc Nha tiểu học vụ, Tổng thư ký Hội đồng tu thư trung ương của Bộ Giáo dục, Hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp trung ương. Ở cương vị nào thầy cũng đem tâm huyết đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành giáo dục.
Thầy còn là nhà hoạt động xã hội nhiệt tình, hăng hái trong phong trào Hướng đạo sinh, phong trào Truyền bá quốc ngữ, tham gia viết sách dịch thuật, phổ biến khoa học giáo dục rất tận tuỵ.
Giai đoạn sôi nổi nhất là giai đoạn Thầy tập trung nghiên cứu giảng dạy về khoa học giáo dục ở khu học xá Việt Nam đặt tại Nam Ninh ( Trung Quốc) từ năm 1951 đến năm 1954 và giảng dạy làm tổ trưởng tổ Tâm lý - Giáo dục học thuộc ĐHSP Hà Nội (1955 -1965). Giai đoạn này Thầy đã dịch cuốn “Giáo dục học” của Viện sĩ Cai rốp (Liên Xô) dịch qua bản Trung văn, quyển “Nguyên lý đạo đức cộng sản chủ nghĩa” của Sitxkin (Liên Xô), quyển “Mẹ dạy con” dịch từ tập sách của một tập thể tác giả Liên Xô.
Thầy chủ biên “Sơ thảo giáo dục học đại cương”, giáo trình đầu tiên ở Việt Nam dùng cho ĐHSP, và thầy soạn giáo trình “Giáo dục học”, bản thảo tặng khoa Tâm Lý - Giáo dục học ĐHSP Hà Nội trước khi nghỉ hưu.
Cả cuộc đời Thầy hi sinh phục vụ cho sự nghiệp “trồng người”. Giáo sư Nguyễn Hữu Tảo là một nhà giáo lớn của chế độ ta. Chúng tôi là sinh viên khoá II lớp Tâm lý - Giáo dục học (năm 1960- 1961). Gần 50 sinh viên “già” của lớp chúng tôi được Thầy chăm sóc, dạy dỗ. Tình thầy trò của thầy Nguyễn Hữu Tảo, cũng như thầy Nguyễn Lân, thầy Đức Minh đối với chúng tôi thật thắm thiết, đôn hậu, chúng tôi không bao giờ quên được. Hình ảnh, đạo đức và tài năng của Thầy ghi sâu trong tâm hồn chúng tôi, bao nhiêu ấn tượng tốt đẹp không thể kể hết được.
Có lẽ anh chị em chúng tôi nhớ nhất hai câu Thầy hay nhắc nhở: “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện lời Khổng Tử dạy ( Học không chán, dạy người không mỏi) và câu: “Học vấn danh cao thực mạc tàm” (cái danh học vấn cao phải là cái học có thực lực thì mới không hổ thẹn).
Bài học chúng tôi nhớ sâu sắc nhất ở thầy là bài học: giữ gìn bản sắc nền giáo dục truyền thống của cha ông và tiếp thu sáng tạo nền giáo dục hiện đại và kinh nghiệm tiên tiến của thế giới.
Năm 1962, có phong trào học tập kinh nghiệm giáo dục Lipetx của Liên Xô. Thầy Nguyễn Hữu Tảo dặn dò cán bộ sinh viên cần phải biết cách học tập kinh nghiệm tiên tiến và vận dụng vào điều kiện cụ thể của nhà trường nước ta, không được sao chép kinh nghiệm của các nước một cách máy móc, rập khuôn. Lời thày dạy rất ứng nghiệm. Hậu quả nhãn tiền lúc ấy là một số trường “ăn sống nuốt tươi” kinh nghiệm giáo dục của Liptex, không chú ý đặc điểm, hoàn cảnh và điều kiện học tập giảng dạy của nhà trường ta nên gây ra sự hụt hẫng, học tập Liptex lại làm cho trường thành “bi bét”.
Khi dạy về các nguyên tắc giáo dục đạo đức, thầy nêu một số nguyên tắc giáo dục Phương Đông: “Dĩ đức hoá nhân” (Lấy đạo đức để cảm con người). Thái độ đối nhân xử thế của thầy thực sự là những dẫn chứng sinh động: hiền từ nhưng nghiêm khắc, khiêm tốn nhưng tự tin, tự cường, giản đi nhưng lịch thiệp trong lời nói, cử chỉ, dáng đi dáng đứng. Thầy luôn luôn quan tâm đến người khác, ít nói về bản thân, không đòi hỏi cho mình. Tiếp xúc với Thầy, được học với thầy, phong cách, đạo đức của thầy đã toả rạng và trở thành gương sáng cho chúng tôi noi theo. Ngay từ năm 1962, Thầy đã quan tâm đến giáo dục gia đình. Thầy tìm tòi những tài liệu về gia huấn, dẫn những mẩu chuyện rất Á Đông, phân tích tính chất nghiêm và từ trong giáo dục gia đình theo nguyên tắc: Chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ,…Thầy và phân tích câu chuyện sau đây thật cảm động và có suy nghĩ sâu sắc cho muôn đời:
“Ngày xưa có một ông quan quyền cao chức trọng, có một lần ông trót nhận của hối lộ. Người cha biết và bắt ông mũ cao, áo dài, tự rút đôi hia khỏi bàn chân, nằm sấp xuống chiếu để hỏi tội và răn đe. Sau đó người cha đánh ông quan ba roi như trước kia cụ đã trách phạt con khi phạm lỗi nặng. Ông quan nhận lỗi và đứng dậy ôm lấy cha nức nở. Người cha ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại sao khi còn nhỏ mỗi lần nhận hình phạt 3 roi con nín lặng mà lần này con lại khóc như vậy? Ông quan khoanh tay cúi đầu đáp “ – Thưa cha, con thấy cha đánh con không đau như trước, biết rằng cha tuổi đã già, sức yếu lắm rồi! Vậy mà con nay đã thành đạt nên người rồi lại còn làm cho cha phải phiền lòng, đau khổ thì thật là tội bất hiếu!
Từ đó, ông quan lo tu dưỡng bản thân theo nguyên tắc tu, tề, trị, bình để bản cảnh, an dân, giữ nề nếp gia phong, gia giáo, trở thành người liêm chính, tài năng,…”.
Kể xong câu chuyện, Thầy nêu vấn đề: Chúng ta học tập được gì trong danh cách giáo dục của người cha và thái độ của ông quan? Ngày nay, dựa vào nguyên tắc giáo dục mới, chúng ta có nên dùng roi vọt để trừng phạt các cháu không?
Tình thương của Thầy Nguyễn Hữu Tảo đối với anh chị em lớp Giáo dục học khoá II lúc đó thật là đầm ấm như tình ruột thịt.
Tôi nhớ mãi vào cuối năm 1961, tiết trời lạnh, lất phất mưa phùn. Bác Võ Tất Can, nguyên Giám đốc Liên khu IV, sinh viên lớp chúng tôi, bị ốm đột ngột qua đời. Thầy trực tiếp đến thăm, khóc thảm thiết người học sinh già nua của mình. Tôi làm lớp trưởng, viết điếu văn bác Can, tôi đọc để Thầy Tảo duyệt và cho ý kiến. Thầy chỉ khóc và tôi cũng khóc theo…Tâm hồn Thầy nhân hậu, khoan dung, coi học trò như con cháu mình, như anh em ruột một nhà là như thế đấy.
Có thể nói gương sáng về đạo đức nhân nghĩa, nhân cách mẫu mực của Thầy, sự nhất quán giữa lời nói và việc làm của Thầy đã khích lệ thế hệ giảng viên chúng tôi, nguyện suốt đời tận tuỵ với sự nghiệp trồng người, sự nghiệp đấu tranh cho hạnh phúc tuổi trẻ.
Tháng 12-1964, Thầy được nghỉ hưu vào tuổi 65. Lúc ấy Thầy còn sung sức lắm! Thầy làm bài thơ tứ tuyệt tặng bạn đồng nghiệp trong buổi chia tay:
Sao đã ngồi yên hưởng thái bình
Chân đi còn dẻo mắt còn tinh
Còn ghi lời Mác rành trong dạ
Hạnh phúc tìm trong cõi đấu tranh.
Ai ngờ, hai năm sau, tháng 9-1966, Thầy bị xuất huyết não và từ giã chúng con, Thầy đi vào cõi vĩnh hằng.
Suốt đời Thầy đấu tranh cho hạnh phúc của nhân dân và Thầy ra đi trong lúc đất nước còn chia cắt.
Chúng con được hưởng ân huệ của cách mạng, của đất nước thống nhất hoà bình. Hạnh phúc của chúng con và các cháu có được là nhờ thành quả đấu tranh kiên cường của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, của toàn đảng toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp của Thầy và bao nhiêu thầy giáo khác.
Con xin đọc lại vần thơ tứ tuyệt của Thầy tôn kính để cầu mong qua không gian tĩnh mịch, qua giao cảm thiêng liêng, được kính dâng lên hương hồn Thầy lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ:
Thầy để cháu con hưởng thái bình
Đọc thơ Thầy viết mắt càng tinh
Lương sư phúc hậu gương mô phạm
Hạnh phúc ơn người mải đấu tranh
Hạnh phúc lớn lao, công lao cao quý nhất của Thầy là đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò có nhân cách cao đẹp để phục vụ đất nước như Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, những văn nghệ sĩ tài hoa như Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, một số bộ trưởng, thứ trưởng, một số tướng tài trong Quân đội nhân dân anh hùng, nhiều nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ và đông đảo các nhà giáo có tài có đức, các cán bộ và công dân có học vấn, biết đề cao nhân nghĩa, biết trung với nước, hiếu với dân, luôn nhớ câu “Thi huệ vô niệm, thụ ân mạc vong” (làm ơn không nhớ nghĩ, mang ơn chớ nên quên), câu châm ngôn mà Thầy luôn tâm niệm./.
 
NGUYỄN NHƯ AN

 

NGUYỄN HỮU TẢO (1900-1966)

Khoa Tâm lý-Giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội: Trong ký ức về nhà trường và về nghề nghiệp của các thế hệ gắn bó với sự nghiệp giáo dục như chúng tôi, hình ảnh "thầy Tảo" thật là sâu sắc và ở vị trí trân trọng đặc biệt.

 

Thầy Tảo rất mực nghiêm nghị nhưng lại không cách bức với mọi người. Từ y phục cho tới nói năng, bao giờ cũng tỏ ra đúng mực và sự tôn trọng người đối thoại. Tính trung thực, thẳng thắn nhân hậu, hết lòng vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục nhưng rất ít nói về bản thân, ít đòi hỏi cho mình. Vốn là giáo viên khoa học tự nhiên, song do uy tín sư phạm mẫu mực và do hoạt động xã hội tích cực, cho nên, ngay sau khi Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, thầy Tảo đã được chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lần lượt giao cho nhiều trọng trách trong ngành giáo dục: Giám đốc Nha tiểu học vụ, rồi Giám đốc giáo dục khu I Việt Bắc khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Tổng thư ký Hội đồng tu thư trung ương....
Năm 1951, khi thành lập Khu Học xá Trung ương, thầy Tảo đã cùng một số nhà giáo lâu năm như Lê Thị Nhu, Nguyễn Lân... xây dựng bộ môn Tâm lý - Giáo dục học đầu tiên của nước ta, một môn học hoàn toàn mới đối với các trường sư phạm hồi đó. Thầy đã dành trọn vẹn những năm sung sức cuối đời ở tuổi 50 và 60 cho sự nghiệp mới mẻ và khó khăn này cùng với các nhà giáo lâu năm nói trên và với một số giáo viên trẻ có tâm huyết với bộ môn Tâm lý - Giáo dục học như Nguyễn Đức Minh, Hà Thế Ngữ, v.v... thầy Tảo hăng hái bắt tay vào việc khai sơn, phá thạch để đặt nền móng cho bộ môn này ở Khu học xá và sau đó cho nhiều trường sư phạm của nước ta. Tìm đọc các sách báo tâm lý học và giáo dục học của ngoài, chủ yếu của Liên Xô (dịch sang tiếng Trung Quốc), làm việc với các chuyên gia giáo dục Xô viết như P.M. Xamaucôp, Praxetxki, dịch và biên soạn các giáo trình tâm lý học - giáo dục học.... dần dần bộ môn Tâm lý - Giáo dục Việt Nam đã hình thành, lúc đầu là Tổ bộ môn Tâm lý - Giáo dục học, sau đó trở thành Khoa (1965). Và với sự tiếp nối của nhiều thế hệ giáo sinh sau này, vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập khoa (3/1965 - 3/1995), Khoa Tâm lý - Giáo dục học trường ĐH Sư phạm Hà Nội I đã được Nhà nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động hạng III.
Nhiều thế hệ học sinh - trước và sau cách mạng tháng 8/1945 - đều nhớ tới Thầy Tảo, với hình ảnh của một nhà giáo mẫu mực. Một cử chỉ đẹp đã được nhiều người biết tới là, trong một lần thời thăm trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đồng chí Trường-Chinh, một học trò cũ của thầy Tảo, sau khi nhận bó hoa do Hiệu trưởng Phạm Huy Thông thay mặt trường tặng mình, đã đi xuống hội trường tặng lại cho thầy Tảo - "Người thầy giáo yêu kính của tôi thời kỳ tôi học trường Thành chung Nam Định".
Thầy ra đời năm 1900 trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Trung Tự ngoại thành Hà Nội. Có lẽ truyền thống hiếu học của dòng họ đã giúp nhiều cho sự phấn đầu vượt khó lâu dài để trở thành một nhà giáo mẫu mực cả về giảng dạy và đào tạo. Cụ tổ xa xưa hồi cuối thế kỳ XVII là Nguyễn Hi Quang đã từng là thị giảng trong cùng đình. Sách lịch triều tập kỷ đã ghi như sau: Lấy tư cách là bậc sư thần (thầy học và bầy tôi), Quang giữ gìn cẩn thận, có công lao trong việc phụ chính. Khi mất được phong tước quận công, lại phong Phúc thần (Đại vương). Cụ nội là Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, hiệu Chí Đình, đốc học Hưng Yên, một thầy giáo nổi tiếng ở Hà Nội giữa thế kỷ XIX. Cha đẻ là Nguyễn Hữu Cầu, cử nhân Hán học, không ra làm việc cho thực dân mà tham gia Đông Kinh nghĩa thục năm 1907. Cụ đã kịch liệt phê phán các thói tục lỗi thời với một bài nổi tiếng là Y tục luận (bàn về các thói tục cũ). Chuyện hoạt động yêu nước của cụ được ghi trong sách Danh nhân Hà Nội (Hội văn nghệ Hà Nội xuất bản, 1975). Ngay từ khi con mới 5 tuổi, cụ đã rất coi trọng dạy con học và đã dạy hết chương trình nho học trừ môn thơ phú. Năm 14 tuổi cho con vào trường tiểu học Hàng Kèn. Không may cuối năm đó, cụ bị thực dân bắt lưu đầy Côn Đảo do tiếp tục hoạt động yêu nước bị lộ. Thầy Tảo được cha mẹ và chị hết lòng giúp đỡ càng phải nỗ lực học tập. Năm 17 tuổi đỗ vào trường Bưởi, 21 tuổi thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm.
Sau khi tốt nghiệp, năm 1922 thầy được bổ nhiệm về dạy ở trường Thành Chung Nam Định, trong tai luôn văng vẳng câu thơ do cha viết từ Côn Đảo về căn dặn:
"Học vấn danh cao thật mạc tâm" (cái danh học vấn là cao nhưng phải là cái học có thực lực, và được dùng vào thực tiễn thì mới không thẹn).
Từ đó thầy đã toàn tâm toàn ý gắn bó với cuộc đời mình với sự nghiệp giáo dục cho tới khi qua đời năm 66 tuổi. Ngay từ những năm đầu ở trường Nam Định rồi 2 năm sau chuyển về trường Bon-nan Hải Phòng (nay là trường PTTH Ngô Quyền) thầy đã để lại trong học sinh nhiều kỷ niệm đẹp. Hồi ký của Thế Lữ do Xuân Diệu ghi vào năm 1974 có một đoạn kể lại về thời kỳ ở trường Hải Phòng như sau:
"Từ năm 1924 - 1925 tinh thần ái quốc nhóm lên trong học sinh qua báo Việt Nam hồn từ bên Pháp gửi về, cộng thêm ảnh hưởng tốt của các thầy giáo: Trịnh Đình Rư, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Hữu Tảo. Thầy Nguyễn Hữu Tảo dạy khoa học, khuyên học sinh thành nhà khoa học giỏi để sau này giúp nước, cuối năm học trò đến thăm thầy, thầy nói tâm sự, thầy trò tâm đắc với nhau".
Nhiều người học thầy thời kỳ sau đó, kể: Ngoài việc tận tình giảng dạy, những ngày nghỉ lễ, thầy thường tổ chức các cuộc đi thăm các di tích lịch sử, khơi gợi lòng yêu nước. Khi có phong trào Hướng đạo sinh với khuynh hướng tiến bộ do nhà giáo yêu nước Hoàng Đạo Thuý tổ chức (cụ Thuý sau Cách mạng Tháng 8 giữ nhiều chức vụ quan trọng và được coi là một trong các nhà văn hoá có nhiều đóng góp lớn), thầy Tảo tổ chức nhiều đoàn cho học sinh trong trường và thanh niên hăng hái khác ở Hải Phòng tham gia. Thầy làm Uỷ viên trưởng Hướng Đạo Cửa Cấm. Thầy còn cùng một số người nhiệt huyết như Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Công Mỹ... (sau này cùng giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng) thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ, một hình thức tổ chức hoạt động do Đảng đề xướng ở Hải Phòng, vận động nhiều học sinh và thanh niên tham gia. Phòng, vận động nhiều học sinh và thanh niên tham gia. Nhằm góp phần hơn nữa vào sự nghiệp giáo dục, Thầy viết và dịch sách, có một số đã được ấn hanh như: Đạo làm người, Đời đoàn thể, Lòng vàng (dịch từ cuốn "Cuore" nổi tiếng của nhà văn Ý Edmond de Amici) do nhóm "Tam Hữu" gồm một số trí thức tiến bộ ở Hải Phòng - Kiến An xuất bản.
Sau Cách mạng Tháng 8-1945, khi làm nhiệm vụ quản lý giáo dục như nói trên, thầy Tảo đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học cũ chuyển mình theo đường lối, quan điểm của nền giáo dục dân chủ mới. Từ cuối năm 1951, trong cương vị phụ trách Tổ bộ môn Tâm lý - Giáo dục học ở trường Sư phạm trung và cao cấp rồi trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Thầy đã cùng các đồng nghiệp dịch cuốn Giáo dục học của Cai-rốp, Viện sĩ Liên Xô cũ, sau này còn dịch cuốn Đạo đức học của Siskin cùng nhiều tài liệu khác và biên soạn giáo trình môn học, tổ chức nhiều khoá đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tâm lý - giáo dục học, đặt nền tảng cho việc ra đời của Khoa Tâm lý - Giáo dục học sau này và đóng góp một phần vào việc hình thành và phát triển đội ngũ những người giảng dạy và nghiên cứu về khoa học giáo dục của nước ta.
Năm 1953 thầy được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn Khu học xá TW, khi kháng chiến thắng lợi, Thầy được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.
Tháng 12 năm 1964, thầy Tảo được nghỉ hưu vào tuổi 65. Trong buổi họp mặt đồng nghiệp để chia tay thầy đã tặng bạn bè một bài thơ đầy cảm động:
"Sao đã ngồi yên hưởng thái bình
Chân đi còn dẻo, mắt còn tinh,
Còn ghi lời Mác rành trong dạ
Hạnh phúc tìm trong cõi đấu tranh"
Thầy tích cực tham gia dạy bổ túc văn hoá cho bà con làng xóm ở làng Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội và khi đi sơ tán ở Thạch Thất, Sơn Tây thì lại dạy cho nông dân nơi sơ tán.
Tháng 9 năm 1966 thầy bị xuất huyết não và qua đời khi mới được nghỉ hưu hơn một năm. Đám tang đã được tổ chức rất trọng thể ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô với đông đảo đồng nghiệp và học sinh cũ của thầy. Khi đến viếng, đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường-Chinh), một học sinh cũ, đã ân cần căn dặn con cháu thầy Tảo cần tiếp tục làm rạng rỡ thêm hình ảnh nhà giáo yêu nước tận tuỵ của Thầy bằng công việc của bản thân. Năm người con của Thầy làm giáo viên, một con và một cháu nội đã tiếp tục sự nghiệp tâm lý - giáo dục học.
Đối với chúng tôi, những thế hệ học sinh, giáo sinh may mắn được học thầy Tảo và nối gót sự nghiệp giáo dục, hình ảnh thầy Tảo mãi mãi có tác dụng cổ vũ giục giã chúng tôi soi mình vào tấm gương suốt đời tâm huyết phục vụ nghề dạy học, nghề "trồng người", vun trồng nhân tài cho Tổ quốc. Chúng tôi luôn tự hào và trân trọng nhắc tới thầy - một nhà giáo mẫu mực, một người đã có công khai sơn phá thạch cho bộ môn Tâm lý - Giáo dục học Việt Nam.
 
Thầy Nguyễn Hữu Tảo, thầy Trần Văn Khang và thầy Trần Văn Giáp là ba thầy giáo được các giáo sinh Khu học xá Trung ương chúng tôi tôn xưng là "Ba’ - Ba Tảo, Ba Khang, Ba Giáp - cách gọi thân thiết này đã nói lên mối quan hệ thầy trò vừa kính trọng vừa thân yêu, mà không phải là nhà giáo cao tuổi nào cũng đều được hưởng vinh dự đó.
(theo TLGD, 14/10/2005)