Không ít lần tôi phải kinh ngạc trước việc GIÁO SƯ NGUYỄN ĐÌNH HUỀ đọc nhiều, nhanh chóng nắm bắt rất sâu sắc các vấn đề mới giảng giải lại cho tôi một cách dễ hiểu, súc tích
Tôi là một trong số ít người “liều mạng” làm nghiên cứu sinh trong nước khoá I. Đến cuối năm 1984, tôi đã làm được một phần việc tưởng chừng không thể làm được: hoàn thành đủ số lượng công trình theo yêu cầu của luận án. Vì phải mày mò làm cho được công việc trên, nên tôi tự thấy phải cố gắng nhiều hơn nữa để đọc, học, tổng kết về kiến thức cơ sở của luận án. Sau khi xem xét bước đầu kết quả công việc tôi đã làm, thầy Nguyễn Đình Huề đồng ý giúp cho tôi chuẩn bị phần cơ sở đó và viết luận án. Lúc này, sức khoẻ của thầy đã giảm sút nhiều, lại thêm bệnh nặng nên thầy chỉ có thể làm việc tại nhà. Thầy dành cho tôi mỗi tháng một buổi được hẹn trước, bắt đầu từ 10 giờ sáng đến học tại nhà thầy.
Có lần thầy chân tình nói với tôi rằng, trong số các vấn đề tôi cần học, cần được hướng dẫn, có một số vấn đề mới thầy chưa có điều kiện đọc, tôi đem tất cả các tài liệu liên quan đến vấn đề đó để thầy đọc trước, sau đó thảo luận. Không ít lần tôi phải kinh ngạc trước việc thầy đọc nhiều, nhanh chóng nắm bắt rất sâu sắc các vấn đề mới giảng giải lại cho tôi một cách dễ hiểu, súc tích.
Trước đó, tôi gặp quá nhiều khó khăn về nhiều mặt, tưởng chừng phải bỏ dở việc làm luận án, rồi sau đó là việc bảo vệ luận án. Vậy mà sau mỗi lần đến học ở nhà thầy về, tôi được tiếp thêm sức mạnh cả về tri thức hiểu biết cũng như cả về tình cảm, ý chí vươn lên vượt khó khăn. Suốt cả cuộc đời mình tôi luôn tự hào được vinh dự là một học trò của thầy và luôn luôn tự nhắc mình không ngừng học tập, làm việc tốt để xứng đáng với vinh dự đó và đền đáp một phần sự dạy bảo tận tâm của thầy dành cho mình.
Dưới đây là một trong những kỉ niệm còn lưu lại mãi trong kí ức của tôi về những lần được đến học ở nhà thầy.
Thấy đồng hồ vừa chỉ đúng 9 giờ sáng, tôi vội gập cuốn sách bằng tiếng Nga “Phổ cộng hưởng từ hạt nhân độ phân giải cao” đang đọc, chuẩn bị để đến học tại nhà thầy Huề như thầy đã hẹn. Nhìn ra ngoài trời vẫn mưa, những cơn gió lạnh đầu tháng chạp âm lịch vẫn rít từng hồi, trong tâm trí tôi gợn lên một chút phân vân: có nên đến quấy rầy thầy lúc mưa gió giá lạnh này không? Nhưng rồi tôi quyết định ra đi vì lo mất một buổi học quý giá.
Đến gần nhà thầy thì trời mưa nặng hạt hơn, gió vẫn thổi mạnh, ngược chiều, tôi đã cố sức “guồng” mạnh, vậy mà chiếc phavơrit cũ kĩ cứ ỳ tại chỗ. Cuối cùng, tôi cũng đến được nhà thầy.
Cũng như mọi lần, ra mở cửa cho tôi là cô Duyên người con gái của thầy.
- Anh vào nhà đi! - Cô lên tiếng. Từ nãy đến giờ, cậu em lo cho anh, trời mưa gió rét này mà phải đạp xe lên đây thì vất vả quá.
- Cảm ơn cô! Tôi chỉ lo thời tiết này mà tôi đến quấy rầy thầy thì bất tiện quá. - Tôi trả lời.
- Không sao đâu anh ạ! Cậu em đang chờ anh, để em lên bảo cậu em xuống nhé.
Vướng chiếc áo mưa mới được kéo lên ngang đầu, tôi chưa kịp quay mặt vào nhà thì nghe tiếng dép quen thuộc và tiếng nói của thầy.
- Hôm nay anh đi thì vất vả quá nhỉ. Anh khép cửa lại cho ấm, tôi rửa mặt xong thì ta làm vệc.
- Em cảm ơn thầy. Thầy cứ chuẩn bị xong các thủ tục buổi sáng rồi ta hãy làm việc thầy ạ.
Sau khi đáp lời thầy xong, tôi vừa lấy được tài liệu trong túi ra thì thầy đã lại bàn kéo ghế ngồi và giục tôi:
- Ấy anh lau mặt và tay cho khô đi, hình như anh ướt hết rồi, anh có lạnh lắm không?
- Cảm ơn thầy! - Tôi đáp lại lời thầy - Em chỉ bị ướt chút ít thôi ạ.
- Anh phải lo sức khoẻ nhé, chớ chủ quan đấy.
Thầy vừa nói vừa với tay lấy giấy nháp, bút, kính mà cô Duyên đã đặt từ ban nãy.
- Bây giờ anh trình bày cho tôi biết cơ sở của vấn đề độ âm điện mà anh nghiên cứu.
Thầy giục tôi vào việc. Tôi lấy giấy nháp, bút và tài liệu, vừa nói, vừa viết, lúc thì vừa nói vừa chỉ vào bản tài liệu in sẵn. Tôi đã trình bày xong phần cơ sở, đang định chuyển sang vấn đề tiếp theo thì thầy nói:
- Vấn đề đó anh nắm chắc rồi đấy! Anh thấy một số ít nhà khoa học bác bỏ vấn đề độ âm điện đó, ý kiến của anh thế nào?
Sau khi nghe tôi trả lời xong, thầy nói tiếp:
- Đúng, đại lượng này vừa có cơ sở lí thuyết, vừa có cơ sở thực ngiệm vững vàng, vậy không thể bác bỏ nó được. Đoạn “ Không thể bác bỏ nó được” thầy nói trong tiếng cười vui vẻ. Tôi cảm thấy phấn chấn hẳn lên. Thoáng nhìn thấy bóng cô Duyên ở cửa lên cầu thang, tôi giật mình nhìn đồng hồ: đã 11 giờ 30’. Tôi vội vàng nói:
- Thưa thầy, trưa rồi, thầy nghỉ để ăn cơm trưa đã thầy ạ.
- Sao, anh đã thấy mệt rồi à? Còn một nội dung nữa anh chưa trình bày,tôi còn câu hỏi nữa cơ mà.
- Thưa thầy, em chưa mệt đâu, nhưng thầy chưa ăn sáng cơ mà! Và em cũng không thấy thầy hút thuốc? - Tôi thưa lại với thầy.
- Thế thì tốt, anh không mệt thì ta làm việc tiếp. Mấy bữa nay tôi thấy hơi khó chịu nên tạm dừng hút thuốc. Thầy vừa nói vừa lấy tay với tập tài liệu lần trước tôi đã chuyển đến thầy, thầy chỉ vào một bản photo copy rồi nói tiếp: Thôi, bây giờ tôi nêu với anh hai vấn đề liên quan đến bài báo này để anh nghiên cứu trước, còn các vấn đề khác ta để lại lần sau cũng được. Vấn đề thứ nhất, tôi chưa thấy họ đề cập cách tính chi tiết độ âm điện nhóm, vậy anh dựa vào đâu mà tính ra được độ âm điện của 100 nhóm này? Vấn đề thứ hai, tôi thấy có sự khác nhau giữa trị số độ âm điện nhóm hyđrôxyl trong bài báo này với kết quả anh đã tính.
Thầy vừa nói, vừa chỉ vào các số liệu, rồi nhìn tôi với vẻ chờ đợi.
- Thưa thầy, em xin trình bày hai vấn đề đó ngay để thày cho ý kiến, tôi vừa nói vừa lấy giấy nháp, máy tính từ trong túi xách ra.
- Này, anh khá lắm! Đầu tóc anh, áo lông anh mặc còn ướt, vậy mà sách vở, tài liệu, máy tính anh vẫn giữ khô rang.
Thầy vừa nói, vừa cười và nhìn tôi viết mấy công thức cần thiết. Tôi tình bày với thầy các biểu thức và cách dùng để tính ra các số liệu trên. Thầy vừ nghe vừa gật đầu có vẻ hài lòng.
- Vậy sao lại có sự sai khác nhiều giữa hai số liệu trên? - Thầy nhắc lại câu hỏi.
- Thưa thầy, có thể là ở chỗ này! - Tôi vừa nói vừa viết vào giấy trắng. Đó là do có lẽ họ dùng nhầm hệ số chuyển từ thang Nau-li-ken sang thang Pau-ling. Tôi trả lời liên tiếp và dùng máy tính, tính lần lượt từng trường hợp để có được hai số liệu mà thầy quan tâm. Thầy yêu cầu tôi lặp lại việc tính đó tới ba lần.
- Được rồi, tôi yên tâm rồi. - Thầy hài lòng nói. Vừa lúc đó, tôi gnhe tiếng cô Duyên cất lên ngay sau lưng:
- Thưa cậu, đã 1 giờ chiều rồi! Mời cậu ăn cơm trưa và để cho anh âý thở với chứ ạ.
Tôi giật mình nhìn thầy với vẻ hối lỗi. Thầy cười và nói:
- Được rồi, hôm nay ta tạm dừng ở đây. Anh chuẩn bị tiếp phần còn lại rồi hôm sau ta sẽ trao đổi nhé.
- Vâng, em xin cảm ơn thầy - Tôi đáp như máy.
Thầy và cô Duyên tiễn tôi ra cửa. Trời vẫn còn mưa và gió lạnh, lại thêm bụng rỗng, vậy mà trên chiếc xe đạp tòng tọc tôi trở về nhà, lòng đầy phấn khởi.
PGS. TRẦN THÀNH HUẾ
(Chủ nhiệm khoa Hoá học)Theo: Hồi kí "Những năm tháng không quên", Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 1996.