Giáo sư Huỳnh Lý là một nhà nghiên cứu, dịch thuật văn chương nổi tiếng nhưng trước hết là một nhà giáo lão thành được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà Giáo nhân dân. Giáo sư đã giảng dạy tại khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1958 cho đến ngày nghỉ hưu, trừ mấy năm được biệt phái vào thành lập và làm Chủ nhiệm khoa ngữ văn ĐHSP Vinh. Sau ngày Giáo sư qua đời, tại Khoa Ngữ văn có Giải thưởng Huỳnh Lý hàng năm tặng cho sinh viên xuất sắc.
Giáo sư Huỳnh Lý sinh năm 1914 tại tỉnh Quảng Nam, là một nhà nghiên cứu, dịch thuật văn chương nổi tiếng nhưng trước hết là một nhà giáo lão thành được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà Giáo nhân dân. Giáo sư đã giảng dạy tại khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1958 cho đến ngày nghỉ hưu, trừ mấy năm được biệt phái vào thành lập và làm Chủ nhiệm khoa ngữ văn ĐHSP Vinh. Sau ngày Giáo sư qua đời, tại Khoa Ngữ văn có Giải thưởng Huỳnh Lý hàng năm tặng cho sinh viên xuất sắc.
Tôi gặp anh Huỳnh Lý lần đầu tiên khi anh đã vào tuổi trung niên. Nhưng cho đến nay, tâm trí tôi vẫn còn hình ảnh anh là một con người đẹp. Anh vóc người tầm thước, có phần gầy gò như phần đông trí thức trong thời kỳ khó khăn đó, song có một mái tóc mềm mại, bồng bềnh trên một vầng trán phẳng và cao. Trí thông minh của anh biểu lộ ra ở đấy nhiều hơn. Vì anh cận thị nặng, phải đeo kính, nên phải nhìn gần qua đôi tròng kính ấy mới thấy được đôi mắt hiền từ, nhiều suy tư và tình cảm của anh. Cái miệng thì hơi móm với cái cười thường tinh nghịch, trẻ trung, không bao giờ mỉa mai hay châm biếm, chỉ hóm thôi. Cái làm nên vẻ đẹp dễ thương của anh là làn da. Anh có làn da trắng hồng, nhỏ mịn như da con gái, đôi lúc đôi má cũng ửng hồng khi xúc động hay tức giận. Anh không phải là người hùng biện. Anh nói đôi khi còn hay vấp và lắp, giọng nói còn nặng phương ngữ Quảng Nam, song khi giảng bài anh vẫn hấp dẫn sinh viên với những ý tưởng độc đáo, sâu sắc, tế nhị nhiều hơn là sự lôi cuốn của ngôn từ. Biết mình có nhược điểm về nói, các bài giảng của anh thường được viết sẵn. Anh viết hay hơn nói. Khi viết tuy nhiều chỗ sửa chữa, dập xoá, xong bao giờ bài viết của anh dù ngắn cũng rất văn chương. Anh giảng bài như trò chuyện, thủ thỉ tâm tình, kể cả có lúc như bực bội, tức giận ở những chỗ mà anh cho là không hay trong sáng tác hay nghiên cứu. Anh giảng bài hơi buồn song học trò rất thích học anh, vì học anh bao giờ cũng thấy bổ ích, lớn thêm lên. Đồng nghiệp của anh trò chuyện cùng anh cũng thường cảm thấy như vậy.
Những người giầu lòng nhân ái cũng thường yêu mến trẻ con. Anh Lý cũng vậy, và trẻ con cũng rất yêu quý anh. Tôi nhớ những ngày sơ tán ở Quần Ngọc, Yên Mỹ, các cán bộ giảng dạy đi sơ tán một mình được xếp ở nhà dân. Còn những người có gia đình thì được xếp ở khu nhà lá do khoa xây dựng tạm ở rìa làng có giếng nước, có hầm trú ẩn máy bay, nhà chia thành từng ngăn dành cho mỗi gia đình. Hồi ấy, anh Lý sống một mình, nên anh hay lại chơi “khu gia đình”. Lũ trẻ các nhà tụ tập theo anh, nghe anh kể đủ mọi chuyện. Những đêm trời tối, chúng vòi anh kể chuyện ma. Cũng như trẻ con mọi nơi và mọi thời, lũ trẻ này nghe anh kể chuyện thì đều sợ hãi, co rúm người lại, bíu vào nhau, song hễ anh ngừng kể là chúng cùng kêu lên: “Bác Lý kể chuyện nữa đi!”. Sau đó, anh thường nói với tôi: “Sự sợ hãi cũng là một cảm xúc thẩm mỹ, có ý nghĩa nhân văn. Bi kịch cổ Hy Lạp, bi kịch Shakespeare hay Racine cũng gây nỗi niềm sợ hãi ở nhiều người”. Đại khái, ở anh Lý, các việc làm tưởng như bình thường cũng được anh đi từ quan niệm văn học và giáo dục một cách sâu sắc và lý thú như thế. Tôi thấy ít có người suy nghĩ về văn học và giáo dục như anh. Đó là những suy nghĩ trên một cái nền và với một cái tầm văn hoá sâu, rộng.
Cũng có lần anh nổi giận với tôi song lại làm cho tôi nhớ mãi. Hồi ấy, tôi nghiên cứu và giảng dạy về Phương pháp dạy Văn, một bộ môn mà nhiều người đều cảm thấy cần, song không mấy ai cảm thấy thích và trọng vì đôi lúc xem ra nó cũng vụn vặt và không có gì cao xa cả, dù tôi vẫn thường cố sức làm cho nó ra vẻ là khoa học để mọi người đỡ xem thường nó. Anh Huỳnh Lý thì không thế. Anh ủng hộ, khuyến khích tôi, giúp đỡ tôi. Khi tôi chủ trì viết tập sách Vấn đề giảng dạy tác phẩm văn học theo thể loại, anh nhận viết cho tập sách phần Giảng dạy thể loại Kịch là phần khó nhất và đó là một bài viết đầy trí tuệ mà cho đến nay tôi còn thấy là rất hiện đại, rất cập nhật. Đặc biệt, trong đó, có thể nói là lần đầu tiên anh đề cập những nguyên lý mà ngày nay ta gọi là lý luận tiếp nhận văn học. Anh cũng lý giải những vấn đề đặt ra của thể loại kịch một cách rất giản dị mà rất uyên bác. Bài viết của anh như một quả cân tăng thêm trọng lượng cho một tập sách mà gần 40 năm nay vẫn được các thầy, cô giáo dạy văn ở các trường trung học đánh giá cao. Tôi muốn lưu ý rằng trong tập sách ấy bài của GS Huỳnh Lý là có giá trị nhất. Vậy mà lần ấy người anh, người bạn thân thiết ấy nổi giận với tôi.
Số là tôi là một người rất lo lắng cho việc dạy học của các giáo viên, nhất là giáo viên mới ra trường. Tôi lo họ chưa biết soạn bài, chưa biết cách phân tích, giảng dạy một bài thơ, bài văn. Tôi sợ họ phạm các sai lầm, sai sót trong giảng dạy. Nỗi lo lắng đó khiến tôi đi đến chỗ thử soạn những bài giảng mà tôi cho là có thể làm “mẫu”cho các thầy, các cô. Tôi muốn giúp đỡ họ. Thậm chí, đối với các bài văn, bài thơ trong chương trình và sách giáo khoa, tôi cũng soạn sẵn cho các giáo viên: cách phát hiện và phát biểu chủ đề và đại ý một tác phẩm, cách lập dàn bài hay bố cục của bài văn, bài thơ thế nào. Lần ấy, sự “chu đáo” đó của tôi đã làm cho anh nổi giận. Anh bảo tôi một cách gay gắt: “Việc làm của anh không những vô bổ mà còn có hại. Anh làm hư sinh viên của anh. Và chắc gì những điều anh làm giúp cho họ đã đúng? Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm ra trường dạy văn mà tự mình không tìm ra nổi đại ý và bố cục của một bài văn, phải đợi thầy của mình “gà” cho, thế thì dạy văn làm sao được? Một ông thầy mà đến công việc đơn giản đó cũng không làm được thì thôi đừng dạy văn nữa mà nên đi làm việc khác!”. Nói những điều đó, anh bực bội và nổi nóng thực sự. Không phải anh tức giận tôi hay tức giận ai mà vì anh cho cách làm như của tôi là trái với quan điểm về giáo dục, về sư phạm. Hồi ấy, tôi đã tự ái, đã cãi nhau với anh, đã tự biện hộ cho mình… Nhưng sau này, cùng với năm tháng trưởng thành trong suy nghĩ và kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục, tôi nhận thấy anh đúng. Cơn giận của anh là phải lẽ. Anh là nhà sư phạm không chịu nổi mọi thứ giáo điều, mọi sự rập khuôn. Nếu thầy giáo là nhà mô phạm (khuôn mẫu) thì đó phải là “thánh mô hiền phạm”, là “khuôn vàng thước ngọc” của tính độc lập và sáng tạo cho học sinh chứ không phải áp đặt cho học sinh những khuôn mẫu cứng nhắc, thiếu sinh khí. Kiểu “mô phạm” đó thực ra là thầy giáo quá chủ quan mà thiếu lòng tin vào người khác, vào học sinh. Tự mình làm thay cho học sinh là việc làm dễ hơn rất nhiều so với việc khêu gợi tính độc lập, sáng tạo, nỗ lực nơi học sinh.
Câu chuyện trên đây là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi về anh Huỳnh Lý.
Hồi mới bắt đầu công cuộc đổi mới, do sự phức tạp của tình hình tư tưởng chung lúc đó, bắt nguồn từ những khó khăn trong nước và những biến động quốc tế, ở một số người bỗng sinh ra hội chứng “sám hối”. Họ đấm ngực và hối hận về những sai lầm… của người khác, những đánh giá khe khắt, bất công về các hiện tượng văn học này khác, ví như văn học hợp pháp công khai và thời thuộc địa, mà họ cho là không được mở rộng rãi, công bằng như họ vốn có tầm nhìn bao dung, sáng suốt, không hẹp hòi, cũ kĩ như những người kia. Họ thường dùng cụm từ “Có một thời” như thế này, như thế nọ. Có một thời Nam Phong Tạp Chí không được ghi công, Tự Lực Văn Đoàn bị phủ nhận, “Thơ mới” bị công kích… Dĩ nhiên, sự đánh giá văn chương qua thời gian không phải lúc nào cũng như nhau. Bối cảnh xã hội, không khí thời đại có vai trò rất quan trọng trong tâm lý thẩm mỹ của con người. Từ thời chiến sang thời bình, khi nhiệm vụ xây dựng đất nước thay thế cho nhiệm vụ đấu tranh cứu nước, một số cảm quan, nhận thức về văn học có thể thay đổi. Nếu không thế thì có cần đâu đến sự đổi mới! Song trong mỗi sự đánh giá dù trước hay sau đều cần có sự công bằng, sáng suốt, nhất quán, không nên phiến diện cực đoan.
Những lúc như vậy tôi thường nghĩ đến anh Huỳnh Lý, nghĩ đến tầm nhìn văn học của anh trước đây. Đối với văn học của các thời đại, ngay cả trong các thời kỳ còn u ám, đen tối của đất nước, đối với các giá trị văn học chân chính, bao giờ cũng có sự nhận định và đánh giá thấu lý, đạt tình. Anh không bao giờ cực đoan, thiên kiến về phía này hay phia khác mà chung quy vẫn là xuất phát từ một quan điểm yêu nước và cách mạng trong lĩnh vực đặc thù của văn học nghệ thuật. Ví như về văn học Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ XX, anh Huỳnh Lý đã viết: “Văn học yêu nước và văn học hợp pháp là những đứa con cùng mẹ, sống cạnh nhau, học tập lẫn nhau và thừa hưởng những thành tựu, những tìm tòi, những thu hoạch và phát kiến của nhau… Văn học yêu nước tuy không được in đàng hoàng thành báo, thành sách nhưng vẫn học được những thành tựu nói trên (về nội dung và nghệ thuật - TTĐ) do đó ngày càng có nhiều công chúng. Ngược lại, văn học hợp pháp có phương tiện hơn, có đất thể nghiệm hơn, đã hoàn thiện nhiều thành tựu mà văn học yêu nước sẽ vận dụng …”
Văn học yêu nước tuy quan trọng, vẫn là một thành phần đặc biệt, không cho phép ta nhìn thấy hết tình hình phát triển của văn học dân tộc. Cần phải nhìn vào văn học công khai, hợp pháp, văn học này cứ tuần tự phát triển trong khi văn học yêu nước bị trấn áp mạnh, từ năm 1908 chỉ còn lên tiếng từng lúc cho đến vài mươi năm sau mới thịnh vượng trở lại …
Văn học hợp pháp từ buổi đầu đã được phát động từ hai phía đối lập nhau, nhằm hai mục đích trái ngược nhau (phản động và yêu nước) song lại đạt cùng một kết quả (tạo nên bước tiến chung của văn học dân tộc trong thời hiện đại)”.
Những ý kiến phân tích theo tinh thần biện chứng lịch sử như trên quả thực là xúc động, hợp lý, hợp tình, có sức cảm hoá và thuyết phục của một nhà nghiên cứu văn học có tinh thần dân tộc chân chính và có sự am hiểu văn học thấu đáo. Càng ngày chúng ta càng hiểu đúng và đánh giá cao các nhận định như trên của giáo sư Huỳnh Lý. Tôi nghĩ, đó là cống hiến của anh, là di sản của anh.
Thời gian những năm đầu tiên sau ngày thống nhất, từ miền Nam, mỗi lần ra Hà Nội, tôi ghé thăm anh ở căn gác 50 Thi Sách vừa cao, vừa chật, quá chật đối với cuộc sống của anh chị và các cháu lúc bấy giờ. Anh mong ước được trở về Nam, được có một ngôi nhà riêng của mình và gia đình. Anh nói vui: “Mình cũng như bao người có nước rồi mà không có nhà”. Sau đó thì anh đau ốm, về Nam dưỡng bệnh, ở chung với các cháu. Cho đến khi mất đi anh vẫn chưa thực hiện được “Hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ” là có một ngôi nhà cho mình. Khi nhắm mắt, Nhà giáo Nhân dân - Giáo sư Huỳnh Lý cũng vẫn chưa có hộ khẩu ở thành phố. Ngôi mộ của anh cũng không ở nghĩa trang thành phố mà ở nghĩa trang Gò Dưa giữa những ngôi mộ bình thường của những người dân bình thường. Như trong cuộc sống, anh không bao giờ muốn phân biệt mình với mọi người, với nhân dân.
Người ta nói: Cuộc đời xem ra không có nghĩa gì mấy song thực ra thì cũng không gì có ý nghĩa hơn cuộc đời. Nhưng cuộc đời của anh Huỳnh Lý, một cuộc đời giản dị, khiêm nhường mà chứa chan, đầy đặn biết bao ý nghĩa cao quý.
Theo: nguvan.hnue.edu.vn/
Chuyện kể về giáo sư - thầy giáo Huỳnh Lý
Nghĩ về giáo sư Huỳnh Lý, trong bài “Người thầy kính yêu của chúng tôi”, giáo sư Mai Quốc Liên viết: “... Cái truyền thống “học giỏi” và cả “dạy giỏi” là cái nằm trong bản chất sinh thành của người xứ Quảng. Nhiều thầy giáo người Quảng rời quê đi dạy học và tản đi khắp nước, trong đó có thầy Huỳnh Lý” (*).
Giáo sư Huỳnh Lý qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21-5-1993. Từ đó đến nay đã gần 15 năm, nhưng hình ảnh của thầy, người thầy trọn vẹn đức - tài thì ngày càng hiện lên rõ nét trong đời sống giáo dục đất nước.
Một gương sáng về tinh thần tự học
Huỳnh Lý sinh ngày 5-6-1914, thuở nhỏ học ở Hội An, học trung học ở Quy Nhơn, ở trường Bưởi (Hà Nội), đỗ tú tài năm 1936. Tuy chấm dứt chuỗi đi học trên ghế nhà trường ở cấp tú tài, nhưng nhờ ý thức và tinh thần tự học mà Huỳnh Lý có thể lần lượt đảm đương những trách nhiệm ngày càng nặng nề và có những đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Từ một thầy giáo dạy Pháp văn ở trường tư thục Viên Minh (Hội An) trước Cách mạng Tháng Tám - 1945 rồi giáo viên Trường Trung học Phan Châu Trinh (ở Tam Kỳ) sau ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Huỳnh Lý lần lượt đảm nhiệm nhiều công việc nặng nề hơn: Trưởng ban Tu thư của Khu giáo dục Liên khu V (1950), cán bộ ban Tu thư của Bộ Giáo dục (sau 1954). Nhờ không ngừng tự học, ông đã đi từng bước vững chắc từ một thầy giáo ở phổ thông trở thành một giáo sư đại học có uy tín cao về trình độ khoa học. Gắn liền với quá trình tự học liên tục, suy nghĩ liên tục, Huỳnh Lý đã trở thành một nhà nghiên cứu lớn, một dịch giả lớn, để lại với đời rất nhiều công trình đồ sộ. Bản kê danh sách các công trình do ông viết gồm 117 đề mục tất cả đều nhằm một mục đích duy nhất là bảo vệ, đề cao văn hóa Việt Nam và giới thiệu văn học Pháp. Tác phẩm của Huỳnh Lý như “Chèo và tuồng”, “Văn thơ Phan Châu Trinh”, các “Giáo trình lịch sử Văn học Việt Nam”, “Giảng dạy tác phẩm văn học theo loại thể”, những dịch phẩm của ông như “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc, “Những người cùng khổ” của Vichto Huygô; “Ơgiêni Gơrăngđê” của Bandắc, “Không gia đình” của Hecto Malô; “Tu viện thành Pacmo” có khi được viết và dịch một mình, có khi được viết và dịch chung với Lê Trí Viễn và các đồng nghiệp khác đều thuộc hạng mẫu mực và được các thế hệ tiếp nối trân trọng học tập và sử dụng.
Khi đã là giáo sư nổi tiếng, trong công tác đào tạo cán bộ, Huỳnh Lý luôn khuyên nhủ cán bộ trẻ phải thường xuyên cố gắng tự học. Ông nói rất thật: “Thế hệ ông - Huỳnh Lý - Trương Chính - Lê Trí Viễn - Hoàng Như Mai - Đinh Gia Khánh... sau khi qua bậc học tú tài đều do tự học mà nên”.
“Không áp đặt cho học sinh những khuôn mẫu cứng nhắc, thiếu sinh khí”
Giáo sư Huỳnh Lý vốn là người rất hiền hậu, ít gay gắt trong cuộc sống, nhưng có một lần lại rất tức giận. Giáo sư Trần Thanh Đạm - có thời cùng công tác với Huỳnh Lý ở Đại học Sư phạm Hà Nội - kể lại: “Có lần người anh, người bạn thân thiết Huỳnh Lý đã nổi giận với tôi. Số là tôi rất lo lắng cho việc dạy học của các giáo viên mới ra trường, lo họ chưa biết soạn bài, chưa biết cách phân tích, giảng dạy một bài thơ, bài văn. Sợ họ phạm sai lầm, sơ sót trong giảng dạy nên tôi đã thử soạn những bài giảng mà tôi cho là có thể làm “mẫu” cho các thầy, cô giáo. Sự “chu đáo” đó của tôi đã làm cho anh Huỳnh Lý nổi giận. Anh bảo tôi một cách gay gắt: “Việc làm của anh không những vô bổ mà còn có hại. Anh làm hư sinh viên của anh và chắc gì những điều anh làm giúp họ đã đúng? Một sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm ra trường dạy văn mà không tìm ra nổi đại ý và bố cục mỗi bài văn, phải đợi thầy của mình “gà” cho, thế thì dạy văn làm sao được? Một ông thầy mà đến công việc đơn giản đó cũng không làm được thì đừng dạy văn nữa mà nên đi làm việc khác”.
Nói những điều đó anh bực bội và nổi nóng thật sự. Anh cho cách làm của tôi trái với quan điểm về giáo dục, về sư phạm. Tôi đã tự ái, đã cãi nhau với anh, nhưng sau này cùng với năm tháng trưởng thành trong suy nghĩ và kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục, tôi nhận thấy anh đúng. Cơn giận của anh là phải lẽ. Theo giáo sư Trần Thanh Đạm thì Huỳnh Lý là nhà sư phạm không chịu nổi mọi thứ giáo điều, mọi thứ rập khuôn. Nếu thầy giáo là nhà mô phạm (khuôn mẫu) thì đó phải “là ”khuôn vàng, thước ngọc” của tính độc lập và sáng tạo cho học sinh chứ không phải áp đặt cho học sinh những khuôn mẫu cứng nhắc, thiếu sinh khí”.
Hồ Thị Bạch Mai, một học sinh cũ của giáo sư Huỳnh Lý ở Đại học Sư phạm Vinh đã viết về thầy của mình: “Thầy đem đến cho chúng tôi nguồn tình cảm thân ái, tươi trẻ và hòa đồng như cha - con, anh em, bè bạn. Tình cảm tuyệt vời ấy không phải người thầy nào cũng có và làm được cho học trò của mình. Chúng tôi hiểu rằng làm được điều đó chính bởi thầy trưởng khoa chúng tôi có một nhân cách lớn, có tấm lòng rộng mở, vị tha và nhân ái bao la”.
Nhớ về thầy không phải là để ca ngợi mà là để học tập vì ở thầy Huỳnh Lý có tất cả những gì mà Bác Hồ và các nhà lãnh đạo nước ta thường mong mỏi: dạy tốt, dạy thật, tận tụy, hết lòng với học sinh, nêu gương sáng về tinh thần tự học, coi trọng nhân cách.
_____
(*) Bài viết có tham khảo sách “Nhà giáo nhân dân Huỳnh Lý - cuộc đời và tác phẩm”, NXB Giáo dục, 2005.