Thực hiện sắc lệnh số 45 (ngày 10/10/1945) của Chủ tịch Chính phủ Nhân dân lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội (tiền thân của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), ngày 7/11/1945, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe đã ký Nghị định cử Giáo sư Đặng Thai Mai - Tổng thanh tra Trung học vụ kiêm chức Giám đốc Ban Văn khoa và cử một số Giáo sư phụ trách các bộ môn. Trong đó, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên được cử phụ trách Khoa Sử ký. Như thế, ngay từ ngày đầu thành lập Trường, GS Nguyễn Văn Huyên đã gắn bó với ngành Sư phạm và nền Đại học Việt Nam hiện đại.
Bài viết của PGS.TS Nguyễn Văn Huyên và ThS. Phạm Kim Ngân:"Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên với việc xây dựng và phát triển giáo dục đại học trong kháng chiến" đã được đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học "Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tầm nhìn chiến lược và giáo dục" do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 23/12/2010 nhằm kỷ niệm 65 năm ban hành Sắc lệnh thành lập Ban Đại học Văn khoa - tiền thân của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và là hoạt động đầu tiên kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường ĐHSP Hà Nội. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết sau đây.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên với việc xây dựng và phát triển giáo dục đại học trong kháng chiến
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: GS.TS Nguyễn Văn Huyên, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, trong suốt 30 năm đã làm được 4 việc lớn cho sự nghiệp giáo dục:
Thứ nhất là chống nạn mù chữ mà ông là người lãnh đạo, một người chiến sĩ xung kích.
Thứ hai là lãnh đạo việc dùng tiếng Việt trong sự nghiệp giáo dục, dùng ngay tiếng Việt chứ không phải dùng tiếng Pháp như nhiều nước khác.
Thứ ba là mặc dù kháng chiến nhưng vẫn xây dựng, giữ vững và phát huy hệ thống trường học, nhất là các trường đại học trên chiến khu.
Thứ tư là động viên, khuyến khích các em học sinh đi học trong những hoàn cảnh rất khó khăn; …
Trong bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến một trong những đóng góp của ông, đó là: lãnh đạo việc xây dựng và phát triển giáo dục đại học trong những ngày đầu cách mạng và kháng chiến.
I- Xác định đại học là nền tảng kiến thiết quốc gia
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gắn bó với sự nghiệp giáo dục, nhất là sự nghiệp giáo dục đại học nước nhà ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ một tháng sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 44/SL thành lập Hội đồng Cố vấn học chính để tư vấn cho Chính phủ những vấn đề về đường hướng phát triển giáo dục khi nền giáo dục này vừa được những người Việt Nam giành lấy từ tay thực dân Pháp, để tự mình quản lý và phục vụ cho chính dân tộc mình. Thật muôn vàn khó khăn: ngoại xâm, đói và đại đa số nhân dân mù chữ. Xây dựng đường hướng cho nền giáo dục mới như thế nào? Ông Vũ Đình Hoè - Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục đầu tiên của Chính phủ Lâm thời - nhớ lại, khi mời ông Nguyễn Văn Huyên làm cố vấn cho Bộ thì ông đã nói “ Tôi đâu dám. Cố vấn cho Bộ phải là một hội đồng. Hội đồng quốc gia giáo dục. Tôi sẽ tìm các vị cố vấn cho anh” [1]. Và “một đạo sắc lệnh ngày 10-10-45 đã thiết lập một Hội đồng cố vấn Học chính để giúp Bộ Quốc gia Giáo dục giải quyết các vấn đề giáo dục. Một đạo nghị định ngày 15-10-45 của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đã ấn định những chi tiết thực hành về Hội đồng cố vấn Học chính. Một đạo nghị định của Bộ Quốc gia Giáo dục ký ngày 10-7-46 đã thành lập tại Thuận Hóa và Sài Gòn một Ban cố vấn Học chính.”[2] Dựa vào Hội đồng cố vấn với những trí thức tài ba và có nhiều kinh nghiệm là một cách làm dân chủ và khôn ngoan để lắng nghe những ý kiến đóng góp và phản biện với những chủ trương và biện pháp phát triển giáo dục .
Tư tưởng dân chủ để tập hợp đông đảo trí thức và các tầng lớp xã hội khác cùng đóng góp trí tuệ xây dựng nền giáo dục của ông đã được hình thành ngay từ những ngày ông hoạt động trong Hội truyền bá quốc ngữ (1938-1945), phát triển trong buổi đầu cách mạng và xuyên suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Với tư cách là Tổng Giám đốc Đại học vụ, ông Nguyễn Văn Huyên trực tiếp lãnh đạo ngành đại học và Đại học Quốc gia ở Hà Nội. Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 29/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông cáo rằng Chính phủ sắp mở cửa lại trường Đại học. Sau đó Hội đồng Chính phủ đã quyết nghị: “Đến ngày 15-11-1945, trường đại học sẽ mở cửa”[3]. Chỉ sau một thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, đúng ngày đã định, trường Đại học Quốc gia Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học đầu tiên dưới chế độ mới tại Giảng đường lớn trong Toà nhà chính của Đại học Đông Dương cũ tại số 19 phố Lê Thánh Tông, Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ toạ buổi lễ, có một số quan khách quốc tế đến dự. Tại buổi lễ khai giảng, ông Nguyễn Văn Huyên đã đọc một bài diễn văn quan trọng xác lập những nhiệm vụ và đường hướng phát triển nền đại học lúc bấy giờ. Ông nhấn mạnh trọng trách của giáo dục đại học: “Và cũng vì tin tưởng rằng nền Đại học là một trong những nền tảng của công cuộc kiến thiết quốc gia, anh em chúng tôi cùng hội họp ở đây hôm nay, trước sự khuyến khích long trọng của liệt vị quý khách, chúng tôi cảm thấy cùng có một trách nhiệm luyện tập tinh thần cho một số khả quan đại chúng chọn ở mọi tầng lớp dân chúng, không kì là trai hay gái, là quý hay tiện, là giàu hay nghèo để giúp vào công cuộc xây dựng nền văn hóa mới cho nước Việt nam. Chúng tôi cảm thấy cùng có trách nhiệm đào tạo một số đông những người có đủ đức tính và khả năng để lãnh đạo cho quần chúng, những bậc quân tử, nếu các ngài cho phép tôi dùng một chữ cổ, trong nghĩa cổ, của một nền văn minh Đông phương, những người vừa biết trau dồi về kiến thức để có thể tự biết phẩm bình mọi lực lượng văn minh, vừa biết xử sự về thực tế để có thể đem áp dụng ngay trong đời sống những điều hiểu biết của mình, để cùng anh chị em đồng bào các giới nêu cao ngọn quốc kì trong mọi cơn giông tố, và trong mọi cuộc hội họp quốc tế về văn hóa trên nền hòa bình, công lí, tự do, hạnh phúc, bác ái xán lạn của nhân loại mai sau”[4] .
Điều đặc biệt là diễn văn khai mạc của ông đã thể hiện một tư tưởng hoàn toàn mới trong việc hình thành đội ngũ giáo sư giảng dạy ở Đại học lúc đó. Chúng ta đều biết thách thức lớn nhất là trước đây người Pháp nắm hoàn toàn nền đại học; chỉ có người Pháp mới có quyền là giáo sư đại học. Người Việt cùng lắm chỉ làm trợ giảng mà số này cũng rất ít. Vậy lấy giáo sư ở đâu? Chỉ dựa vào bằng cấp thì được mấy người? Chúng ta hãy cùng nhau nghe lại những lời tâm huyết của ông “Về vấn đề giáo sư, chúng tôi có trách nhiệm là lập hẳn một ngạch mới vì nền tảng của [thời] Pháp thuộc để lại đã quá mỏng yếu. Trong sự lựa chọn giáo sư là những vị có nhiệm vụ tối cao dẫn đạo cho các bạn thanh niên, trí thức tân tiến nước nhà trong thời gian lịch sử quan trọng này, chúng tôi đã căn cứ không chỉ về bằng cấp mà cả về kinh nghiệm. Chúng tôi đã chú trọng tới những nhà chuyên môn có trực tiếp thẳng tới đời sống của dân tộc, tới tất cả những ngành hoạt động trong nước như bác sĩ, bác học, kỹ sư.
Tất cả mọi người đã giúp tôi trong công việc lựa chọn khó khăn này. Ai nấy đều một lòng hi sinh để cho nền đại học được mau có kết quả. Ngoài những bậc chuyên môn chúng tôi đã được những nhân vật trong giới ngoại giao, trong giới chính trị, trong các giới văn hóa giúp.
Vâng, trong đoàn giáo sư mới này chúng tôi đã có những bậc đã từng chiến đấu cho đất nước, có những vị nhiều kinh nghiệm trên đường đời, có những nhân sĩ từng du học lâu năm ở ngoại bang.
Vì thế mà trong ban đại học của chúng tôi có đủ nhân tài tham gia vào công cuộc kiến thiết: tân học có, cựu học có, lão thành có, tuổi trẻ có. Ai nấy đều một lòng hăng hái, không ngại nhiều công lắm việc, mà đem tài năng, kinh nghiệm xây đắp nền văn hóa mới cho quốc gia, cố tâm tìm những phương sách thích hợp với công việc đào tạo nhân tài, không câu nệ quá ở cổ tục, không nhắm mắt đi liều trên con đường mới xẻ” [5].
Cách làm này chính là xuất phát từ tư tưởng dân chủ và tư tưởng của Hồ Chủ tịch tập hợp và tranh thủ mọi lực lượng xã hội để kiến quốc, dựa vào sức dân để xóa nạn mù chữ theo tinh thần “người biết dạy người chưa biết; người biết nhiều dạy người biết ít” mà nền đại học được xây dựng từng bước, hình thành được đội ngũ giáo sư đại học rất đa dạng và tài năng là người Việt Nam
II- Ba bài học lớn để phát triển đại học
Giáo dục đại học trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954 vẫn tuân thủ nghiêm túc tư tưởng trên của Hồ Chủ tịch. Như đã biết, các trường đại học chưa kịp hoàn thành niên khóa đầu tiên thì kháng chiến bùng nổ. Phần lớn các trường phải tạm thời đóng cửa, chuyển lên vùng tự do. Việc duy trì các trường đại học đã khó khăn chứ chưa nói đến việc mở rộng và phát triển. Trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam mà đứng đầu là Hồ Chủ tịch và Bộ Giáo dục đã giải quyết ra sao? Có ba vấn đề chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, và đây cũng là định hướng hết sức đúng đắn cho sự phát triển của nền giáo dục đại học thời kỳ trứng nước này, đó là:
- Điều hành bằng các Hội nghị giáo dục mà trong đó chú trọng tính dân chủ trong quyết định. Lấy sự hợp lý hóa kế hoạch, hợp lí hóa lãnh đạo, hợp lí hóa sự chấp hành làm đầu.
- Xây dựng các trung tâm đại học, trước hết là 2 ngành y và sư phạm để đào tạo cán bộ kịp thời phục vụ nhu cầu cấp bách của kháng chiến.
- Trọng dụng trí thức, hạt nhân của giáo dục đại học.
Hãy thử phân tích kỹ 3 vấn đề nêu trên.
- Về vấn đề thứ nhất: Dân chủ trong quyết định, lấy hợp lý hoá làm đầu.
Nghiên cứu các văn bản hành chính, biên bản các cuộc hội nghị giáo dục trong thời kháng chiến chống Pháp… , một điều nhận thấy đặc biệt rõ nét của công tác giáo dục thời kỳ này đó là các quyết sách lớn về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đều dựa trên việc thảo luận dân chủ và tôn trọng ý kiến của các nhân sĩ, trí thức thuộc các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, các thầy cô giáo có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và quản lý giáo dục. Các quyết sách định hướng phát triển giáo dục được quyết định ngay trong các hội nghị giáo dục. Hội nghị không phải chỉ bàn thảo rồi để đấy mà bàn để đi đến những quyết định trực tiếp. Đó là phong cách quản lý giáo dục của thời kỳ khó khăn này.
Mặc dù điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, giao thông đi lại khó khăn, ngày 4 tháng 1 năm 1949 Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 102 lập Hội đồng Giáo dục. Hội đồng có nhiệm vụ giúp Bộ Quốc gia Giáo dục ấn định chính sách và kế hoạch giáo dục. Xem thành phần của Hội đồng Giáo dục này với 17 vị nhân sĩ trí thức chúng ta thấy các gương mặt đại diện cho nhiều giới, nhiều tầng lớp và lĩnh vực: có nhà lãnh đạo chính trị như Trường Chinh; những nhà khoa học và kỹ thuật như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Xiển, Đặng Phúc Thông, những nhà khoa học xã hội và nhân văn như Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giàu, Vũ Đình Hòe, Bùi Kỉ; có nhà giáo như Hoàng Xuân Nhị, Ca Văn Thỉnh, Lê Thước, Hoàng Đạo Thúy; có nhà văn như Hoài Thanh, Đặng Thai Mai; có những nhà khoa học ở hải ngoại như Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Bửu Hội. Ngày 31/3/1949, tại Việt Bắc, theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, Hội đồng Giáo dục đặc biệt do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì đã họp để ấn định kế hoạch phát triển giáo dục. Hội đồng đã định hướng việc xây dựng nền đại học giai đoạn đó như sau:
- Tập trung lực lượng để kiện toàn các trường Đại học đã có ở trung ương, không nên mở lung tung bất cứ ở nơi nào.
- Cần tổ chức các trường Trung đẳng (như trường Y sĩ) cho mạnh hơn.
- Đặc biệt chú trọng đến sư phạm Đại học
- Phát triển trường Đại học Y khoa
- Mời giáo sư Việt kiều ở Pháp về
- Nếu cần mở mang rộng nền đại học, thì nên hướng về khoa học nhiều hơn.
- Bộ Quốc gia Giáo dục sẽ cố sức kiện toàn Nha Đại học Trung ương.
- Bộ Quốc gia Giáo dục nên nhắm cơ hội thuận tiện, phái người đi giao thiệp mua sắm dụng cụ, đồ thí nghiệm cho Đại học.
- Đề cao giá trị Đại học.[6]
Định hướng này đã được triển khai và thực hiện trong suốt những năm kháng chiến. Chính vì thế mà những hạt nhân đầu tiên của ngành sư phạm và đại học sư phạm được dần dần hình thành và phát triển, đội ngũ giáo viên ngày càng tăng trưởng.
Hàng loạt các hội nghị giáo dục khác thu hút đông đảo trí thức, nhân sĩ, các nhà giáo đã được mở ra ở chiến khu Việt Bắc để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng phát triển giáo dục thời chiến[7]. Các chiến lược chiến lược phát triển giáo dục đại học sau kháng chiến cũng được quyết định trong một Hội nghị tương tự.
Ngày 27/11/1954, chỉ một tháng sau khi tiếp quản Thủ đô, một cuộc họp thảo luận về vấn đề đại học đã được tổ chức tại phòng Khánh tiết Bộ Giáo dục. Thành phần tham gia ngoài các ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Y tế, đại diện các ngành Tư pháp, Công thương, Tuyên truyền còn lại chủ yếu là các giáo sư Đại học. Có giáo sư ở Việt Bắc ( Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Đặng Thai Mai, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Đặng Vũ Hỷ…) hay Khu 4 trở về (Nguyễn Mạnh Tường, Trương Công Quyền, Nguyễn Xuân Nguyên… ), có giáo sư ở vùng tạm bị chiếm (Vũ Công Hòe, Đặng Văn Chung…). Gương mặt các giáo sư đủ các ngành khác nhau như y, dược, khoa học, kinh tế, nông nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn, luật…; có dân sự và có cả quân đội (Đỗ Xuân Hợp, Vũ Văn Cẩn)… Mục đích của buổi họp là trao đổi ý kiến dân chủ để tìm phương hướng phát triển ngành đại học, và tổ chức nền đại học mới như thế nào. Cuộc họp đã diễn ra trong 3 buổi của 3 ngày: 27/11/1954; 1/12/1954 và 8/12/1954. Nội dung trao đổi thảo luận tập trung vào 5 vấn đề:
- Phương hướng phát triển của Đại học có phải là chuyên nghiệp không? Phần nghiên cứu khoa học trong Đại học hiện tại và tương lai sẽ có địa vị nào và tổ chức như thế nào?
- Có cần sự quan hệ giữa các trường Đại học và trường chuyên nghiệp trung cấp không? Nếu cần thì nên quan niệm sự quan hệ ấy như thế nào?
- Với yêu cầu và khả năng của chúng ta bây giờ có cần tập trung lực lượng phát triển ngành nào trước, cấp nào trước không? Ngành nào, cấp nào có thể phát triển ở trong nước? Hoặc gửi học sinh ở ngoài nước?
- Các trường Đại học có nên đặt dưới sự quản trị của các bộ sở quản không? Hay giao phó cho Bộ Giáo dục tập trung quản trị?
- Có cần một cơ quan nào: Vụ, Viện, hay Hội đồng Đại học để phối hợp các trường Đại học không? Nếu cần, thì cơ quan ấy có tự trị không? Cơ quan ấy để thuộc Bộ nào? Và có nhiệm vụ gì?
Xem biên bản các buổi họp này thì thấy các vị giáo sư đưa ra rất nhiều kiến giải khác nhau về định hướng giáo dục đại học. Ngay sau hội nghị này, vào năm 1955 hai trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm Khoa học đã được thành lập ở Hà Nội.
- Về vấn đề thứ hai : Xây dựng các trung tâm đại học, truớc hết phục vụ nhu cầu cán bộ cho kháng chiến.
Ngay từ năm 1945 mục tiêu của ngành đại học Việt Nam đã được xác định rõ ràng: “… hôm nay anh em giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn là một dịp để tỏ cho thế giới biết rằng trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam, ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa, cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hóa của nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi muốn nó là một thành thành lũy để trường kỳ kháng chiến, phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và tự gây nên được một nền văn minh đặc sắc trên ven biển Thái Bình Dương này”.[8] Chính nhờ xác định rõ ràng vai trò của nền đại học nên đã dẫn đến thành công thứ 2 là xây dựng các trung tâm đại học với tầm nhìn xa của việc đào tạo cán bộ đại học, nhất là ngành sư phạm trong điều kiện kháng chiến vô cùng khó khăn. Đầu tiên thành lập các Ban sư phạm thuộc Đại học Văn khoa và đại học khoa học, rồi dần dần từ năm học 1950 - 1951, trong điều kiện khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến, nước ta đã từng bước hình thành ba trung tâm đại học: Trung tâm Việt Bắc gồm các trường: Đại học Y, Ban quân dược, Cao đẳng Công chính, Cao đẳng Mỹ thuật; Trung tâm Thanh - Nghệ với hai phân hiệu Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên; Khu học xá Trung ương (đặt nhờ tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc) đào tạo cán bộ khoa học và giáo viên trung học.
Thời kỳ đầu kháng chiến, các trường đại học phần lớn được đưa lên Việt Bắc. Đầu tiên là Đại học Y. Đây là trường Đại học được duy trì thường xuyên, kể cả giai đoạn ác liệt nhất. Sau đó là các trường Đại học Pháp lí, Ban quân Dược, trường Sư phạm và một số trường cao đẳng chuyên nghiệp…
Năm 1947, trường Đại học Văn học và Khoa học tái giảng tại Thanh Hóa. Năm 1950, theo chủ trương của Chính Phủ, tại cuộc họp Hội đồng Giáo dục mở rộng ngày 26-2-1950 đã quyết định rút bớt chương trình học phổ thông từ 11 năm xuống còn 9 năm và mở các lớp dự bị đại học để kịp thời đào tạo cán bộ phục vụ kháng chiến. Tháng 12-1950, một trường Sư phạm trung cấp, một trường Sư phạm sơ cấp và trường Dự bị đại học với 3 ban: Văn. Toán và Vạn vật được tiếp tục thành lập[9]. Như vậy ở Thanh Hóa đã hình thành một trung tâm đại học đào tạo cán bộ cho các tỉnh Bắc bộ.
Năm 1951, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển từ giai đoạn cầm cự sang phản công. Biên giới được giải phóng. Quân Pháp đứng trước nguy cơ thất bại đã dùng mọi thủ đoạn tàn độc để cứu vãn tình thế, thi hành chính sách “tam quang”: đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Chúng cho phi cơ ném bom bừa bãi khắp nơi, bất chấp đền chùa, chợ búa, trường học, bệnh xá… Đứng trước tình hình chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho kháng chiến và xây dựng đất nước tương lai, Trung ương và Hồ Chủ tịch quyết định nhờ nước bạn Trung Quốc cho mượn một địa điểm tại Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây để đưa một số trường học sang cho an toàn. Khu trường Việt Nam ở Nam Ninh mang tên Khu học xá Trung ương, tiếng Trung Quốc gọi là Dục Tài học hiệu. Lúc ban đầu có bốn trường dời sang là Sư phạm cao cấp, Cao đẳng sư phạm Tuyên Quang, Sư phạm Việt Bắc và Khoa học cơ bản (tiền thân của Đại học Bách khoa). Sau đó, Trung ương cho thành lập thêm một trường phổ thông để làm trường thực tập sư phạm và trường Ngoại ngữ (học Trung văn). Hàng trăm học sinh số đông là con em cán bộ kháng chiến và cán bộ miền Nam đã được đào tạo tại đây. Học sinh học chương trình của Việt Nam, các môn học đều do thầy cô giáo Việt Nam dạy. Chỉ có môn Trung văn và văn nghệ ngoại khóa là nhờ thầy cô Trung Quốc giúp.[10]
Ba trung tâm đại học này đã tạo thành nền tảng và cơ sở vững chắc cho việc phát triển giáo dục đại học, nhất là đại học sư phạm sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Đó là cơ sở để “ vào năm 1956, một loạt trường đại học của ta được thành lập để khẩn trương đào tạo cán bộ, phục vụ kịp thời cho công cuộc kháng chiến lúc đó và xây dựng đất nước sau này: Đại học Bách khoa, trường Đại học Nông Lâm, trường Đại học Tổng hợp, trường Đại học Kinh tế kế hoạch, trường Đại học Sư phạm. Ngày nay chúng ta càng kính phục tầm nhìn xa, trông rộng và quyết tâm to lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ. Việc mở các trường Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế kế hoạch, đại học Nông Lâm để phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế kỹ thuật là dễ hiểu với mọi người. Còn chủ trương mở trường Đại học Tổng hợp để đào tạo cán bộ, đào tạo nhân tài trong lĩnh vực khoa học cơ bản đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược… Mở ngay một loạt trường đại học trong điều kiện vô cùng khó khăn: không trường sở, không có thầy giáo, không có kinh nghiệm, kể cả không có chương trình đào tạo, là quyết tâm phi thường của các nhà lãnh đạo Việt Nam….” [11]. Đó là sự sáng tạo vô cùng to lớn của nền giáo dục Việt Nam.
Cũng trong tầm nhìn chiến lược như vậy, Hồ Chủ tịch đã trực tiếp gặp gỡ và thoả thuận với các nhà lãnh đạo Trung quốc, Liên xô để gửi đào tạo cán bộ có trình độ đại học ngay khi biên giới vừa mở cửa, chiến tranh còn đang tiếp diễn chưa biết khi nào mới kết thúc. Những học sinh xuất sắc và những cán bộ đang công tác có nhiều triển vọng ở chủ yếu ở Việt Bắc và Khu Bốn đã được cử đi học đại học. Khóa đầu tiên khoảng 100 người đi học ở Liên Xô và cũng khoảng từng ấy người đi học ở Trung Quốc. Đó là vào năm 1950/1951. Nhiều khóa tiếp theo được tổ chức vào những năm 1953 và 1954. Đây là những hạt nhân tương lai cho nền đại học và khoa học nước nhà. Sau này nhiều người trở thành những giáo sư đầu ngành, những vị lãnh đạo chủ chốt trên nhiều lĩnh vực.
- Về vấn đề thứ ba: Trân trọng trí thức - hạt nhân của giáo dục đại học
Một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch là thu hút quảng đại nhân sĩ, trí thức tham gia vào công cuộc kháng chiến. Đây cũng là một nhiệm vụ đặc biệt của Bộ Quốc gia Giáo dục. Bộ Giáo dục thời kháng chiến chống Pháp như một hạt nhân thu hút các tầng lớp trí thức tham gia vào các công tác giáo dục, văn hóa, văn nghệ. Thái độ đối với trí thức, những hạt nhân của nền giáo dục đại học, được trân trọng đặc biệt. Chúng ta hãy điểm qua một số trường hợp sau mà các văn bản còn lữu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia để thấy Bộ Quốc gia Giáo dục lúc đó đã quán triệt và vận dụng tư tưởng trọng dụng trí thức và nhân tài của Hồ Chủ tịch như thế nào.
Trường hợp 1: về giáo sư Đặng Thai Mai
Năm 1950, GS Đặng Thai Mai (1902-1984) khi đó đang phụ trách Ban Sư phạm Đại học Văn khoa tại Thanh Hóa được điều động ra Bộ Giáo dục. Được biết sức khỏe của ông không được tốt, mặc dù lúc đó chưa đến 50 tuổi, ngay lập tức, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã có công hàm số 73 P2/CH ngày 29 tháng 8 năm 1950 gửi Bộ Tài chính đề nghị chế độ di chuyển cho Giáo sư. Nội dung bức công hàm viết:
“ Vì số học sinh Ban Sư phạm Đại học Văn khoa ở Liên khu 4 ít và vì ở xa, Ban này sẽ gặp nhiều sự khó khăn trong khi tiến hành công việc, nên bản Bộ đã quyết định kể từ niên khóa 1950-1951 sẽ tạm thời không mở Ban này trong Thanh Hóa nữa.
Ông Đặng Thai Mai, giáo sư phụ trách Ban Sư phạm Đại học Văn khoa, sẽ được điều động ra ngoài này để giúp việc Bộ Giáo dục, hoặc dạy học tại trường Đại học Văn khoa ở Việt Bắc hoặc dạy tại các lớp Dự bị đại học (Ban Văn học).
Ông Đặng Thai Mai hiện nay người yếu không đi bộ được, cần cáng và khi ra, gia đình cũng theo ra.
Để ông Đặng Thai Mai có đủ điều kiện và phương tiện di chuyển cùng với gia đình ông, bản Bộ đề nghị quý Bộ trợ cấp đặc biệt cho ông ấy một số tiền 10 vạn đồng.
Trân trọng yêu cầu quý Bộ thỏa thuận và lập một ủy ngân 10 vạn đồng cho UNKCHC tỉnh Thanh Hóa để cấp cho ông Đặng Thai Mai.”[12]
Trường hợp 2: về Giáo sư Lê Văn Thiêm
GS Lê Văn Thiêm sinh ngày 29 tháng 3 năm 1918. Ông là người Việt Nam đầu tiên có bằng Tiến sĩ Toán học. Năm 1949, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, GS Lê Văn Thiêm đã trở về nước qua đường bay Paris - Băng Cốc, rồi từ Băng Cốc bằng đường bộ qua Campuchia về rừng U Minh, khu 9 miền Nam tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác tại Sở Giáo dục Nam Bộ từ ngày 19.12.1949. Nhận rõ vai trò của những trí thức được đào tạo cao cấp ở nước ngoài đối với sự phát triển của giáo dục đại học, đầu năm 1950, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã có công hàm số 16/P3 CH ngày 25 tháng 1 năm 1950 gửi Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều động ông Lê Văn Thiêm ra Bắc giúp cho Bộ Quốc gia Giáo dục; đồng thời đề nghị Bộ Tài chính ấn định số tiền phụ cấp cho các kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về nước phục vụ[13]. Đầu năm 1951, trường Khoa học thực hành cao cấp được thành lập và GS Lê Văn Thiêm được bổ nhiệm là Hiệu trưởng.
Trường hợp 3: về GS Đặng Văn Ngữ
Ngày 14/2/1950 Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên có công hàm số 21/P2 CH cho Phó Thủ tướng yêu cầu để ông Đặng Văn Ngữ, Y khoa bác sĩ vừa ở Nhật Bản về theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, làm giáo sư dạy trường Đại học Y khoa và phụ trách lập Phòng Thí nghiệm tại trường. Ngày 24 tháng 6 năm 1950, ông gửi Công điện cho UBKCHC Liên khu 4 để hỏi về trường hợp Bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Nội dung Công điện viết: “Tiếp công điện số 130-CĐ/CH ngày 11-3-1950 yêu cầu Ban điện cho biết Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã lên đường ra Việt Bắc chưa (dấu hỏi) Nếu vì vấn đề tài chính mà bác sĩ chưa khởi hành được thì Ban hết sức giúp đỡ để bác sĩ có đủ điều kiện ra Bắc (chấm) Bộ Tài chính cho biết thỏa thuận ứng trước cho bác sĩ Ngữ và mấy nhân viên ba vạn đồng (phẩy) ngoài ra UBKCHC Liên khu 4 trợ cấp một vạn rưởi (chấm) Nhưng nếu xét với số tiền này không đủ thì Ban đặc biệt cấp thêm vào khoảng một vạn nữa để cho bác sĩ Ngữ có thể lên đường sớm (phẩy) Bộ sẽ điều chỉnh sau (chấm) Yêu cầu Ban trả lời ngay.”[14]
Một công điện nữa cũng từ Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi UBKCHC Liên khu 4 về trường hợp của bác sĩ Đặng Văn Ngữ thể hiện sự quan tâm hết sức không chỉ đối với bản thân nhà khoa học mà còn đối với cả gia đình của họ. Đó là công điện số 74 CĐ/12/CH ngày 4 tháng 7 năm 1950 “yêu cầu báo cho bà Đặng Văn Ngữ ở trường Chuyên khoa Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh biết bác sĩ Đặng Văn Ngữ bận công việc quan trọng không thể vào đón được. Rồi Chính phủ sẽ tổ chức đưa ra, không cần lo về sinh hoạt và tài chính sẽ có giải pháp. Cứ tin tưởng vào Chính phủ và các bạn ở Liên khu 4.”[15] Bộ trưởng cũng có công điện riêng đề nghị Ủy ban kháng chiến hành chính Liên Khu 4 tạo điều kiện giúp phương tiện để người của Phòng thí nghiệm vận chuyển sách vở và dụng cụ thí nghiệm của ông Đặng Văn Ngữ ra Việt Bắc. Bộ sẽ chịu trách nhiệm thanh toán khoản tiền chi phí cho việc này (công điện số 76CD/BT/CH ngày 16/9/1950)[16]
Những bằng chứng trên cho thấy một thái độ hết sức trân trọng với người trí thức, một sự quan tâm chu đáo đến cuộc sống, gia đình từng nhà khoa học của người lãnh đạo ngành Giáo dục. Khi khó khăn thì phải đấu tranh và kiên trì phối hợp với các ngành, các cấp để đạt được mục tiêu. Đó chính là phong cách của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Chắc rằng ông đã học được nhiều điều từ tấm gương của Hồ Chủ tịch đối với đội ngũ trí thức và đối với ngay chính bản thân mình. Ngay khi ông Nguyễn Văn Huyên với tư cách là Giám đốc Đông phương Bác cổ học viện kiêm Tổng Giám đốc đại học vụ được Hồ Chủ tịch chọn là thành viên tham gia hai hội nghị đàm phán quan trọng với Pháp là Hội nghị trù bị ở Đà Lạt và Hội nghị Phông ten nơ blô (Pháp), Bác Hồ luôn động viên ông và quan tâm đến gia đình ông. Ông, vợ ông và các con ông nhớ mãi hình ảnh và tình cảm của Bác khi tiễn ông ở sân bay Gia Lâm lên đường đi dự hội nghị hay khi đoàn trở về Hà Nội. Trong thời gian ông công tác ở Pháp, Bác Hồ trước khi lên đường đi thăm Pháp đã không quên chỉ thị cho ông Hoàng Hữu Nam, thứ trưởng Bộ Nội vụ và ông Ba Ngọ, một nhà cách mạng cao cấp của Đảng, tổ chức lên Lạng Sơn đón cựu Tổng đốc Vi Văn Định (bố vợ ông Nguyễn Văn Huyên) về Hà Nội, để đảm bảo an toàn cho cụ và cũng để ông an tâm khi xa nhà. Những năm đầu kháng chiến khi con gái ông bị lao xương, phải bó bột không đi lại được, Bác Hồ thường xuyên thăm hỏi, gửi quà và thuốc chữa bệnh cho “cháu Hiếu và cho thím Huyên”. Khi mẹ ông qua đời, bác gửi thư chia buồn… Chắc hẳn những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với cá nhân ông đã ảnh hưởng lớn đến những suy nghĩ và ứng xử của ông đối với những người trí thức, những cán bộ trong phạm vi quản lý của mình. Và cũng với cách ứng xử này mà người trí thức mang hết mình cống hiến cho khoa học, cho kháng chiến. Và cũng chính vì thế, trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, vượt qua bao khó khăn gian khổ, không màng đến lợi ích cá nhân, nhiều nhà khoa học lớn như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo, Đặng Văn Ngữ, Đặng Thai Mai, Nguyễn Thúc Hào… đã đặt nền móng đầu tiên cho nền đại học Việt Nam, công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng. Chính lớp trí thức này đã đào tạo nên thế hệ cán bộ khoa học đầu tiên của nước Việt Nam mới mà sau này đa phần đều trở thành những nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
III- Kết luận:
Nền đại học Việt Nam được khởi dựng ngay từ trong những ngày cách mạng sôi sục và vận mệnh đất nước như ngàn cân treo trên sợi tóc. Trong điều kiện kháng chiến chống Pháp vô cùng khó khăn nhưng nền đại học vẫn được duy trì. Cùng với trường Y, các trường sư phạm được chú trọng đặc biệt, đó là hai lĩnh vực được lựa chọn ưu tiên để đào tạo lớp người trực tiếp phục vụ kháng chiến và chuẩn bị kiến thiết đất nước trong tương lai.
Xây dựng nền đại học Việt Nam nói chung và ngành sư phạm nói riêng trong thời cách mạng và kháng chiến chống Pháp có nhiều bài học. Từ những trình bày ở trên chúng tôi chỉ muốn nhắc đến bài học về tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển đại học, về tính dân chủ để có thể thu hút được ý kiến của đông đảo trí thức trong việc quyết đáp những vấn đề quan trọng của ngành giáo dục, về mối quan tâm thực sự đến điều kiện công tác và cuộc sống của người trí thức. Những bài học đó xuất phát từ tầm nhìn và tư tưởng của Hồ Chủ tịch mà người lãnh đạo cao nhất của ngành đã thấm nhuần và vận dụng đưa đến những thành công lớn của ngành giáo dục nước nhà.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy
[1] Nguyễn Văn Huyên: Một tấm gương đáng quý và cao đẹp, NXB GD, 2007, tr. 22
[2] Bản thảo
Báo cáo về sự hoạt động của Bộ Quốc gia Giáo dục từ tháng 8 năm 1945. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3
[3] Đinh Xuân Lâm;
Từ Đại học Đông Dương đến Đại học Quốc gia. Bản tin 100 năm Đại học Quốc gia.
[4] Lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Huyên tại buổi Lễ khai giảng trường ĐHQGVN, 15/11/1945. Hồ sơ lưu trữ của trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, Hồ sơ Nguyễn Văn Huyên, cặp 14. Bài đăng trong Nguyên Văn Huyên toàn tập (tập 3), tr. 15
[6] Trích Biên bản Hội đồng Giáo dục đặc biệt ngày 31-1-1949; Nguyễn Văn Huyên toàn tập (tập 3), tr.186
[7] Xem Nguyễn Văn Huyên toàn tập, tập 3, NCB Giáo dục, 2005
[8] Nguyễn Văn Huyên: Sách đã dẫn, tr. 12
[9] Nguyễn Văn Huyên toàn tập (tập 3), tr. 713, 714, 717
[11] GS-VS Nguyễn Văn Đạo; Học và tự học suốt đời. Bản tin Đại học Quốc gia Hà nội, tháng 1/1997
[13] Nguyễn Văn Huyên: Sách đã dẫn, tr.562 và 564
[14] Sách đã dẫn, tr. 620
[15] Sách đã dẫn, tr. 636
[16] Sách đã dẫn, tr. 662
[17] Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Theo bản các tác giả đã chỉnh sửa bổ sung đăng trên: http://www.cpd.vn
Đăng bởi: Nguyễn Anh