Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn nữa, nhưng những cống hiến của Ông đối với đất nước hơn 80 năm qua vẫn còn mãi với thời gian. Đại tướng vốn là một nhà giáo dạy học Lịch sử, với tình yêu nước thương dân vô tận, trên mọi cương vị công tác, Ông đã cống hiến trọn vẹn và đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục các thế hệ cách mạng. Những quan điểm của Đại tướng về giáo dục và đào tạo hiện vẫn đang còn mang tính thời sự trong thời điểm Ban Chấp hành Trung ương Đảng chuẩn bị thông qua Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Một lần nữa HNUE xin trân trọng giới thiệu bài viết về quan điểm giáo dục và đào tạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp của tác giả Nguyễn Bá Cường - Giảng viên Khoa Triết học - ĐHSP Hà Nội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Để thực hiện chiến lược giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục Quốc dân, phải đặc biệt quan tâm đến ngành sư phạm, đến việc xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị và năng lực chuyên môn cao. Có chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Đồng thời chú trọng nâng cao vị thế người thầy bằng nhiều biện pháp mà trước hết là tạo động lực và mọi điều kiện vật chất, tinh thần để đội ngũ thầy cô giáo có thể phát huy cao nhất năng lực và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp cao cả: nâng cao tiềm năng trí tuệ của toàn xã hội" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam (xuất bản lần thứ hai có sửa chữa, bổ sung), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 387).

-------------------------------

Đúng ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi (25/8/2011), Báo điện tử Kiến thức - Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (Kienthuc.net.vn) đã đăng bài viết của giảng viên  Nguyễn Bá Cường - Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để bày tỏ tấm lòng tri ân của tác giả đối với Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người được thế giới biết đến bởi thiên tài quân sự của ông. Nhưng điều đặc biệt ở Đại tướng là “võ - văn song toàn”. Chính vì thế, nhiều người tôn xưng ông là bậc “Nho tướng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi tên ông thân mật - “chú Văn”. Không chỉ thành danh bậc nhất trong lĩnh vực quân sự, mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của các ngành khoa học, giáo dục nước nhà khi ông làm Phó Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp chỉ đạo công tác khoa học và giáo dục.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, đọc lại những bài nói, bài viết của Đại tướng về lĩnh vực giáo dục trong những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi thực sự khâm phục về những tư tưởng chỉ đạo sát sao mang tầm chiến lược của ông1 . Xuyên suốt, nổi bật trong các bài nói, bài viết đó là mục tiêu xây dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa, là chủ trương phát triển toàn diện con người, là tư tưởng chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ, cải cách triệt để nội dung và phương pháp giáo dục. Cho đến nay, ngay cả khi tuổi đã cao nhưng ông vẫn dồn hết sức lực, trí tuệ và tâm huyết của mình cho sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục.

1. Chiến lược xây dựng con người Việt Nam mới XHCN phát triển toàn diện là quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của đất nước

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”, Đại tướng khẳng định: Cần phải coi chiến lược con người, “tất cả cho con người và tất cả vì con người” có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một trong những nhiệm vụ lớn lao có tầm quan trọng chiến lược trong suốt thời kỳ quá độ tiến lên CNXH là đào tạo con người phát triển toàn diện, có tinh thần làm chủ và năng lực làm chủ, có tinh thần yêu nước và lý tưởng XHCN, có trình độ văn hoá và khoa học ngày càng cao, nắm vững kỹ thuật và công nghệ sản xuất, kể cả công nghệ và kỹ thuật cổ truyền, kỹ thuật và công nghệ hiện đại, có cả những công nghệ hiện đại nhất. Đây chính là lực lượng sản xuất vĩ đại nhất, thế mạnh lớn nhất, có sức sáng tạo nhất. Trong sự nghiệp ấy, công tác giáo dục từ mẫu giáo đến đại học và trên đại học có nhiệm vụ cực kỳ to lớn. Vì vậy, đầu tư cho giáo dục về thực chất phải được coi là một bộ phận quan trọng trong chính sách đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những loại đầu tư có tầm quan trọng chiến lược và đem lại hiệu quả lớn lao (tr. 586-591).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhanh chóng xây dựng nước ta thành một xã hội học tập. Từ sự khẳng định: “Sự phát triển của con người là liên tục… Con người là một thể thống nhất với sự phát triển liên tục, không thể chia cắt được trong không gian, trong thời gian”, Đại tướng nhấn mạnh: Giáo dục với tư cách là quá trình hướng dẫn sự phát triển con người, cũng phải liên tục (tr. 537). Giáo dục thế hệ trẻ là một quá trình liên tục từ khi lọt lòng mẹ cho đến lúc trưởng thành và là sự nghiệp của toàn xã hội. Cần phải tạo ra được một môi trường giáo dục thống nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội, đảm bảo “giáo dục toàn diện, giáo dục thường xuyên, giáo dục liên tục”, thực hiện được sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị, tư tưởng và lối sống XHCN, phổ cập văn hoá, khoa học, kỹ thuật và công nghệ song song với phổ cập nghề nghiệp (tr. 520). Ông chủ trương: cần phải hình thành trong toàn xã hội một phong trào, một nếp sống chăm lo học hành sôi nổi trong cả nước, học ở trường, học ở nhà, học ở xã hội, vừa học vừa làm, theo tinh thần “học tập, học tập nữa, học tập mãi mãi”. Học tập để thành con người mới XHCN, học tập để xây dựng thành công xã hội văn minh và hạnh phúc, học tập để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (tr. 524).

2. Xây dựng và phát triển khoa học giáo dục    

Đại tướng nhận định: Khoa học giáo dục phải là một hệ thống quy luật tổng hợp, chịu sự tác động của các quy luật phát triển kinh tế - xã hội, quy luật nhận thức, quy luật tâm lý xã hội, quy luật phát triển sinh lý, quy luật kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhằm đào tạo thế hệ trẻ từng bước trở thành con người mới XHCN Việt Nam (tr. 530). Vì vậy, cần tập trung trí tuệ, sức lực và các điều kiện vật chất cần thiết để nghiên cứu giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, mấu chốt nhất của khoa học giáo dục ở nước ta (tr. 538). Từ bản chất của khoa học giáo dục, ông yêu cầu những người nghiên cứu khoa học giáo dục không những phải có trình độ trong lĩnh vực chuyên sâu mà còn phải có sự hiểu biết về nhiều mặt: về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, về đường lối, chính sách của Đảng, về thực tiễn kinh tế - xã hội của Việt Nam, về con người Việt Nam xưa và nay, về những thành tựu trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học kỹ thuật xưa và nay, về những thành tựu và cả những nhược điểm… của sự nghiệp giáo dục xưa và nay ở nước ta và ở các nước trên thế giới (tr. 530).

3. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Đại tướng cho rằng, giáo dục là một khoa học đồng thời là một nghệ thuật; nội dung giáo dục bao giờ cũng kết hợp chặt chẽ với phương pháp sư phạm. Vì thế, nội dung và phương pháp dạy - học cần hướng cho học sinh suy nghĩ về các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương,… để khi đi vào đời sống không bỡ ngỡ, không sống theo tập quán cũ… mà tích cực tham gia vào cuộc sống mới. Cần mau chóng và kiên quyết khắc phục tình trạng học sinh phổ thông ra trường không hiểu gì về đất nước, về địa phương; và không thể hiện đầy đủ lòng thiết tha đối với tiền đồ của quê hương, Tổ quốc (tr. 556). Phải kết hợp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ với lao động sản xuất theo ngành nghề ở mức độ khác nhau tuỳ theo từng lứa tuổi và tính chất của các trường nhằm biến tiềm lực khoa học kỹ thuật của nhà trường thành lực lượng sản xuất trực tiếp (tr. 595). Phải xác định cho được nội dung, phương pháp tối ưu để đào tạo con em chúng ta thực sự trở thành những người lao động giỏi trong các lĩnh vực và trên các địa bàn của đất nước phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp công nghiệp hoá nước nhà (tr. 535)

Chất lượng giáo dục đào tạo là chất lượng toàn diện (chính trị, chuyên môn, sức khoẻ) được xác định trên cơ sở mục tiêu giáo dục đào tạo của từng ngành học, từng loại hình giáo dục, từng cấp học gắn chặt với những mục tiêu kinh tế - xã hội của cả nước, từng ngành từng địa phương trong từng thời kỳ (tr. 493). Theo ông, để nâng cao chất lượng giáo dục, các nhà trường cần phải thực hiện những điều cụ thể như sau:

1) Giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức
Tuỳ theo từng lứa tuổi và trình độ cấp học mà giáo dục cho các em lòng yêu nước, lòng trung thành với lý tưởng cộng sản, ý thức và nhiệm vụ của người công dân, sẵn sàng tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giáo dục ý thức và thói quen chấp hành pháp luật và những quy tắc chung của tập thể; giáo dục tinh thần trách nhiệm trong học tập, trong công tác, đoàn kết, trung thực, giàu tình thương, trọng lẽ phải; giáo dục việc xây dựng lối sống theo nguyên tắc đạo đức “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; củng cố và phát triển niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của đất nước, tiền đồ của dân tộc, chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội (tr. 514). Người giáo viên nhất định phải làm cho học sinh hiểu rõ tình hình của đất nước và nhiệm vụ của cách mạng. Phải dạy như thế nào để đến khi ra trường, các em có quyết tâm lao động xây dựng xã hội ở bất cứ lĩnh vực nào, trong bất cứ địa bàn nào của Tổ quốc và sẵn sàng xả thân bảo vệ Tổ quốc (tr. 532).

2) Giáo dục tri thức văn hoá và khoa học
Từ luận điểm của V.I.Lênin: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản sau khi đã làm giàu trí nhớ của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”, Đại tướng chỉ rõ: “Tri thức khoa học là một cơ sở rất quan trọng để trao đổi năng lực và phẩm chất đạo đức của con người mới (tr. 532-533). Vì thế, cần trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế, xã hội ở trình độ phổ thông tương đối hoàn chỉnh, cơ bản, hiện đại, Việt Nam, vừa phù hợp với nhu cầu thực tế trước mắt, lại vừa tạo khả năng phát triển về lâu dài… Cần nghiên cứu, lựa chọn kỹ càng để xác định chương trình biên soạn sách giáo khoa cho thật khoa học, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân luồng, khối để các em tiếp tục học hoặc đi vào nghề nghiệp. Nhất thiết phải làm và làm ngay, làm cho tốt việc tinh giản phần tri thức cơ bản, để các em có thì giờ học thêm về kiến thức kinh tế, lịch sử, địa lý của địa phương, nghe nói chuyện về các vấn đế thời sự tuỳ theo lứa tuổi, và nhất là học kỹ thuật, công nghệ và tham gia lao động sản xuất (tr. 515).

3) Chú trọng giáo dục lao động sản xuất và công tác hướng nghiệp
Xuất phát từ nguyên lý giáo dục học mácxít kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục trí tuệ, thể chất, đạo đức với lao động sản xuất - “phương pháp độc nhất và duy nhất để đào tạo ra những con người toàn diện” (C.Mác), Đại tướng cho rằng: Cần phải giáo dục ý thức lao động, tình cảm lao động, thói quen lao động vì tập thể, vì xã hội ngay từ tuổi thơ, từ vườn trẻ. Phải kiên trì rèn luyện cho học sinh có ý thức sâu sắc về lao động, lao động để xây dựng đất nước phồn vinh, quê hương tươi đẹp, lao động có kỹ thuật, có kỷ luật, với năng suất cao, chất lượng và hiệu quả tổt. Phải làm cho thế hệ trẻ coi đó là mục tiêu quan trọng để phấn đấu thực hiện. Cần nhận thức rõ rằng, càng làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông thì càng có điều kiện để tiến hành có hiệu quả về giáo dục tư tưởng chính trị, đồng thời phát huy mọi tài năng của thế hệ trẻ. Vì vậy, phải kiên quyết khắc phục tình trạng coi nhẹ và tự phát đang phổ biến trong việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông (tr. 559).

4) Giáo dục thể chất
Việc giáo dục và rèn luyện sức khoẻ trong nhà trường có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nhà trường phải giáo dục những kiến thức khoa học và những biện pháp cần thiết để rèn luyện thể chất, tăng cường sức khoẻ cho phù hợp với quy luật phát triển của từng lứa tuổi. Phải làm cho học sinh có ý thức: khoẻ để học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc.

5) Giáo dục thẩm mỹ
Đây không những là vấn đề quan trọng mà còn là vấn đề cấp bách hiện nay. Chúng ta cần giáo dục cho các em biết yêu chân lý, trọng lẽ phải, biết đánh giá và cảm thụ đúng đắn cái đẹp của con người, thiên nhiên, truyền thống dân tộc, đời sống xã hội, biết quý trọng các giá trị văn hoá truyền thống, các di tích lịch sử, văn hoá của đất nước và thế giới, biết giá trị và mến yêu nghệ thuật dân tộc, biết sống khiêm tốn, giản dị, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của đất nước, của gia đình, của bản thân (tr. 516).

Theo Đại tướng, nhân tố quyết định đối với chất lượng giáo dục là đội ngũ giáo viên và cán bộ giáo dục. Vì thế, cùng với việc bồi dưỡng trình độ văn hoá, khoa học và năng lực giảng dạy, nghệ thuật sư phạm cho giáo viên, cần chú ý thích đáng tới việc bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, lòng say mê thiết tha yêu nghề, năng lực … và khả năng vận dụng tri thức và kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Mặt khác, vấn đề chăm lo đời sống giáo viên … có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Các nhà trường cần đặc biệt chú ý nghiên cứu những hình thức thích hợp để tổ chức sản xuất, cải thiện đời sống cho giáo viên (tr. 521-523).

Đối với thế hệ trẻ, Đại tướng nhấn mạnh: Tiền đồ rạng rỡ của Tổ quốc Việt Nam nằm trong tay thanh thiếu niên và nhi đồng (tr. 525). Ông nhắc nhở ân cần: Thanh niên các cháu, tuổi đang trẻ, sức đang mạnh, trí đang độ tiến dần, bao giờ cũng phải biết lấy việc chung làm trên hết. Làm việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của nước nhà, lợi ích của tập thể, lợi ích của cơ quan trước hết. Chớ có nghĩ ngay đến lợi ích cá nhân, đặc biệt phải chống thói “dĩ công vi tư”. Nước nhà còn nghèo, đang trong công cuộc xây dựng CNXH, thanh niên phải đi trước một bước trong việc xây dựng con người mới XHCN, tức là phải biết cống hiến hy sinh cho lợi ích nước nhà trước, đừng vì lợi ích cá nhân trước mắt mà quên đi lý tưởng phấn đấu cho người dân.

Ý nghĩa của những quan điểm cơ bản của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về giáo dục và đào tạo trong thời điểm hiện nay là rất to lớn, sâu sắc. Chúng tôi thiết nghĩ những nhà hoạch định chiến lược, quản lý giáo dục và bản thân những nhà giáo dục cần để tâm nghiên cứu và hiện thực hoá quan điểm mang tầm chiến lược đó để có thể đổi thay mạnh mẽ của nền giáo dục nước nhà, đáp ứng tốt yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế toàn cầu.

Tác giả Nguyễn Bá Cường (người ngồi thứ nhất từ phải sang) nhân dịp được tới thăm Đại tướng (2001).

Đoàn đại biểu Thanh niên Thủ đô tới thăm và nhận bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tuổi trẻ Tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 55 nămchiến thắng Điện Biên Phủ (trong ảnh, tác giả Nguyễn Bá Cường mang tặng Đại tướng cuốn Tạp chí Giáo dục có đăng bài viết về quan điểm giáo dục của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 2006)

Nguyễn Bá Cường, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
 

1. Võ Nguyên Giáp: “Mấy vấn đề về khoa học và giáo dục”, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986.

 * Tên bài do Bee.net.vn (Kienthuc.net.vn) đặt. Tên bài gốc của tác giả: "Một số quan điểm cơ bản của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về giáo dục và đào tạo" đăng trên Tạp chí Giáo dục, Bộ Giáo dục và đào tạo, ISSN 21896 0866 7476, số 152, Tr. 4-6