Ngày 29 tháng 10 năm 2020, Khoa Tâm lý-Giáo dục đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế: Tâm lý học - Giáo dục học vì sự phát triển của học sinh và nhà trường hạnh phúc với sự tham gia của hơn 200 đại biểu trong và ngoài nước.

Xã hội hiện đại với sự phát triển của kinh tế, khoa học công nghệ đã và đang làm cho cuộc sống của con người trở nên thuận tiện hơn trên mọi khía cạnh. Tuy nhiên, những áp lực trong công việc, trong tạo dựng vị trí trong xã hội khiến nhiều bậc phụ huynh không có nhiều thời gian quan tâm tới sự phát triển tinh thần, tâm sinh lý của con trẻ, khiến nhà trường bị chạy theo thành tích mà quên đi sự phát triển toàn diện của mỗi học sinh. Trong khi đó, “Cuộc sống nhà trường và tuổi học sinh cần được coi là cuộc sống ‘đích thực và chính thực’. Học sinh cần được hạnh phúc trong cuộc đời học sinh mà không phải chờ đến khi trưởng thành”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn (Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục học) phát biểu. Do vậy, UNESCO đã khởi xướng dự án Trường học hạnh phúc từ năm 2014, và ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT cũng đã xác định xây dựng Trường học hạnh phúc là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành từ năm 2018-2019.

Khoa Tâm lý - Giáo dục học, trường ĐHSP Hà Nội, đã sớm có nhiều công trình nghiên cứu về hạnh phúc đối với học sinh, và nhanh chóng trở thành đơn vị đi đầu trong việc triển khai định hướng nghiên cứu này. Để đáp ứng nguyện vọng của các nhà khoa học, giáo viên và phụ huynh học sinh, nhân dịp chào mừng 55 năm kỷ niệm thành lập Khoa Tâm lý-Giáo dục học (1965-2020), Hội thảo Khoa học quốc tế: Tâm lý học-Giáo dục học vì sự phát triển học sinh và nhà trường hạnh phúc đã được tổ chức. Hội thảo thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế như trường Đại học St John, Hofstra (Hoa Kỳ), Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phụ nữ, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội...

Nội dung của Hội thảo tập trung vào những vấn đề cơ bản về vai trò “dẫn dắt” của Tâm lý học - Giáo dục học trong phát triển toàn diện học sinh và xây dựng một nhà trường hạnh phúc: 1- nâng cao sức khoẻ  tinh thần nghề nghiệp của giáo viên  để kiến tạo trường học hạnh phúc; 2- Bí mật của hạnh phúc-phiên bản đặc biệt dành cho giáo viên và phụ huynh; 3- Hạnh phúc của học sinh trên cơ sở ứng dụng tâm lý học trường học. Các báo cáo trình bày tại Hội thảo chỉ ra nhiều hiện tượng sức khoẻ tâm lý phổ biến hiện nay của học sinh, mối quan hệ giữa gia đình-nhà trường trong xây dựng cảm xúc hạnh phúc cho học sinh như: Stress của cha/mẹ có con rối loạn phổ tự kỷ trên địa bàn TP HCM, Nhận thức của giáo viên THPT về trường học hạnh phúc, Kỹ năng lắng nghe của cha mẹ trong giao tiếp với con ở tuổi thiếu niên.. Một số mô hình tâm lý học đường đối với hạnh phúc của học sinh tại các trường quốc tế và tư thục như Olympia, Vinschool và Nguyễn Siêu cũng được chia sẻ tại hội thảo.

Hội thảo đã tạo ra diễn đàn dành cho các nhà nghiên cứu, giáo viên, nhà quản lý và phụ huynh nhằm chia sẻ, thảo luận các vấn đề lý thuyết, thực tiễn và kinh nghiệm trong phát hiện các vấn đề tâm lý của học sinh, phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và cộng đồng để xây dựng nhà trường hạnh phúc. Hội thảo khẳng định vị trí của Khoa Tâm lý-Giáo dục học trong nghiên cứu khoa học giáo dục của Nhà trường nói riêng và toàn ngành giáo dục nói chung.

PGS.TS Nguyễn Văn Trào phát biểu khai mạc Hội thảo

Các báo cáo viên và đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Bài: Phòng KHCN, Ảnh: Khoa TLGD