Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn tới việc học sinh không hào hứng với môn Lịch sử nói riêng, các môn khoa học xã hội nói chung là do chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy hiện nay còn nhiều bất cập. Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, nhiều nhà sư phạm, quản lý giáo dục, nhà sử học cho rằng, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) cần đổi mới chương trình, sách giáo khoa đối với các môn học này theo hướng tích hợp và phân hóa.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội |
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Hiện tượng điểm thi môn Lịch sử thấp hoặc ít học sinh lựa chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp THPT không đồng nghĩa với việc học sinh không yêu thích môn học này. Chúng ta đang giáo dục để hình thành con người toàn diện, môn Lịch sử cũng là một thành tố như các môn học khác mà các em phải học. Ðiểm đặc biệt của môn Lịch sử so với các môn học khác là gắn với truyền thống xây dựng và bảo vệ đất nước, hình thành lòng tự hào dân tộc. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên đã cống hiến cho đất nước những thành quả lao động sáng tạo cũng chính vì yêu đất nước, nhưng họ lại không hoạt động trong lĩnh vực lịch sử.
Tôi cho rằng, không chỉ học sinh chọn thi môn Lịch sử mới thể hiện tình yêu môn Lịch sử, vấn đề ở chỗ lịch sử của đất nước, dân tộc thấm sâu vào trong con tim và khối óc của học sinh để mỗi suy nghĩ, việc làm của các em đều có gốc rễ quê hương, đất nước mới là điều đáng bàn. Câu chuyện này đã được nhiều nhà khoa học, nhà giáo phân tích trong việc đổi mới cách dạy và học môn Lịch sử. Chúng ta không thể kêu gọi học sinh hãy yêu môn Lịch sử mà hãy thể hiện tình cảm và trách nhiệm với các em bằng việc tìm tòi, khám phá những cách làm, những phương pháp giảng dạy hấp dẫn để cuốn hút các em yêu thích môn học này. Ðây là nhiệm vụ của toàn xã hội, trực tiếp hơn cả là ngành giáo dục. Trường đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhận thức sâu sắc điều này và các thầy giáo, cô giáo Khoa Lịch sử đang nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy.
Dưới góc nhìn của người nghiên cứu, ông Ðặng Hùng, hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Việc dạy và học môn Lịch sử là vấn đề rất quan trọng, được cả xã hội quan tâm. Theo tôi, để giúp các em học tốt môn Lịch sử, trước hết, các thầy giáo, cô giáo cần thổi một ngọn lửa đam mê về lịch sử, văn hóa quê hương nói chung, lịch sử dân tộc nói riêng cho các em học sinh. Việc biên soạn sách giáo khoa môn Lịch sử cho học sinh cũng cần xem xét lại cho phù hợp với từng cấp; bài nào không còn phù hợp thì nên cắt bỏ, những bài thiếu hấp dẫn thì cần chỉnh sửa, bổ sung. Một thí dụ điển hình ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) cho thấy, hằng tuần, vào các ngày nghỉ, lễ, nhiều trường học từ tiểu học đến THPT thường xuyên bố trí mời những người nghiên cứu lịch sử địa phương về nói chuyện cho cán bộ, nhân dân, học sinh nghe; kết hợp tổ chức các buổi dã ngoại cho học sinh tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa trong huyện, tỉnh. Từ học kỳ II, năm học 2013, huyện Hưng Hà còn chủ động tổ chức cuộc thi viết "Lịch sử quê hương em". Cuộc thi được đánh giá một cách nghiêm túc, có trao giải cho nên học sinh rất hào hứng học tập, tìm hiểu môn Lịch sử. Ðáng chú ý, phần lớn các xã của huyện Hưng Hà đã thành lập thư viện trường học, không gian đọc, cho nên phong trào học sinh yêu thích môn Lịch sử và các môn học khác phát triển khá mạnh. Trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, ÐH, CÐ, tỉnh Thái Bình có nhiều học sinh đạt điểm cao môn Lịch sử, trong đó có nhiều em ở huyện Hưng Hà.
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Vũ Minh Thuật, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Tiền Hải (Tiền Hải, Thái Bình) cho biết: Một số trường THPT không có học sinh lựa chọn hoặc có rất ít học sinh lựa chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp là chuyện bình thường. Ðối với Trường THPT Tây Tiền Hải, sau khi Bộ GD và ÐT công bố môn thi bắt buộc và các môn tự chọn, học sinh vẫn học bình thường như trước. Qua khảo sát, năm nay nhà trường có khoảng 7/599 học sinh lớp 12 đăng ký thi môn Lịch sử. Các năm trước đây cũng thế, khoảng mười em thi khối C; 80% số học sinh đăng ký các môn thi thuộc khối A, B.
Em Tô Thị Thanh Loan, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Tây Tiền Hải cho biết: Năm nay em dự định thi đại học khối A1, cho nên kỳ thi tốt nghiệp THPT em sẽ đăng ký môn tự chọn là Vật lý và Tiếng Anh. Em Lê Thị Thảo, lớp 12 A9, Trường THPT Tây Tiền Hải là một trong số rất ít học sinh của trường lựa chọn môn thi tự chọn là Lịch sử. "Năm nay em sẽ đăng ký thi hai môn tự chọn là Lịch sử và Ðịa lý vì em dự định thi đại học khối C", em Thảo cho biết. Qua trao đổi, được biết lớp em có bảy bạn thi đại học khối C, trong đó năm bạn sẽ đăng ký môn tự chọn là Lịch sử và Ðịa lý, hai bạn còn lại sẽ chọn môn Tiếng Anh để thi tốt nghiệp vì kiến thức môn này khá và cũng không phải học thuộc nhiều như môn Lịch sử. Theo em, nhiều trường, nhiều bạn không lựa chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp là điều bình thường vì ngay từ cấp hai, các bạn đã hướng tới ngành nghề mình làm sau này cho nên sẽ dành thời gian nhiều hơn cho các môn học liên quan" - Em Thảo chia sẻ.
Cô giáo Cà Thị Hoan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bộc Bố (Pác Nặm, Bắc Cạn) cho biết: Năm nay, tổng số học sinh lớp 12 của nhà trường là 166 em. Sáng 18-3, nhà trường tổ chức khảo sát lần thứ ba về việc học sinh đăng ký môn thi tự chọn. Lần khảo sát này, có gần 100% học sinh lựa chọn đăng ký thi môn Lịch sử, Ðịa lý. Môn Hóa học có vài em đăng ký. Ðây là lần khảo sát cơ bản để nhà trường có kế hoạch ôn thi cho học sinh. Cũng theo cô giáo Cà Thị Hoan, lý do học sinh đăng ký môn Lịch sử và Ðịa lý nhiều hơn các môn học khác là vì phần lớn các em dự định thi đại học khối C.
Giám đốc Sở GD và ÐT Vĩnh Phúc, Hoàng Minh Quân cho biết: Mặc dù chưa đến thời điểm tiến hành tập hợp danh sách học sinh đăng ký môn thi tự chọn, nhưng có thế thấy, phần lớn các em sẽ lựa chọn những môn học phổ thông như: Tiếng Anh, Hóa học, Vật lý. Thực tế cho thấy, tỷ lệ các em học sinh thi đại học khối C của Vĩnh Phúc nhiều năm qua chỉ đạt 12%, những năm cao nhất khoảng 15%. Theo ông Hoàng Minh Quân, hình thức thi tốt nghiệp năm nay có yếu tố tích cực vì giúp học sinh tự định hướng môn học, ngành học trong tương lai theo đúng sở thích, khả năng của mình.
Dưới góc nhìn của một nhà sư phạm và quản lý giáo dục, PGS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết thêm: Các môn học xã hội nói chung và Lịch sử nói riêng góp phần hình thành cốt cách và văn hoá cho mỗi học sinh. Các ý kiến về chương trình, sách giáo khoa, cách dạy và học đối với các môn khoa học xã hội cũng là điều đáng bàn, nhưng đó chỉ là một phạm vi thuần túy trong giáo dục. Do đó, chúng ta không nên đánh đồng việc chọn môn thi với việc thích hay không thích môn đó. Bởi thực tế, khi chúng ta định hướng, đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học đúng thì các môn khoa học xã hội sẽ góp phần đắc lực hơn trong việc hình thành nhân cách tốt đẹp cho học sinh. Một khía cạnh khác đó là xu hướng lựa chọn nghề nghiệp, cơ hội, thu nhập cũng ảnh hưởng đến việc chuyên tâm dành cho môn này hay môn khác. Hiện nay, cơ hội việc làm cho các ngành kinh tế, kỹ thuật có vẻ dễ dàng hơn so với các ngành nghề xã hội và tất nhiên là thu nhập cũng cao hơn. Công tác dự báo về nhu cầu việc làm của các ngành cũng chưa làm tốt cho nên học sinh còn băn khoăn khi chọn lựa môn thi gắn liền với chọn lựa nghề nghiệp cho mình trong tương lai. Một điểm nữa là nhà trường, các thầy giáo, cô giáo cũng cần nghiên cứu cả về nội dung, cách thức giảng dạy để học sinh cảm thấy hấp dẫn, hứng thú và thật sự có nhu cầu về các môn học này.
Ðề cập vấn đề vì sao ít học sinh chọn thi môn Lịch sử, nhiều chuyên gia cho rằng: Chương trình và sách giáo khoa môn Lịch sử ở cấp học phổ thông còn nặng nề, đầy ắp các sự kiện, năm tháng; kiến thức lặp đi, lặp lại từ tiểu học đến THPT làm cho người học, người dạy nhàm chán. Sách giáo khoa môn Lịch sử ở cấp học THPT mang tính hàn lâm, chưa hấp dẫn người học, kiến thức còn dàn trải, nặng nề. Các em học sinh phải nhớ quá nhiều mà ít có tính tổng hợp, khái quát những vấn đề cơ bản. Ðể khắc phục tình trạng học sinh không mặn mà với môn Lịch sử nói riêng, các môn khoa học xã hội nói chung, nhiều chuyên gia kiến nghị: Trước hết, Bộ GD và ÐT cần xây dựng, ban hành chương trình, sách giáo khoa theo hướng tích hợp và phân hóa. Nếu làm tốt điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích và ý nghĩa cho người học. Hiện nay, Trường đại học Sư phạm Hà Nội đang tích cực nghiên cứu nhằm triển khai công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT. Nếu chúng ta làm tốt công tác này, cùng với các chính sách vĩ mô của Nhà nước, học sinh sẽ hứng thú và say mê học môn Lịch sử cũng như các môn khoa học xã hội khác.
Theo báo Nhân dân Online