Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu năm 2019 của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tỉnh “Khánh Hòa hội nhập quốc tế” do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì, PGS.TS. Đào Tuấn Thành, Trưởng khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội làm Chủ nhiệm, vào sáng ngày 31 tháng 12 năm 2019, tại hội trường của khách sạn 36 Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Những vấn đề đặt ra và giải pháp cho quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030”

Đến tham dự hội thảo có hơn 30 đại biểu. Về phía lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có ông Trần Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đình Thuần, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, bà Lê Thị Diệp Thảo, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa. Đại diện một số doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Khánh Hòa có TS. Vương Vĩnh Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Giám đốc thường trực Công ty thương mại Phú Thịnh, Nha Trang. Về phía đại biểu các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước có PGS.TS. Thái Văn Long, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. Đinh Công Tuấn, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, PGS.TS. Trần Nam Tiến, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, ThS.NCS Phạm Thì Hoàn Nguyên, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, phân hiệu Nha Trang, TS. Võ Văn Cần, trường Đại học Nha Trang và đại diện một số phòng chức năng thuộc các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Khánh Hòa.

Trong khoảng thời gian từ 8h30 đến 12h00, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Đinh Công Tuấn, hội thảo đã họp trong 2 phiên. Phiên thứ nhất “Những vấn đề đặt ra cho quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030”, với 4 tham luận, tập trung làm rõ những vấn đề đặt ra cho Khánh Hòa trong tiến trình hội nhập quốc tế trong những năm tới như: (1) Tầm quan trọng của sự nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò của hội nhập quốc tế đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Khánh Hòa, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động; Những tác động đa chiều của hội nhập quốc tế tới sự phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa-giáo dục, khoa học và công nghệ, an ninh-quốc phòng tỉnh Khánh Hòa. Sự nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc những thách thức của các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân về sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào khu vực và thế giới, với việc Việt Nam đã ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó quan trọng nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ là rào cản kìm hãm sự hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của Khánh Hòa khiến cho Tỉnh đứng trước nguy cơ không phát huy được thế mạnh của Khánh Hòa về Du lịch Biển. (2) Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển v.v…

Trong phiên thứ hai “Các giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030” có 4 tham luận đã đề cập đến các giải pháp chung và cụ thể nhằm thúc đẩy sự hội nhập quốc tế của Khánh Hòa một cách “tích cực và chủ động” trong những năm 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên 4 lĩnh vực cơ bản, đó là: Kinh tế, Du lịch, Văn hóa-Giáo dục, Khoa học và Công nghệ.

Các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi những vấn đề “nóng” của tiến trình hội nhập quốc tế của Tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn 1990-2019 như: Việc dừng ra Quyết định thành lập Đặc khu Kinh tế Vân Phong đã khiến cho nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lo lắng; tình trạng ô nhiêm môi trường, sự quá tải của hệ thống đường giao thông; việc nhận thức còn lơ mơ của nhiều doanh nghiệp về những cam kết mà Việt Nam đã kí với các nước; sự bất cập trong dạy và học một số ngoại ngữ quốc tế thông dụng; sự lệ thuộc vào nguồn khách du lịch Trung Quốc, trong khi số khách du lịch đến từ Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản v.v… lại tăng chậm, thậm chí giảm sút…

Sau gần 4 tiếng làm việc tích cực, hội thảo đã thành công tốt đẹp. Tất cả các góp ý của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, các doanh nghiệp đã được Ban Chủ nhiệm đề tài và Nhóm nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện Báo cáo tổng quan, Báo cáo kiến nghị gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, nhằm chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa sẽ được tổ chức vào cuối năm 2020.

Chủ nhiệm đề tài

                                               PGS.TS. Đào Tuấn Thành