Sáng 10/5/2019 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội diễn ra hội thảo khoa học toàn quốc “Mô hình gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế”. Hội thảo này nằm trong chuỗi các hoạt động nghiên cứu thuộc đề tài nghiên cứu KHGD/16-20.ĐT.024 do PGS.TS. Nguyễn Văn Biên làm chủ nhiệm thuộc Chương trình khoa học giáo dục giai đoạn 2016-2020. Tham gia hội thảo có ông Bùi Văn Linh – Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên; Bà Khiếu Thị Nhàn – Chánh văn phòng Ghương trình khoa học giáo dục 2016-2020; GS.TS. Đỗ Việt Hùng chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội. Hội thảo còn có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lí, các nhà hoạch định chính sách.

PGS.TS. Nguyễn Văn Trào khai mạc hội thảo

Ban cố vấn hội thảo đã tư lựa chọn 3 báo cáo điển hình để trình bày ở phiên toàn thể, 9 báo cáo tại hai phiên tiểu ban: tiểu ban các vấn đè cơ sở khoa học và tiểu ban các mô hình thực tiễn.

Đ/c Bùi Văn Linh phát biểu chủ trì hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đ/c Doãn Hồng Hà vụ phó vụ GDCT và công tác HSSV làm rõ mục tiêu hội thảo và định hướng các nội dung thảo luận bao gồm:

1. Thực trạng, ưu điểm, tồn tại của mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội hiện nay.

2. Các kiến nghị, đề xuất hoàn thiện mô hình mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục đạo đức lối sống học sinh, sinh viên trong thời gian tới.

3. Cách thức, tiêu chí đánh giá mức độ hiệu quả của mô hình đề xuất.

4. Các giải pháp để nhân rộng các mô hình điển hình

Đ/c Doãn Hồng Hà trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo

Sau báo cáo đề dẫn, TS. Nguyễn Thị Ngọc Liên thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày kết quả hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia và các nhà quản lí. Trong mô hình của nhóm phân tích làm rõ các đối tượng tham gia  và mức độ tham gia của từng đối tượng vào mối quan hệ gia đình – nhà trường -xã hội trong việc giáo dục đạo đức lối sống học sinh sinh viên. PGS. TS Đào Thái Lai cho rằng mô hình đã thể hiện được các đối tượng căn bản và các nguyên lí vận hành mô hình, các điều kiện thực hiện mô hình hiệu quả. PGS.TS. Trần Kiều nhấn mạnh, mô hình gia đình nhà trường xã hội vốn là một nguyên lí giáo dục, được quan tâm từ lâu nhưng luôn mới vì bối cảnh xã hội luôn thay đổi; do đó việc tác giả làm rõ tính động của mô hình là hợp lí; tuy nhiên mô hình cần có sự phân định rõ ràng giữa các đối tượng học sinh cấp lớp khác nhau cần có sự tác động khác nhau của các lực lượng tham gia vào mô hình.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Liên trình bày các mô hình GĐ-NT-XH từ  lí thuyết đến thực tiễn

Các đại biểu tham gia hội thảo

TS. Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đã chỉ ra trong báo cáo của mình 7 nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống học sinh sinh viên, đó là : Nhân tố kinh tế - xã hội; Nhân tố văn hoá Nhân tố giáo dục (bao gồm giáo dục trong gia đình và giáo dục trong nhà trường); Nhân tố quản lý; Nhân tố tình huống cụ thể dẫn đến vi phạm đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên; Nhân thân học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống; Nhân tố nạn nhân của hành vi vi phạm đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên. Mỗi nhân tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới hiệu quả phối hợp của các đối tượng trong mô hình gia đình -nhà trường -xã hội.

TS. Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày taị hội thảo

Bài học kinh nghiệm của giáo dục Pháp được PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh phân tích dưới con mắt của nhà nghiên cứu nhiều năm sống và làm việc tại Pháp. Theo tác giả báo cáo, mô hình giáo dục Pháp ngoài những mảng màu tươi sáng thì cũng có những vấn đề khủng hoảng nội tại trong giáo dục đạo đức lối sống học sinh. Qua sự phân tích kĩ cho thấy việc đối mặt với các khủng hoảng nội tại là vấn đề có tính quốc tế, các nhà chuyên môn của mọi quốc gia trên thế giới luôn phải tìm tòi những giải pháp để giải quyết các vấn đề nội tại của quốc gia mình dựa trên góc nhìn đa chiều. Các bài học được rút ra cho Việt Nam từ góc nhìn giáo dục Pháp là:

1. Nhìn nhận vấn đề và cách giải quyết các vấn đề có liên quan tới giáo dục đạo đức trong nhà trường dưới một lăng kính “toàn cầu hóa” và “đa chiều”.

2. Xuất phát từ thực tiễn của nền tảng và cơ sở truyền thống, văn hóa dân tộc

3. Xác định một cách rõ ràng vị trí, vai trò, chức năng của giáo dục phổ thông cũng như giáo dục đại học trong một triết lý giáo dục rõ ràng và có tính thực tiễn phù hợp với Việt Nam hiện nay mà nhất là phù hợp tới một mô hình xã hội tương lai mà Việt Nam hướng tới xây dựng.

4. "Công khai hóa" các hoạt động của nhà trường là một trong những biện pháp cần thiết để đưa tới sự tham dự của Phụ huynh nhiều hơn trong các hoạt động hỗ trợ giáo dục đạo đức.

5. “Định lượng” các quy định của nhà trường theo phương châm cụ thể, rõ ràng, minh bạch. Trong đó cần làm rõ được những quy định cụ thể về vai trò và trách nhiệm của Gia đình chủ động phối hợp với Nhà trường.

6. Đưa đầy đủ các thông tin, nhất là Nội quy Trường học và trong Sổ liên lạc của Học sinh

Liên quan đến các kết quả này, PGS.TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lí, Giáo dục cho rằng việc nhìn nhận một số vấn đề mang tính chất hiện tượng, có tính cá thể để đánh giá cả nền giáo dục cần được xem xét lại.

Dựa trên phân tích kết quả khảo sát diện rộng về thực trạng phối hợp gia đình nhà trường xã hội , nhóm tác giả TS. Tưởng Duy Hải chỉ ra hầu hết những lực lượng ngoài nhà trường chỉ tham gia vào sự phối hợp một cách thụ động. Nơi nào có sự tham gia tích cực của gia đình và xã hội thì kết quả giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh sinh viên sẽ khả quan hơn.

Các trường phổ thông trình bày mô hình thực tiễn

Tổng kết hội thảo, ông Bùi Văn Linh  nhấn mạnh, hội thảo đã diễn ra thành công với những báo cáo chuyên môn sâu  sắc và những bài học thực tế sống động.  Qua các ý kiến đóng góp, nhóm nghiên cứu cần tiếp tục hoàn thiện các mô hình để có những giải pháp cụ thể trong đó chỉ rõ từng đối tượng tham gia vào trong mô hình với mức độ nào, các biện pháp cụ thể vận hành mô hình là gì và điều kiện để mô hình vận hành hiệu quả. Các kết quả thảo luận của Hội thảo sẽ là nguồn thông tin quan trọng cho Nhóm nghiên cứu Đề tài hoàn thiện các kết quả nghiên cứu hiện nay và định hướng các hoạt động nghiên cứu tiếp theo. Đây cũng là những cứ liệu quan trọng để Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV trong thời gian tới, đồng thời, từ thực tiễn đó Bộ GDĐT xây dựng và nhân rộng mô hình tiêu biểu về phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống HSSV trên toàn quốc.

Các đại biểu chụp ảnh sau khi kết thúc hội thảo

Ngoài ra Hội thảo còn được nghe các bài trình bày mô hình phối hợp gia đình nhà trường xã hội của một số cơ sở giáo dục như: Đại học Tôn Đức Thắng – TP HCM; THPT Đinh Tiên Hoàng -Hà Nội; Trường tiểu học, THCS, THPT thưc nghiệm khoa học giáo dục; Trường THCS Hà Huy Tập, Trường phổ thông liên cấp Alpha School.  Các mô hình với những bài học thực tế đem lại không khí thảo luận sôi nổi của hội thảo.