Quy định lập lờ
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân (bìa trái) chủ trì hội nghị cùng Thứ trưởng Phạm Vũ Luận |
Mặt khác, một số quy định về mục tiêu của các cấp học, ngành học chưa tường minh. Trong mục tiêu GD ĐH cũng còn chung chung, không phân biệt rõ ranh giới của ĐH và CĐ, giữa mục tiêu THCN và dạy nghề, ông Dũng nói. Khi nói về TCCN thì đề cập đến nghề: TCCN nhằm đào tạo người lao động, kiến thức kỹ năng thực hành cơ bản của một nghề. Khi trình bày về mục tiêu dạy nghề thì không nói rõ về "nghề".
Về cơ cấu hệ thống, các loại hình sở hữu GD hiện nay đã thay đổi so với Luật năm 1998 nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Trong Luật không có quy định về trường bán công nhưng thực tế, một số trường công lập đã được tự chủ về tài chính và nhiều trường vẫn có tên dân lập.
Vẫn theo ông Dũng, việc phân chia hệ thống GD quốc dân thành 2 bộ phận "GD chính quy" và "GD thường xuyên" như trong Luật GD 2005 là không hợp lý. Theo ông, nếu gọi đúng, bộ phận này là "GD chính quy" thì bộ phận kia phải là "GD không chính quy" chứ không thể gọi là "GD thường xuyên"...
Vậy, Luật GD nên sửa lại thành "Hệ thống GD quốc dân gồm GD chính quy và GD không chính quy", ông Dũng đề xuất.
Phó GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Ngai đặt vấn đề, tại mục 3, Điều 36 quy định cơ sở GD nghề nghiệp gồm trường TCCN, CĐ nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, lớp dạy nghề.
Như vậy, từ năm 2006 hệ thống GD quốc dân có thêm hệ trung cấp nghề tồn tại song song với hệ TCCN. Cạnh hệ CĐ hiện nay có thêm hệ CĐ nghề. Trong khi đó, sự khác nhau của 2 hệ đào tạo mới này chưa rõ ràng dẫn đến những bất ổn cho xã hội. Từ người học đến nhà trường khó xác định mục tiêu, nguồn nhân lực đào tạo sẽ bị phân tán...
Liên quan đến quyền lợi "sát sườn", ông Nguyễn Văn Yến, trưởng Ban Thanh tra GD ĐH Đà Nẵng, kiến nghị trong Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GD cần quy định rõ nguồn tiền dùng để chi trả học bổng và miễn, giảm học phí. Bởi mỗi năm, ĐH Đà Nẵng chi số tiền cấp học bổng cho sinh viên chiếm 15% tổng số tiền học phí thu được.
Trong khi đó số tiền ngân sách chia cho đầu sinh viên và số tiền học phí thu được hàng năm chỉ vừa đủ chi phí cho hoạt động đào tạo. Như vậy, sẽ có 35% số sinh viên không được đầu tư số tiền thu được từ nguồn học phí, ông Yến nói.
Do đó nên quy định, học bổng cho sinh viên được chi trả từ quỹ học bổng. Quỹ có thể từ ngân sách nhà nước, từ nguồn tài trợ, nhưng không phải trích từ quỹ thu học phí. Những sinh viên diện được hỗ trợ, miễn giảm học phí sẽ nhận tiền từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) để góp cho cơ sở đào tạo.
Chồng chéo quản lý
Theo ông Ngai, việc không hình dung được ranh giới, sự khác nhau giữa hệ TCCN và CĐ hiện nay với hệ TC nghề và CĐ nghề, cùng với 2 đầu mối quản lý nhà nước khác nhau là Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH đã tạo nên sự "rối rắm" trong hệ thống GD.
Còn theo GĐ Sở GD-ĐT Quảng Trị Lê Phước Long, việc giao quyền quản lý các cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân, luật quy định như hiện nay là chưa rạch ròi, còn chồng chéo. Ông dẫn dụ, Sở GD-ĐT không quản lý hệ thống trường dạy nghề ngoài xã hội mà do Sở LĐTB-XH quản lý là không phù hợp chức năng quản lý nhà nước về GD của Sở LĐTB-XH.
Thêm nữa, việc phân cấp quản lý tài chính, nhân sự như hiện nay ở một số địa phương đã không tạo điều kiện cho ngành GD hoạt động. Vì Sở GD-ĐT không trực tiếp quản lý về Tổ chức biên chế - Tài chính mà chỉ quản lý về chuyên môn nên việc điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên bị ách tắc, không thực hiện được.
Ông Long đề xuất, nên chuyển các trường dạy nghề thuộc Sở LĐTB-XH về Sở GD-ĐT quản lý để tạo thuận lợi cho các Sở GD quản lý về chuyên môn trên địa bàn. Còn Sở LĐTB-XH chỉ quản lý người lao động sau khi được đào tạo và tham gia lao động xã hội....
Nhiều quy định cần sửa
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Vui thẳng thắn, Luật GD nên bỏ quy định loại trường mầm non dân lập. Bởi, qua nghiên cứu Luật GD 2005, Nghị định 75 và khảo sát thực tế thì cần phải xác định rõ sự khác nhau giữa trường dân lập và trường tư thục nếu còn tồn tại hai loại trường này. Quy định như luật hiện hành về cơ bản là giống nhau vì có thể cùng do cá nhân xin thành lập.
Ở các cơ sở GD mầm non dân lập và bán công hiện nay tại các địa phương tuy tên gọi khác nhau nhưng thực chất là một loại hình cơ sở bán công do Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư, trong đó Nhà nước đóng vai trò chính như cấp đất xây trường, đầu tư cơ sở vật chất...
Đối với GD phổ thông nên điều chỉnh, ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, hải đảo, cơ sở GD bán công chuyển thành cơ sở GD công lập. Ở các vùng còn lại, các cơ sở GD bán công chuyển thành cơ sở GD công lập tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy. Khuyến khích các cơ sở GD bán công chuyển sang cơ sở GD tư thục mới, ông Vui đề xuất.
Đại diện của Trường CĐ Đông Á kiến nghị, Luật GD quy định học sinh học hết chương trình THCS có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT được cấp bằng THCS. Tuy nhiên, hiện nay đã bỏ thi tốt nghiệp mà chỉ xét công nhận tốt nghiệp nên cấp cho học sinh "chứng chỉ tốt nghiệp" thì hợp hơn?
Vẫn theo ông Vui, Luật GD nên bổ sung theo hướng giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ cho các trường ĐH, viện nghiên nghiên cứu. Đồng thời, điều chỉnh thời gian đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ cho phù hợp thực tiễn. Gắn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có thẩm quyền quyết định thành lập trường ĐH công lập, cho phép thành lập trường ĐH tư thục...
Về chương trình, SGK - Phó Viện trưởng Nguyễn Anh Dũng đề xuất, đối với GD nghề nghiệp nhà nước chỉ quản lý về chuẩn trình độ đào tạo và cách thức kiểm tra, đánh giá, xác nhận trình độ và cấp văn bằng chứng chỉ. Còn việc tổ chức quá trình đào tạo cũng như các vấn đề khác nên để cho các cơ sở quyền tự chủ. Không nên ban hành chương trình khung mà để các cơ sở có thể tự điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo theo chuẩn?
Kiều Oanh (Vietnamnet