(Giáo dục và Thời đại) - Không giống như các trường công lập tuyển giáo viên theo quyết định của Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT (TP.HCM), các trường thuộc hệ thống ngoài công lập như tư thục, dân lập tuyển giáo viên theo con đường đi riêng của nội bộ, miễn làm sao giáo viên đó có đủ trình độ và năng lực đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của nhà trường.

Nhiều nguồn tuyển dụng

Do có người quen trong ban giám hiệu nhà trường nên cô Trần Thị Q. một giáo viên của trường ĐH Sài Gòn được mời về giảng dạy tại trường phổ thông dân lập Thanh Bình. Với học vị thạc sĩ toán học và là giáo viên dạy giỏi nên cô Q. đã được ký hợp đồng lâu dài với trường. Cũng giống như trường dân lập Thanh Bình, các trường tư thục Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Khuyến có một số giáo viên giỏi xuất thân từ các trường đại học, cao đẳng sư phạm TP. Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai, nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn – hiệu trưởng hai trường này đã quy tụ được một lực lượng giáo viên vốn là đồng nghiệp và học trò của mình để xây dựng một Hội đồng sư phạm có uy tín về chuyên môn nghiệp vụ. Một số hiệu trưởng các trường tư thục, dân lập khác do quan hệ rộng với các trường công lập nên được bạn bè là hiệu trưởng, hiệu phó các trường này giới thiệu những gương mặt giáo viên dạy giỏi để bổ sung thêm nguồn nhân lực cho nhà trường.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tất cả giáo viên được vào dạy hợp đồng tại các trường tư thục, dân lập đều là “người nhà bà làng” quen biết thân thuộc. Thầy Phạm Thanh Tâm – Hiệu trưởng trường THPT tư thục Hồng Đức, quận Bình Thạnh trao đổi: “ Hàng năm cứ đến dịp hè có một số bạn bè đồng nghiệp giới thiệu người quen đến để xin vào đây dạy nhưng không phải ai chúng tôi cũng nhận lời vì phải xem năng lực trình độ như thế nào”. Theo thầy Tâm, tiêu chuẩn trước hết của một giáo viên là phải có đạo đức tốt, yêu nghề nhưng như thế vẫn chưa đủ vì năng lực giảng dạy yếu thì không thể nào đáp ứng được yêu cầu của nhà trường bất kể công hay tư. Đây cũng là tiêu chí được đặt lên hàng đầu của các trường tư thục, dân lập trong cuộc chạy đua về chất lượng giáo dục hiện nay. Những đối tượng nộp hồ sơ xin dạy được Hội đồng chuyên môn nhà trường để ý tới thường là giáo viên từ các tỉnh về đã kinh qua nhiều năm giảng dạy vì một hoàn cảnh nào đó mà phải bỏ việc lên TP nhập cư. Tuy không nằm trong biên chế tổ chức nào nhưng trước đây họ từng là giáo viên dạy giỏi, giáo viên của các trường chuyên, có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành. Khi về trường tư thục, dân lập dù chỉ thuộc diện hợp đồng theo từng năm học nhưng họ lại trở thành đội ngũ hợp đồng cơ hữu, một lực lượng ổn định nhất trong trường. Đối tượng thứ hai được các trường ngoài công lập quan tâm và ưu tiên hơn là các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn của trường công lập. Hơn ai hết họ là những nhân tố điển hình trong công tác chuyên môn của nhà trường, nắm vững lịch trình giảng dạy, phân phối chương trình của bộ, bắt kịp sự đổi mới về chương trình, SGK cũng như phương pháp giảng dạy trong trường phổ thông.

Phải vừa hồng vừa chuyên

Phạm Thị Minh Hoà quê ở miền Trung là một sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại khá vào năm 2007. Do ra trường không có chỗ dạy nên Hoà đã cầm hồ sơ vào TP.HCM đến “gõ cửa” một trường tư thục ở Tân Bình để xin việc. Sau khi phỏng vấn Hoà đã được Hội đồng nhà trường cho dạy thử một tuần trong hè nhưng những tiết dạy thành công lại ít hơn các lần thất bại vì thế Hoà đã bị nhà trường từ chối và không chịu ký hợp đồng. Nguyên nhân chính là do Hoà chưa có nhiều về kinh nghiệm đứng lớp, lúng túng trong phương pháp, giọng nói thiếu truyền cảm mặc dù kiến thức rất vững. Mặc khác Hoà không học theo chuyên ngành sư phạm chỉ học qua một khoá học sư phạm trong sáu tháng nên cô chưa đủ độ chín để làm thiên chức của một “kỹ sư tâm hồn”. Ngay tại TP.HCM một số sinh viên vừa tốt nghiệp trường sư phạm không chịu về quê cũng đã “thử cuộc chơi” bằng cách cầm hồ sơ đến ghi danh vào các trường tư thục, dân lập chờ cơ hội kiếm việc làm. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm đứng lớp nên các bạn sinh viên này khó vuợt qua “cửa ải” thẩm định của các trường tư mà trường hợp của Minh Hoà là một ví dụ. Một số trường như Tư thục Ngô Thời Nhiệm, quận 9 lại đưa ra chủ trương chỉ nhận giáo viên phổ thông trung học vì theo họ đây là những thầy cô nắm sát đối tượng, dạy đúng chương trình phổ thông chứ không cần học vị cao hoặc là những giáo viên có tiếng trong các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Do số lượng giáo viên hàng năm không ổn định nên trước khi vào năm học mới các trường đều phải tuyển thêm từ 10 đến 20 giáo viên mới để bổ sung đội ngũ hoặc mở rộng quy mô đào tạo. Thầy Trần Văn Hiếu – Phó hiệu trưởng trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, quận Tân Bình cho biết: “Nếu trước đây trường tuyển chọn những thầy cô lớn tuổi có tuổi nghề cao thì mấy năm nay chúng tôi lại ưu tiên đội ngũ giáo viên trẻ chỉ cần vài ba năm kinh nghiệm là đủ”. Theo thầy Hiếu, đây là những thầy cô năng động, trình độ ngoại ngữ và tin học đáp ứng được phương pháp giảng dạy hiện đại dễ dàng thích ứng với cái mới, bắt kịp xu thế phát triển của xã hội.

Từ sự lựa chọn đó cùng với sự ưu đãi về lương, chế độ đãi ngộ nên các trường dần dần thu hút được đội ngũ giáo viên cơ hữu, gắn bó nhiều năm với nhà trường. Thầy Nguyễn Tấn Đức –sau mười năm dạy tại trường TH Ngô Thời Nhiệm đã phấn đấu thành một giáo viên, một tổng phụ trách đội giỏi nhiều năm liền, được chi bộ kết nạp vào Đảng và đang là đội ngũ kế cận của Ban giám hiệu nhà trường. Bà Phạm Thị Thuý Vĩnh – Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm nêu quan điểm: “Chúng tôi cần những giáo viên có tâm, kiên trì trong việc giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh. Nếu thầy cô chỉ biết dạy kiến thức không thì chưa đủ mà phải có phương pháp giáo dục sư phạm phù hợp với học sinh”. Đây là phẩm chất cần có của tất cả các giáo viên, phải “vừa hồng lại vừa chuyên” không chỉ là yêu cầu tất yếu của các trường tư thục, dân lập mà cả trong các trường công lập trong cả nước.

Nguyễn Dung (Báo Giáo dục và Thời đại)