(Vietnamnet) - "Mỗi HS, SV phải xác định động cơ học tập đúng đắn: học để hiểu biết, học để làm người, học để ngày mai lập nghiệp, học để xây dựng đất nước...", Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu trong lễ khai giảng của Trường THPT Hà Nội -Amsterdam sáng 3/9

Từ 3-5/9, gần 22 triệu HS, SV trên cả nước chính thức bước vào năm học mới 2008-2009. Trong đó, HS của giáo dục mầm non là gần 3,4 triệu ở cả nhà trẻ và mẫu giáo; cấp tiểu học có 6,75 triệu HS; THCS cũng có hơn 6,2 triệu HS và bằng một nửa số đó là cấp THPT với 3,1 triệu HS.

Năm học này, HS trung cấp chuyên nghiệp cũng được dự báo có khoảng 710 nghìn HS và theo học CĐ, ĐH sẽ có khoảng 1,65 triệu HS, SV.

Năm học 2008-2009 được xác định là: Năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực cùng với 6 nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra thực hiện trong năm học này. 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: "Tôi mong muốn mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi cán bộ quản lý giáo dục phải là tấm gương về đạo đức...". Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong buổi lễ khai giảng sáng 3/9 tại Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhấn mạnh, toàn ngành giáo dục phải tập trung thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; đẩy mạnh giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục hướng nghiệp và giáo dục pháp luật; tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong công tác quản lý, trong hoạt động dạy và học.

Năm học 2007-2008, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam đã có 3 HS đạt được giải cao trong các kỳ thi quốc tế về Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Cũng trong buổi lễ này, Chủ tịch nước đã có lời dặn dò sâu sắc: "Ngay từ bây giờ, mỗi HS, SV phải xác định cho mình mục đích và động cơ học tập đúng đắn: học để hiểu biết, học để làm người, học để ngày mai lập nghiệp, học để xây dựng đất nước...".

 

Tưng bừng vào năm học mới. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Cùng ngày, tại vùng rốn lũ đi qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đến Trường PTCS Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) dự lễ khai giảng năm học mới. Không bị thiệt hại nặng về vật chất do lũ không tràn sâu vào trường, nhưng Trấn Yên lại là huyện chịu ảnh hướng nặng nề nhất của cơn bão số 4, do đó, điều kiện kinh tế của người dân nơi đây vô vùng khó khăn.

Trong hơn 400 HS của cả 3 cấp, có đến 396 HS bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão do nhà bị ngập lụt, trong đó có khoảng 100 HS rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do sập nhà, mất hết sách vở và quần áo. Riêng cấp tiểu học Y Can có tới 37 HS có nhà ngập đến tận nóc, có gia đình đặc biệt khó khăn như gia đình anh Đinh Văn Hải có 2 con bắt đầu vào lớp 1 và lớp 6. Toàn bộ nhà của anh Hải bị cuốn trôi, gia sản còn lại chỉ là mấy tải lúa.

Những trường hợp như con anh Hải đều được miễn tất cả các khoản đóng góp đầu năm để khuyến khích HS không bỏ trường. Trong lễ khải giảng, Bộ trưởng Nhân lưu tâm, sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn cho giáo dục của những tỉnh vùng lũ, đặc biệt những vùng khó khăn.

Bộ GD-ĐT đã tặng 60 triệu đồng cho tỉnh Yên Bái để chuẩn bị cho năm học mới; 200 bộ đồ dùng dạy học cho giáo viên; 2.000 bộ đồ dùng học tập cho HS; 2.000 bộ SGK tiểu học; 100 xuất học bổng trị giá 50 triệu.

HS Trường PTCS Y Can, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Cẩm Quyên

  • Bảo Anh - Cẩm Quyên (Vietnamnet)