GD&TĐ - 56 đội thi đến từ 30 trường THCS, THPT khu vực phía Bắc hào hứng tham gia Cuộc thi “HNUE - Sáng tạo Robot 2020” với chủ đề về nông nghiệp 4.0.

Học sinh tham gia thi sáng tạo robot với chủ đề về nông nghiệp 4.0.Diễn ra trong 1 ngày (8/11), “HNUE - Sáng tạo Robot 2020” là cuộc thi thường niên do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (HNUE) phối hợp với Công ty Cổ phần Giáo dục KDI tổ chức. Sự kiện này đồng thời là một hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập khoa Sư phạm Kỹ thuật.

PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: Với chủ đề “Nông nghiệp 4.0”, cuộc thi thử thách người tham gia trong việc lập trình robot để thực hiện các nhiệm vụ mô phỏng lại quá trình sản xuất nông nghiệp với sự hỗ trợ của robot.

Thông qua đó, giúp các em tìm hiểu, nâng cao kiến thức về giáo dục STEM, lập trình, robotics; rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết như tư duy sáng tạo, giao tiếp, hợp tác nhóm; áp dụng các trải nghiệm kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tế...Cuộc thi thu hút 56 đội thi đến từ 30 trường THCS, THPT khu vực phía Bắc.Chia sẻ thêm về cuộc thi, PGS.TS Lê Huy Hoàng - Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), Chủ biên Chương trình môn Công nghệ trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 – cho biết: Cuộc thi nhằm xây dựng sân chơi đổi mới sáng tạo cho học sinh, giáo viên tại các trường học, khơi dậy niềm đam mê Công nghệ, Khoa học, Kỹ thuật trong mỗi cá nhân.

Mỗi năm cuộc thi sẽ có một chủ đề khác nhau nhằm ứng dụng kiến thức robotics, tự động hóa để thực hiện các nhiệm vụ trên sa bàn. Điểm nhấn đặc biệt chỉ có riêng tại "HNUE – Sáng tạo Robot 2020" đó là các thí sinh tự do sáng tạo robot của mình bao gồm thiết kế cơ khí, lập trình chương trình và điều khiển tự động.Học sinh tham gia cuộc thi thực hiện lập trình robot để thực hiện các nhiệm vụ mô phỏng lại quá trình sản xuất nông nghiệp với sự hỗ trợ của robot.“Khái niệm giáo dục STEM trên thế giới đã không còn xa lạ. Tại Việt Nam, giáo dục STEM cũng đang bắt đầu được nhân rộng tại nhiều trường học ở nhiều tỉnh thành lớn. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục STEM rất được coi trọng.

Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn áp dụng giáo dục STEM vào chương trình phổ thông qua 3 hình thức: dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật.

Cuộc thi này hướng tới và thúc đẩy giáo dục STEM trong nhà trường với hình thức thứ 2 theo định hướng của Bộ GD&ĐT là hoạt động trải nghiệm; thúc đẩy sự hứng thú, giúp học sinh yêu thích môn học, từ đó có thể chủ động hơn trong lựa chọn nghề nghiệp sau này” – PGS Lê Huy Hoàng cho biết thêm.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức chọn ra 1 đội xuất sắc nhất để trao giải nhất, 1 đội giải nhì, 2 đội giải ba và 4 giải khuyến khích. Ngoài ra, cuộc thi cũng sẽ có các giải thưởng phụ, như giải phong cách thi đấu, giải pháp sáng tạo, tinh thần hợp tác, ngôi sao triển vọng.

Một số hình ảnh về cuộc thi:
 







 
(Hải Bình, Báo Giáo dục và Thời đại)