TTO - 7 đại học, trường đại học Việt Nam lọt vào tốp 2.500 đại học hàng đầu thế giới theo bảng của Tổ chức xếp hạng đại học thế giới qua thành tựu học thuật URAP. Hiện trên thế giới có khoảng 20.000 trường đại học.

ĐH Quốc gia Hà Nội đứng đầu trong bảng xếp hạng đại học hàng đầu tại Việt Nam, theo URAP - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tổ chức xếp hạng đại học thế giới qua thành tựu học thuật (University Ranking by Academic Performance - URAP) vừa công bố bảng xếp hạng các đại học hàng đầu thế giới.

Theo đó năm 2018-2019, có 2.500 đại học được bình chọn trong bảng xếp hạng này. Đứng đầu là Đại học Harvard (Mỹ), tiếp theo là Đại học Toronto (Canada), Đại học Oxford (Anh) và Đại học Stanford (Mỹ).

Việt Nam có 7 đại học được vào bảng xếp hạng này. Theo đó, ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp hạng 1.211 trên thế giới.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp thứ 2 ở Việt Nam, xếp hạng thứ 1.422 trên thế giới. Các thứ hạng tiếp theo là Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội xếp hạng 1.549, ĐH Quốc gia TP.HCM xếp hạng 1.550, Trường ĐH Y Hà Nội xếp hạng 2.061, ĐH Cần Thơ xếp hạng 2.285…

Các đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng

URAP là tổ chức xếp hạng thành lập năm 2010 bởi Đại học kỹ thuật Trung-Đông, một đại học công lập rất uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ, được Times Higher Education (THE), Anh quốc xếp hạng 601-800 thế giới.

Đơn vị phụ trách phân tích dữ liệu và thực hiện việc xếp hạng là Khoa trắc lượng thông tin thuộc đại học này, một khoa chuyên môn về khoa học dữ liệu.

Dữ liệu dùng để xếp hạng là cơ sở dữ liệu Web of Science (ISI, Clarivate); cơ sở dữ liệu khoa học hàng đầu thế giới. URAP phân tích nhiều tiêu chí khác nhau về thành tựu học thuật của các đại học; trong đó, tập trung vào 6 tiêu chí chính:

1. Số lượng công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao trong năm gần nhất: chiếm 21% tổng số điểm;

2. Số lượng trích dẫn của các công trình trên các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao trong 5 năm gần nhất: chiếm 21% tổng số điểm;

3. Tổng số lượng công trình nghiên cứu được công bố quốc tế trên ISI trong 5 năm gần nhất: chiếm 10% tổng số điểm;

4. Tỉ trọng công bố trong 23 chuyên ngành theo Web of Science so với mức trung bình của thế giới: chiếm 18% tổng số điểm;

5. Tỉ trọng công bố trong 23 chuyên ngành theo Web of Science và trích dẫn so với mức trung bình của thế giới: chiếm 15% tổng số điểm;

6. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học: chiếm 15% tổng số điểm.

Tốp 10 đại học hàng đầu thế giới theo URAP

Theo các chuyên gia, việc sử dụng cơ sở liệu khoa học uy tín hàng đầu thế giới (ISI), cách đánh giá khách quan bởi một tổ chức khoa học làm cho URAP đang trở thành một trong những bảng xếp hạng đại học tin cậy.

Theo TS Lê Văn Út - trưởng phòng quản lý phát triển khoa học và công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, URAP sử dụng bộ tiêu chí đánh giá khoa học và khách quan, chẳng những về số lượng công bố khoa học mà chất lượng các công trình khoa học cũng được đặt lên hàng đầu.

Bảng xếp hạng này không quan tâm đến hoạt động 'lấy phiếu tín nhiệm kín' với chuyên gia được lấy phiếu là ai hay tiêu chuẩn để chọn chuyên gia lấy phiếu như thế nào, liệu chuyên gia được chọn có am hiểu và ứng xử khách quan về đại học mà họ được mời đánh giá hay không… như cách làm của những bảng xếp hạng hiện hành khác trên thế giới.

Mỗi năm các tổ chức xếp hạng đại học thế giới lần lượt công bố danh sách những người đại học tốt nhất cho sinh viên toàn thế giới tham khảo. Mỗi tổ chức đánh giá theo bộ tiêu chí riêng, có trường giữ thứ hạng ổn định qua nhiều năm, có trường thay đổi liên tục.

Hiện nay, trên toàn thế giới có hơn 20.000 trường đại học. 

TRẦN HUỲNH

(Nguồn: Tuoitre.vn)