Hội thảo được tổ chức vào sáng ngày 25/10/2018 tại Hội trường K1, Trường ĐHSP Hà Nội. Hội thảo với mục đích công bố những kết quả nghiên cứu khoa học mới của cán bộ trẻ các Trường Đại học Sư phạm, góp phần tạo đà cho những công trình khoa học có giá trị, và để cán bộ trẻ các trường Sư phạm toàn quốc, từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy khác nhau có dịp gặp gỡ, trao đổi, hợp tác trong khoa học.
Đến dự Hội thảo có sự hiện diện của lãnh đạo các trường Đại học Sư phạm toàn quốc: PGS.TS Nguyễn Thị Hiên – Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng; PGS.TS Nguyễn Đình Luyện – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP – ĐH Huế; PGS.TS Võ Văn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP – ĐH Đà Nẵng; PGS.TS Mai Xuân Trường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP – ĐH Thái Nguyên; PGS.TS Nguyễn Tiến Công – Phó Bí thư Đảng ủy Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS Lê Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ; TS. Vũ Thị Phương Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam; GS.TS Đặng Văn Soa – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Đô; PGS.TS Nguyễn Đình Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn; PGS.TS Lê Văn Cương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương; PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Trung ương; TS. Phan Thị Tình – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương; TS. Đặng Quyết Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Kỹ thuật Nam Định; TS. Nguyễn Duy Quyết – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Thể dục thể thao Hà Nội cùng các thầy cô trưởng, phó các đơn vị, Bí thư Đoàn Thanh niên các trường.
Về phía Trung ương Đoàn, Thành Đoàn Hà Nội có sự hiện diện của đồng chí Chu Hồng Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội.
Về phía Trường ĐHSP Hà Nội có sự hiện diện của GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS Nguyễn Văn Thỏa – Bí thư Đoàn trường, các đồng chí lãnh đạo các khoa, phòng ban, các đơn vị trực thuộc Trường, Ban Chấp hành Đoàn trường, Bí thư các cơ sở Đoàn trực thuộc, các đồng chí trong Chi đoàn cán bộ trẻ, đoàn viên thanh niên Nhà trường.
Cùng toàn thể các tác giả có bài tham dự hội thảo đến từ các trường đại học sư phạm trên toàn quốc. Bên cạnh đó còn có các phóng viên của website Trung ương Đoàn, Báo Giáo dục và thời đại tham dự và đưa tin.
Hội thảo đã nhận được 149 bài viết của các tác giả là cán bộ trẻ từ hơn 20 trường Đại học có khối ngành Sư phạm trên toàn quốc. Những bài viết có chất lượng sau quá trình phản biện đã được đăng trong kỉ yếu Hội thảo, NXB Đại học Sư phạm.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cán bộ trẻ các trường ĐHSP toàn quốc lần thứ VII-2018
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nhấn mạnh vào những gì mà cán bộ trẻ đã và đang đạt được: “Một điểm nhấn trong năm vừa qua, những công bố trên các tạp chí đỉnh cao của thế giới (Science, Scientific Report – một nhánh của Nature) cũng có đóng góp của cán bộ trẻ các trường Sư phạm. Điều đó chứng tỏ rằng, cán bộ trẻ của các trường Sư phạm không chỉ có khả năng nghiên cứu trong khoa học giáo dục mà còn có khả năng nghiên cứu tốt trong các lĩnh vực khác và tiếp cận trình độ quốc tế”.
Thầy Hiệu trưởng trường ĐHSPHN cũng gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo các trường đã luôn tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, đặc biệt thông qua sự tham dự đông đủ của đại diện Ban Giám hiệu các trường Đại học Sư phạm ngày hôm nay.
Nhắn nhủ tới cán bộ trẻ, thầy nêu ra ba vấn đề.
Thứ nhất, “Việc nghiên cứu của chúng ta bắt đầu từ các chủ đề nhỏ bé, điều đó là đương nhiên khi bước vào con đường nghiên cứu. Nhưng chúng ta cần tư duy tổng thể, đặt vấn đề tổng quát và giải quyết từng mô đun trong mắt xích thì mới tạo nên các nghiên cứu tầm vóc, để không chìm đắm vào trong giấc mơ cỏn con, không lún sâu vào trong ma trận tiểu tiết”.
Thứ hai, “Nghiên cứu không thể tách rời thực tiễn. Giữa nghiên cứu và thực tiễn luôn có khoảng cách. Khoảng cách đó không phải là bất biến. Vấn đề là chúng ta có đủ thông minh để thu hẹp khoảng cách đó hay không mà thôi. Có những nghiên cứu để sớm ứng dụng, có những nghiên cứu để mở đường cho ứng dụng và có những nghiên cứu để khai sáng trong tư duy và đặt nền móng cho những đột phá về tư tưởng, về thế giới quan và nhân sinh quan hoặc khởi đầu cho những vấn đề mới lạ”.
Thứ ba, “Nghiên cứu khoa học là môi trường thử thách rất khắc nghiệt về tính trung thực, quả cảm, về tư duy phản biện và sự chấp nhận chân lý. Trong nghiên cứu không dung dưỡng cho các ý tưởng không lành mạnh và không có chỗ cho những ai bảo thủ. Đó là môi trường cho những người dám nói ra chính kiến của mình và sẵn sàng chấp nhận sự đúng đắn”.
Sự kì vọng của GS. TS Nguyễn Văn Minh đối với những nhà nghiên cứu trẻ, là cán bộ ở các trường Đại học Sư phạm, đó là “khát khao không bị dập tắt”,” “ý chí không bị bào mòn”. Đây là những “tiền đề quan trọng để tiến hành các nghiên cứu”.
GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo năm nay với chủ đề “Cán bộ trẻ với đổi mới giáo dục và cách mạng 4.0” đã thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ trẻ các trường đào tạo sư phạm, và một số trường có ngành đào tạo sư phạm trên toàn quốc. Điều này cho thấy sức hấp dẫn và chất lượng khoa học của Hội thảo.
Hội thảo lần này tập trung vào một số nội dung:
+ Về Khoa học Tự nhiên – Công nghệ: Tập trung vào các lĩnh vực mang tính ứng dụng như: nghiên cứu nâng cao hiệu suất pin mặt trời chấm lượng tử, tối ưu hóa các điều kiện phòng thí nghiệm để thúc đẩy quá trình sinh sản của cá ngựa vằn, dùng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử để xác định hàm lượng kẽm trong lá cây, đa dạng sinh học và các yếu tố tác động đến đa dạng sinh học, nghiên cứu phương trình nghiệm, và ứng dụng các phần mềm trong nghiên cứu khoa học tự nhiên…
+ Về Khoa học Xã hội và Nhân văn: Các báo cáo thể hiện xu hướng nghiên cứu so sánh liên ngành (văn học – điện ảnh – lịch sử - địa lý – văn hóa), so sánh giữa các nước (Việt Nam - Ấn độ - Myanmar - Singapore - Mỹ), so sánh giữa các thời kỳ, nhấn mạnh vào vấn đề gìn giữ, bảo tồn và cải biến văn hóa, xã hội phù hợp với thời đại mới, dưới góc nhìn mới.
+ Khoa học Giáo dục: Tập trung vào chủ đề giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 thể hiện qua việc nghiên cứu những ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp đối với giảng viên trẻ, với mục tiêu và phương thức giáo dục, đồng thời ứng dụng công nghệ, kỹ thuật dạy học tiên tiến vào giảng dạy các chuyên ngành. Một vấn đề nổi bật của mảng khoa học giáo dục lần này là việc các báo cáo quan tâm tới nhiều đối tượng giáo dục, trong đó bao gồm trẻ khuyết tật, trẻ có hội chứng tăng động giảm chú ý.
Như vậy, ngoài tính phong phú của chủ đề, các báo cáo đã tập trung vào các vấn đề thời sự, thức tiễn và khả thi và mang tính liên ngành. Điều đó cũng minh chứng hàm lượng khoa học và ý nghĩa của Hội thảo.
Tại Hội thảo, GS. TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội tặng cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia hội thảo và trao cờ luân lưu cho PGS.TS Nguyễn Đình Luyện – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP – ĐH Huế là đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo Khoa học Cán bộ trẻ các trường ĐHSP toàn quốc lần thứ VIII – 2020.
GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội tặng cờ lưu niệm các đoàn tham gia Hội thảo
GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội trao cờ luân lưu cho PGS.TS Nguyễn Đình Luyện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP-ĐH Huế, đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo Khoa học Cán bộ trẻ các trường ĐHSP toàn quốc lần thứ VIII
Tiếp theo chương trình, tại phiên toàn thể là hai bài trình bày của PGS. TS Nguyễn Văn Biên - Phó chủ nhiệm khoa Vật lý về Một số hướng nghiên cứu về giáo dục STEM, và TS. Ngô Tuấn Cường, là đồng tác giả của nghiên cứu về Sự phát quang của cụm nguyên tử bạc, đăng trên tạp chí Science, Mỹ, nằm trong số các tạp chí khoa học hàng đầu. TS. Ngô Tuấn Cường trao đổi với hội thảo về bài báo: “Theoretical investigation of optical absorption and emission of oligoatomic silver clusters embedded inside the LTA zeolite cavity” và chia sẻ quá trình đăng bài quốc tế.
PGS. TS Nguyễn Văn Biên trình bày về định hướng giáo dục STEM trong giáo dục hiện nay
TS. Ngô Tuấn Cường trao đổi về phương pháp nghiên cứu khoa học và quá trình đăng bài quốc tế
Sau hai bài trình bày, Hội thảo được chia 3 tiểu ban, các báo cáo được trình bày tại Hội thảo cụ thể như sau:
1. Ban Khoa học tự nhiên – công nghệ:
1. |
A Pfaffian formula for the monomer – dimer model on surface graphs Phạm Anh Minh – Trường ĐHSP Hà Nội |
2. |
A survey on nonclassical diffusion equations in bounded domains: Existence, uniqueness and asymptotic behavior of solutions Nguyễn Dương Toàn – Trường ĐH Hải Phòng |
3. |
Nghiên cứu xác định tạp chất bằng ICP-MS sau khi tách nền Zr(IV) bằng chiết dung môi với PC88A-Toluen Chu Mạnh Nhương, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Đạt Sơn Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên |
4. |
Alimentary tract morphology and temporal variation of Clark of the mudskipper Periophthalmodon septemraidatus along the Hau River Đinh Minh Quang – Trường ĐH Cần Thơ |
Một số hình ảnh của tiểu ban Khoa học tự nhiên - công nghệ
Tiểu ban đã đi đến kết luận: Hội thảo đã trình bày những đề tài rất thiết thực, trong đó có: nghiên cứu sẽ có ứng dụng rất lớn cho khoa học máy tính, tinh chế Zr để làm vật liệu, những nghiên cứu về phương trình không cổ điển, và nghiên cứu có ý nghĩa trong đánh giá, định giá về loài.
2. Ban Khoa học xã hội và nhân văn:
1.
|
Chính sách của chính quyền Chúa Nguyễn đối với người Nhật Bản và hoạt động thương mại của thương nhân Nhật Bản ở đàng trong thế kỷ XVI –XVIII Nguyễn Thị Ngọc Thảo – Trường ĐHSP Hà Nội 2 |
2. |
Tổng quan các hướng tiếp cận chính trong can thiệp giao tiếp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ Nguyễn Nữ Tâm An, Hoàng Thị Lệ Quyên, Đỗ Thị Thơm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội |
3. |
Nghệ thuật thể hiện đất và người phương Nam trong truyện, ký của một số nhà văn Nam Bộ giai đoạn 1954 – 1975 Nguyễn Ngọc Phú – Trường ĐH Đồng Tháp |
4. |
Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học ở nước ta hiện nay trước ảnh hưởng của cách mạng Công nghiệp 4.0 Lương Thị Huyền Trang – Trường ĐH Hải Phòng |
Tiểu ban đã đi đến kết luận: Chính những hình dung về lộ trình khoa học lâu dài là điều quan trọng. Tiểu ban đã chỉ ra sự xuất hiện của những nhóm nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng, xuất hiện những kết quả nghiên cứu dài hơi, tạo được những ảnh hưởng tốt đến cộng đồng nghiên cứu ở các trường đại học. Các nghiên cứu đều gắn với thực tiễn, gợi ý những vấn đề mới trong cuộc sống hiện tại, trả lời những câu hỏi của xã hội hiện tại.
3. Ban Khoa học Giáo dục:
1. |
Xây dựng mô hình lớp học trên nền tảng Internet kết nối vạn vật (IOT) đáp ứng yêu cầu dạy học trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 Hà Văn Thắng, Lê Chân Đức, Tạ Chí Thanh Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh |
2. |
Xây dựng chiến lược thương hiệu của các trường phổ thông Vũ Thị Mai Hường - Trường ĐHSP Hà Nội |
3. |
Các mức độ tích hợp kiến thức trong dạy học lịch sử ở Trường Trung học phổ thông hiện nay Trương Trung Phương - Trường Đại học Sư phạm – ĐH Đà Nẵng |
4. |
“Bối cảnh đọc” và việc phát triển năng lực cho học sinh trong môn Ngữ văn Đoàn Thị Thanh Huyền – Trường ĐHSP Hà Nội |
Một số hình ảnh của tiểu ban Khoa học giáo dục
Tiểu ban đã đi đến kết luận: Buổi hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu trẻ có cơ hội trao đổi và học hỏi lẫn nhau, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đặc biệt là các nghiên cứu khoa học giáo dục. Hy vọng những nghiên cứu tiếp theo sẽ được triển khai theo hướng tăng cường nghiên cứu thực chứng để bắt kịp các xu thế hiện nay và hướng tới hội nhập quốc tế.
Tại các tiểu ban, bên cạnh các báo cáo trình bày, Hội thảo cũng đã đón nhận được nhiều ý kiến phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều nhà khoa học và các cán bộ trẻ các trường đại học trên toàn quốc. Điều này làm nên sự đa dạng trong góc nhìn và tri thức và góp phần vào thành công chung của hội thảo.
Hội thảo kết thúc trong không khí sôi nổi và tràn đầy tin tưởng vào lúc 12h00 cùng ngày.
Theo chương trình Hội thảo, buổi chiều các đại biểu có chuyến thăm quan Văn Miếu Quốc Tử Giám và thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Những gì mà hội thảo khoa học cán bộ trẻ có thể mang lại cho những người tham dự, đúng như GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đã khẳng định: “Dư âm sau một hội thảo là sự kết nối trong tương lai”.
ĐOÀN THANH NIÊN ĐHSP HÀ NỘI