GD&TĐ - Đây là thông tin từ NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ biên Sách giáo khoa Công nghệ cấp THPT hiện hành, giảng viên cao cấp khoa Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Văn Khôi trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại: Theo thông tin mà tôi được biết, cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấp phép đào tạo ngành Sư phạm Công nghệ cho các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Đồng tháp, ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Tuy nhiên, số cơ sở đào tạo ngành Sư phạm công nghệ như trên theo tôi còn ít, khó đáp ứng được nhu cầu giáo viên công nghệ của các cơ sở giáo dục phổ thông hiện tại và khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, về lâu dài, cần có thêm nhiều trường sư phạm tham gia đào tạo giáo viên công nghệ.

- Ông đánh giá thế nào về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa bổ sung ngành đào tạo giáo viên Sư phạm công nghệ, ban hành theo thông tư 24/2017/TT-BGDĐT, ngày 10 tháng 10 năm 2017?

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa bổ sung ngành đào tạo giáo viên Sư phạm công nghệ là cần thiết vì trong danh mục giáo dục và đào tạo cấp 4 trình độ đại học trước đó không có ngành đào tạo giáo viên Sư phạm công nghệ (mà chỉ có các ngành đào tạo giáo viên Sư phạm kỹ thuật công nghiệp và Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp); trong khi đó chương trình giáo dục phổ thông môn Công nghệ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và thực hiện từ năm 2006.

Tôi đánh giá đây là việc làm có ý nghĩa trong việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên công nghệ cho chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được ban hành.

- Hỗ trợ thúc đẩy giáo dục STEM, môn Công nghệ ở phổ thông ngày càng có vai trò quan trọng. Ông đánh giá về mức độ đáp ứng của đội ngũ giáo viên công nghệ phổ thông và có lời khuyên gì cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục phổ thông khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới?

Cùng với Toán học, Khoa học, Tin học, môn Công nghệ ở phổ thông thúc đẩy giáo dục STEM và ngày càng có vai trò quan trọng trong tổng thể chương trình giáo dục phổ thông, chuẩn bị nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đội ngũ giáo viên công nghệ phổ thông hiện nay hầu hết được đào tạo theo chuyên ngành hẹp (công nghiệp hoặc nông nghiệp) hoặc không được đào tạo đúng chuyên môn, nên còn hạn chế về khả năng dạy học tích hợp, theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Những năm vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng các năng lực trên cho giáo viên và việc này vẫn cần phải tiếp tục bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn.

Dưới góc độ môn Công nghệ, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, lãnh đạo các cơ sở giáo dục phổ thông cần chủ động trong quản lý và phát triển nguồn nhân lực của nhà trường, chấm dứt tình trạng phân công giáo viên không đúng chuyên môn dạy Công nghệ.

Nhà trường cũng có thể liên kết với các cơ sở giáo dục phổ thông lân cận để khai thác nguồn nhân lực và các điều kiện của nhau. Và đương nhiên, các trường Đại học Sư phạm cũng phải chủ động và năng động phối kết hợp với các cơ sở giáo dục phổ thông trong đào tạo giáo viên mới, đào tạo lại cũng như bồi dưỡng đôi ngũ giáo viên hiện hành, để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

- Được biết, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là đơn vị có truyền thống và bề dày thành tích gần 50 năm trong đào tạo giáo viên Kỹ thuật, Công nghệ. Ông có thể cho biết, sự chuẩn bị của nhà trường cho tuyển sinh ngành Sư phạm công nghệ như thế nào?

Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, việc chuẩn bị cho tuyển sinh ngành Sư phạm công nghệ được tiến hành từ năm 2013 khi nhà trường chỉ đạo khoa Sư phạm kỹ thuật điều chỉnh chương trình ngành đào tạo giáo viên Sư phạm kỹ thuật công nghiệp theo hướng đào tạo giáo viên giảng dạy được toàn bộ nội dung môn Công nghệ ở trường trung học phổ thông theo chương trình năm 2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để đạt được mục tiêu này, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đầu tư nhân lực và cơ sở vật chất cho khoa Sư phạm kỹ thuật. Mặt khác, nhà trường cũng đã chủ động nghiên cứu, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng vừa đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông môn Công nghệ hiện hành, vừa đón đầu các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông môn Công nghệ mới.

Đáp ứng nhu cầu xã hội, năm nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân bổ tới 90 chỉ tiêu cho ngành Sư phạm công nghệ. Chỉ tiêu tuyển sinh này được xác định trên cơ sở nhu cầu địa phương về giáo viên trong giai đoạn tới.

- Xin cảm ơn ông!

Hiếu Nguyễn

Theo báo Giáo dục và Thời đại